Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

BẢO VỆ CÁN BỘ NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO

 

Thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Theo Bộ Nội vụ, trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong tình hình mới, cần có những cơ chế, chính sách mới để tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ. Vấn đề cần kíp hiện nay là phải làm sao để chủ trương quan trọng của Đảng sớm đi vào thực tiễn, trở hành động lực quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển đất nước.

Đồng thời, quy định trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong việc tạo lập môi trường chính trị, xã hội để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo và bảo vệ đội ngũ cán bộ này khi họ gặp rủi ro do những yếu tố khách quan, chủ quan.

Thực tế, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có một bộ phận cán bộ có tư tưởng vo tròn, sợ sai, nhụt trí, giữ mình an toàn nên chần chừ, ngại đổi mới, sáng tạo. Đơn cử, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công rất thấp tại nhiều bộ, ngành, địa phương thời gian qua có một phần nguyên nhân nhiều cán bộ, lãnh đạo e ngại sợ làm sai, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm.

Những năm qua, Nhà nước ta đã xác định thúc đẩy thể chế để đổi mới, sáng tạo là một trong những nội dung cốt lõi trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế để phát triển. Dù vậy, việc phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ vẫn còn hạn chế nhất định.

Thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn nhiều vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa được quy định dễ gây rủi ro, sai sót hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái trong quá trình triển khai thực hiện. Trong khi đó, thiếu cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót.

Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng còn chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí chùn bước, không dám làm vì sợ sai, sợ bị xem xét trách nhiệm hoặc xử lý kỷ luật khi có hạn chế, thiếu sót. Không ít cán bộ chỉ căn cứ vào các quy định pháp luật để làm, không dám sáng tạo nghĩ ra kế sách, quyết sách có lợi cho nước, cho dân. Nhiều cán bộ có tư duy mới, dám đột phá nhưng không được khuyến khích, bảo vệ do ranh giới giữa “đúng” và “sai” chưa được minh định.

Do đó, việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm có thể coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Dư luận đánh giá cao dự thảo Nghị định quy định rõ nguyên tắc, điều kiện, trình tự thực hiện và cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Trong đó, cán bộ có ý tưởng, cách làm mới tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định thì được khuyến khích và bảo vệ nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định quy định cụ thể một số trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện nhưng không đạt, hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật...

Thiết nghĩ, Nghị định khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; quản lý cán bộ, công chức, tạo cơ sở phát huy sức mạnh trong đội ngũ cán bộ giàu năng lực, có phẩm chất lâu nay chưa được kích hoạt. St.

 

1 nhận xét: