Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật*.

 Chiều 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ toàn quốc. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm:


Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

"Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, nguyên Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành.

Thưa các anh chị em văn nghệ sỹ,

Thưa toàn thể các đại biểu dự hội nghị!

Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự buổi gặp mặt đại diện đội ngũ văn nghệ sỹ - những người con ưu tú, tinh hoa, lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá văn hóa dân tộc. Với tất cả tình cảm quý mến, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi đến các văn nghệ sỹ có mặt tại đây cũng như đội ngũ văn nghệ sỹ trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. 

Thưa các đồng chí và các anh chị em văn nghệ sỹ.

Văn hóa là sản phẩm đặc biệt của con người, của dân tộc. Giữ gìn và phát huy sức mạnh của văn hóa là lĩnh vực mà bất cứ quốc gia nào cũng phải quan tâm bởi nhiệm vụ này gắn liền với sự phát triển xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và sự vận hành hiệu quả của nhà nước. Lê Nin đã chỉ rõ, nâng cao trình độ văn hóa là một trong những nhiệm vụ bức thiết nhất mà người cộng sản phải làm sau khi giành được chính quyền. Năm 1943, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, Đảng ta chưa giành được chính quyền nhưng đã có Đề cương văn hóa Việt Nam, thể hiện  sức mạnh, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp của Đảng, thể hiện niềm tin, sự lạc quan, chiến thắng của Đảng ta, nhân dân ta. Đến nay, hơn 80 năm ra đời, Đề cương văn hóa vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống. Hồ Chí Minh- lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, sau khi đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nhà nước Việt Nam mới đã nhấn mạnh “Nay nước ta đã giành được độc lập, cần phải có một nền văn hóa hòa hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của dân”, với sự khẳng định “trong cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cần chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội . Theo quan điểm của Bác “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa dân tộc và con người mới phải được xây dựng, phát triển phù hợp với thời đại, với mục tiêu chiến lược phát triển mới của đất nước. Ngay khi giải phóng Điện Biên, Bác đã cử nhiều thanh niên sang Liên Xô, Trung Quốc học tập về văn hóa, về văn học nghệ thuật, theo học các trường Mỹ thuật, Điện ảnh, Nhạc... để chúng ta có lớp nghệ sỹ gạo cội ngày hôm nay. Có lẽ không có ai lạc quan hơn các nghệ sỹ. Ngay từ năm 1945, khi quân đội ta mới tròn một tuổi, Nhạc sỹ Văn Cao  có tác phẩm về Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Công an Việt Nam... hay năm 1949 Văn Cao đã thấy “trùng trùng quân đi sóng/ lớp lớp đoàn quân tiến về” giải phóng thủ đô. Rất nhiều tác phẩm từ buổi sơ khai của chính quyền đã khẳng định sự tất thắng của sự nghiệp Cách mạng.

Kể từ khi có Đảng, có Chính quyền, Đảng- Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới đội ngũ Văn nghệ sỹ, đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi, không gian phát triển văn học nghệ thuật, để anh chị em văn nghệ sỹ đắm mình trong đời sống xã hội, cuộc sống của nhân dân. Và đáp lại, đội ngũ văn nghệ sỹ ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự chấn hưng của dân tộc. 

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đầy gian khổ song vô cùng oanh liệt, tự hào, rất nhiều văn nghệ sỹ vừa  cầm súng, vừa cầm bút, cầm đàn luôn sát cánh cùng mọi tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc sẵn sàng hiến dâng, dũng cảm hy sinh, xung kích trên mặt trận tư tưởng- văn hóa; đã viết nên những tác phẩm, những bản anh hùng ca truyền cảm hứng, cổ vũ, khích lệ, tạo nên sức mạnh vô song của toàn dân tộc trong công cuộc chiến đấu,bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bằng những vần thơ, lời văn, câu hát, bản nhạc, nét vẽ, thước phim, vở kịch… Những tác giả quen thuộc như Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu, Văn Cao, Phạm Tuyên, Lưu Hữu Phước, Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Nguyễn Thi, Tô Ngọc Vân, Tường Vy, Trà Giang… và biết bao văn nghệ sỹ nổi tiếng khác đã lan tỏa khí thế cách mạng đến mọi miền của Tổ quốc, ca ngợi lòng dũng cảm và khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trên chiến trường, trở thành nguồn động viên to lớn trên mọi mặt trận, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân và là di sản văn hóa quý giá, giúp thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập, tự do và sự hy sinh của cha ông. Trong các chiến dịch, mặc dù gian khổ, khó khăn nhưng các văn nghệ sỹ vẫn xung trận, có mặt ở các chiến trường, các trận đánh, có nhiều sáng tác tại chỗ rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của Đảng, nhân dân, quân đội và chiến sỹ.  Đội ngũ văn nghệ sỹ đã cùng với toàn dân, toàn quân“xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, làm nên những thắng lợi vĩ đại“lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thu non sông về một mối, để non sông tổ quốc ta “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. 

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, lan tỏa khắp mạch sống của Tổ quốc như những tế bào máu, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục không quản hy sinh, gian khổ để phản ánh, khẳng định sức sống muôn màu, ở mọi vùng miền, mọi ngành nghề, sáng tạo những tác phẩm đậm đà giá trị văn hóa-nhân văn, tiếp thêm sức sống mỹ học, nghệ thuật học, tạo ra nguồn lực tinh thần cho đất nước trên con đường vươn tới sự cường thịnh, tươi đẹp, nhất là vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam.

Chúng ta xúc động, tự hào trước những tác phẩm kết tinh tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy, dấn thân của các thế hệ văn nghệ sĩ; những tác phẩm cổ vũ, khích lệ toàn dân, toàn quân, ghi dấu những năm tháng không thể nào quên của đất nước, thể hiện mạnh mẽ tầm vóc con Lạc cháu Hồng, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tự hào về Đảng và Tổ quốc quang vinh; những tác phẩm đề cao, biểu dương những nhân tố mới, những tấm gương lao động, sản xuất và chiến đấu quên mình. Chúng ta tôn vinh đội ngũ văn nghệ sỹ - những người một lòng đi theo lý tưởng của Đảng, tận tâm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đoàn kết một lòng chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình”, tự nguyện trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tình nguyện sống và sáng tạo ở những nơi địa đầu Tổ quốc, những mặt trận gian khổ, ác liệt nhất, cùng máu thịt với nhân dân, tắm mình trong thử thách, coi đó là khát vọng, là lẽ sống, là hạnh phúc của đời mình.

Với những đóng góp to lớn, đội ngũ văn nghệ sỹ cách mạng đã trở thành đội quân văn hóa của Đảng, nhân tố nòng cốt làm nên sức vóc, bề dày văn hóa mới, thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển ngành công nghiệp văn hoá định hướng XHCN, không ngừng nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của quần chúng nhân dân, góp phần bồi đắp nền văn hiến lâu đời, đặc sắc của dân tộc, làm rạng rỡ non sông, đất nước; được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, hơn hết, đã đi vào lòng người, trở thành hành trang tinh thần tri kỷ và quý báu của nhân dân ta.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi bày tỏ tri ân sâu sắc, nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu đã đạt được trong hoạt động văn học nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ trong 80 năm qua.

Thưa các đồng chí, anh chị em văn nghệ sỹ,

Bên cạnh thành tựu, thẳng thắn nhìn nhận, so với thời kỳ kháng chiến kiến quốc, hoạt động văn học nghệ thuật trong giai đoạn đổi mới đất nước đang có phần chững lại, kém khí thế nhiệt huyết; thiếu vắng những tác phẩm có sức khái quát nghệ thuật cao, có năng lực hiệu triệu, lay động, cổ vũ, khích lệ toàn dân, toàn quân muôn người như một, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện các chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước. Nền văn học nghệ thuật chưa phản ánh sinh động và đầy đủ thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, giá trị văn hóa truyền thống bị mai một; lúng túng, bị động, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, chưa kịp thời ngăn chặn “luồng gió độc” của văn hóa ngoại lai xâm hại văn hóa dân tộc. Nhiều sản phẩm theo xu hướng giải trí vụn vặt, nhất thời; một số kích động những bản năng thấp kém; một số vồ vập quan điểm nghệ thuật nước ngoài thiếu chọn lọc, xa rời chức năng chân thiện mỹ; chưa hoàn thành sứ mệnh cao cả là ngọn đuốc nhân văn, ngọn đuốc trí tuệ, văn hóa soi lối, dẫn đường, kiến tạo những giá trị và lối sống lành mạnh, tiến bộ. Một số văn nghệ sĩ còn thụ động, thiếu khát vọng, chưa dấn thân, thậm chí tha hóa về tư tưởng chính trị, có tư duy lệch lạc, chạy theo thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân trước mắt, sa ngã, vi phạm pháp luật. Môi trường hoạt động nghệ thuật có lúc, có nơi chưa thật sự tạo ra mạch nguồn cảm hứng, góp phần khơi dậy khát vọng, đam mê của văn nghệ sỹ. Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện tính tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm nhiều nhưng ít tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về tư tưởng và thẩm mỹ. Hoạt động lý luận, phê bình nghệ thuật còn lạc hậu và có biểu hiện tụt hậu, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của cuộc sống, còn xa rời thực tiễn, xơ cứng, chưa thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, điều phối; Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ còn bất cập, yếu kém, hụt hẫng, không đồng đều... một số hội văn học, nghệ thuật chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lúng túng trong việc tập hợp, phối hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sỹ...

Thưa các đồng chí và anh chị em văn nghệ sỹ,

Đất nước ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, vươn mình. Để đạt được mục tiêu lớn lao này, đòi hỏi sự nỗ lực bứt phá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó đóng góp của nền văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sỹ có vai trò đặc biệt quan trọng và đang đặt ra cấp bách. Đảng, Nhà nước, Nhân dân trông chờ và tin tưởng vào sự chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sỹ trong giai đoạn cách mạng mới, với 03 đề nghị, sau đây: 

Thứ nhất, gia tăng mạnh mẽ đóng góp, cống hiến của đội ngũ văn nghệ sỹ trong thực hiện các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, với 03 nội dung cụ thể: (i) Phấn đấu tạo ra bộ sưu tập mới những tác phẩm để đời, bổ ích, phản ánh sinh động hiện thực giai đoạn cách mạng mới; soi đường, chiếu sáng cuộc sống, có sức mạnh lay chuyển cảm xúc, hiệu triệu toàn dân, toàn quân thực hiện chủ trương của Đảng; khơi dậy, quy tụ lòng dân, nhân lên sức dân, cùng toàn Đảng, toàn dân toàn quân, tạo thành sức mạnh vô địch đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao mới; tích cực đóng góp xây dựng văn minh nhân loại. (ii) Tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Sứ mệnh cao cả nhất của đội ngũ văn nghệ sỹ cách mạng là kiến tạo nhân cách văn hóa, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Qua các tác phẩm tốt để gieo vào trái tim người đọc, người xem những điều tốt đẹp, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh con người Việt Nam, hướng họ đến với những giá trị của chân, thiện, mỹ; bài trừ, thanh lọc những cái xấu, cái ác; định hướng, dẫn dắt nhân dân tới những giá trị cao quý, tương lai tươi sáng và khát vọng chân chính. (iii) Cơ sở để thực hiện các nội dung trên rất khả quan. Sự nghiệp đổi mới sau 40 năm với thế và lực, thời cơ, vận hội, kể cả nguy cơ và thách thức đang cung cấp cho văn nghệ sỹ những chất liệu quý giá, nguồn động lực mới, nền tảng cho những bước chuyển mình mạnh mẽ, cho sự ra đời những tác phẩm lớn có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn, lôi cuốn công chúng; tất cả đã sẵn sàng và sự tập trung tài năng, tâm huyết, khát vọng dấn thân quyết liệt, đổi mới sáng tạo đúng đắn, mạnh mẽ của đội ngũ văn nghệ sỹ là điểm nút để những giá văn hóa, nghệ thuật, tinh thần, cốt cách Việt Nam vươn xa, bay cao, tiếp cận và hòa vào nền văn minh nhân loại. Mục tiêu của chúng ta là văn học nghệ thuật, văn hóa phải phục vụ nhân dân, nhân dân có quyền thụ hưởng bởi đời sống không chỉ là cơm ăn, áo mặc mà đòi hỏi cuộc sống tinh thần cũng phải được cải thiện, được hưởng thụ. Chúng ta suy nghĩ gì khi một bộ phận người dân không những chưa được no, được ấm mà còn đói văn hóa nghệ thuật?

Thứ hai, tập trung xây dựng nền văn học nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của Đảng xứng tầm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với 03 trụ cột cơ bản: (i) Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹthật sự là những chiến sỹ cách mạng kiên trung trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ có tư tưởng lành mạnh, lập trường đúng đắn, trung thành với lý tưởng của Đảng, gắn bó máu thịt với vận mệnh của dân tộc, với sự nghiệp đổi mới, với đời sống lao động sản xuất của nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả; có tác phong làm việc đúng đắn, có đạo đức trong sáng, chịu đựng được gian khổ, chất phác; chống xa rời quần chúng, xa rời thực tế, xa rời chính trị, xa rời lao động; luôn trau dồi tư tưởng chính trị, quan điểm lập trường cách mạng, tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết; có khát vọng, hoài bão lớn về sự sáng tạo, dám đổi mới, sắc bén, mạnh mẽ, nhiệt huyết trong miêu tả, ca ngợi cũng như phê bình; tích cực thâm nhập, không ngừng đi sâu nắm bắt thực tiễn, phản ánh chân thực mọi góc cạnh cuộc sống, nhất là những chủ đề phục vụ mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng phát triển, phồn thịnh, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng. Văn nghệ sỹ phải không ngừng bám sát nhịp sống, hơi thở của nhân dân, hòa mình cùng đất nước, dám đi vào những vấn đề gai góc, phức tạp, nhạy cảm của cộng đồng, đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo, phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội. Vốn sống của văn nghệ sĩ phải vươn ra khắp mọi miền Tổ quốc; phải đập cùng nhịp đập trái tim của Tổ quốc. (ii) Về tác phẩm, phải có bản sắc, giá trị tư tưởng xã hội chủ nghĩa và nghệ thuật cao; phản ánh tâm hồn, phong thái, cốt cách; khơi dậy khí phách, niềm tự hào dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo tương lai; có khả năng lan tỏa đạo đức xã hội chủ nghĩa, bổ ích đối với công chúng, tạo thành sức mạnh văn hóa giúp dân tộc trường tồn. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian là cực kỳ quan trọng bởi văn hóa dân tộc là bản sắc, văn hóa dân gian là truyền thống (iii) Nghệ thuật phải giản dị và có linh hồn, có thần (dễ hiểu, dễ thấm, dễ ngấm, đồng thời phải hay, đặc sắc, độc đáo, thu hút, lan tỏa và thuyết phục được quần chúng; vừa phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc như chủ nghĩa yêu nước, nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, vừa là tấm gương chân thực phản ánh hiện thực sống động sự bứt phá, vươn mình của đất nước, của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Người sáng tạo nghệ thuật phải thấu hiểu chủ trương chiến lược mà Đảng đang lãnh đạo thực hiện, thấu hiểu tình trạng đất nước, thấu hiểu cuộc sống của nhân dân, trên nền tảng mỹ học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có được những tác phẩm tái hiện lại đời sống một cách giản dị chân thành; vừa cổ vũ, động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vừa dám phê bình, tố cáo những mặt sai trái, không làm ngơ, bỏ qua các ngóc ngách gay cấn. Chỉ khi nghệ thuật phản ánh hiện thực chân thực đúng đắn, nghệ thuật mới sinh sôi và có như vậy nghệ sỹ, nghệ thuật mới có công chúng, đi được vào lòng công chúng, sống được với thời gian và trở nên có giá trị.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, phát triển, ươm tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng cần có Nghị quyết Trung ương về phát triển văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới. Ban Bí thư, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm tham mưu triển khai có hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển Văn hóa giai đoạn 2025-2035”; thực hiện mục tiêu quốc gia về văn hóa đến năm 2045; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 16 /06/ 2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và nghiên cứu ban hành Chiến lược quốc gia về xây dựng nền văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu hướng đến về tác phẩm, về xây dựng phát triển ngành công nghiệp văn hoá định hướng XHCN, về cơ chế ươm tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật, về đóng góp đối với văn minh nhân loại. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo quản lý, tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập sâu rộng thực tế sôi động của đất nước, đồng hành, gắn bó máu thịt với công cuộc lao động sáng tạo của nhân dân ta trên mọi lĩnh vực của đời sống, nâng cao lòng yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng của văn nghệ sỹ trên cơ sở toàn diện, chặt chẽ, khoa học, công tâm, minh bạch và kịp thời, tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong xã hội, sự đồng thuận, đoàn kết trong văn nghệ sỹ; có nhiệm vụ cụ thể, phong trào sáng tác theo các chủ trương chiến lược của Đảng.

Quốc hội, Chính phủ, các Ban của Đảng, các cơ quan liên quan cần phối hợp tháo gỡ những nút thắt về pháp luật, cơ chế, chính sách, ngân sách, tài chính, đầu tư... tạo nguồn lực, tạo không gian cho văn nghệ sỹ tự do sáng tạo, sáng tác. Nhưng, đi đôi với đó là phải đấu tranh với những tư tưởng lệch lạc, suy thoái, phi văn hóa. Bên cạnh đó phải chú trọng đào tạo  bồi dưỡng nhân tài, nguồn nhân lực đủ mạnh cho đội ngũ Văn nghệ sỹ phục vụ cho kỷ nguyên mới của dân tộc.

Thưa các đồng chí, các anh chị em văn nghệ sỹ,

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ… phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.., chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng... Về sáng tác, cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của Nhân dân... Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với quyết tâm, khí thế mới, niềm tin và khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường, với sự kỳ vọng lớn lao về những đóng góp từ sức mạnh chính trị tạo ra nền văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ.

Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng rằng, phát huy truyền thống vẻ vang, đội ngũ văn nghệ sỹ nước nhà nhất định sẽ đạt những thành tựu mới, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước và góp phần tích cực phát triển văn minh nhân loại. 

Tôi thực sự xúc động trước tình cảm của những văn nghệ sỹ có mặt ngày hôm nay. Xin cảm ơn các văn nghệ sỹ đã đến dự và phát biểu thể hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với nhân dân và đối với nền văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.

Nhân dịp năm mới 2025 và Xuân Ất Tỵ sắp tới, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân danh cá nhân, tôi chúc tất cả các quý vị đại biểu, anh chị em văn nghệ sỹ cùng toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!"

Chiến thắng 7-1: Trang sử vàng của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

 

Cách đây đúng 46 năm, vào ngày 7-1-1979, quân và dân Campuchia với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng Phnom Penh, đánh đổ chế độ diệt chủng bạo tàn do Pol Pot cầm đầu. Chiến thắng đó đã là một phần lịch sử như mốc son chói lọi của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, đồng thời mở ra một trang mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

Thảm kịch diệt chủng đã qua đi, nhưng những “vết sẹo” lớn để lại vẫn nhức nhối và ám ảnh mỗi khi nhắc đến một trong những sự kiện bi thảm nhất lịch sử loài người trong thế kỷ 20…

Bên bờ vực diệt chủng!

Ngày 17-4-1975, thủ đô Phnom Penh - thành trì cuối cùng của chính quyền Lon Nol (Cộng hòa Khmer) thất thủ, chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng trong suốt 5 năm qua. Người dân Campuchia vui mừng khôn xiết đổ ra đường chào đón những đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản Phnom Penh, bởi họ hiểu rằng chiến tranh đã kết thúc, hòa bình được lập lại. Người dân Campuchia đã vội vàng mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc mà họ hằng chờ đợi. Nhưng trớ trêu thay, ngày mà họ kỳ vọng nhất vào một tương lai tươi sáng ấy lại chính là ngày khởi đầu của một giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Campuchia.

Chỉ vài giờ sau khi tiến vào Phnom Penh, lực lượng của Pol Pot đã ra lệnh ép buộc tất cả người dân phải rời khỏi Phnom Penh, bất cứ ai không nghe theo mệnh lệnh đều bị sát hại không từ người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, nhà sư, trí thức… Từng đoàn người dắt díu, bồng bế nhau bị xua đuổi về các vùng quê, chen lấn nhau như nước vỡ bờ tạo nên một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.

Ngay sau khi giành được chính quyền, chính quyền do Pol Pot cầm đầu đã tiến hành xây dựng một xã hội chưa từng có trong lịch sử, khi tách biệt đất nước với thế giới bên ngoài. Chúng thực hiện chính sách phản động trên toàn quốc, áp đặt những chính sách độc tài hết sức dã man, thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân và biến họ thành nô lệ thực thi mọi mệnh lệnh của “Angkar”. Với luận điệu và khẩu hiệu “xóa bỏ giai cấp” chính quyền Campuchia Dân chủ đã xóa bỏ thành thị, lùa người dân từ thành thị về nông thôn, ép buộc họ phải làm nông dân, cưỡng bức lao động khổ sai, xóa bỏ trường học, giết hại trí thức, hủy bỏ hệ thống giáo dục, thủ tiêu văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân Campuchia, xóa bỏ một cách thô bạo tự do tín ngưỡng... Chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày (17-4-1975 / 7-1-1979), chúng đã sát hại hàng triệu người dân Campuchia vô tội.

Chúng cũng đồng thời thực thi chính sách về đối ngoại vô cùng nguy hiểm. Được bên ngoài kích động, xúi bẩy và hậu thuẫn, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary ra sức xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam - Campuchia, kích động tư tưởng thù hằn dân tộc, chống Việt Nam. Những hoạt động quân sự xâm phạm biên giới của chúng là hành động cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm thô bạo đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau những sự kiện nghiêm trọng trên, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn hai nước đàm phán trên tinh thần tôn trọng nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tiếp tục phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Đáp lại đề nghị đầy thiện chí của Việt Nam, phía Campuchia dân chủ không những không chịu gặp gỡ, trao đổi với phía Việt Nam mà còn tăng cường xâm lấn quân sự dọc biên giới hai nước, mở nhiều cuộc tiến công lớn sang lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, suốt từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang lên tới Tây Nguyên, gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam.

Trước tình hình đó, Việt Nam buộc phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng, phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh.

Theo đó, từ ngày 23-12-1978, các binh đoàn chủ lực Việt Nam tiến hành chiến dịch tổng phản công trên toàn tuyến biên giới, tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng và tan rã từng mảng lớn. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng. Phần lớn lực lượng Pol Pot - Ieng Sary bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây Campuchia.

Lịch sử không bao giờ bị lãng quên và không ai bị quên lãng

Chiến thắng đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary mùa Xuân năm 1979 là chiến công chung của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, kết quả của sự phối hợp chiến đấu giữa Quân đội Việt Nam với các lực lượng yêu nước, cách mạng chân chính Campuchia và sự ủng hộ to lớn của nhân dân Campuchia. Với Việt Nam, thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc một lần nữa khẳng định, nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Campuchia (2017), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Lịch sử không bao giờ bị lãng quên và không ai bị quên lãng. Vinh quang đời đời thuộc về những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc của hai dân tộc”. Và trong thông điệp gửi tới nhân dân Campuchia nhân dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 7-1 hằng năm, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen cũng luôn nhắc đến công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và chiến sĩ cách mạng Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của đất nước Campuchia. Đây vĩnh viễn là một phần lịch sử hào hùng, tráng lệ của tình đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung Việt Nam - Campuchia. 

Ở Campuchia, Chiến thắng 7-1 thật sự đã khắc sâu trong trái tim của người dân yêu chuộng hòa bình nơi đây, họ coi ngày 7-1-1979 là ngày họ được tái sinh và không có Chiến thắng 7-1 không có Campuchia ngày hôm nay. Đây là một chân lý lịch sử mà không ai có thể thay đổi, hoặc xóa bỏ. Chiến thắng 7-1-1979 chắc chắn là “Bài học lịch sử đắt giá nhất” được đúc rút cho các thế hệ hôm nay, mai sau ghi nhớ, kế thừa truyền thống đoàn kết, anh hùng, tinh thần quốc tế trong sáng tương trợ lẫn nhau của quân và dân Việt Nam, Campuchia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong bài viết mới đây của học giả Uch Leang đến từ Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) đã dẫn lời ông Sok Eysan, người phát ngôn Đảng Nhân dân Campuchia khẳng định rằng: “Dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, nhân dân Campuchia đã rơi vào cảnh khốn cùng chưa từng có trên thế giới. Trong thời điểm bi thảm đó, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã nhanh chóng và kịp thời mở các cuộc tấn công để giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng”.

Sự thật luôn hiển nhiên là vậy, dù vẫn còn đâu đó những luận điệu cực đoan, thù địch của những kẻ cơ hội, đang cố tình xuyên tạc lịch sử, kích động, gây chia rẽ mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Thậm chí, những hy sinh to lớn, tinh thần quốc tế cao cả và trong sáng của Việt Nam khi giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ còn bị bóp méo, xuyên tạc và còn bị không ít dư luận từ cộng đồng quốc tế hiểu sai suốt thời gian dài.

Ngày 16-11-2018, khi Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống lại nhân loại của Khmer Đỏ, trả lại công bằng cho các nạn nhân Việt Nam và Campuchia, lúc này sự chính nghĩa, tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Việt Nam khi sang giúp nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng mới được sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Khi Tòa án xét xử Khmer Đỏ ra phán quyết này, nhiều dư luận trong và ngoài nước cho rằng “thế giới đang nợ Việt Nam một lời xin lỗi”. Nhưng nói như quan điểm của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thì có lẽ chúng ta không cần một lời xin lỗi, mà cần cộng đồng quốc tế nhận thức đúng đắn về lịch sử…

Vận mệnh hai dân tộc là không thể tách rời

Đã 46 năm kể từ sau Chiến thắng ngày 7-1-1979, hai nước Việt Nam và Campuchia luôn luôn trân trọng và gìn giữ mối quan hệ láng giềng tốt đẹp này. Lãnh đạo hai nước luôn khẳng định vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau và Việt Nam mãi mãi là người bạn láng giềng thủy chung, trước sau như một, mong muốn mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, kinh tế đến văn hóa, giáo dục... Hai nước cam kết tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua tăng trưởng thương mại, đầu tư, dịch vụ, các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân Campuchia.

Tại cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, hai bên đều khẳng định mong muốn, quyết tâm cao và dành ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng, phát triển mối quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển tốt đẹp.

Năm 2024 vừa qua là một minh chứng rõ nét nhất cho điều này, khi hai bên duy trì một loạt các hoạt động tiếp xúc cấp cao quan trọng như: Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) thăm cấp Nhà nước tới Campuchia (tháng 7-2024); Cuộc ăn sáng - làm việc giữa ba Thủ tướng Việt Nam - Lào - Campuchia (tháng 10-2024); Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia (tháng 11-2024); Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneat Norodom Sihamoni thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (tháng 11-2024) ... Có thể nói, các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao hai nước luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc dẫn dắt và định hướng cho quan hệ giữa hai nước.

Dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực trong thời gian tới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hai nước Việt Nam và Campuchia vẫn sẽ cùng nhau cảnh giác, đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi bị kích động, những hoạt động vu khống, gây chia rẽ. Chúng ta tin tưởng quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia đã được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.   

 

 

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống lãng phí.

 Chiều 31/12, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024, kết nối trực tuyến tới các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội nghị triển khai công tác ngành Nội chính Đảng năm 2025. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội

Báo cáo kết quả công tác tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết, năm 2024, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo Trung ương 10 đề án lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí, đưa nhiệm vụ phòng, chống lãng phí tương đương với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; hoàn thành đề tài khoa học trọng điểm về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực nội chính qua 40 năm đổi mới; tổ chức thành công 2 hội thảo quốc tế, 13 đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp ban Đảng và cấp cơ sở; biên soạn, phát hành cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với nhiều giá trị lý luận và thực tiễn phong phú, phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu của ngành Nội chính Đảng.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngành Nội chính đã tham mưu, tổ chức tốt 3 phiên họp, 2 cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và hơn 600 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh; đã phối hợp tham mưu, chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, đúng quy định pháp luật; tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện công việc của 6 đoàn kiểm tra, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Ngành cũng đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham mưu, tổ chức hơn 1.000 cuộc tiếp, đối thoại với công dân của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; tiếp nhận, xử lý gần 60.000 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và tham mưu, chỉ đạo xử lý hơn 200 vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh trong năm 2024. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ một số hạn chế và đề nghị ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư lưu ý, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp, ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh phải tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về nội chính, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp. Nhất là, tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện và nâng cao chất lượng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Tham mưu, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tham mưu tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đánh giá toàn diện những kết quả, hạn chế và nguyên nhân, dự báo đúng tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ, đột phá, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội. Ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh tham mưu, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn và cán bộ lãnh đạo các cấp có nhiều thông tin, dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; điều tra, xử lý dứt và điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự các. Đồng thời, tham mưu, chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, với phương châm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là trọng tâm, đột phá; kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Phối hợp làm tốt công tác thẩm định nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, kê khai tài sản không trung thực, để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi.

Tổng Bí thư chỉ rõ, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp “hiệp đồng tác chiến” giữa các cơ quan nội chính; chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nhất là tham mưu, chỉ đạo làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân, lắng nghe và giải quyết tốt các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; giải quyết dứt điểm, thấu lý, đạt tình các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân ngay từ cơ sở; xử lý dứt điểm các vụ, việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tổng Bí thư yêu cầu, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương; tăng cường các biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải thật sự bản lĩnh "Chắc - Sắc - Đắc" (Pháp luật chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm). Các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo Quy định 199-QĐ/TW, ngày 20/11/2024 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu hoạt động.

Tổng Bí thư đề nghị, các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, có cơ chế thu hút cán bộ để ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao./.

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời như thế nào?

 

Từ năm 1925-1930, trên đất nước ta lần lượt xuất hiện các tổ chức cách mạng hoạt động song song với nhau. Đó là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng đảng, Việt Nam Quốc dân Đảng,...

Trong quá trình đó đã diễn ra sự thử thách nghiêm khắc, sự chọn lựa lịch sử về sứ mệnh của các tổ chức chính trị đối với dân tộc trong thời đại mới.

Ngày 11-11-1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc). Quảng Châu - là nơi Tâm tâm xã ra đời, là thủ phủ của Quảng Đông, một tỉnh duyên hải của Trung Quốc, đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện, có nền thương mại phát triển. Từ năm 1923, Quảng Châu trở thành thủ đô của Chính phủ Tôn Trung Sơn, nơi nhiều nhà cách mạng Việt Nam và thế giới thường lui tới hoạt động.

Sau khi đến Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ. Phần lớn học viên là thanh niên, học sinh, trí thức Việt Nam yêu nước. Họ học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Phần lớn số học viên đó sau khi “học xong, họ lại bí mật về nước truyền bá lí luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân”[1]. Số còn lại Người gửi sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô) hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).

Tháng 2-1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, giác ngộ một số thanh niên tích cực trong tổ chức Tâm tâm xã, lập ra Cộng sản đoàn, trong đó có: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lưu Quốc Long, Trương Văn Lĩnh, Lê Quang Đạt, Lâm Đức Thụ. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập một tổ chức cách mạng có tính chất quần chúng rộng rãi hơn là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, là đội tiền phong cách mạng của dân chúng Việt Nam. Nhằm “tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và tụi chó săn của chúng nó mà tự cứu lấy mình[2]. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Tổng bộ, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Trụ sở của Tổng bộ đặt tại Quảng Châu.

Ngày 21-6-1925, tuần báo Thanh niên, cơ quan trung ương của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, cơ quan tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để giáo dục, tập hợp và thống nhất tư tưởng, hành động của các chiến sĩ cách mạng và trang bị những kiến thức chính trị cho đội ngũ cán bộ vận động quần chúng.

Từ giữa năm 1925 đến trước tháng 4-1927, Hội đã tổ chức được nhiều lớp huấn luyện tại số nhà 13 và 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, đào tạo được khoảng 75 hội viên. Các bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp, xuất bản thành cuốn sách Đường kách mệnh (năm 1927). Báo Thanh niên và tác phẩm Đường Kách mệnh đã trang bị lí luận cách mạng giải phóng dân tộc cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để tuyên truyền đến giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Đường kách mệnh là cuốn sách giáo khoa chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam, trong đó tầm quan trọng của lý luận cách mạng được đặt ở vị trí hàng đầu như lời chỉ dẫn của Lênin mà Người viết trang trọng ở đầu cuốn sách: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Lý luận đó phải được đưa đến tận người dân: “Cách mệnh trước phải làm cho dân giác ngộ”, “Cách mệnh phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa (tức chủ nghĩa Mác - Lênin) cho dân hiểu[3].

Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hoá”, nhiều cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, cùng sinh hoạt và lao động với công nhân để tuyên truyền vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân.

Ngày 29-9-1928, Hội nghị Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đề ra chủ trương Vô sản hóa, đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để cùng lao động với công nhân, từ đó rèn luyện, nâng cao lập trường giai cấp công nhân, đồng thời trực tiếp tuyên truyền giác ngộ và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng theo lập trường vô sản. Phong trào công nhân vì thế càng phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành nòng cốt của phong trào dân tộc trong cả nước.

Hàng loạt cán bộ, hội viên đã đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền. Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Công Hòa, Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang… về Hải Phòng làm công nhân ở nhà máy chai, nhà máy xi măng, nhà máy sợi, Nhà máy điện Cửa Cấm; Nguyễn Phong sắc vào làm ở Nhà máy xe lửa Trường Thi (Vinh); Hoàng Thị Ái vào làm ở Đà Nẵng; Trần Ngọc Hải vào làm ở Xưởng ôtô Avia Hà Nội; Khuất Duy Tiến, Ngô Huy Ngụ, Mai Thị Vũ Trang vào làm ở các Nhà máy sợi, Nhà máy điện Nam Định... Hầu hết các nhà máy lớn ở các khu công nghiệp tập trung đều được các tỉnh bộ cử cán bộ, hội viên của mình vào vô sản hóa.

