Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng nhân văn và yêu chuộng hòa bình.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thiên tài quân sự lỗi lạc của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, người “Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”(1), “Vị tướng của nhân dân”(2), đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Không chỉ là một danh tướng xuất sắc, dày dạn trận mạc, Đại tướng còn luôn nêu cao tư tưởng nhân văn, hòa bình và là một người tiêu biểu cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng nhân văn và yêu chuộng hòa bình

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn: vtv.vn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được nhiều chính khách, tướng lĩnh và nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế kính trọng, nể phục, “đã trở thành một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự vĩ đại duy nhất của thế kỷ XX và một trong những vĩ nhân của mọi thời đại”(3); “là một trong những vị tướng tài năng nhất của thế kỷ XX”(4); “một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ từ thời Alexandre đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận đại, hiện đại với Kutuzov, Jukov”(5). Với 103 năm tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trong đó có hơn 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng “đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta”(6). Đặc biệt, tinh thần chiến đấu kiên định vì nước, vì dân, giàu lòng nhân ái, luôn nêu cao tư tưởng nhân văn, yêu chuộng hòa bình đã thực sự làm cho đồng chí trở thành vị tướng chiến đấu cho hòa bình, vì hòa bình.

1. Vị tướng thấu triệt sâu sắc tư tưởng nhân văn, hòa bình của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

Là một dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước luôn phải chiến đấu, trải qua bao mất mát đau thương để chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực ngoại bang, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Khát vọng hòa bình là giá trị xuyên suốt trong đời sống tinh thần của các cư dân đất Việt, trở thành đích đến của một nền chính trị tiến bộ: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai áp bức, bóc lột dã man và tàn bạo đã nung nấu trong người thanh niên, giàu lòng yêu nước Võ Nguyên Giáp ý chí sôi sục và quyết tâm đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, yên bình cho nhân dân. Với lòng yêu nước nồng nàn, đồng chí sớm giác ngộ tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đi theo con đường cách mạng Người tìm ra - độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, từ năm 1940 khi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện, dìu dắt, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, trở thành người học trò xuất sắc, gần gũi và tin cậy của Người. Được trực tiếp làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm, trong những thời khắc quan trọng của cách mạng, Đồng chí càng thấu triệt sâu sắc những tư tưởng vĩ đại và tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ tối cao, nhất là tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do; tư tưởng nhân văn, hòa bình; chiến đấu vì chính nghĩa để giải phóng dân tộc; chiến đấu vì hòa bình, tự do và công lý, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân... Những tư tưởng lớn ấy đã trở thành mục đích, lẽ sống theo suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí. Đồng chí đã trọn đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, luôn tỏa sáng phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, một lòng thủy chung, sắt son: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”(7).

Kế thừa và phát huy tư tưởng nhân văn, hòa bình của dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần nêu cao thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam, cố gắng tìm cách tránh, không để xảy ra chiến tranh gây tổn thất cho cả các bên. Đối với người Pháp, tháng 2-1946, khi quân Pháp toan tính đưa quân ra Bắc vĩ tuyến 16, trao đổi với nhà báo Pháp Giăng Lacutuya (Jean Lacouture), Đồng chí đặt vấn đề: việc này “sẽ được tiến hành mà không đổ máu” và nêu rõ: “Hãy tin rằng chúng tôi sẽ làm tất cả để tránh khỏi thảm họa này”(8).

Đối với người Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói với Zbigniew Brzezinski - một chính trị gia Mỹ, từng là cố vấn cho Tổng thống Lyndon B. Johnson và là Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter: “Ngài hãy nói với người Mỹ là chiến lược của Giáp là chiến lược hòa bình, độc lập và tự do... Người Việt Nam biết thế nào là chiến tranh. Người ta đã buộc chúng tôi phải tham gia chiến tranh và chúng tôi đã phải phát động chiến tranh để tự bảo vệ. Đó là một cuộc chiến mà chúng tôi bắt buộc phải làm, chúng tôi là dân tộc yêu chuộng hòa bình nhất thế giới”(9).

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, với trí tuệ sắc bén của một nhà chính trị - quân sự và quan điểm thực tế của một nhà sử học, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần khẳng định dân tộc Việt Nam mong muốn hòa bình, nhưng đó phải là một nền hòa bình thực sự, phù hợp với những giá trị pháp lý quốc tế và giá trị nhân văn của loài người. Tháng 4-1946, tại Hội nghị Đà Lạt bàn về việc thực hiện Hiệp định sơ bộ 6-3, trước thái độ thiếu thiện chí của phía Pháp, đồng chí kiên quyết nêu quan điểm: “Chúng tôi muốn hòa bình, đúng thế, nhưng là một nền hòa bình trong tự do và công bằng, một nền hòa bình phù hợp với Hiệp định sơ bộ 6-3 chứ không phải hòa bình trong nhẫn nhục, mất danh dự và nô lệ”(10), “Chúng tôi đã nhiều lần chứng tỏ thiện chí của mình. Nếu các ông muốn hòa bình thì sẽ có hòa bình. Còn nếu không, muốn chiến tranh thì sẽ có chiến tranh”(11).

Rõ ràng, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, chỉ huy Quân đội ta chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng vô cùng vẻ vang, oanh liệt, Đại tướng luôn phấn đấu vì một lý tưởng và mục đích cao đẹp đó là giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nói cách khác, mục tiêu chiến đấu của Đại tướng là vì chính nghĩa, vì hòa bình và vì nhân dân. Đại tướng không chỉ cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, mà còn góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Điều đó càng làm cho tên tuổi của Đại tướng được thế giới vinh danh, ngưỡng mộ, cảm phục một vị tướng vì nhân dân, vị tướng vì hòa bình.

2. Vị tướng luôn quý trọng sinh mệnh con người, hạn chế thương vong thấp nhất trong chiến đấu

Mục đích cao nhất của người cầm quân là tiêu diệt đối phương và giành thắng lợi trong các trận chiến đấu. Nhưng điều này dường như không đúng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí không bao giờ đặt mục tiêu giành thắng lợi bằng mọi giá. Theo Đại tướng “không cần thắng nhiều trận để giành toàn thắng trong chiến tranh”(12), mà chỉ cần làm cho kẻ thù xâm lược “biến” khỏi đất nước chúng ta. Tức là cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ không nhằm mục đích tiêu diệt đối phương, mà là đánh bại ý chí xâm lược của kẻ địch để giành độc lập, hòa bình và tự do, hạnh phúc cho đất nước, cho dân tộc. Đó mới là mục đích cao nhất mà Đại tướng theo đuổi, đây cũng là mục đích của cuộc chiến tranh chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam tiến hành. Vì thế, trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tìm mọi cơ hội để có thể giành được thắng lợi mà giảm thiểu những mất mát, hy sinh. Sau khi ký kết Hiệp định sơ bộ 6-3, giải thích về việc cần thiết phải ký hiệp định, đồng chí chỉ rõ: “Các nước lớn chưa nước nào công nhận nước ta, nếu Việt Nam Dân chủ cộng hòa chống lại sự xâm lược của Pháp lúc này thì sẽ phải chiến đấu đơn độc. Nếu kháng chiến thì lực lượng cách mạng chỉ giữ được vài tỉnh. Cuộc kháng chiến có thể là rất anh dũng nhưng dân chúng sẽ phải chịu gian khổ ghê gớm. Chiến thuật vườn không nhà trống cần thiết áp dụng trong cuộc xung đột sẽ làm cuộc sống đảo lộn cả. Vì vậy chúng ta phải ký hiệp định”(13).

Tuy nhiên, khi không thể tiếp tục đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, buộc phải chiến đấu bằng lực lượng vũ trang, Đại tướng vẫn luôn coi trọng và đặt tính mạng của cán bộ chiến sĩ lên hàng đầu. Trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội, Đồng chí yêu cầu các đơn vị trong toàn quân quán triệt tinh thần “phải giành bằng được chiến thắng ở mức cao nhất đi đôi với việc giảm xuống mức thấp nhất sự hy sinh xương máu của tướng sĩ”(14).

Để thực hiện mục tiêu này, là một người cầm quân khi tuổi đời còn rất trẻ, lại chưa trải qua trường lớp đào tạo chính quy về quân sự, Đại tướng không ngừng khổ công học tập những tinh hoa tư tưởng quân sự của dân tộc và nhân loại, không ngừng tổng kết thực tiễn, đúc rút những kinh nghiệm, bài học thiết thực trong chỉ huy chiến đấu. Đồng chí luôn ý thức sâu sắc rằng, người chỉ huy các cấp nói chung, nhất là Tổng Tư lệnh, phải có trách nhiệm với từng vết thương và từng giọt máu của cán bộ, chiến sĩ của mình.

Là người trực tiếp xây dựng và chỉ huy Quân đội từ lúc đầu quy mô còn nhỏ phát triển thành những quân chủng, binh chủng hùng mạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thấu hiểu vai trò của cán bộ, chiến sĩ - những người trực tiếp chiến đấu và quyết định thắng lợi của từng trận đánh. Vì thế, Đại tướng thường xuyên căn dặn các cán bộ, chỉ huy: “Chiến tranh không phải là vấn đề thể diện, không được phiêu lưu, mạo hiểm, không cho phép đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Một người chỉ huy giỏi là một người đánh thắng kẻ thù nhưng ta thương vong thấp nhất, đổ xương máu ít nhất. Sinh mạng của con người là vô giá và không gì có thể bù đắp nổi nỗi đau mất mát trong chiến tranh”(15). Đại tướng luôn bao dung, nhân hậu, hết mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ; đã nhiều lần bật khóc trước sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đại tướng cho rằng: “Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường”(16).

Là người trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng và nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về khoa học quân sự, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo cho biết: “Tổng Tư lệnh nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đẫm vì được tin một chiến dịch nào đó, máu chiến sĩ đổ quá nhiều mà chiến thắng thì chưa tương xứng. Đấy là trái tim anh Văn! Đấy là cách đánh, cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”(17) và nhấn mạnh: “Nguyên tắc bất di bất dịch trong chỉ huy và chỉ đạo chiến trường của Đại tướng, Tổng Tư lệnh suốt hai cuộc kháng chiến là: tầm cao mỗi chiến thắng phải tỷ lệ nghịch với tổng số thương binh và tử sĩ trong chiến thắng ấy”(18).

“Quyết định khó khăn nhất” thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” ở chiến dịch Điện Biên Phủ không những đã mang lại thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mà còn giúp bảo toàn sinh lực của lực lượng chủ lực Quân đội ta. Nhiều năm sau này nhìn lại, đồng chí Vương Thừa Vũ cho rằng: “Nếu hồi đó cứ “đánh nhanh giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể lùi lại 10 năm”. Đồng chí Lê Trọng Tấn cũng nêu rõ: “nếu không có quyết định thay đổi phương châm thì phần lớn cán bộ chúng tôi đã không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”(19).

Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Đối với lực lượng vũ trang và quân đội, Đồng chí đặc biệt quan tâm, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, thương yêu cán bộ, chiến sĩ... Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn ghi nhớ và mãi mãi tự hào về một người chỉ huy, một vị Tổng Tư lệnh tài năng xuất chúng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân thiết”(20).

3. Vị tướng chủ trương khép lại quá khứ chiến tranh đau thương, mất mát để cùng nhau hướng tới tương lai

Suốt cả cuộc đời thực hiện “Dĩ công vi thượng” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn đặt lợi ích của cách mạng, của đất nước, dân tộc lên trên hết, tìm cách thu hẹp bất đồng, mâu thuẫn, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp cho các bên. Đồng chí cho rằng, vì độc lập dân tộc, vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân nên phải tiến hành chiến tranh vệ quốc. Khi chiến tranh đã qua rồi, cần phải hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai cho đất nước, cho dân tộc và cho sự tiến bộ xã hội. Đó là những việc làm quan trọng và ý nghĩa.

Trong rất nhiều lần đón tiếp, trao đổi và trò chuyện với các chính khách, nhà báo nước ngoài, kể cả những người từng là đối phương, ở bên kia chiến tuyến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tinh tế, lịch thiệp và thẳng thắn thể hiện rõ thiện chí yêu chuộng hòa bình của mình và của dân tộc Việt Nam.

