Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

CÁC HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO VI PHẠM PHÁP LUẬT GÂY CHIA RẼ ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, MẤT AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI.

 

Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, dễ thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Đây cũng là lĩnh vực dễ bị lợi dụng vào các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo. Với chủ trương “tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, tình hình tôn giáo ổn định, đời sống tôn giáo có những biến đổi sâu sắc cả về số lượng lẫn phạm vi hoạt động, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm. Các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Cơ quan chức năng làm tốt công tác hướng dẫn, quản lý, từng bước đưa hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thời gian qua, tranh chấp, khiếu kiện, đòi/xin lại, mua bán, lấn chiếm, chuyển nhượng, hiến tặng đất đai trái pháp luật, xây dựng cơ sở sinh hoạt, thờ tự trái quy định liên quan đến tôn giáo có chiều hướng gia tăng về số vụ, việc. Lợi dụng đường lối, chính sách đổi mới, mở cửa và tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, các tôn giáo đều gia tăng các hoạt động mở rộng cơ sở vật chất, dẫn đến phát sinh nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện đất đai liên quan đến tôn giáo. Đáng chú ý, số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo cũng như các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã triệt để lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo để kích động các hoạt động chống đối, gây tâm lý bức xúc và phản ứng của tín đồ đối với chính quyền; gây chia rẽ giữa chính quyền với tôn giáo. Nghiêm trọng hơn, họ còn cố tình chính trị hóa sự việc, xuyên tạc, vu cáo chính quyền “lấy đất đai của tôn giáo, bỏ quên quyền lợi nhân dân, bao che cho doanh nghiệp, tàn phá môi trường”, kích động tâm lý so bì, cho rằng Nhà nước đối xử không bình đẳng giữa các tôn giáo. Một số tổ chức, cá nhân tôn giáo không hợp tác với chính quyền trong việc kê khai, làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm lấn chiếm đất để mở rộng cơ sở thờ tự…

Bên cạnh hoạt động vi phạm pháp luật về đất đai, trong hoạt động tôn giáo cũng xảy ra các vụ, việc chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, như thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tôn giáo; việc thành lập các cơ sở tôn giáo trực thuộc chưa được sự chấp thuận của chính quyền. Một số cơ sở đào tạo của tôn giáo chưa nghiêm túc triển khai môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam, là môn chính thức trong chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại việc “đào tạo kép”, cụ thể là đào tạo chức sắc ở trong nước kết hợp với cử chức sắc ra nước ngoài đào tạo trái phép vẫn diễn ra ở một số tôn giáo. Các hoạt động vi phạm nói trên luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực xấu khai thác, lợi dụng để gây chia rẽ giữa tôn giáo với chính quyền, giữa người theo đạo và người không theo đạo, cũng như tiến hành các hoạt động chống phá, gây bất ổn chính trị - xã hội./.

                                                                                                                  VHT.

 

1 nhận xét:

  1. Cần phải xử lý thật nghiêm khắc tất cả các trường hợp coi thường pháp luật

    Trả lờiXóa