Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Nhận dạng chiêu trò "đề cao để hạ bệ"

Với âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chính trị ở nước ta, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.

Một trong những luận điệu tinh vi mà chúng thường sử dụng là ra sức đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng lại đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm phá hủy gốc rễ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì thế, chống lại luận điệu xuyên tạc này là một nội dung căn cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.

Sự tinh vi của những giọng điệu phản khoa học

Giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin tồn tại mối quan hệ biện chứng. Chủ nghĩa Mác-Lênin là cội nguồn lý luận cơ bản hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và đều là bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi luận điệu đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin đều là phản khoa học, phản lịch sử.

Trước hết, họ phủ nhận sự tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh với lý do Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải nhà tư tưởng. Mặc dù giá trị, tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm định bằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, được thừa nhận bởi các học giả trong và ngoài nước, những kẻ xuyên tạc vẫn rêu rao rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự tô vẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Việc phủ nhận sự tồn tại và giá trị to lớn, bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh không xuất phát từ lý do khoa học mà từ động cơ chính trị đen tối là làm mất đi sức mạnh nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các đối tượng chống phá còn có một giọng điệu hoàn toàn khác là ra sức ca tụng, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận giá trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Để hạ bệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, họ đã đưa ra nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên, họ vin vào “yếu tố thời đại”, rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ 19, cùng lắm là đầu thế kỷ 20, chỉ thích hợp với văn minh công nghiệp; còn bây giờ nhân loại đã ở thế kỷ 21, trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, sứ mệnh của giai cấp công nhân đã khác đi, vai trò của trí thức “lên ngôi” nên Chủ nghĩa Mác đã trở nên lỗi thời và bị lịch sử vượt qua. Đây cũng là cách lập luận rất hàm hồ bởi cho dù thời đại mà chúng ta đang sống khác rất nhiều so với thời đại mà Mác, Ăngghen, Lênin đã sống nhưng những biến đổi của nó vẫn không vượt ra ngoài những quy luật chung nhất mà Chủ nghĩa Mác-Lênin đã khám phá ra. Với đặc tính mở, Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là lý luận và phương pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội, nhận thức thời đại mà chưa có một chủ nghĩa, học thuyết chính trị nào có thể thay thế.

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

“Yếu tố địa lý” cũng là lý do để đối tượng chống phá ra sức phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là sản phẩm của Việt Nam, nó là học thuyết  “ngoại lai”, “nhập ngoại” từ phương Tây nên không phù hợp với Việt Nam. Những đối tượng đưa ra luận điệu trên đã cố tình không hiểu sức mạnh của sự trừu tượng hóa, khái quát hóa và tầm nhìn thời đại của lý luận Mác-Lênin. Mặc dù Chủ nghĩa Mác-Lênin có nguồn gốc lý luận trực tiếp từ phương Tây nhưng đúng như Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, “chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó”(1), tức là ở phương Đông, nhất là khi nó đã được bổ sung bằng “dân tộc học phương Đông” như Nguyễn Ái Quốc từng nhấn mạnh và nỗ lực thực hiện.

Lý do thứ ba để họ phản bác Chủ nghĩa Mác-Lênin chính là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, rằng sự sụp đổ đã chứng tỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin sai lầm từ bản chất chứ không phải là do nhận thức sai, vận dụng sai. Họ cố tình không hiểu rằng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô là sự sụp đổ của một mô hình xã hội chủ nghĩa nhiều khuyết tật và chậm được sửa chữa chứ không phải sự sụp đổ của một học thuyết khoa học. Tính bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin so với các học thuyết khác nằm ở chỗ nó dựa trên một thế giới quan khoa học là phép biện chứng duy vật. Lý do thứ tư họ đưa ra để đòi hủy bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin chính là sự khác biệt giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì Chủ nghĩa Mác chủ trương đấu tranh giai cấp, Hồ Chí Minh lại chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc và Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải theo chủ nghĩa cộng sản; do đó, không có gì chung giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ còn cho rằng, trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tồn tại “cuộc nội chiến về tư tưởng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin” nhưng thực chất đó chỉ là sự đấu tranh giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với các quan điểm giáo điều, cứng nhắc trong vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin mà thôi.

Sau khi đưa ra nhiều “cơn cớ” đầy tính ngụy biện như vậy, họ đi đến kết luận: Lúc này chỉ cần nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là “đáng giá” và vì thế, cần loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng.

Kiên định, kiên quyết bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Luận điệu “đề cao” tư tưởng Hồ Chí Minh, đem tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin là hoàn toàn đối lập với tình cảm, tâm nguyện của bản thân Hồ Chí Minh.

Sinh thời, từ lúc trở thành người cộng sản (năm 1920) cho đến khi từ giã cõi đời, Hồ Chí Minh luôn gắn bó chặt chẽ và hết lời đề cao Chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ năm 1927, Người đã khẳng định: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lênin. Câu nói của Hồ Chí Minh, rằng “tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu Chủ nghĩa Các Mác”(2) đã nói lên sự lựa chọn kiên quyết của Người. Để nói về vai trò to lớn của Chủ nghĩa Mác-Lênin với cách mạng Việt Nam, Người còn khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản".

Sự gắn bó không thể tách rời của Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin còn thể hiện qua những tình tiết rất sinh động và cảm động. Khi viết Di chúc gửi lại, Người đã gọi việc từ giã cõi đời của mình là “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” bởi giữa các bậc vĩ nhân ấy là sự đồng điệu về khát vọng giải phóng con người và “tình hữu ái vô sản” thiêng liêng. Trong lần trả lời phỏng vấn cuối cùng vào ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng... trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác-Lênin".

Như vậy, từ lúc rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi đọc bản “Luận cương” của Lênin cho đến tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Hồ Chí Minh đều gắn bó với Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng tình yêu và lòng trung thành trên tinh thần biện chứng. Do đó, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin là một sự xuyên tạc lịch sử mà Hồ Chí Minh là một nhân chứng sống động nhất.

Phải khẳng định rằng: Việc đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh và hạ thấp Chủ nghĩa Mác-Lênin thực chất là một âm mưu đen tối, thủ đoạn tinh vi. Sự nguy hiểm của nó nằm ở tính ngụy biện, dễ làm người ta ngộ nhận, tin theo bởi nó “đánh vào” tình yêu lãnh tụ và tinh thần tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, đây thực chất không phải là sự ca ngợi, không phải là đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị của nó mà chỉ là thủ pháp “nâng lên để hạ xuống”, là tìm cách cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi ngọn nguồn lý luận chủ yếu của nó để qua đó làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Sâu xa hơn, những kẻ chống phá không chỉ phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin hay tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn muốn phủ nhận toàn bộ cương lĩnh, đường lối của Đảng được hoạch định trên nền tảng tư tưởng đó để đi đến mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ đang hiện hành, xóa bỏ định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.   

Để chống lại giọng điệu xuyên tạc, xảo trá này, trước hết cần giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân về mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin và động cơ đen tối của lực lượng chống phá khi phủ nhận mối quan hệ này. Phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấu hiểu rằng, quan hệ giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là quan hệ giữa cội nguồn và phát triển, giữa cái chung và cái đặc thù nên “tuy hai mà là một, tuy một mà là hai”. Cho dù tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng tạo so với Chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng nó lại thống nhất với Mác-Lênin ở chiều sâu bản chất, ở lý tưởng giải phóng con người cùng khổ.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị để cán bộ, đảng viên thấu hiểu nội dung, bản chất, giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện trạng “nhạt đảng, phai đoàn, khô lý tưởng” và căn bệnh lười học lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên chính là “mảnh đất màu mỡ” cho kẻ thù đẩy mạnh công tác phản tuyên truyền. Vì thế, làm tốt công tác giáo dục, tích cực bồi đắp tri thức khoa học cho cán bộ và nhân dân chính là tạo “vắc-xin” phòng, chống sự xâm nhập của các luồng thông tin xấu, độc.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải kiên định và tăng cường hơn nữa sự vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bởi thực tiễn là nơi kiểm nghiệm mọi chân lý một cách xác thực nhất. Ngược lại, mỗi hành vi sai trái của cá nhân và tổ chức đảng đều là sự tiếp tay cho các thế lực thù địch trong việc tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì thế, việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải gắn chặt với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.  

Lịch sử phát triển của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn song hành với cuộc đấu tranh bảo vệ chân giá trị của học thuyết và chống lại những quan điểm sai trái thù địch. Vì thế, đấu tranh chống lại quan điểm đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin là việc làm mang tính quy luật nhằm gia tăng sức mạnh của Đảng và làm thất bại mưu đồ xuyên tạc, chống phá của các lực lượng thù địch. Bằng sự đúng đắn trong nhận thức cũng như trong hành động, mỗi cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị phải có trách nhiệm tham gia vào việc khẳng định chân lý: Thế giới còn đổi thay nhưng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi./.

ST.

Đừng để văn hóa nước nhà lâm nguy trước làn sóng sùng ngoại, lai căng

Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, trong đó có Việt Nam, là nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ dễ bị choáng ngợp, thậm chí bị “mù màu” trước các làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập, từ đó thiếu tỉnh táo suy xét, nhận biết, phân biệt đúng-sai, hay-dở, tốt-xấu, cao thượng-thấp hèn và bị hòa lẫn vào cái ma trận văn hóa mà người ta gọi là sùng ngoại, lai căng.

Hình thức lai căng, nội dung nhảm nhí, lệch lạc

Sùng ngoại là thái độ sùng bái mù quáng vào yếu tố ngoại lai. Còn lai căng được hiểu là pha trộn nhiều thứ có tính chất lai tạp, lố lăng. Thông thường sùng ngoại đi liền với lai căng như hình với bóng, tác động tương hỗ cho nhau và là con đường ngắn nhất dẫn đến bào mòn bản sắc, phai nhạt giá trị truyền thống tốt đẹp và dần đánh mất mã gene văn hóa của ông cha chảy trong huyết quản của mỗi người. 

Không ngẫu nhiên mà người lãnh đạo cao nhất Đảng ta từng cảnh báo trong đời sống văn hóa - nghệ thuật nước ta vẫn có tình trạng nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc.    

Đừng để văn hóa nước nhà lâm nguy trước làn sóng sùng ngoại, lai căng
Minh họa: PHẠM HÀ 

Sự sùng ngoại, lai căng xuất hiện ở khá nhiều lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong khoảng 30 lễ hội nước ngoài du nhập vào nước ta có nhiều yếu tố tích cực, nhân văn, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân, qua đó giúp người Việt hiểu hơn về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của nhiều dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, khi tiếp nhận lễ hội nước ngoài vào nước ta cũng có biểu hiện biến tướng, nhảm nhí, làm sai lệch ý nghĩa ban đầu của nó. Ví như: Ngày lễ tình yêu được cổ xúy đi nhà nghỉ, khách sạn với lối sống lệch lạc; lễ hội Halloween xuất hiện nhiều hình ảnh, hình tượng dị hợm, ma quỷ, chết chóc, gây ám ảnh người khác...

Không chỉ vậy, sự lai căng còn bộc lộ ở các loại hình nghệ thuật, nhưng tập trung nhiều và dễ thấy ở lĩnh vực văn học, âm nhạc, điện ảnh, thời trang.

Trong văn học thể hiện ở những tác phẩm chứa đựng nội dung tư tưởng tắc tị, ma mị, thần bí, đề cao dục tính, kích thích lối sống buông thả và bản năng thấp hèn của con người. Đã xuất hiện những truyện ngắn, bài thơ bề ngoài khoác vỏ bọc đề cao tự do cuộc sống con người, vì quyền sống tự do của con người, nhưng lại ẩn chứa những tình tiết khơi gợi phần thú tính, sinh học mang tính chất hoang dã của con người nguyên thủy.

Việc lạm dụng tính chất hư cấu văn chương để hạ thấp tính chất xã hội của con người thực chất là hạ thấp phẩm giá chân chính của con người, làm tha hóa tính cách người. Trong 5 năm gần đây, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm đối với 126 cuốn sách thể loại văn học, trong đó có hàng chục cuốn sách phải đình chỉ phát hành, thu hồi xuất bản phẩm vì có nội dung lệch lạc, dung tục, độc hại.

Biểu hiện sùng ngoại, lai căng trong âm nhạc là không ít tác phẩm có nhịp điệu giật đùng đùng, tiết tấu quá đà cộng với ca từ nhảm nhí, dung tục, chen từ ngoại lai. Trào lưu làm các sản phẩm âm nhạc “mì ăn liền” với nội dung thô thiển, phản cảm không chỉ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội do một số Youtuber, Tiktoker thực hiện mà nhiều video ca nhạc do một số nhạc sĩ, ca sĩ đầu tư cũng có ý tưởng nghèo nàn, dễ dãi chỉ nhằm mục đích câu view và đánh bóng tên tuổi là chính.

Nền âm nhạc và ngôn ngữ Việt sẽ đi về đâu khi chúng ta nghe thấy những ca từ phản văn hóa như thế này: “Ghệ iu dấu của em ơi/ Ghệ có biết em cần ghệ/ Ghệ có muốn mình cặp kè?/ Oki hăm?”; hay: “Tình iu các cụ non/ Mama ghệ nghe đâu đã muốn có nụ con dâu/ Tình iu ghệ ngày ngày cứ bự hơn/ Ghệ có muốn qua em quấn quýt tít mù ôm nhau?”.

Trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều người làm phim để ra nước ngoài với mục đích thi thố, mang chuông đi đánh xứ người, nhưng có phim lại tràn ngập cảnh đánh đấm máu me, sặc mùi bạo lực hay khơi gợi tính dục, cổ vũ lối sống buông thả, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Những phim này hoặc đã bị thu hồi vĩnh viễn, bị xử phạt hành chính, hoặc phải chỉnh sửa trước khi ra rạp, như các phim: “Gái ngoan nổi loạn”, “Bụi đời Chợ Lớn”, “Vị”, “Ròm”, “Chơi vơi”, “Bi đừng sợ”...

Đời sống thời trang những năm gần đây diễn ra nhộn nhịp, sôi động, nhất là ở các thành phố lớn, nhưng đây cũng là mảnh đất khá màu mỡ cho những tư duy cấp tiến thái quá, tiếp thu thời trang nước ngoài một cách sống sượng, thậm chí có những biến tướng dung tục, thể nghiệm phản cảm, gây bất bình dư luận. Gần đây, một công ty giải trí ở TP Hồ Chí Minh bị phạt 85 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng vì tổ chức chương trình mang tên “Thời trang mới” với màn trình diễn áo dài cách tân rất lố lăng, làm tổn thương nghiêm trọng vẻ đẹp thuần Việt của trang phục truyền thống dân tộc.

Tổ quốc lâm nguy không đáng sợ bằng văn hóa bị lâm nguy

Cách đây 14 năm, ngày 27-7-2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”.

Trong chỉ thị này, Đảng ta đưa ra cảnh báo về nguy cơ, tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại và sự sùng ngoại, lai căng đã “tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng; dẫn đến khuynh hướng “tự diễn biến” về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”.

Nhìn vào đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật ở nước ta những năm qua cho thấy sự cảnh báo của Đảng hơn mười năm qua vẫn nguyên tính thời sự. Thật không khó để nhận ra tác hại của sự sùng ngoại, lai căng đang ngấm vào đời sống tinh thần một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ khiến cho những ai nặng lòng với tương lai đất nước không khỏi trăn trở.

Nhiều thanh thiếu niên thời nay tự rời xa gốc gác truyền thống dân tộc; không mặn mà, thiết tha với lịch sử nước nhà; không hiểu thế nào là nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương của ông cha để lại; không cảm thấy rung động trước những lời ca quan họ đằm thắm, câu hát ví, giặm nồng nàn da diết, giai điệu đờn ca tài tử chan chứa nghĩa tình nước non; không nhớ nổi dăm ba câu kiều hay những lời ca dao thấm đẫm lẽ đời của người xưa truyền lại... Nhưng họ lại rất say sưa bàn tán sôi nổi về những phim “bom tấn” phương Tây, đắm chìm với phim cổ trang của nước láng giềng; nhảy múa cuồng nhiệt thâu đêm dưới ánh sáng lòe loẹt và tiếng nhạc xập xình chát chúa ở những vũ trường, quán bar.

Từ đầu tóc, mang mặc đến lời ăn tiếng nói, cái tên của nhiều người trẻ (trong đó có không ít ca sĩ, diễn viên, người mẫu) không hẳn giống tây mà cũng chẳng giống ta vì pha tạp đủ thứ nhố nhăng. Họ đã cố gắng bắt chước làm bản sao của người khác cả về hình thức và nội dung là đang tự đánh mất mình và tổ tiên mình, quê hương, đất nước mình.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, một mặt do sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội mới, sự lên ngôi của nhiều hình thức giải trí mới lạ của nước ngoài cuốn theo làn sóng “xâm lăng văn hóa” vào nước ta; mặt khác, do nhiều cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp chưa nhận thấy rõ tác hại của sản phẩm văn hóa ngoại lai và lối sống sùng ngoại, lai căng gây hủy hoại đạo đức xã hội như Đảng ta từng chỉ ra.

Trong khi đó, việc đầu tư ngân sách, nguồn lực cho các hoạt động văn hóa-nghệ thuật lành mạnh ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương chưa trở thành dòng chủ lưu tích cực để đủ sức tác động, dẫn dắt, chi phối vào đời sống tinh thần của xã hội. Hơn thế, tâm lý tự ti, thiếu thiện cảm với hàng nội (trong đó có sản phẩm văn hóa-nghệ thuật nước nhà) cộng với tâm lý sính hàng ngoại (trong đó có sản phẩm văn hóa-nghệ thuật nước ngoài) đã ăn sâu vào máu thịt của một số người Việt (trong đó có văn nghệ sĩ) cũng khiến cho tình trạng sùng ngoại, lai căng trong xã hội có biểu hiện gia tăng rất đáng lo ngại.

Người Việt ta tự hào là một dân tộc có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến. Niềm tự hào đó có cơ sở bởi trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, phải đối đầu với hiểm họa xâm lăng của kẻ thù có thời kỳ kéo dài cả nghìn năm, trăm năm, nhưng chúng ta vẫn cơ bản giữ được gốc gác dân tộc, hồn cốt tổ tiên, bản sắc văn hóa mà lớp lớp thế hệ người Việt đã bền bỉ dày công vun đắp, giữ gìn, bảo vệ bằng bao máu xương, mồ hôi, nước mắt.

Tuy vậy, thời đại ngày nay đã khác xưa rất nhiều, đó là chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh nhỏ bé cũng có thể biến một con người, một cộng đồng, thậm chí cả một dân tộc dần trở thành bản sao của người khác, cộng đồng khác, dân tộc khác bởi vô số các sản phẩm thông tin, văn hóa, nghệ thuật, giải trí của các nước phương Tây và một số cường quốc công nghiệp văn hóa đang “làm mưa làm gió” trên các nền tảng mạng xã hội. “Thế giới ngày càng thu gọn lại, trong khi văn hóa dân tộc ngày càng loãng ra”-lời cảnh báo của các chuyên gia văn hóa là không thể coi thường.

Câu tuyên ngôn bất hủ của đại văn hào Nga M.Gorki cách nay trăm năm: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!” vẫn có ý nghĩa cảnh tỉnh, nhắc nhở sâu sắc đối với chúng ta trong “cuộc chiến” chống lại những làn sóng “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài.

Vì vậy, việc chủ động đấu tranh, ngăn chặn “cuộc chiến mềm” này sẽ giúp chúng ta phòng ngừa, hạn chế các hiện tượng sùng ngoại, lai căng trong các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật và trong đời sống tinh thần của nhân dân, qua đó góp phần xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh. Ý nghĩa sâu xa hơn, đây chính là việc làm thiết thực để góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc-một trong những nhân tố cấu thành trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

ST.

Vạch trần các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự ở nước ta

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định cụ thể trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật nước ta.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một bộ phận nhân dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Nghiêm trọng hơn, các thế lực thù địch, tổ chức lưu vong đã kích động, lôi kéo người dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự (ANTT), qua đó thực hiện các mưu đồ chính trị, chống Đảng và Nhà nước ta... 

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên cơ sở pháp luật; góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội (ANCT-TTATXH), thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng nảy sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, dẫn đến tình hình khiếu kiện ở nước ta có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, có 391.512 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 294.909 vụ việc, có 2.943 đoàn đông người; trong đó, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là hơn 7.000 (tăng 15,5% so với năm 2022). Đáng chú ý, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương có nhiều dự án đầu tư liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Vạch trần các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự ở nước ta
Cần vạch trần các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự ở nước ta. Tranh minh họa

Thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Những khó khăn, bức xúc, mâu thuẫn từ cơ sở chưa được phát hiện kịp thời và giải quyết thỏa đáng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu đồng bộ, thống nhất; cơ quan thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là về đất đai, nông nghiệp, môi trường... chưa đúng, chưa đầy đủ, chính quyền và cơ quan chức năng chưa chủ động đối thoại với người dân để giải quyết vướng mắc, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành...

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân sâu xa là các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để chỉ đạo, kích động, lôi kéo, tập hợp người dân tham gia thực hiện “cách mạng màu” đối với nước ta. Tham gia hậu thuẫn, chỉ đạo nhiều vụ việc, điểm nóng là các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, như: Việt Tân, Triều đại Việt, Liên minh Việt Nam tự do... Chúng thông qua các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước lợi dụng tâm trạng bức xúc cùng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để kích động, xúi giục, lôi kéo họ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để khiếu kiện, tập trung đông người nhằm gây rối ANTT, cản trở việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; qua đó, hòng tác động, gây áp lực nhằm can thiệp vào quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành các tổ chức “xã hội dân sự”, các tổ chức chính trị đối lập, hợp pháp hóa những hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, biểu tình, bạo loạn chống Đảng và Nhà nước ta. 

Các thế lực thù địch đặc biệt lợi dụng thời điểm trong nước diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, các diễn đàn hợp tác quốc tế; lợi dụng bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, xuất hiện những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia... để kích động, lôi kéo người dân ở các địa phương xảy ra tranh chấp, khiếu kiện hoặc người dân có quyền và lợi ích bị xâm phạm phải đi khiếu kiện..., tụ tập tham gia tuần hành, biểu tình gây phức tạp về ANTT, cản trở các hoạt động bình thường của xã hội. 

Về phương thức, thủ đoạn, các thế lực thù địch bên ngoài lập ra các “phong trào", "tổ chức” để vừa vận động quyên góp tiền, vật chất, vừa kích động, lôi kéo người dân ở các địa phương xảy ra tranh chấp, khiếu kiện hoặc người dân có quyền và lợi ích bị xâm phạm phải đi khiếu kiện, tham gia chống đối hoặc tuần hành, biểu tình, tán phát truyền đơn nhằm kêu gọi bên ngoài ủng hộ “đồng bào quốc nội”. Chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để thành lập các trang, hội nhóm kích động, tập hợp, lôi kéo những người có chung quan điểm để khiếu nại, tố cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; lợi dụng bưu chính, viễn thông để gửi đơn, thư nặc danh hoặc tung tin đồn thất thiệt nhằm vu khống, bôi nhọ với mục đích hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Chúng hướng dẫn người dân viết đơn, thư khiếu kiện, làm băng rôn, khẩu hiệu, kéo đến trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp để gây sức ép; hướng dẫn viết bài đăng trên internet, mạng xã hội để tạo tiếng vang. Những đối tượng này còn tìm cách xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật, vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, bóp méo tình hình thực tế, thổi phồng vụ việc để tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài và lôi kéo người dân khác tham gia biểu tình, gây rối ANTT, xâm phạm ANCT-TTATXH. Điển hình như vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp đối với dự án thu hồi đất, di dời chùa Liên Trì, số 153, đường Lương Định Của, phường An Khánh, quận 2, TP Hồ Chí Minh; vụ khiếu kiện tại Tu viện Bát Nhã, xã Đamb'ri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng...

