Những
ngày qua, khi toàn xã hội chung tay góp sức giúp người dân các tỉnh phía Bắc
khắc phục hậu quả bão, lũ thì trên không gian mạng, các thế lực thù địch, tổ
chức phản động lưu vong, các phần tử bất mãn, cơ hội lại tiếp tục lợi dụng tình
hình này để đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ, phá hoại.
Những thông tin xuyên tạc
trên không gian mạng.
Ngay
sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Việt Nam gây nên những thiệt hại to
lớn về người và của; đồng thời, hoàn lưu bão gây sạt lở đất, lũ lụt diện rộng ở
nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết
liệt của Đảng, Nhà nước và các địa phương trong việc ứng phó nhằm giảm tối đa
thiệt hại về người và của thì trên không gian mạng lại có những tiếng nói xuyên
tạc, lạc lõng.
Có
thể kể đến một số trang tin như: Việt Tân, VOA Tiếng Việt, RFA... đã ra sức
đăng tải những thông tin sai trái, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam
không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ, bỏ mặc Nhân dân tự chống chọi
với thiên tai. Họ vu cáo với các luận điệu như: “Đừng trông chờ gì Đảng, Nhà
nước Việt Nam hỗ trợ người dân sau bão Yagi”; “Các nhóm lợi ích và sau lưng
những kẻ bảo kê cho nhóm lợi ích chỉ nghĩ đến tiền thôi, họ không màng đến sự
sống của người dân”; “Phải chi Nhà nước dùng ngân sách bảo vệ dân bằng một phần
nhỏ ngân sách để bảo vệ Đảng, có lẽ nhiều người dân đã được cứu”…
Họ
mỉa mai rằng, chỉ có dân cứu dân khi hoạn nạn, dân không thể kêu cứu chính
quyền mà chỉ có thể nhờ ai đó giúp mình; rằng “tuyên truyền thì ngạo nghễ, thực
tế thì ngao ngán”! Thậm chí, một số trường hợp còn đưa những hình ảnh không
chính xác rồi miệt thị đó là ảnh “biểu diễn” cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ nhằm
“lừa mị dân”… Các tổ chức phản động lưu vong lợi dụng việc bão lớn làm đổ nhiều
cây xanh, cột điện, hỏng nhiều đường sá, cầu cống rồi cố tình chọn đăng một vài
hình ảnh cây mới trồng không có nhiều rễ, cột điện có ít lõi sắt (cả ảnh thật
và ảnh cắt ghép, ảnh không rõ nguồn gốc và thời điểm chụp) rồi từ việc phê phán
chính quyền thiếu trách nhiệm, tham nhũng, tắc trách để quy chụp “cây xanh dưới
cơ chế của đảng thì phải chấp nhận vậy thôi”!
Bên
cạnh đó, trong khi Đảng, Nhà nước và các địa phương, lực lượng chức năng cùng
quân dân miền Bắc đang gồng mình ứng phó với trận bão, lũ lịch sử, huy động tối
đa các nguồn lực để phòng, chống và giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả; trong
khi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đồng bào cả nước đang hướng về
miền Bắc, tích cực ủng hộ, giúp đỡ người dân ở những vùng gặp nạn thì trên mạng
xã hội lại có những hình ảnh, bài viết thông tin sai sự thật, nhất là thông tin
sai về việc vỡ đập, vỡ đê, ngập lụt, sạt lở... dẫn đến người dân hoang mang. Không
chỉ xuất hiện tin giả, tin sai lệch về bão số 3, một số đối tượng còn lợi dụng
thiệt hại do bão gây ra để kêu gọi ủng hộ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các
đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống kêu
gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm
đoạt… Những hành vi này vừa gây nhiễu loạn trong dư luận, vừa tạo cớ để các thế
lực xấu lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong thiên tai, hoạn
nạn.
Những
thông tin xuyên tạc, thông tin mang tính quy kết “gắp lửa bỏ tay người” của các
thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong, các phần tử bất mãn nói
trên đi ngược với cộng đồng, gây nên sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Từ
việc hướng lái dư luận hiểu sai lệch, cho rằng Đảng, Nhà nước không quan tâm
đến đời sống dân sinh, bỏ mặc người dân trong tình cảnh khốn khó, âm mưu của
các đối tượng nhằm gây chia rẽ giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền, chia rẽ
giữa lực lượng vũ trang và nhân dân, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ, kích động
chống đối từ bên trong.
Thực tiễn công tác phòng,
chống thiên tai bão lũ - minh chứng phản bác mọi luận điệu xuyên tạc.
Thiên
tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó
lường, hậu quả thiên tai gây ra là không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ có thể
nắm bắt tình hình, dự báo sớm để chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất hậu quả
xảy ra và nỗ lực khắc phục thiệt hại. Trong thực tế, chúng ta đã rất chủ động
đối phó với cơn bão ngay từ sớm. Thủ tướng đã ban hành các công điện chỉ đạo
các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp cấp bách chủ động ứng
phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, đồng thời phân công các
thành viên Chính phủ, các cơ quan chức năng kiểm tra việc ứng phó, lập Ban chỉ
đạo tiền phương để kịp thời chỉ đạo xử lý các tình huống đặt ra trước, trong và
sau khi bão đổ bộ. Toàn dân tộc đã phát huy tinh thần đại đoàn kết, đồng lòng,
chung tay giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn.