Năm 1991, đạo diễn người Pháp, Daniel Roussel, tác giả của nhiều phim tài liệu về chiến tranh ở Việt Nam đến gặp Đại tướng để làm phim. Đại tướng rất thân mật nói bằng tiếng Pháp với Daniel Roussel rằng, làm phim về chiến tranh, nhưng không phải vì chiến tranh, mà để phục vụ cho hòa bình, thì những thước phim đó sẽ sống mãi với thời gian.

Năm 1995, trong cuộc gặp với Robert Mc Namara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Hà Nội, nói về những cơ hội có thể cứu vãn hòa bình ở Việt Nam đã bị bỏ qua, Đại tướng chỉ rõ: “trong khi kiên quyết chiến đấu chống xâm lược, Việt Nam cũng rất mong muốn kết thúc chiến tranh... Có thể nói rằng, phía Việt Nam đã không bỏ lỡ một cơ hội nào vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình hơn ai hết và chiến tranh sẽ mang lại đau khổ trước hết cho người Việt Nam”(21). Đại tướng nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam là một dân tộc mà ý thức và quyết tâm bảo vệ độc lập đã trở thành một triết lý, bản sắc văn hóa và cũng là một nguyên tắc không gì lay chuyển. Những lời chia sẻ chân tình của Đại tướng đã làm cho Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rất xúc động. Phát biểu trước các nhà báo, ông nói: “Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam... Điều làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề nhận thấy sự hận thù trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi”(22).

Năm 1997, gặp lại Robert Mc Namara, trao đổi về quan hệ của Việt Nam với các nước lớn trong chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại nhiều lần rằng nước lớn có vai trò của nước lớn, nước nhỏ có vai trò của nước nhỏ. Ngày nay “muốn gây dựng một trật tự thế giới mới thì các dân tộc phải bình đẳng và tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. G7, G8 bàn với nhau, được, nhưng nếu không tính đến các nước nhỏ thì không bao giờ thế giới có hòa bình và ổn định, phát triển”(23).

Năm 1998, tiếp gia đình cựu Tổng thống Mỹ J. Kennedy tại nhà riêng, không gợi lại chiến tranh, không nói đến trang sử đen tối của cuộc chiến tranh mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, Đại tướng nói về mối quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam đã từng là đồng minh chống phát xít Nhật, về bức ảnh đồng chí chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh do mấy người bạn đồng minh Mỹ tặng. Tình cảm, đức độ của Đại tướng đã làm thay đổi không nhỏ nhận thức của gia đình cựu Tổng thống Kennedy. Trong cuộc gặp với các cựu binh Mỹ tại Hà Nội ngày 17-12-2006, Đại tướng nói, trước đây các bạn đến Việt Nam để tiến hành cuộc chiến tranh. Hôm nay các bạn trở lại đây để tổ chức một cuộc họp hòa bình...

Tình cảm và thiện chí tốt đẹp mà Đại tướng dành cho những vị khách quốc tế đã khẳng định khát vọng hòa bình, độc lập của nhân dân Việt Nam, đồng thời tiếp tục thể hiện truyền thống nhân văn, hòa bình của dân tộc, mong muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai mà trước đây các bậc tiền nhân trong lịch sử đã từng thực hiện sau mỗi khi kết thúc chiến tranh chống xâm lược. Đó là tinh thần: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” nhằm đem lại nền thái bình muôn thuở và dập tắt muôn đời chiến tranh cho các thế hệ mai sau.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

(1), (2) Thế giới thương tiếc và ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.20, 20.

(3), (9), (11), (13) Cecil B.Currey: Chiến thắng bằng mọi giá - Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nguyễn Văn Sự dịch), Nxb Thế giới, Công ty sách Thái Hà, Hà Nội, 2013, tr.448, 432, 203, 192.

(4), (5), (12) Nguyễn Văn Sự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.9, 9, 742.

(6), (20) Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 13-10-2013.

 (7), (14), (15), (16), (17), (18), (21), (22) Võ Nguyên Giáp vị tướng vì hòa bình, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Thời Đại, Hà Nội, 2013, tr.14, 281, 14, 14, 287, 288, 276, 278.

(8), (10) Georges Boudarel: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Sự dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.235, 74.

(19)Trần Trọng Trung: Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.30.

(23) Võ Nguyên Giáp người lính vì dân, vị tướng của hòa bình, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2013, tr.47.

1 nhận xét: