Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

CẢNH GIÁC VỚI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở NƯỚC TA

 

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng; tín đồ các tôn giáo đều là nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Theo số liệu thống kê, cả nước đã có 12 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận hoạt động trong khuôn khổ pháp luật (tăng gấp 2 lần so với năm 2006), với hơn 100.000 chức sắc và nhà tu hành, gần 26.000 cơ sở thờ tự và trên 30 triệu tín đồ, chiếm 1/3 dân số cả nước. Trong đó, tín đồ Phật giáo 14 triệu, Thiên Chúa giáo 6 triệu, Tin lành 1,5 triệu, Cao Đài gần 3,5 triệu, Phật giáo Hòa Hảo 1,5 triệu, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội 1,5 triệu, Tứ Ân Hữu Nghĩa 78.000 và Hồi giáo 67.000,… Riêng trên địa bàn Tây Nguyên, năm 1975 chỉ có 50.000 người/200 thôn, làng theo đạo Tin lành, đến nay, đã là hơn 500.000 người/18.000 thôn, làng.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước ta tôn trọng, bảo đảm, coi đó là một trong những quyền cơ bản của công dân. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp quy khác. Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ 15/11/2004, đã thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi công dân - không phân biệt có hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo - đều bình đẳng trước pháp luật; có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; được bày tỏ đức tin tôn giáo của mình; được thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt phục vụ lễ nghi tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở vật chất, tài sản của cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, điện, đền, trụ sở của tổ chức tôn giáo, trường lớp tôn giáo, kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng của tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2005/NĐ-CP để hướng dẫn một số điều trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. Đối với đạo Tin lành, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 01/2005/CT-TTg ngày 4/2/2005 về một số công tác đối với đạo Tin lành nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của các tín đồ, chức sắc đạo Tin lành.

Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách tung ra những luận điệu cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, nhằm gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với đồng bào các tôn giáo, kích động quần chúng tín đồ chống đối chính quyền, gây mất ổn định chính trị - xã hội, tạo cớ can thiệp vào nội bộ nước ta. Các thế lực thù địch, phản động, chúng ra sức phủ nhận các thành tựu về tôn giáo, thậm chí còn xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta "bóp nghẹt" tôn giáo, hòng bôi nhọ bức tranh tôn giáo ở Việt Nam. Liên tục nhiều năm nay, công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ đều nhận xét sai lệch, phiến diện về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam nói riêng, của nhiều nước trên thế giới nói chung. Thoạt nghe, dư luận đều đặt câu hỏi, phải chăng họ làm như vậy là thực lòng "quan tâm giúp đỡ" Việt Nam; muốn đối thoại xây dựng về tôn giáo...

Song, những hành động mà họ làm đã cho câu trả lời hoàn toàn ngược lại. Thực chất cái gọi là "tình hình tôn giáo ở Việt Nam" là chiêu bài lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện mục đích chống phá Nhà nước ta. Họ nhân danh bảo vệ tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động tư tưởng ly khai, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, hòng lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ đó, chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Việt Nam "đàn áp tôn giáo", giam cầm các "tù nhân lương tâm", đòi tôn giáo được tự do hoạt động, không chịu sự quản lý của Nhà nước. Để thực hiện âm mưu này, chúng đã tiến hành bằng nhiều cách, với các phương thức, thủ đoạn rất thâm độc, xảo quyệt. Chúng ta có thể nhận diện và chỉ ra sự phi lý của những luận điệu vu cáo Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua các hoạt động sau: 

Một là, các thế lực phản động thù địch xuyên tác trắng trợn tình hình tôn giáo ở Việt nam.

Thông qua Internet, qua con đường thăm thân, du lịch, trao đổi hợp tác quốc tế, hội thảo khoa học, các đối tượng xấu trong nước đã viết bài, gửi tài liệu xuyên tạc tình hình các tôn giáo ở Việt Nam cho các trung tâm phá hoại tư tưởng ở nước ngoài sử dụng tuyên truyền chống Việt Nam về dân chủ, nhân quyền. Nội dung chúng xuyên tạc thường tập trung vào một số chủ đề chính: vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo; không cho xây sửa nơi thờ tự, cản trở các hoạt động tôn giáo của chức sắc nhà tu hành,... 

Nếu không có chính sách tự do tôn giáo thì hiện nay không thể có 37 tổ chức tôn giáo được công nhận và đăng ký hoạt động. Từ chỗ chỉ có ba tổ chức tôn giáo được công nhận trước đây là: Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những năm qua Nhà nước Việt Nam đã lần lượt xem xét và công nhận về mặt tổ chức cho nhiều tôn giáo. 

Trong những năm qua, nhiều hoạt động của các tổ chức tôn giáo với sự tham dự của đông đảo chức sắc, tín đồ và khách nước ngoài đã được tổ chức. Nhằm góp phần vào các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo, nhiều cơ quan liên quan và nhiều tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã đón nhiều đoàn khách nước ngoài; đồng thời cử các đoàn đi nước ngoài trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực tôn giáo và tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị ở khu vực và thế giới. Đặc biệt, quan hệ Việt Nam - Vatican đã có nhiều bước cải thiện đáng kể.

Những thành tựu về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là bằng chứng hùng hồn về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta vì cuộc sống tinh thần của người dân. Chính vì vậy, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ yên tâm sinh hoạt tôn giáo và cùng nhau đoàn kết, đồng lòng hướng tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Hai là, Xuyên tạc, vu cáo Nhà nước can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo, đòi hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước. 

Mỗi khi Nhà nước ta bổ sung hoặc ban hành những văn bản pháp luật mới để điều chỉnh về hoạt động tôn giáo cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với tâm tư, tình cảm, nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ thì họ lại dấy lên chiến dịch đòi bãi bỏ các văn bản pháp luật này hoặc xuyên tạc, tìm cách ngăn cản chức sắc, tín đồ thực hiện. 

Luận điệu của họ là tôn giáo phải độc lập với Nhà nước, không chịu sự quản lý của Nhà nước. Họ tâng bốc, ca ngợi tự do tôn giáo ở các nước tư bản, tôn giáo được tự do hoạt động, chính quyền không can thiệp vào các hoạt động tôn giáo, vì đây là quyền tự do của công dân. 

Hoạt động tôn giáo không chỉ thuần túy nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Ví như việc xây dựng nơi thờ tự, không chỉ đơn thuần là việc củng cố, phát triển cơ sở vật chất của giáo hội, mà còn liên quan đến những quy định của Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng; hoạt động in ấn kinh bổn, sản xuất đồ dùng việc đạo, liên quan đến những quy định về văn hoá, xuất bản; hoạt động quan hệ với các tổ chức, cá nhân tôn giáo nước ngoài liên quan đến chính sách, pháp luật trên lĩnh vực đối ngoại, xuất nhập cảnh của Nhà nước, hoạt động đào tạo chức sắc liên quan đến Luật Giáo dục... 

Các công ước quốc tế về nhân quyền đều quy định: các quốc gia phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, song các quyền này vẫn phải giới hạn bởi pháp luật của nhà nước. Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16/12/1966, trong đó Điều 18 ghi rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo”. 

Tuy nhiên, quyền tự do này vẫn “bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác”... 

Ở nước ta, quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo đã được hình thành từ các triều đại phong kiến. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng và Nhà nước ta đã xác định quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo là một nhiệm vụ quan trọng trong quản lý nhà nước. 

Đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo. Pháp luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực, sự phấn khởi cho đồng bào các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ba là, Xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vu cáo Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

Luận điệu này không có gì mới, nhưng nguy hiểm ở chỗ nó đánh đúng vào quy luật tâm lý: cứ nói mãi điều không có thật, người ta sẽ tin là có thật, việc này đã khiến cho nhiều tổ chức cá nhân (chủ yếu ở nước ngoài) bị bưng bít thông tin, ngộ nhận, nhìn nhận sai lệch dẫn đến thiếu thiện cảm, thậm chí có những lời nói, việc làm chống Việt Nam. Vậy, sự thật về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật tôn giáo của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như thế nào?

Đảng, Nhà nước ta ngay từ khi thành lập đã hiểu rõ nhu cầu tâm linh của người dân Việt Nam và coi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền nhân thân cơ bản của người dân. Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta được xây dựng một mặt dựa trên quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam với tư tưởng nhất quán, xuyên suốt là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc.

Xuyên suốt quá trình lịch sử của đất nước quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng đã được Nhà nước cụ thể hóa trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Cùng với việc khẳng định những chủ trương, chính sách của Đảng và nguyên tắc cơ bản đối với tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp, Nhà nước ta đã thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua những văn bản quy phạm pháp luật tuỳ theo tình hình thực tế từng thời kỳ và nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh về vấn đề tôn giáo. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về vấn đề tôn giáo.

Tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề mang tính văn hóa, tư tưởng, sự vận động và phát triển của nó gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, lịch sử, hệ tư tưởng, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, nên không thể sao chép “tiêu chuẩn” tôn giáo của quốc gia, dân tộc này cho quốc gia, dân tộc khác và càng không thể áp đặt theo ý muốn chủ quan của một chủ thể nào đó từ bên ngoài. Hơn thế nữa, các tổ chức tôn giáo về thực chất vẫn là một tổ chức xã hội, bao gồm nhiều tín đồ với các lứa tuổi, trình độ, thành phần…, khác nhau, hoạt động và tồn tại trong khuôn khổ pháp luật nhất định; do đó, việc có một vài tín đồ tôn giáo hay bất kỳ người dân nào khác vi phạm pháp luật, bị xử lý cũng là việc bình thường trên con đường phát triển của xã hội.

Thực tiễn sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là bằng chứng để chúng ta kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, cáo buộc của các thế lực thù địch về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam hiện nay. Đó cũng là một trong những thứ vũ khí sắc bén, lâu bền, vững chắc nhất đập tan những luận điệu xuyên tạc của các lực lượng thù địch.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay có rất nhiều kẻ phản động vì những đồng tiền dơ bẩn đã xuyên tạc và chống phá đất nước; chúng ta phải vạch trần và đấu tranh loại bỏ thủ đoạn của chúng

    Trả lờiXóa