Phong trào đấu tranh của công nhân đã nổ ra ở nhiều nơi, như: Cuộc bãi công của công nhân mỏ than Mạo Khê, đồn điền Lộc Ninh, nhà máy cưa Bến Thuỷ, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy in Poóctay Sài Gòn, đồn điền cao su Cam Tiêm, hãng dầu Nhà Bè, nhà máy tơ Nam Định… Năm 1929, bãi công của công nhân nổ ra ở nhà máy chai Hải Phòng, nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (Vinh), nhà máy Avia (Hà Nội), hãng buôn Sácne Sài Gòn, sở ươm cây Hà Nội, nhà máy điện Nam Định, hãng xe hơi Đà Nẵng, xưởng nhuộm nhà máy dệt Nam Định, đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc tỉnh Bình Phước), hãng dầu Hải Phòng, các nhà in ở Chợ Lớn... Các cuộc bãi công đó không chỉ bó hẹp trong phạm vi một xưởng, một địa phương, một ngành mà đã bắt đầu có sự liên kết thành phong trào chung. Ngoài bãi công của công nhân, còn có các cuộc đấu tranh của nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh cũng diễn ra ở một số nơi…

Nhờ vậy, số lượng công nhân được kết nạp tăng lên rất nhanh. Năm 1927, thành phần công nhân mới chiếm tỷ lệ 5% trong tổng số hội viên của Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, nhưng đến năm 1929, tỷ lệ này tăng lên 10%... Đến giữa năm 1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã bước đến giai đoạn hoàn thành sứ mệnh lịch sử: Truyền bá một cách rộng rãi chủ nghĩa Mác - Lênin và các luận điểm cách mạng giải phóng dân tộc của đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, tập hợp và đào tạo được một đội ngũ cán bộ cách mạng tạo nên bước nhảy vọt và sự chuyển hóa của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, hướng vào quỹ đạo cách mạng vô sản.

Cuối tháng 3-1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ họp tại số nhà 5D, phố Hàm Long (Hà Nội) đã lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, gồm 7 đảng viên (Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Dương Hạc ĐínhKim Tôn còn gọi là Nguyễn Tuân).

Tại Đại hội lần thứ nhất (đầu tháng 5-1929) của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), đoàn đại biểu Bắc Kỳ đặt vấn đề phải thành lập ngay Đảng Cộng sản để thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, song không được chấp nhận nên đoàn đã bỏ Đại hội về nước. Đến ngày 17-6-1929, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở Bắc Kỳ họp Đại hội tại nhà số 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội) quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Tháng 8-1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập.

Tháng 9 - 1929, những yếu nhân giác ngộ Cộng sản trong Đảng Tân Việt đã đứng ra thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Như vậy, sự ra đời của 3 tổ chức Cộng sản là một xu thế khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo con đường Cách mạng vô sản. Nhưng các tổ chức đó đều hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng với nhau, làm cho phong trào cách mạng trong nước có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ lớn. Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc được tin Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phân liệt thành hai nhóm, mỗi nhóm tổ chức thành một tổ chức Đảng Cộng sản riêng. Người liền rời khỏi Xiêm sang Trung Quốc để thống nhất các tổ chức cộng sản.

 

 

 

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống lãng phí.

 Chiều 31/12, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024, kết nối trực tuyến tới các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội nghị triển khai công tác ngành Nội chính Đảng năm 2025. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội

Báo cáo kết quả công tác tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết, năm 2024, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo Trung ương 10 đề án lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí, đưa nhiệm vụ phòng, chống lãng phí tương đương với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; hoàn thành đề tài khoa học trọng điểm về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực nội chính qua 40 năm đổi mới; tổ chức thành công 2 hội thảo quốc tế, 13 đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp ban Đảng và cấp cơ sở; biên soạn, phát hành cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với nhiều giá trị lý luận và thực tiễn phong phú, phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu của ngành Nội chính Đảng.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngành Nội chính đã tham mưu, tổ chức tốt 3 phiên họp, 2 cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và hơn 600 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh; đã phối hợp tham mưu, chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, đúng quy định pháp luật; tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện công việc của 6 đoàn kiểm tra, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Ngành cũng đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham mưu, tổ chức hơn 1.000 cuộc tiếp, đối thoại với công dân của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; tiếp nhận, xử lý gần 60.000 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và tham mưu, chỉ đạo xử lý hơn 200 vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh trong năm 2024. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ một số hạn chế và đề nghị ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư lưu ý, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp, ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh phải tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về nội chính, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp. Nhất là, tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện và nâng cao chất lượng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Tham mưu, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tham mưu tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đánh giá toàn diện những kết quả, hạn chế và nguyên nhân, dự báo đúng tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ, đột phá, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội. Ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh tham mưu, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn và cán bộ lãnh đạo các cấp có nhiều thông tin, dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; điều tra, xử lý dứt và điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự các. Đồng thời, tham mưu, chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, với phương châm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là trọng tâm, đột phá; kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Phối hợp làm tốt công tác thẩm định nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, kê khai tài sản không trung thực, để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi.

Tổng Bí thư chỉ rõ, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp “hiệp đồng tác chiến” giữa các cơ quan nội chính; chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nhất là tham mưu, chỉ đạo làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân, lắng nghe và giải quyết tốt các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; giải quyết dứt điểm, thấu lý, đạt tình các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân ngay từ cơ sở; xử lý dứt điểm các vụ, việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tổng Bí thư yêu cầu, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương; tăng cường các biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải thật sự bản lĩnh "Chắc - Sắc - Đắc" (Pháp luật chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm). Các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo Quy định 199-QĐ/TW, ngày 20/11/2024 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu hoạt động.

Tổng Bí thư đề nghị, các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, có cơ chế thu hút cán bộ để ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao./.