Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

CHUYỆN VỀ NỮ ANH HÙNG TRÊN “QUÊ HƯƠNG 5 TẤN”

 Vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, có một nữ du kích ở Thái Bình một lòng một dạ đi theo cách mạng, dẫu bị địch bắt và tra tấn dã man vẫn không nhụt chí, tiếp tục chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc và được Bác Hồ viết bài ca ngợi, biểu dương. Bà là Nguyễn Thị Chiên, nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ cô bé ở đợ thành du kích
Thái Bình là miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đến giờ, sử sách vẫn còn ghi danh biết bao người con ưu tú của vùng đất “quê hương 5 tấn” trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trong đó không thể không nhắc đến nữ Anh hùng Nguyễn Thị Chiên.
Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 trong một gia đình cố nông tại xóm Trại Đồng, xã Tán Thuật (nay là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương). Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, bố mẹ mất sớm, cuộc sống rất thiếu thốn, từ nhỏ, bà đã phải đi ở đợ cho gia đình người khác.
Cách mạng tháng Tám thành công, bà Chiên trở về nhà làm ăn, sinh sống. Sau khi được tuyên truyền giác ngộ cách mạng, hiểu rõ nguồn gốc sự cực khổ của người nghèo và người dân mất nước, bà đã hăng hái tham gia vào đội du kích ở địa phương.
Ngoài việc rải truyền đơn, thành lập và mở rộng phạm vi hoạt động, bà Chiên cùng với các chị em trong đội du kích còn được làm quen với các loại vũ khí, từ dao, kiếm đến súng, đạn, lựu đạn, mìn… để cùng với bộ đội tham gia phá hủy các đồn bốt của địch.
Thời điểm lúc bấy giờ, chính quyền về tay nhân dân chưa được bao lâu thì Chính phủ đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thực hiện phương châm “Toàn dân là chiến sĩ, mỗi làng là một pháo đài”, Xã đội Tán Thuật đã tích cực luyện quân, rèn cán, cùng bà con đẩy mạnh sản xuất, dự trữ lúa gạo để xây dựng làng kháng chiến.
Mùa xuân năm 1950, quân Pháp tái chiếm Thái Bình và thiết lập một hệ thống đồn bốt dày đặc. Chúng tiến hành đàn áp và mua chuộc, ép buộc nhân dân “lập Tề” hòng tạo ra một vành đai vững chắc làm bàn đạp cho chúng tiến công sang các địa phương khác.
Đội nữ du kích Tán Thuật sau khi thành lập đã hoạt động không biết mệt mỏi. Những cán bộ, đảng viên bám đất, bám dân phải ẩn nấp ngoài đồng ruộng, trong hầm kín, sinh hoạt trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, hiểm nguy.
Vậy mà, cô thanh nữ Nguyễn Thị Chiên vốn chỉ quen tay cấy, tay cày đã “thắp lửa” cho đồng đội mình, giúp chị em vững tin, dũng cảm bước tiếp dưới cờ Đảng, dưới khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc. Chứng kiến cảnh giặc Pháp tàn sát đồng bào, nhiều chị em trong Đội du kích đều thề sẽ đánh giặc đến khi nào giải phóng mới nghĩ đến chuyện chồng con...
Chỉ trong một thời gian ngắn, bà Chiên được đồng đội tín nhiệm bầu làm Trung đội trưởng Đội nữ du kích xã Tán Thuật (Kiến Xương, Thái Bình). Dưới sự chỉ huy của bà, Đội nữ du kích liên tiếp lập chiến công, gây tiếng vang rất lớn. Bằng sự gan dạ, sáng tạo, cá nhân bà Chiên trở thành du kích cừ khôi mà tiếng tăm không chỉ gói gọn trong huyện, trong tỉnh.
Bắt đầu từ bấy giờ, bà Chiên “lọt vào tầm ngắm” của địch. Chúng xua quân đi lùng sùng, quyết bắt bà cho bằng được. Tháng 4/1950, trong một lần đưa cán bộ về hoạt động tại xã, bà Chiên không may bị địch bắt tại làng Rặng Thông (Cầu Trục, Kiến Xương).
Hơn ba tháng giam cầm trong lao tù, bị đánh đập, tra tấn bằng đủ mọi cách, nhưng địch không moi được gì ở bà Chiên. Không đủ chứng cứ để kết tội bà làm du kích, cuối cùng giặc phải thả bà ra.
Bác Hồ viết bài khen ngợi, biểu dương
Sau khi được tự do, bà Chiên tiếp tục lãnh đạo, chỉ huy Đội nữ du kích đã tổ chức hơn 40 trận đánh, quấy rối nổi tiếng, diệt và bắt sống nhiều tên địch...
Tiêu biểu như vào tháng 10/1951, Đội du kích xã Tán Thuật đã phối hợp với Đại đội 44, Tiểu đoàn 680, Đại đoàn 320 tiêu diệt lính Âu Phi trên đường 39. Trong trận này, trực tiếp bà chỉ huy bắn bị thương 1 tên địch, bắt sống 6 tên và thu giữ 4 khẩu súng. Tháng 12/1951, khi quân Pháp lùng sục vào làng, lợi dụng lúc địch chủ quan, bà chỉ huy trung đội bất ngờ xông ra bắt sống 4 tên, trong đó có 01 tên quan hai và 3 lính Pháp.
Đầu năm 1952, Trung đội du kích của bà Chiên được giao nhiệm vụ đánh vào một bốt An Bồi. Với vai trò quân báo, thương binh và thu dọn chiến trường, bà cùng Trung đội du kích đã phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trận này ta bắt sống 52 tên, g.i.ết 3 tên, bắn bị thương 7 tên, thu được 01 mooc-chi-ê, 02 trung liên, 3 tiểu liên, nhiều súng trường, đạn dược, quân trang, quân dụng. Kết thúc trận đánh, bà Chiên được Ban Chỉ huy khen thưởng vì đã chiến đấu gan dạ, bình tĩnh, đưa được thương binh ra ngoài trong khi địch bắn rát, đã khám phá được kho súng đạn của địch.
Năm 1952, bà Chiên vinh dự là đại biểu nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc (01/5/1952). Với những đóng góp của mình, nữ du kích quê Thái Bình vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm ấy bà mới 22 tuổi.
Cũng tại Đại hội, bà Chiên đã được gặp Bác Hồ, được Bác tặng thưởng khẩu súng ngắn và đặc biệt được chính Người viết bài ca ngợi, tuyên truyền tấm gương gan dạ, dũng cảm và thành tích trong chiến đấu.
Trên báo Nhân dân số 60 ra ngày 5/6/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết Người cán bộ cách mạng dưới bút danh CB, trong đó có đoạn viết: “Nữ Trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên là một cố nông, 22 tuổi, vào đội du kích từ 1946. Vùng chị Chiên thường bị giặc càn quét. Cơ sở tan rã. Nhân dân hoang mang. Chị cứ bám sát lấy dân, lập lại cơ sở chính quyền và đoàn thể, tổ chức một trung đội nữ du kích chống càn quét, bảo vệ làng.
Bị bắt, bị tra tấn suốt 3 tháng, bị đưa ra bắn dọa 3 lần, chị vẫn bình tĩnh, không khai nửa lời. Vừa thoát được về, tuy mình đầy vết thương, chân đau không đi được, chị vẫn hoạt động lại ngay. Trong đợt thi đua từ ngày 19/5 đến 19/12/1951, chị đã thắng 10 trận, tự tay tước được 15 súng và bắt sống 12 tên giặc (01 tên quan hai Pháp).
Trong các trận, chị không hề bỏ sót một người thương binh nào. Trong vụ thuế nông nghiệp, chị đã thức 30 đêm liền, tuyên truyền giải thích từng nhà, từng người. Nhiều người lạc hậu, thấy chị chân thành, đều cảm động và trở nên hăng hái. Khi bắt được tên Đồn trưởng (nó đã giết người anh của chị), chị giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ, rồi thả nó. Vì vậy, nó đã gọi nhiều ngụy binh ra hàng.
Chị Chiên vì yêu nước, căm thù giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội”.
Ấm áp, bình dị giữa đời thường
Sau Đại hội, Anh hùng Nguyễn Thị Chiên được cử tham gia đoàn đại biểu đi dự Đại hội Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại hội Hòa bình Thế giới tại Viên (Áo) do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn.
Năm 1953, bà Chiên về công tác tại Tổng cục Chính trị và Quân khu Thủ đô. Với kinh nghiệm tổ chức và triển khai lực lượng du kích địa phương bà đã được giao nhiệm vụ phụ trách và quản lý dân quân 4 huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội.
Nhưng do điều kiện sức khỏe suy giảm vì những vết thương cũ liên tục tái phát và hoàn cảnh gia đình, ít lâu sau bà Chiên phải xin được nghỉ chế độ với quân hàm Trung tá, trở về với cuộc sống bình dị tại một ngôi nhà nhỏ ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Mặc dù nghỉ chế độ, nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tham gia hội phụ nữ phường cùng các phong trào của tổ dân phố.
Tuy cuộc sống thời hậu chiến còn nhiều khó khăn, song bà Chiên luôn giữ tâm thế lạc quan, yêu đời. Bởi theo bà, biết bao đồng bào, đồng chí đã hy sinh trong thầm lặng. Thậm chí có những người ngã xuống trước thời khắc lịch sử của dân tộc có vài tiếng đồng hồ. Thế nên đối với bà, việc còn sống, được chứng kiến cảnh đất nước thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà và được hưởng niềm vui hòa bình là hạnh phúc lắm rồi. Và quan niệm “còn sống, còn làm việc là người có ích cho xã hội” đã theo bà Chiên đến tận lúc cuối đời (bà mất năm 2016).
Gan dạ, dũng cảm trước quân thù, ấm áp, bình dị giữa đời thường. Đó là lời nhận xét, đánh giá của nhiều đồng đội, đồng chí về nữ Anh hùng Nguyễn Thị Chiên. Giờ, bà không chỉ là niềm tự hào riêng của người dân quê lúa Thái Bình, mà còn là tấm gương tiêu biểu về người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất cao quý mà Bác Hồ đã trao tặng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Báo Công lý

1 nhận xét: