Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về dân chủ theo cách rất
dễ hiểu: Dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Người còn nhấn mạnh: “Nước
ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của
dân”. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, Điều 3,
Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của
Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công
dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi
người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Trong tiến trình đổi mới, việc vi phạm dân chủ ở nông thôn khi
nhân dân tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng đường, trường, trạm... đã không
được bàn bạc, mức đóng góp quá sức dân, gây bức xúc trong nhân dân, làm xói mòn
lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây nên tình trạng mất an ninh
và trật tự xã hội ở một số địa phương. Trước tình hình đó, ngày 18-2-1998, Bộ
Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện
QCDC ở cơ sở”. Chỉ thị nhấn mạnh: “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là
phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của
nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất”, nhằm cụ thể hóa phương châm:
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đảm bảo dân chủ cơ sở, phát huy
quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
ban hành các Nghị quyết số 45/1998, Nghị quyết số 55/1998, Nghị quyết số
60/1998, Pháp lệnh số 34/2007 và Chính phủ ban hành các Nghị định số: 29/1998,
71/1998, 07/1999, 79/2003, 87/2007 về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn, cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần,
công ty trách nhiệm hữu hạn đã tạo ra cơ chế cụ thể về quyền làm chủ của nhân
dân.
Trong từng thời kỳ cách mạng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kế thừa,
bổ sung và phát triển nhận thức về thực hiện QCDC ở cơ sở cho phù hợp với tình
hình thực tiễn, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở; là khâu quan
trọng, then chốt trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì
dân. Ngày 22-6-2000, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 304-TB/TW “Về tiếp tục
đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW Về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ
sở”. Tiếp sau đó, ngày 4, 5-3-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) tổ
chức Hội nghị toàn quốc sơ kết việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị giai
đoạn 1998-2001. Đến ngày 28-3-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) ban
hành Chỉ thị số 10-CT/TW “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện QCDC ở
cơ sở”. Ngày 28, 29-9-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã tổ chức Hội
nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị và
ra Thông báo số 159-TB/TW “Kết quả 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ
Chính trị (khóa VIII) và tiếp tục chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”.
Đến ngày 4-3-2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Kết luận số
65-KL/TW “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa
VIII). Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong thời kỳ mới. Ngày
7-1-2016, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 120-KL/TW “Về tiếp tục
đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ
sở”.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “Nhân dân làm chủ”,
“Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân” và tập
trung làm rõ tình hình, phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục phát huy dân chủ XHCN,
bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Đồng thời, khẳng định:
“Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của
đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình
đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu
sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”.
Đại hội XIII, kế thừa và phát triển tư tưởng “trọng dân” trong
truyền thống lịch sử của dân tộc, bài học “dân là gốc” tiếp tục được phát triển
bổ sung nội dung “dân giám sát” và “dân thụ hưởng” vào phương châm “Dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để tạo thuận lợi, có cơ sở chính trị, pháp lý
tổ chức thực hiện, mở rộng, tăng cường, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của
nhân dân.
Bài học “dân là gốc”, phải thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát
huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung
tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ
đó tạo thuận lợi, có cơ sở chính trị, pháp lý tổ chức thực hiện, mở rộng, tăng
cường, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của nhân dân. Sự phát triển, hoàn
thiện đó có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong xây dựng và phát triển đất
nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng
và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin
tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện
phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng”./.
dân chủ rất quan trọng
Trả lờiXóa