Nhằm vạch trần, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng khiếu kiện để xâm phạm ANTT ở nước ta, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:

Một là, các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, dân tộc, đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và các văn bản chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành; lấy ổn định lòng dân làm nguyên tắc cơ bản trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân vào Nhà nước và chính quyền các cấp về giải quyết khiếu nại, tố cáo; ưu tiên giải quyết các quyền lợi chính đáng của quần chúng nhân dân, bảo đảm hài hòa với lợi ích chung của Nhà nước. 

Hai là, tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về âm mưu, hoạt động của kẻ địch lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động người dân xâm phạm ANCT-TTATXH ở địa phương, từ đó tự giác tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; mỗi người dân khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đều phải hiểu rõ và thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo trên cơ sở pháp luật. Vận dụng linh hoạt các biện pháp công tác trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, góp phần bảo đảm ANTT; trong đó, chú trọng vận dụng quy định hành chính, dùng sức mạnh của quần chúng để giải quyết.

Ba là, làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, dứt điểm hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động xâm phạm ANCT-TTATXH hoặc tài trợ, kích động hoạt động khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vượt cấp; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, khiếu kiện, điểm nóng phức tạp về ANTT ở địa phương, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp. Thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bảo đảm thiết thực, hiệu quả; chú trọng xây dựng tổ dân phố, khu phố đoàn kết, văn hóa; xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản ANTT ở từng địa phương. 

Bốn là, các ban, bộ, ngành chức năng thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc, đất đai, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo để qua đó kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót nhằm kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan chức năng, các tầng lớp nhân dân trong phối hợp với lực lượng công an giải quyết kịp thời những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương. Trong xử lý các vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, đất đai, phải tính toán, cân nhắc thời điểm phù hợp, bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại nhằm tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân. 

Năm là, cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Tiếp tục phát huy và thực hiện đồng bộ, triệt để, hiệu quả Quy chế dân chủ ở khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng LLVT nhân dân trên địa bàn vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong giữ vững ANTT tại địa phương./.

ST.

Ba điều cốt yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh vạch trần những luận điệu xuyên tạc, giả dối, gạt bỏ những luồng thông tin xấu độc làm ô nhiễm môi trường tinh thần của xã hội, chúng ta cần giữ vững niềm tin khoa học, bồi dưỡng tình cảm cách mạng và trau dồi bản lĩnh chính trị. Đó là ba điều cốt yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ nhân dân.

Giữ vững niềm tin khoa học

Niềm tin khoa học là niềm tin dựa trên cơ sở khoa học, nắm vững lý luận khoa học và cách mạng, hiểu biết quy luật để nhận thức đúng xu thế vận động, biến đổi và phát triển của lịch sử một cách tất yếu, khách quan.

Niềm tin khoa học không tự có sẵn, không hình thành dễ dàng chỉ một lần là xong và có mãi. Nhận thức là một quá trình, từ hiện tượng tới bản chất, từ đơn giản đến phức tạp, không ngừng khám phá, sáng tạo để nắm vững chân lý và hành động tự giác theo chân lý, theo quy luật.

Niềm tin khoa học do đó gắn liền với trình độ học vấn, học thức, với sự trưởng thành của tư duy lý luận, của phương pháp tư duy khoa học. Con người ta không chỉ lĩnh hội tri thức trong sách vở, qua học tập, lại phải có nhu cầu tự học suốt đời, có thói quen tự tu dưỡng, tự rèn luyện như một nhu cầu văn hóa, để tự làm mới nhận thức của mình mà còn phải chú trọng thực hành trong thực tiễn. Hồ Chí Minh là một kiểu mẫu về tự học-học trong nhà trường, học qua sách vở và nhất là học trong trường đời thực tiễn, học dân, hỏi dân để hiểu dân, tin dân.

Để có niềm tin khoa học, niềm tin của trí tuệ, niềm tin được dẫn dắt và thúc đẩy bởi lý luận khoa học và cách mạng, vượt lên kinh nghiệm và chủ nghĩa kinh nghiệm thực dụng, thiển cận, tầm thường, tự thanh toán khỏi mình bệnh giáo điều, sách vở, chủ quan duy ý chí, bệnh hình thức, lý luận suông và cả thói coi khinh lý luận, tự trói buộc mình bởi chủ nghĩa kinh nghiệm... cần phải thực hành lý luận trong thực tiễn và từ thực tiễn mà kiểm chứng lý luận, phát hiện lý luận mới. Người có niềm tin khoa học là người có năng lực sáng tạo, có tinh thần đổi mới và tự đổi mới, nhạy cảm với cái mới, có đầu óc phê phán cái cũ lạc hậu, lỗi thời, cái sai trái, cái giả để khẳng định và tin theo cái đúng, cái tốt, cái thật. Như thế, niềm tin khoa học hội tụ cả năng lực khoa học, cả phẩm chất đạo đức và về mặt giá trị, đó là một giá trị văn hóa, hướng tới chân-thiện-mỹ.

Kiên trì, kiên định bảo vệ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 3: Ba điều cốt yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân (Tiếp theo và hết)
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn 

Niềm tin khoa học mang sức mạnh của lý tính, lý trí, tỉnh táo, sáng suốt, được chứng thực, thử thách trong thực tiễn. Vào năm 1959, trong chuyến thăm Indonesia, nói chuyện trước giới trí thức khoa học tại trường đại học ở thủ đô Jakarta, Hồ Chí Minh khiêm tốn nói trước các học giả nước bạn về việc tự học của mình. Người khẳng định rằng, chính thực tiễn cuộc sống và trong đấu tranh cách mạng mà Người lĩnh hội được những tri thức đích thực. Đó là những tri thức đáng tin cậy nhất. Từ trong kháng chiến, khi viết các tác phẩm “Đời sống mới” và “Sửa đổi lối làm việc”, Người căn dặn chúng ta, về mặt giáo dục và nhà trường, “phải đặc biệt chú trọng dạy và học các môn khoa học về tinh thần và đạo đức”.

Thống nhất lý luận với thực tiễn, theo Hồ Chí Minh là bản chất tối cao của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là bảo đảm chắc chắn để xây dựng niềm tin khoa học duy vật và biện chứng. Nhờ đó, không trì trệ, bảo thủ, chủ quan, tư biện mà cũng không cực đoan, siêu hình, không phiêu lưu mù quáng. Niềm tin khoa học là cơ sở của lòng trung thành xét về mặt lý luận, của tinh thần lạc quan cách mạng vì giác ngộ chân lý và quy luật, vững tin ở triển vọng tương lai ngay cả khi gặp khó khăn, thử thách. “Thắng không kiêu, bại không nản” là vì vậy. Khi khẳng định: “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”, “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”, Hồ Chí Minh thể hiện rõ rệt một niềm tin khoa học mãnh liệt và Người đã gieo niềm tin, truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta. 

Chính nhờ vững vàng, kiên định niềm tin khoa học ấy mà chúng ta tin tưởng ở Đảng khi Đảng quyết định đổi mới và hội nhập. Vào lúc thử thách hiểm nghèo khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu đổ vỡ chế độ XHCN, Đảng ta nhanh chóng đưa ra Cương lĩnh 1991 thay Cương lĩnh 1951, lại được bổ sung phát triển ở Cương lĩnh 2011. Đảng ta khẳng định rằng dù có trải qua những bước quanh co phức tạp nhưng chủ nghĩa xã hội (CNXH) vẫn là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử loài người. Triển vọng tốt đẹp thuộc về CNXH chứ không phải chủ nghĩa tư bản, dù chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa tư bản hiện đại. Tuyên bố chính trị đó của Đảng nhanh chóng trở thành ngọn cờ tập hợp các lực lượng cách mạng trong nước và có tầm ảnh hưởng quốc tế, củng cố niềm tin khoa học và niềm tự hào chính đáng của chúng ta về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng. Với Đảng, nhờ có niềm tin khoa học mà Đảng ta giữ vững được phương hướng chính trị, có đường lối đúng, đưa nước ta vượt qua khủng hoảng, tồn tại và phát triển như ngày nay. Dân tin Đảng, niềm tin đó của dân được Đảng ta coi là tài sản vô giá phải giữ gìn và phát huy, không được suy giảm, càng không thể mất. Đó cũng là niềm tin khoa học và sự thủy chung của Đảng đối với nhân dân và dân tộc ta.

Văn kiện Đại hội XIII nêu cao khát vọng phát triển đất nước, khơi gợi và phát huy tinh thần cống hiến của mỗi người dân, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, coi trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đó là những quyết sách chiến lược vô cùng quan trọng và cần thiết. Đảng ta cũng nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ thể chế phát triển, để thực hiện thành công các đột phá chiến lược đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Niềm tin khoa học cho chúng ta sức mạnh để khát vọng đó trở thành hiện thực.

Bồi đắp tình cảm cách mạng

Có niềm tin khoa học là có cơ sở để nuôi dưỡng và rèn luyện tình cảm cách mạng. Đó là một trong những động lực tinh thần mạnh mẽ nhất thúc đẩy hành động cách mạng. Tình cảm cách mạng được xây dựng trên các chuẩn mực đạo đức cần, kiệm, liêm, chính để chí công vô tư, đặt việc nước, việc dân lên trên hết, trước hết.

Khi cách mạng và Đảng cần, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, sẵn sàng hy sinh cả lợi ích và cuộc sống cá nhân riêng tư, vì sự nghiệp chung với tinh thần “dĩ công vi thượng” như Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Còn nhớ, gần hai tháng trước khi mất, ngày 14-7-1969, trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo Cuba-đồng chí Mácta Rôhát: “Đâu là điều thiêng liêng nhất?”, Người đã nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Đó là lẽ sống cao thượng được thúc đẩy suốt đời bởi tình cảm cách mạng của Hồ Chí Minh. Đó là đạo đức, là bản lĩnh văn hóa đạo đức của Hồ Chí Minh.

Những ai có tình cảm cách mạng trong sáng sẽ có sự bảo đảm bền bỉ để chống lại và đánh bại chủ nghĩa cá nhân-với lòng tham, tính tham, vụ lợi, vị kỷ-để thực hành lòng yêu nước, thương dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, để hy sinh và tự nguyện cống hiến, vì nước, vì dân. Tình cảm cách mạng xa lạ đối lập với thói vô trách nhiệm, sự hờ hững, hoài nghi, lãnh đạm, vô cảm mà không ít người mắc phải, trở nên suy thoái, hư hỏng, thành tù binh của chủ nghĩa cá nhân. Đến khi rơi vào những việc làm sai trái, những hành vi bất minh, bất chính, bất liêm, vô sỉ thì thành ra kẻ thù của nhân dân vì đã làm hại dân, hại nước.

Có tình cảm cách mạng mới có thể tâm huyết vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, mới có sức mạnh chống lại mọi sai trái, lỗi lầm, mới đủ dũng khí để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, mà thực chất là bảo vệ nhân dân. Một khi tình cảm cách mạng bị nguội lạnh thì niềm tin sẽ bị lung lay, suy yếu, thậm chí từ bỏ niềm tin, lý tưởng, lẽ sống chỉ vì sự cám dỗ của tiền bạc, danh vọng, địa vị, quyền lực. Rơi vào vô cảm, đó là sự suy đồi về đạo đức, nhân cách, không còn sức đề kháng để tự bảo vệ lương tâm, danh dự, liêm sỉ của mình, càng không thể bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân. Đủ hiểu vì sao, vào lúc này, Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Trau dồi bản lĩnh chính trị

Kết quả tổng hợp từ giữ vững niềm tin khoa học và bồi đắp tình cảm cách mạng, thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hành nhân-trí-dũng-liêm-trung từ vị tướng chỉ huy đến chiến sĩ, từ cán bộ lãnh đạo đến đảng viên và quần chúng sẽ dẫn đến bản lĩnh chính trị.

Bản lĩnh chính trị được hình thành, tôi luyện, thử thách trong thực tiễn, trong đối mặt trực tiếp, cọ xát trực tiếp với thực tiễn, tranh đấu với những tình huống phức tạp. Bản lĩnh chính trị có sức mạnh của trí tuệ khoa học, của đạo đức cách mạng, của cốt cách vững vàng về chính trị, không lung lay, dao động, không do dự, không tự đánh mất niềm tin, không xa dân-cội nguồn sức mạnh của Đảng.

Bản lĩnh chính trị là hành động chứ không phải lời nói suông, trung thực, nhất quán giữa nói và làm, không cơ hội, tùy thời, chỉ chăm lo cho cá nhân mình. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên trong đổi mới hiện nay là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động quyết liệt vì lợi ích chung như Đảng đã nhấn mạnh.

Đảng ta khuyến khích những con người như thế và tìm tòi cơ chế để bảo vệ họ, đồng thời cũng áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý những cán bộ, đảng viên từ bỏ trách nhiệm, không hành động vì sợ sai lầm, vì tìm sự an toàn cho riêng mình. Rơi vào trường hợp này thì không còn dũng khí, lòng trung thực và trách nhiệm vì sự nghiệp chung, không còn là bản lĩnh chính trị nữa mà trở thành vật cản đối với đổi mới và phát triển. Đó là những người “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, tự coi mình ở ngoài cuộc, vô can, không chịu trách nhiệm, chỉ chăm lo vun vén, tìm kiếm lợi ích cho riêng mình.

Do đó, muốn có bản lĩnh chính trị để chủ động tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân thì phải đồng thời xây dựng niềm tin khoa học, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức cách mạng, nêu cao tự phê bình và phê bình, củng cố sức mạnh của đoàn kết, dân chủ, đồng thuận từ trong Đảng đến trong dân và xã hội, thực hành “quyết tâm-tín tâm-đồng tâm” như chỉ dẫn của Bác Hồ.

Bản lĩnh chính trị là hạt nhân của văn hóa chính trị mà chúng ta phải dày công xây dựng. Chúng ta càng thấy dự cảm sâu sắc của Hồ Chí Minh khi Người nhấn mạnh: “Chính trị là đoàn kết và thanh khiết”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận càng diễn biến phức tạp bao nhiêu thì những điều cốt yếu nói trên càng cần thiết và quan trọng bấy nhiêu. Nó không chỉ bảo đảm cho nhận thức đúng mà còn là điểm tựa vững chắc cho hành động tự giác, sáng tạo, chủ động và tích cực của mỗi chúng ta trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, để kiên định lý tưởng, mục tiêu và con đường đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, giữ vững định hướng XHCN của sự nghiệp đổi mới, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

ST.