Để phát huy những
tác động tích cực, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của phát triển KTTT
đối với quốc phòng, an ninh, kết hợp hài hòa và bảo đảm thực hiện thành công
hai mục tiêu chiến lược xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần có
một hệ thống các quan điểm, giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp đặc biệt
quan trọng là hoàn thiện công tác quản lý nhà nước.
Hoàn thiện công
tác quản lý nhà nước đối với nền KTTT, đáp ứng yêu cầu kết hợp phát triển kinh
tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, cần xuất phát từ quan điểm chủ
đạo của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trong Cương
lĩnh, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị và được hoàn thiện qua các kỳ đại
hội Đảng, nhất là Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời, cần
quán triệt một số quan điểm sau:
Một là, Đảng lãnh
đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo
vệ Tổ quốc. Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các văn kiện
đại hội Đảng nêu bật nguyên tắc: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt
đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh. Đây là nguyên tắc cơ bản, quy định
chức năng lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, từ việc xây
dựng, hoạch định đường lối, chủ trương chiến lược về quốc phòng, an ninh đến
tổ chức thực hiện.
Hai là, nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia có
mối quan hệ biện chứng, tác động, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Đây
là quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng,
nhất là trong bối cảnh, tình hình mới. Đảng ta tiếp tục khẳng định nhiệm vụ
phát triển kinh tế là trung tâm, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng
yếu, thường xuyên. Trong đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh để tạo môi
trường, tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; ngược lại,
mỗi thành quả của nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ tạo
điều kiện vững chắc cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
Ba là, hệ thống
pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh phải
đồng bộ, hiệu quả. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, được tổ chức và hoạt động trên cơ sở
Hiến pháp, pháp luật. Vì vậy, Nhà nước cần phải có một hệ thống pháp luật,
chính sách phát triển kinh tế - xã hội và pháp luật, chính sách về quốc phòng,
an ninh đồng bộ; được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc
trong mọi tình huống.
Bốn là, thực hiện
nhất quán chính sách quốc phòng, an ninh mang tính chất hòa bình, tự vệ. Chủ
trương của Đảng và Nhà nước ta không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực
trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc
gia khác bằng biện pháp hòa bình. Xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh dựa
trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ
thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng vũ trang và thế trận quốc phòng toàn dân,
thế trận an ninh nhân dân.
Trên cơ sở quán
triệt quan điểm chủ đạo và các quan điểm nêu trên, trong thời gian tới, để tăng
cường kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, hoàn
thiện công tác quản lý nhà nước cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng
cường củng cố quốc phòng, an ninh. Quán triệt chủ trương,
đường lối của Đảng, xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát
triển nền kinh tế, ngành, địa phương gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an
ninh một cách phù hợp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương,
đường lối về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an
ninh. Xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ
trong tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế làm nguy hại đến tiềm
lực quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thứ hai, hoàn
thiện hệ thống pháp luật về KTTT, bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế với củng
cố tiềm lực quốc phòng, an ninh. Mọi chủ trương, đường lối
của Đảng có liên quan đến kết hợp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, phát
triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh đều phải được thể chế
hoá thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất để
quản lý và tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả trong cả nước. Cơ chế, chính
sách bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố tiềm lực quốc
phòng, an ninh cần được xây dựng theo quan điểm quốc phòng toàn dân, an ninh
nhân dân. Việc phân bổ ngân sách đầu tư cho kết hợp phát triển kinh tế - xã hội
gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh theo hướng tập trung cho những
mục tiêu chủ yếu, những công trình có tính lưỡng dụng cao đáp ứng cả cho phát
triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh, cả trước mắt và lâu
dài. Xây dựng chính sách khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần đối với các
tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư có các đề tài khoa học, các dự án công nghệ có
ý nghĩa lưỡng dụng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, hoàn thiện
chiến lược tổng thể kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố
quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới. Muốn kết hợp phát
triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong suốt quá trình
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước một cách cơ bản và thống nhất
trên phạm vi cả nước và từng địa phương, phải tiếp tục hoàn thiện chiến lược
tổng thể quốc gia, các quy hoạch và kế hoạch về kết hợp phát
triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đây cần được coi là
một trong những căn cứ quan trọng hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản
lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Trong hoàn thiện chiến lược tổng thể, quy
hoạch, kế hoạch về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc
phòng, an ninh và đối ngoại trong thời kỳ mới, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa
các bộ, ngành, địa phương từ khâu khảo sát, đánh giá các nguồn lực (cả bên trong
và bên ngoài), trên cơ sở đó, xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và đề
ra các giải pháp chính sách, như: Chính sách khai thác các nguồn lực; chính
sách đầu tư và phân bổ đầu tư; chính sách điều động nhân lực, bố trí dân cư;
chính sách ưu đãi khoa học và công nghệ lưỡng dụng.
Thứ tư, nâng cao
hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh
tế với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Trước
hết, mỗi ngành, mỗi cấp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của
pháp luật và Nghị định số 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, nghiên cứu
xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này cho phù hợp với yêu cầu nhiệm
vụ trong điều kiện mới (sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ; sự xuất hiện của các vấn đề quốc
phòng, an ninh phi truyền thống). Xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt các quy
hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng,
an ninh ở ngành, địa phương, cơ sở. Đổi mới phương pháp quản lý, điều hành của
chính quyền các cấp từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch đến công tác nắm tình hình,
thu thập xử lý thông tin, định hướng hoạt động, tổ chức hướng dẫn và thanh tra,
kiểm tra ở mọi khâu, mọi bước của quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh
tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường vai trò giám sát của
Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức chính trị, xã hội.
Thứ năm, đổi mới,
nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế
với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh cho công chức, đặc biệt là công chức
lãnh đạo quản lý các cấp. Căn cứ vào đối tượng bồi
dưỡng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra để chọn lựa nội dung, chương trình bồi dưỡng cho
phù hợp và thiết thực nhằm nâng cao cả kiến thức, kinh nghiệm và năng lực thực
tiễn sát với cương vị đảm nhiệm với từng loại đối tượng cán bộ. Kết hợp bồi
dưỡng kiến thức lý luận với thực hành thông qua các cuộc diễn tập thực nghiệm,
thực tế ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở để nâng cao hiểu biết và năng lực tổ
chức thực hiện của đội ngũ cán bộ và của toàn dân, toàn quân về kết hợp phát
triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Thứ sáu, củng cố,
kiện toàn và phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách quản lý nhà
nước về quốc phòng, an ninh các cấp. Cần nghiên cứu, bổ
sung chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về quốc
phòng, an ninh nói chung và về kết hợp phát triển kinh tế gắn với tăng cường,
củng cố quốc phòng, an ninh nói riêng. Kết hợp giữa chấn chỉnh, kiện toàn tổ
chức với chăm lo bồi dưỡng, nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan và
cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu về thực hiện kết hợp phát triển kinh
tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ
trong thời kỳ mới.
HAIVAN