Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Thực tiễn đổi mới của Việt Nam khẳng định giá trị, sức sống đường lối chính trị của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam là ngọn cờ tập hợp và dẫn dắt dân tộc ta vững bước đi theo con đường đã chọn: Độc lập dân tộc và CNXH, thể hiện sự vững vàng về lập trường, quan điểm, về phương hướng, đường lối chính trị đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, trung thành một cách sáng tạo với lý tưởng, mục tiêu XHCN của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tầm vóc cách mạng của đường lối đổi mới

Năm 1986, cải tổ diễn ra ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Cũng thời điểm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới với quyết định lịch sử từ Đại hội VI của Đảng. Đón kịp và tận dụng thời cơ, dũng cảm vượt qua thách thức, đó là quyết định đúng đắn, sáng suốt và bản lĩnh của Đảng ta trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp và tình hình trong nước lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế-xã hội.

Cải tổ thất bại do mất phương hướng chính trị và vấp phải những sai lầm về nguyên tắc, quan điểm, đường lối và chính sách, vì thế chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Hệ thống XHCN thế giới tan rã. CNXH và phong trào cách mạng lâm vào thoái trào, dù là tạm thời. Trật tự thế giới thay đổi. Lịch sử ở trong một khúc quanh đầy thử thách. Các thế lực thù địch, chống cộng, chống CNXH với những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc tinh vi, thâm độc và áp dụng những thủ đoạn phá hoại trắng trợn đã không ngớt rêu rao về “sự cáo chung của ý thức hệ cộng sản” (Chủ nghĩa Mác-Lênin), về sự “kết thúc CNXH”; rằng, lựa chọn CNXH là một sai lầm, là đi vào ngõ cụt, bế tắc, dẫn đến nghèo khổ, lạc hậu, chỉ có đi theo còn đường và mô hình phương Tây mới đem lại tự do, văn minh, sự giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc (!).

Trong những năm đầu đổi mới, các nước phương Tây vẫn tiếp tục bao vây, cấm vận Việt Nam, kích động các phần tử bất mãn, chống đối tấn công vào sự lãnh đạo cầm quyền của Đảng ta. Chúng ra sức cổ xúy cho chủ nghĩa tự do mới, kinh tế thị trường tự do, đa nguyên, đa đảng, coi đó là cần thiết để có dân chủ, tự do. Chúng toan tính rằng, muốn xóa bỏ CNXH và Đảng Cộng sản Việt Nam thì bằng mọi cách phải hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, reo rắc hoài nghi trong các tầng lớp dân chúng, nhất là đối tượng thanh niên, trí thức, văn nghệ sĩ, làm xói mòn niềm tin ý thức hệ, đi theo lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền và các lợi ích vật chất, kích động chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đó là những độc tố có sức phá hủy từ bên trong để chính chúng ta tập nhiễm thì sẽ tự phá hủy cơ đồ sự nghiệp của mình.

Cùng với sớm nhận rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nguy hại của các thế lực thù địch, phản động để giữ vững thế chủ động trong cuộc chiến không có tiếng súng này, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lần đầu tiên Đảng đã thẳng thắn nêu ra 27 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đề ra hàng loạt giải pháp nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững phương hướng chính trị, không phạm sai lầm về quan điểm, đường lối để đưa phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên.

Kiên trì, kiên định bảo vệ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 2: Thực tiễn đổi mới của Việt Nam khẳng định giá trị, sức sống đường lối chính trị của Đảng

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh minh họa / TTXVN

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền một cách chính danh, chính đáng và xứng đáng với ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, bằng trí tuệ khoa học được vũ trang bởi lý luận tiên phong của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi kinh nghiệm phong phú tích lũy được trong lịch sử đấu tranh cách mạng, bởi bản lĩnh chính trị được tôi luyện từ thực tiễn và nhất là có sự gắn bó máu thịt với nhân dân, có sức mạnh từ lòng dân. Theo đúng bí quyết của Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: Được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ thì cách mạng sẽ thành công. 

Tiến hành đổi mới, Đảng ta cân nhắc tỉnh táo, sáng suốt khi xác định tiền đề, điều kiện tiên quyết để đổi mới là ổn định chính trị-xã hội. Đó là ổn định tích cực, đem lại lợi ích cho dân, trước hết là lợi ích kinh tế. Dân cảm nhận và dân thụ hưởng trực tiếp lợi ích đó bằng việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống, từ đó dân ủng hộ và đồng hành với Đảng, cùng đổi mới. Mất ổn định, xã hội rối loạn, lòng dân không yên thì không một chương trình đổi mới nào có thể thực hiện được.

Từ nhận thức đó, Đảng lựa chọn mắt xích xung yếu là kinh tế, phải tập trung đổi mới kinh tế, phát triển sản xuất, khắc phục lạm phát đang “phi mã” (hơn 770%) để từng bước ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng. Phải trên cơ sở đổi mới kinh tế có hiệu quả, có thành công bước đầu để dân tin mà đổi mới chính trị, trước hết là hệ thống chính trị một cách thận trọng, có nguyên tắc. Từ thực tiễn đổi mới đã xuất hiện những tín hiệu thành công, sau này Đảng ta nhấn mạnh, đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị.

Hai đột phá lớn của Đảng ta về lý luận và thực tiễn là phát triển kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền. Đó là thành tựu chung của nhân loại đạt được trong thời đại tư sản chứ không phải của riêng giai cấp tư sản. Đó là đòi hỏi tất yếu để phát triển, là động lực để giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất. Đó cũng là tác nhân kinh tế và chính trị cần thiết để xây dựng nền dân chủ hiện đại mà CNXH có thể và cần phải áp dụng, nhất là những nước quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Đây là trù tính chính xác của Đảng về nhận thức lý luận và quyết sách chính trị của Đảng ta.

Một trong những thành công nổi bật của đổi mới ở nước ta là giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội, dù phải mất một thập kỷ (1986-1996), không để xảy ra khủng hoảng chính trị, khi đi vào đổi mới hệ thống chính trị và chính trị nói chung mà nhiều nước đã vấp phải, kết cục là đổ vỡ thể chế, đảng mất vai trò cầm quyền. Đảng ta đi tiên phong trong đổi mới, tự ý thức được yêu cầu hệ trọng, phải đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để thúc đẩy đổi mới toàn xã hội.

Đảng ta đã sớm nhận thức và hành động theo yêu cầu đó. Lãnh đạo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, thực hiện dân chủ hóa xã hội, có nhà nước pháp quyền đặt ra cho Đảng ta yêu cầu phải nhận thức và hành động đúng quy luật, ở đây là các quy luật của kinh tế thị trường, lại duy nhất một đảng cầm quyền nên phải bảo đảm phát huy dân chủ, phải xử lý mọi vấn đề trong lãnh đạo, cầm quyền sao cho hợp hiến, hợp pháp, không vi hiến mà trái lại còn tuân thủ pháp luật, tôn trọng nhà nước và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, chủ trương xây dựng cơ chế bảo hiến, chú trọng kiểm soát quyền lực, không để quyền lực do dân ủy thác bị tha hóa.

Hai lĩnh vực rường cột của phát triển đất nước là kinh tế và chính trị. Đảng ta đã đạt được phát kiến lớn là kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, khẳng định quyền lực tập trung thống nhất ở nhân dân, không phân chia quyền lực theo “tam quyền phân lập”, thực hiện phân công và phối hợp giữa các thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp để thực hiện sự ủy quyền của dân và phục vụ quyền và lợi ích của nhân dân. 

Cương lĩnh 1991 và cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng thực sự là ngọn cờ tập hợp và dẫn dắt dân tộc ta vững bước đi theo con đường đã chọn: Độc lập dân tộc và CNXH, thể hiện sự vững vàng về lập trường, quan điểm, về phương hướng, đường lối chính trị đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, trung thành một cách sáng tạo với lý tưởng, mục tiêu XHCN của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, đổi mới của Việt Nam thực sự mang tầm vóc của một cuộc cách mạng.

Giá trị bền vững của hệ tư tưởng của Đảng

Kẻ thù của những người cách mạng, của các đảng chân chính cách mạng thường kích động xã hội, thậm chí dùng cả những thủ đoạn mị dân khi cho rằng Chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, cách xa thời nay hàng thế kỷ, không còn phù hợp trong xã hội mà dòng chảy thông tin đang cuồn cuộn như bão táp. Chủ nghĩa tư bản hiện đại đã khác xa với những điều phê phán, phủ định của Mác-Ăngghen. Chủ nghĩa Lênin cũng không còn giá trị khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng từ đó mà hết vai trò vì cũng chỉ là bản sao từ Mác-Lênin.

Đó là những đánh giá võ đoán, chủ quan, những suy diễn hời hợt ẩn giấu những tâm địa đen tối, chỉ cổ vũ cho những kẻ chống đối và lừa bịp được một số người kém hiểu biết. Về thực chất, đó là sự xuyên tạc lịch sử và xúc phạm văn hóa nhân loại, bởi Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh là đại biểu cho tinh hoa trí tuệ của thời đại mình, là những lãnh tụ kiệt xuất và danh nhân văn hóa đã khai sáng, khai trí, khai tâm cho loài người tiến bộ, cho các dân tộc đấu tranh để thực hiện những giá trị cao quý, tôn vinh phẩm giá con người, hướng cuộc đời tới chân-thiện-mỹ.

Chủ nghĩa Mác-Lênin với hệ thống các giá trị bền vững mãi mãi còn tỏa sáng, soi đường đi cho nhân loại trong cuộc hành trình từ “vương quốc của tất yếu đến vương quốc của tự do”. Luận điểm của Mác-Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (năm 1848) nói rằng, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” chính là khẳng định bản chất nhân văn của CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Lênin không chỉ đề xướng Chính sách kinh tế mới (NEP), trở thành nhà cách tân vĩ đại đầu tiên của CNXH hiện thực trong lịch sử mà còn đưa ra dự báo đầy tính hiện đại rằng, sớm muộn, trước sau thì tất cả các dân tộc sẽ đi tới CNXH. Bản chất quốc tế của CNXH vẫn bao hàm những đặc điểm lịch sử, văn hóa, những sắc thái riêng của từng dân tộc. Điều đó có nghĩa là, bản chất, mục tiêu của CNXH là một cái chung phổ biến, những con đường và mô hình xây dựng CNXH là phong phú, đa dạng. Đó là văn hóa thống nhất, bao hàm những khác biệt.

Hồ Chí Minh từ thực tiễn Việt Nam gắn liền với thực tiễn thế giới, đã từng xác định, xây dựng CNXH là xây dựng một xã hội văn hóa cao, thấm nhuần quan điểm phát triển, sao cho “đời sống vật chất ngày càng tăng, đời sống tinh thần ngày một tốt, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ”.

Bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn đó của Chủ nghĩa Mác-Lênin, CNXH khoa học đã từng được đề cập trong di sản tư tưởng của các nhà kinh điển mác xít. Đặc biệt là Hồ Chí Minh, người suốt đời phấn đấu cho Tổ quốc, dân tộc, nhân dân và nhân loại, theo đuổi đến cùng hệ giá trị Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.

Đổi mới của Việt Nam với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đem lại lợi ích thiết thân cho mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng, mà còn củng cố niềm tin và tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đổi mới của Việt Nam được dư luận quốc tế và thế giới đánh giá cao. Đó là sự trung thực, xác tín của lịch sử về giá trị, sức sống của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ thực tiễn, kinh nghiệm và bài học của Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế.

Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh “Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Đó thực sự là một khái quát lý luận của Đảng, là thông điệp phát triển, là đường lối, chính sách phát triển mà Đảng ta đã truyền tới đông đảo nhân dân ta và bạn bè, đối tác trên thế giới, tràn đầy niềm tin và hy vọng./.

ST.

Sự phát triển lý luận chính trị và bản lĩnh sáng tạo của đảng chân chính cách mạng

Hơn 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng hành và lãnh đạo dân tộc, nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để làm nên những chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến và những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Điều đó có cội nguồn sâu xa từ nền tảng lý luận khoa học, cách mạng, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng ta ra đời trong “bão tố” cách mạng và không ngừng lớn mạnh

Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta là một đảng chân chính cách mạng. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết và đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình. Từ đây, Đảng ta chính thức ở vào vị thế đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Từ khi có Đảng, lịch sử dân tộc gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng. Kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi với đỉnh cao là Điện Biên Phủ, Việt Bắc lại tiếp đến sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn.

Vào năm 1960, khi Đảng ta tròn 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta là con nòi của giai cấp công nhân”, “lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đảng không có mục đích tự thân, Đảng ra đời, hoạt động chỉ vì dân, vì nước, vì độc lập, tự do và CNXH. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng vì dân nên dân theo Đảng, trọn lòng tin yêu Đảng, tự hào gọi Đảng là Đảng ta, Đảng mình. Cội nguồn sâu xa làm nên sức mạnh của Đảng và cách mạng Việt Nam chính là sức mạnh của lòng dân-cơ sở xã hội quan trọng nhất của Đảng. 

Kiên trì, kiên định bảo vệ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam-Bài 1: Sự phát triển lý luận chính trị và bản lĩnh sáng tạo của đảng chân chính cách mạng

Đảng ta ra đời trong “bão tố” cách mạng và không ngừng lớn mạnh. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Công cuộc đổi mới với đường lối đổi mới được Đảng khởi xướng tại Đại hội VI (tháng 12-1986) là một mốc son mới trong lịch sử biên niên của Đảng. Đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã đi qua một chặng đường gần 40 năm với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. “Ý Đảng-lòng dân-phép nước” quyện chặt làm một, bằng sức mạnh giải phóng, bằng sức mạnh phát triển theo đúng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng làm hồi sinh đất nước và chấn hưng dân tộc để chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay!

Sự trưởng thành về nhận thức lý luận của Đảng

Đổi mới ở Việt Nam là đổi mới theo định hướng XHCN. Đó là đổi mới có nguyên tắc, có bước đi phù hợp được dẫn dắt bởi phương hướng chính trị đúng đắn và phương pháp sáng tạo.

Ngay trong những năm đầu đổi mới, giữa bối cảnh quốc tế phức tạp và tình hình trong nước hết sức khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng giữa thập niên 1980, đời sống nhân dân rất khó khăn, niềm tin của một bộ phận nhân dân giảm sút, Đảng ta đã ra sức tận dụng thời cơ, dũng cảm đương đầu với thách thức để bình tĩnh vượt qua. Phải chủ động đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ để thay đổi cách làm.

Đảng ta nhấn mạnh, trước hết phải đổi mới tư duy kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, mệnh lệnh hành chính trong điều hành, quản lý nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, từng bước thử nghiệm và áp dụng cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Phương thức phân phối theo kiểu bao cấp, bình quân đã làm suy giảm và triệt tiêu động lực phát triển mà cũng không phù hợp với nguyên lý công bằng xã hội đã được khắc phục bằng cơ chế thị trường, tuân theo quy luật giá trị và cạnh tranh, tôn trọng lợi ích cá nhân của người lao động, thực hiện hài hòa các quan hệ lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội.

Cùng với giải phóng sức sản xuất (lực lượng sản xuất), Đảng ta ngay những năm đầu đổi mới đã chú trọng giải phóng ý thức tinh thần, thực hiện dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống, bảo đảm cho nhân dân thực hiện và phát huy quyền làm chủ thực sự của mình. Đó là quan điểm tư tưởng đúng đắn, sáng tạo của Đảng, là những khởi đầu rất quan trọng để hình thành nhận thức lý luận mới của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Kinh tế thị trường và dân chủ là hai động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới, nhanh chóng tạo ra sinh khí mới, tính năng động và sức sáng tạo mới của xã hội và nhân dân ta. Đây cũng là quan điểm chính trị đúng đắn và nhất quán của Đảng trong lãnh đạo kinh tế, quản lý xã hội, vận dụng sáng tạo vai trò của chính trị, của lý luận chính trị vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật trong sự phát triển xã hội dưới ánh sáng của tư tưởng đổi mới.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đã định hình tư tưởng của Đảng về dân chủ và xây dựng nền dân chủ XHCN, về hệ thống chính trị và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Lần đầu tiên, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (năm 2002), Đảng ta ra Nghị quyết chuyên đề về hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (năm 1998) và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào năm 2007.

Đến Đại hội XIII (năm 2021), Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có sự bổ sung, phát triển đầy đủ quyền dân chủ, quyền làm chủ của người dân trong tư cách người chủ của xã hội, là chủ thể của đổi mới sáng tạo. Từ chỗ khẳng định “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đến chỗ khẳng định “dân giám sát, dân thụ hưởng” là một bước tiến dài trong nhận thức và thực hiện dân chủ ở nước ta. Tư tưởng tăng cường, kiểm soát quyền lực của nhân dân còn được khẳng định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Quốc hội khóa XV thông qua và chính thức có hiệu lực trong cuộc sống với tư cách là một đạo luật, nâng cao hơn hẳn tính pháp lý so với quy chế và pháp lệnh trước đây.

Vững vàng bản lĩnh của đảng cầm quyền

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thông qua lãnh đạo cách mạng, bản lĩnh của Đảng ta đã được tôi luyện, ngày càng vững vàng. Điều đó thể hiện qua những điểm cốt lõi sau.

Thứ nhất, kiên định lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Vững bước đi lên trên con đường đã chọn, quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước tiến tới CNXH.

Thứ hai, khẳng định và kiên quyết bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam. Bảo vệ bằng cách phát triển sáng tạo, không xơ cứng, giáo điều. Trung thành một cách sáng tạo, không máy móc, khuôn sáo, sao chép, bắt chước; biện chứng chứ không siêu hình.

Muốn sáng tạo phải phát triển và có phát triển lý luận xuất phát từ thực tiễn (Việt Nam và thế giới), làm cho lý luận trở nên phong phú, sống động trong thực tiễn chứ không khô cứng, có hơi thở của thực tiễn cuộc sống, đủ sức là lý luận tiên phong dẫn đường thì mới tỏ rõ sự trung thành. Đấu tranh không khoan nhượng chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, vừa ra sức khắc phục giáo điều cũ (chủ quan duy ý chí) vừa chủ động phòng ngừa rơi vào giáo điều mới, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản, phủ nhận CNXH, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng.

Thứ ba, kiên trì, kiên định giữ vững và bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng, địa vị cầm quyền của Đảng, không mất phương hướng chính trị để rơi vào ý thức hệ tư sản, cổ xúy đa nguyên, đa đảng và tam quyền phân lập trong xây dựng nhà nước pháp quyền.

Thứ tư, thể hiện ở tầm nhìn chiến lược của Đảng, chủ động hội nhập quốc tế, vượt qua sự trì trệ, bảo thủ, giáo điều, đồng thời không rơi vào cực đoan, phiến diện, thoát ly quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử-cụ thể và quan điểm phát triển. Không thể phát triển nếu tự biến mình thành một ốc đảo, khép kín, biệt lập với thế giới bên ngoài nhưng cũng không thể phát triển tích cực, lành mạnh nếu từ bỏ CNXH, chạy theo kinh tế thị trường kiểu tư bản chủ nghĩa với thể chế chính trị tư sản, bất chấp những mặt trái và hệ lụy tiêu cực của nó.

Không thể vì lợi nhuận bằng mọi giá mà làm tổn thương xã hội, suy đồi đạo đức, tự đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống dân tộc trong hội nhập. Đảng ta nhấn mạnh, hội nhập nhưng không tự đánh mất chính mình, hòa nhập nhưng không hòa tan, đổi mới chứ không đổi màu. Giữ vững nền tảng tư tưởng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và CNXH mang bản chất khoa học-cách mạng-nhân văn.

Hơn ba phần tư thế kỷ liên tục cầm quyền, nêu cao dũng khí tự phê phán, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, nêu cao bài học tôn trọng quy luật khách quan và bài học lấy dân làm gốc, dựa vào dân mà xây dựng Đảng, ngày nay, Đảng ta coi xây dựng Đảng là then chốt, tập trung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Thực chất đó cũng là xây dựng Đảng về văn hóa theo ý nghĩa tổng hợp và rộng rãi nhất của khái niệm văn hóa, làm cho văn hóa với hệ giá trị chân-thiện-mỹ thấm sâu trong đời sống chính trị của Đảng, trong đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.

Những điều trình bày trên đây cho thấy, Đảng nỗ lực tự đổi mới chính mình để thúc đẩy đổi mới xã hội. Thực tiễn đổi mới đã dẫn đến nhận thức mới, tư duy đổi mới sáng tạo của Đảng, hình thành hệ thống lý luận khoa học và cách mạng của Đảng ta về CNXH Việt Nam và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Đó là sự kết hợp giữa tính phổ biến thế giới với tính đặc thù Việt Nam để nhận thức đặc điểm, bản chất, động lực phát triển CNXH, mục tiêu, phương hướng và giải pháp xây dựng XHCN ở Việt Nam, từ định hướng XHCN đến định hình CNXH ở Việt Nam thông qua đổi mới, hội nhập để phát triển và hiện đại hóa đất nước.

Từ Đại hội VI (năm 1986) đến Đại hội XIII (năm 2021) và hiện nay, có thể nói, thành tựu phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta là một hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, được thể hiện toàn diện, phong phú trong đường lối của Đảng, được thể chế hóa thành luật pháp và chính sách, được thực tiễn hóa trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đưa đất nước phát triển cả về thế và lực như ngày nay, mở ra triển vọng phát triển tốt đẹp của đất nước, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào giữa thế kỷ 21, để dân tộc cường thịnh, trường tồn.

Mấu chốt là 8 đặc trưng của xã hội XHCN, 8 phương hướng xây dựng CNXH, 10 mối quan hệ lớn, quy định mô hình xây dựng CNXH ở Việt Nam với 3 trụ cột: Kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN từ định hướng đến định hình. Đó là những đường nét cơ bản của CNXH Việt Nam, một CNXH hiện thực mới sinh thành trong đổi mới đúng quy luật, thuận lòng dân, hợp thời đại theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

ST.

Thói xu nịnh và giá trị ảo

Thói xu nịnh tưởng chừng vô hại, nghe vui tai, nhưng thực chất lại nguy hại khôn lường vì nó dẫn tới sự mất tỉnh táo, bị nhầm lẫn bởi giá trị ảo, từ đó đưa ra những lựa chọn sai, những quyết định sai.

Một cơ quan, tổ chức bị lũng đoạn bởi thói xu nịnh sẽ suy thoái, đánh mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, không thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.  

Kể từ khi xuất hiện trên trái đất, để tồn tại và phát triển, con người luôn phải nhận thức đúng về thế giới xung quanh với khát khao tìm ra chân lý. Bởi chỉ khi nhận thức đúng, con người mới có thể ứng xử, tác động đúng đắn, hiệu quả nhất vào thế giới xung quanh. Thế nhưng, con đường tìm ra chân lý, sự thật không dễ. Với bản tính ưa nghe nói ngọt, thích nghe những lời đường mật, không thích lời nói trái tai, con người dễ bị dẫn dụ, huyễn hoặc bởi các giá trị ảo, ảo tưởng về bản thân, từ đó có những cách ứng xử sai lầm. Tại cơ quan công quyền, cái nhìn của nhà lãnh đạo nhiều khi bị che phủ bởi ngôn từ và hành vi xảo quyệt của những kẻ xu nịnh, dối trá.

Lịch sử thế giới ghi nhận tên nịnh thần Hòa Thân thời nhà Thanh ở Trung Quốc đã tham nhũng, lũng đoạn cả quốc gia. Trong lịch sử dân tộc ta, nhiều bậc danh nhân lớn như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn... đều khuyên can vua, chúa nghiêm trị bọn xu nịnh. Bởi thực tế chỉ ra, nịnh thần chính là gian thần. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án gay gắt bệnh “xu nịnh, a dua”, “bốc thơm” cấp trên. Người cảnh báo: Mắc căn bệnh đó sẽ làm hư hỏng cán bộ, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung. Từ đó, Người dạy cán bộ, đảng viên rằng: "Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn nịnh bợ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt".

Thói xu nịnh và giá trị ảo
Tranh minh họa 

Sự nguy hại và hậu quả của thói xu nịnh là đáng sợ, nhưng chúng ta chưa nhận diện đầy đủ, đấu tranh chống lại một cách thực sự quyết liệt. Vấn đề đặt ra là biểu hiện này không vi phạm pháp luật, chưa có chế tài xử lý mang tính định lượng, nhưng để tồn tại dai dẳng trong tổ chức là rất nguy hiểm. 

Ngày 13-3, tại Hà Nội, chủ trì phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng tiểu ban đã nhấn mạnh: Không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Thực tế chỉ ra rằng, lãnh đạo cơ quan mà ưa xu nịnh thì dần dần sẽ không biết được thực chất công việc, thực chất cơ quan, thực chất năng lực cũng như đạo đức của cán bộ dưới quyền và ngay cả thực chất chính bản thân mình. Một cơ quan, tổ chức để thói xu nịnh lộng hành, lấn lướt thì sẽ không còn những ý kiến ngay thẳng, không còn những tham mưu đúng đắn, mà tất cả chỉ nhất nhất lắng nghe lãnh đạo, làm theo ý lãnh đạo, bất chấp điều đó là hợp lý hay không hợp lý, đúng hay sai. Đó cũng chính là biểu hiện “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.

Nịnh bợ là một tính cách và thủ đoạn xấu, là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội. Tuy nịnh bợ không được định danh như một hành vi phạm pháp, không có chế tài xử lý theo pháp luật nhưng nịnh bợ thường đi kèm với các hành vi vi phạm pháp luật khác như hối lộ, tham nhũng.

Vì có kẻ ưa nịnh nên mới có kẻ xu nịnh. Kẻ xu nịnh dễ được ưu ái, trọng dụng, cất nhắc, thăng quan tiến chức, lên lương, khen thưởng. Kẻ xu nịnh và kẻ ưa nịnh dễ liên kết với nhau thành lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực. Kẻ xu nịnh bất chấp thủ đoạn, miễn là đạt được mục đích, thường là chi nhiều tiền để hối lộ, không tiếc lời khen ngợi, "bốc thơm" kẻ ưa nịnh.

Có thể dễ dàng nhận ra những biểu hiện của kẻ xu nịnh. Trước tiên là thái độ xun xoe, chiều lòng cấp trên bằng mọi giá, coi mọi lời lãnh đạo nói ra đều là chân lý, ngợi ca lãnh đạo trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, cả trước mặt và sau lưng để cấp trên nghĩ rằng: Cậu ấy hay cô ấy là người tốt, là người tâm phúc, thẳng thắn, trước sau như một.

Thậm chí mọi thói quen, sở thích của lãnh đạo cũng được kẻ xu nịnh nghiên cứu rất kỹ, chăm sóc chu đáo, ngợi ca: Nào là đánh tennis “dũng mãnh”, đánh golf “thần sầu”, nào là câu cá “sát thủ”, nào là chơi đồ cổ “tinh tế”... rồi cung phụng nào là rượu ngon, xì gà xịn, tiệc tùng liên miên... Mọi việc của gia đình lãnh đạo sẽ được săn sóc chu đáo, tận tình từ giỗ, tết đến việc hiếu hỷ, ốm đau, những ngày kỷ niệm... Đặc biệt, những người thân của lãnh đạo sẽ được chiều chuộng hết mức để qua đó, kẻ xu nịnh lấy lòng sếp và người thân.

Kẻ xu nịnh và kẻ ưa nịnh đều tự hủy hoại nhân cách của mình, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm hại người tốt, gây mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan, tổ chức, gây ra tệ tham nhũng, tiêu cực, chạy chọt... Thủ trưởng ưa xu nịnh, lại chuyên quyền, công tác phê bình và tự phê bình kém hiệu quả là một trong những lý do dẫn tới sự tê liệt của các tổ chức đảng. Đến một ngày nào đó, chính lãnh đạo ưa nịnh sẽ "há miệng mắc quai" khi ngập sâu vào quan hệ tiền bạc và đặc biệt là một số quan hệ thầm kín, bất chính với kẻ xu nịnh, đành "đâm lao phải theo lao", chịu sự điều khiển của kẻ đã nịnh mình và thế lực xấu.

Khi kẻ xu nịnh được cất nhắc sẽ gây ra nhiều tác hại. Thứ nhất, vì thiếu tài, thiếu đức, kẻ xu nịnh tiến thân được chủ yếu bằng luồn lách, hối lộ nên khi đã lên chức thường sẽ tranh thủ kiếm chác, vơ vét, tham nhũng để bù lại chi phí đã “đầu tư” mà ít nghĩ đến lợi ích chung. Thứ hai, bản chất của xu nịnh là dối trá nên những kẻ xu nịnh không bao giờ trung thực, luôn "dối trên, gạt dưới", "nịnh trên, nạt dưới". Và như vậy sẽ làm hư hỏng bộ máy công quyền. Thứ ba, những kẻ xu nịnh khi nắm quyền lực sẽ chỉ lựa chọn những kẻ xu nịnh, hư hỏng khác, theo kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", hình thành nên nhóm lợi ích, làm cho môi trường công vụ tại cơ quan, tổ chức trở nên thiếu lành mạnh.

Do đó, nhận diện và có các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn thói xu nịnh trong cơ quan, tổ chức là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để làm được điều đó cần phải quan tâm các nội dung: Thứ nhất, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, trong đó có tệ xu nịnh. Thứ hai, các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền và cơ quan, đơn vị làm công tác cán bộ phải kiên quyết đấu tranh chống tệ xu nịnh; không bố trí, đề bạt cán bộ xu nịnh và ưa nịnh. Tuy khó có thể xử lý hành vi nịnh bợ bằng quy định pháp luật nhưng có thể điều chỉnh bằng đạo đức công vụ và quy định của Đảng. 

Thứ ba, đấu tranh chống tệ xu nịnh bằng việc thực hiện tốt công tác phê bình và tự phê bình, lấy dư luận xã hội rộng rãi lên án mạnh mẽ tệ nạn này. Tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức quần chúng, báo chí, văn học-nghệ thuật... cần có tiếng nói mạnh mẽ, trực diện trước những biểu hiện của tệ xu nịnh. Thứ tư, giải pháp quan trọng bậc nhất chính là cách hành xử đúng đắn của người lãnh đạo, quản lý. Đức độ và tài năng của người lãnh đạo không chỉ biểu hiện ở sự điều hành đơn vị, tổ chức cơ quan mà đặc biệt trong công tác cán bộ còn phải có con mắt tinh đời, nhìn rõ ngay-gian, phải nhanh chóng phát hiện ra những con sâu xu nịnh để phòng ngừa và loại bỏ chúng. Tuyệt đối tránh sa bẫy của kẻ xu nịnh. Và càng không bao giờ cất nhắc kẻ xu nịnh. Nhà lãnh đạo giỏi là người biết phát huy sức mạnh tập thể, coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, dùng tai mắt của quần chúng trong đơn vị, dư luận của nhân dân mà tham vấn, xem xét, đánh giá con người chứ không thể nhìn một chiều bằng cảm xúc cá nhân của mình trong công tác nhân sự.

Tóm lại, phải có giải pháp ngăn chặn để xu nịnh không thể trở thành một phong cách, một phương thức hữu hiệu đưa cán bộ có năng lực yếu, đạo đức kém tiến thân và là chất xúc tác cho tham nhũng, tiêu cực./.

ST.

Bác bỏ luận điệu phủ nhận công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện những ý kiến của thế lực thù địch, cơ hội chính trị cho rằng, chỉ có kinh tế thị trường (KTTT) tư bản chủ nghĩa (TBCN) mới bảo đảm công bằng xã hội, còn với chủ nghĩa xã hội (CNXH) chỉ có sự “bình quân, cào bằng” và “bất công xã hội”. Từ đó, họ ra sức phủ nhận nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam. Đây là luận điệu xuyên tạc sai trái cần đấu tranh bác bỏ.

Nhận rõ bản chất “công bằng xã hội” trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, công bằng xã hội xét đến cùng lệ thuộc vào quan hệ sở hữu. Hay nói cách khác, công bằng trong quan hệ sở hữu là nền tảng của công bằng xã hội. Các nhà kinh điển mác-xít đã bóc trần bản chất của cái gọi là công bằng xã hội trong phương thức sản xuất TBCN. Thực chất, đó là thứ công bằng chỉ dành cho số ít người nắm trong tay quyền chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất trong xã hội tư bản.

Xã hội TBCN dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nghĩa là nó chứa đựng và xác lập địa vị thống trị của quan hệ bất bình đẳng về sở hữu tư liệu sản xuất, đương nhiên dẫn đến bất bình đẳng trong phân phối các nguồn lực “đầu vào” và thành quả “đầu ra” của quá trình phát triển. Nó không thể tiến tới sự bảo đảm cho công bằng xã hội đúng nghĩa.

Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) cũng như tiến trình giải quyết các cuộc khủng hoảng dưới chế độ TBCN cho thấy, phát triển KTTT TBCN luôn gắn liền với quản lý, điều hành, thậm chí sự can thiệp thô bạo của nhà nước tư sản vào các quá trình kinh tế, để bảo đảm cho thực hiện các mục tiêu tối thượng là thỏa mãn lợi ích của nhà tư bản và lợi ích của giai cấp tư sản.

Bác bỏ luận điệu phủ nhận công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Ảnh minh họa: TTXVN 

Trong những thập niên đầu thế kỷ 21, CNTB đã có những điều chỉnh, thích nghi thông qua thực hiện một số thay đổi trong chế độ sở hữu, tổ chức quản lý sản xuất và phân phối thông qua các quỹ phúc lợi xã hội. Từ đó đã xuất hiện quá trình hữu sản hóa giai cấp lao động làm thuê, xuất hiện một số hình thức tổ chức quản lý và phân phối mới. Sự điều chỉnh, thích nghi đó đã làm xuất hiện những vấn đề mới về phương diện lý luận cũng như thực tiễn mà Chủ nghĩa Mác-Lênin do những điều kiện lịch sử nên chưa thể đề cập tới một cách đầy đủ và toàn diện. Từ đó đã làm cho một số người lầm tưởng rằng CNTB không còn bóc lột, đã thay đổi bản chất; rằng CNTB sẽ tự động phát triển lên CNXH.

Tuy nhiên, giới hạn của sự biến đổi thích nghi của CNTB không thể vượt qua chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Trước sức ép từ đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã buộc nhà tư bản phải chuyển hóa tư bản tư nhân thành tư bản tập thể, hình thành những công ty cổ phần. Đây là cách thức nhằm huy động vốn, tạo nên sự tích tụ, tập trung tư bản, giúp nhà tư bản giành lợi thế trong cạnh tranh. Nó cho phép một số người lao động có tiền nhàn rỗi có thể đầu tư vào sản xuất thông qua cổ phần, cổ phiếu và thu lợi tức, cổ tức. Nhưng điều đó không thể thủ tiêu lợi nhuận mà nhà tư bản thu được qua bóc lột giá trị thặng dư. Bởi trên thực tế, giai cấp công nhân, những người lao động chỉ chiếm giữ một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ lượng cổ phần, cổ phiếu. Do vậy, những điều chỉnh và thích nghi không làm thay đổi bản chất bóc lột, bất công của CNTB.

Bản chất của các nền chính trị TBCN theo công thức “dân chủ tự do” phương Tây, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, là nền dân chủ bảo vệ địa vị, lợi ích cho thiểu số giai cấp tư sản. Ở đó, “một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội... Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”(1). Xét đến cùng, những bất công trong xã hội tư bản ngày càng gia tăng chính là hệ quả xấu từ sự phát triển của phương thức sản xuất và chế độ chính trị TBCN.

Công bằng xã hội ở Việt Nam là “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Trung thành và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta đã có sự phát triển lý luận về mô hình phát triển KTTT định hướng XHCN để hướng tới mục tiêu của CNXH, trong đó có bảo đảm công bằng xã hội. Đảng ta khẳng định, thực hiện công bằng xã hội không chỉ dừng lại ở mục tiêu hướng đến mà còn trở thành động lực, tức là thành tố nội tại của phát triển kinh tế, để mỗi bước phát triển kinh tế là một bước thực hiện công bằng xã hội. Đó là nét đặc sắc, ưu việt của chế độ kinh tế mà nước ta đang xây dựng.

Sở dĩ phải định hướng XHCN trong nền KTTT, bởi KTTT chỉ góp phần thực hiện công bằng xã hội trong giới hạn của các quy luật thị trường, thực hiện phân chia lợi nhuận dựa trên lao động, hiệu quả kinh tế và mức góp vốn. Theo đó, người đóng góp nhiều thì hưởng nhiều, đóng góp ít thì hưởng ít. Tự thân KTTT không thể giải quyết triệt để những vấn đề bất công bằng xã hội. Để khắc phục những “thất bại” của thị trường trong việc thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội, “bàn tay vô hình” của KTTT tất yếu phải gắn với “bàn tay hữu hình” của nhà nước. Hay nói cách khác, ở Việt Nam, KTTT định hướng XHCN là tất yếu để có thể phát huy mặt ưu điểm, khắc phục được mặt hạn chế của KTTT trong thực hiện mục tiêu công bằng xã hội.

Để thực hiện tốt công bằng xã hội, Đảng ta chỉ rõ điều kiện căn bản là phải bảo đảm công bằng trong phân phối. Theo đó, thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Như vậy là vừa thực hiện phân phối theo quy luật KTTT, vừa thực hiện phân phối theo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội nhằm bảo đảm công bằng xã hội. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn (KTTT) chính là nhằm mục đích tôn trọng quy luật kinh tế khách quan, giải phóng sức sản xuất, khơi mở, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo và năng lực chủ quan của mỗi con người. Đồng thời và cùng với đó, thực hiện phân phối thông qua các nguồn lực khác và thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (định hướng XHCN) nhằm bảo đảm mức bình đẳng có thể cho những nhóm người dễ bị tổn thương và yếu thế trong xã hội.

Cách thức phân phối theo các nguồn lực khác thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội khắc phục được những điểm yếu cốt tử của KTTT, nắn KTTT phục vụ các mục tiêu của CNXH. Đó cũng là phương thức để vừa phát triển kinh tế mạnh mẽ, vừa “giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân”(2) bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phòng ngừa xu hướng tự phát chệch quỹ đạo phát triển kinh tế. Có như vậy mới bảo đảm được tính thực tiễn và bền vững của chính sách phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế và công bằng xã hội mới được thực hiện đúng nghĩa.

Hiện nay, Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia điển hình về giảm nghèo đa chiều bền vững, đầu tư hiệu quả cho phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, việc làm, xây dựng môi trường sinh thái, cải thiện an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội, không những làm cho kinh tế phát triển mà còn bảo đảm thực hiện tốt công bằng xã hội. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn; 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022; tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người tăng từ 86USD năm 1986 lên 4.110USD năm 2022. Người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, như về nhà ở, đến năm 2020, Nhà nước đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 năm phòng, chống dịch Covid-19 (2020-2022), Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương đã hỗ trợ với số tiền hơn 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 68 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn. Hiện có trên 1,2 triệu người có công và thân nhân đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn. 

Liên hợp quốc cũng đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu thiên niên kỷ. Những thành tựu đạt được đã khẳng định bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng. Đảng, Nhà nước ta nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời là người trực tiếp được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế-xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để bảo đảm công bằng xã hội trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Tập trung hoàn thiện quan hệ phân phối, khuyến khích làm giàu chính đáng, thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội đúng đắn, tạo động lực mạnh mẽ phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của con người. Bảo đảm tính thực tiễn và tính ổn định, tính bền vững, phù hợp của chính sách xã hội, tạo địa bàn và nguồn lực thuận lợi cho kinh tế phát triển. 

Tựu trung lại, nhận thức về công bằng xã hội trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay cần có quan điểm khách quan, cái nhìn lịch sử, cụ thể trong đánh giá, không mắc vào cái nhìn phiến diện, méo mó, lệch lạc và các mưu đồ chính trị của các nhà “dân chủ”, “nhân quyền”, những người "mượn" cớ đấu tranh cho công bằng, tiến bộ xã hội nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Chỉ có trên quan điểm như vậy mới có thể so sánh, đánh giá thành tựu, khẳng định tính ưu việt trong phát triển, tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội ở nước ta hiện nay./.

ST.

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: CẢNH BÁO 2 HÌNH THỨC LỪA ĐẢO MỚI QUA ĐIỆN THOẠI!

         Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) thông tin về 2 hình thức lừa đảo chủ yếu qua điện thoại trong thời gian gần đây!
Hệ thống tiếp nhận phản ánh về tin nhắn, cuộc gọi rác qua đầu số 5656/156 của VNCERT/CC gần đây tiếp nhận nhiều ý kiến về việc có kẻ mạo danh để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cụ thể, các đối tượng mạo danh các cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn thay đổi tem đăng kiểm.
Với hình thức này, các đối tượng lừa đảo liên tục tung nhiều chiêu trò dụ dỗ người dân, đặc biệt mới nhất là thủ đoạn “thông báo, hướng dẫn thay đổi tem đăng kiểm xe”. Các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ của Cục Đăng kiểm hoặc Sở GTVT, thông báo “Yêu cầu người dân và doanh nghiệp đổi tem kiểm định theo quy định của Thông tư mới”. Để thực hiện đổi tem trực tuyến, người dân làm theo hướng dẫn của các đối tượng.
Các đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân điền thông tin cá nhân và chuyển khoản khoản phí gọi là phí đổi tem. Sau khi người dùng làm theo yêu cầu, đối tượng thực hiện các biện pháp như chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu, thắc mắc thay đổi tem đăng kiểm, vui lòng tra cứu thông tin, trang web chính thống của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Người dân cần cẩn trọng trước mọi thông tin khi chưa được xác thực và lưu ý bảo vệ thông tin cá nhân của mình để tránh những rủi ro không đáng có.
Hình thức lừa đảo thứ hai là giả mạo công an vận động chuyển khoản ủng hộ đồng bào bão lũ ngay sau khi bão số 3 đi qua. Các đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ công an gọi điện kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Người dân tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân sẽ bị chiếm đoạt.
Việc lợi dụng thiên tai, lũ lụt để thực hiện các hành vi lừa đảo không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn làm giảm lòng tin của cộng đồng đối với các hoạt động từ thiện chính đáng.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác.
VNCERT/CC cũng lưu ý người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới Doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý nếu có hiện tượng trên.
Ngoài ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để được hướng dẫn kịp thời./.
Ảnh: Hình thức lừa đảo mới qua điện thoại, người dân cần cảnh giác.
Theo ANTĐ.
Môi trường ST.