Để
phòng, chống bão số 3, Bộ Công an đã huy động hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ
của Công an 35 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, giúp đỡ Nhân dân chằng chống nhà
cửa, tuyên truyền, vận động Nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn, sơ tán gần
53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi
an toàn. Phối hợp Bộ đội Biên phòng kiểm đếm, hướng dẫn hơn 51.000 tàu cá, gần
220.000 người về nơi tránh trú an toàn; bố trí các trang thiết bị, phương tiện
phục vụ công tác phòng chống bão.
Theo báo cáo của Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu
Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đội đã huy động hơn 450 nghìn lượt cán bộ,
chiến sĩ và hơn 10.000 phương tiện ứng phó siêu bão số 3. Trước khi bão đổ bộ,
các đơn vị Quân đội đã nhanh chóng có mặt tại những nơi nguy hiểm, xung yếu hỗ
trợ chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ. Trong
những ngày xảy ra mưa lũ trên diện rộng, Công an các địa phương phía Bắc tập
trung hỗ trợ sơ tán người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm, tham gia gia cố đê kè
ngăn lũ, trực tiếp tuần tra, đưa người bị mắc kẹt trong lũ đến nơi an toàn, đưa
người bị nạn đi cấp cứu.
Hậu
bão số 3 đã gây ra lũ quét, lũ lụt diện rộng cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc
với nhiều thiệt hại về người và của. Để ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt
lở đất, lũ ống, lũ quét, giúp đỡ Nhân dân nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc
sống, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, đảm bảo an ninh trật tự,
thực hiện hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Công an đã khẩn trương
huy động tối đa lực lượng, phương tiện ở nhiều đơn vị, địa phương. Công an các
tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng… huy động toàn lực lượng
từ cấp tỉnh tới cấp xã sử dụng các phương tiện tiếp cận, di chuyển toàn bộ
người và tài sản trong vùng có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng tới nơi tránh trú.
Đã
có nhiều tấm gương anh dũng trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó có cán bộ đã hy
sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản cho Nhân dân, đó là Thượng úy Nguyễn Đình
Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn
Công binh 513, Quân khu 3; Trung tá Trần Quốc Hoàng (sinh năm 1987), cán bộ
Trại giam Quảng Ninh. Đặc biệt là sau khi xảy ra tai nạn sập cầu Phong Châu và
trận lũ quét kinh hoàng làm hơn 100 người bị vùi lấp ở bản Làng Nủ, Lào Cai,
hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an địa phương và CSCĐ thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ
cùng một số đơn vị Quân đội đã đến hiện trường tiến hành cứu nạn, cứu hộ với
quyết tâm, nỗ lực cao nhất.
Trong
bão tố, người Việt không chỉ cùng nhau vượt qua những thử thách mà còn thể hiện
rõ nét tinh thần tương thân tương ái. Những căn nhà trống mở cửa đón người trú
bão, những dòng xe tải chậm rãi che chắn cho xe máy hay những người lặng lẽ
chia sẻ đồ ăn, thức uống - tất cả đã tạo nên một bức tranh đẹp về lòng nhân ái
giữa thiên tai. Hình ảnh lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng khác cùng
dân chống bão; nhiều người dân hỗ trợ nhau vượt qua thiên tai, khắc phục thiên
tai trong những ngày qua thêm lần nữa cho thấy sự quý giá của tình quân dân,
nghĩa đồng bào.
Có
thể thấy trong bão lũ, những nghĩa cử cao đẹp được trao đi để cùng nhau vượt
qua gian khó. Đó là tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam.
Những nghĩa cử đẹp trong cộng đồng hướng về nơi chịu thiệt hại về thiên tai đã
cho thấy niềm tin về lòng tốt, sự sẻ chia, là trách nhiệm và ý thức công dân
của con người trong xã hội vẫn luôn tỏa sáng và hơn thế, chính sự ấm áp, những
nghĩa cử cao đẹp đã đưa con người xích lại gần nhau hơn, cho thấy một Việt Nam
đoàn kết, sáng ngời tấm lòng sẻ chia. Các giá trị đó đã làm nên cốt cách và bản
sắc văn hóa, là nền móng, sức mạnh nội sinh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi
khó khăn, thử thách. Ngày nay, đoàn kết, tương thân, tương ái vẫn là yếu tố
quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh, đạt được nhiều thành
tựu mới.
Hình
ảnh những cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội cùng các lực lượng dầm mình trong
mưa gió để cứu nạn, cứu hộ, trắng đêm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản
của Nhân dân là hình ảnh thân thuộc, ở mỗi bản làng, khu phố trong thiên tai,
bão lụt. Đó là minh chứng sinh động của tinh thần “vì nước quên thân, vì dân
phục vụ”, phủ nhận mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động./.