Giải pháp xây dựng trường chính trị tỉnh đạt chuẩn (từ thực tế Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng)
(LLCT) - Những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-4-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là cơ sở, tiền đề quan trọng để tạo bước phát triển đột phá, mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ dạy và học, các mặt công tác của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng hiện nay.
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Trường Chính trị tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức và một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh(1).
Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương, trong mỗi chặng đường phát triển, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo về chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với thực tế. Trong đó, chú trọng đổi mới toàn diện, đồng bộ trên các mặt công tác, từng bước mở rộng quy mô, loại hình đào tạo, bồi dưỡng; không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, tổng kết thực tiễn, bồi dưỡng cán bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị địa phương, đơn vị trong tỉnh.
1. Kết quả đạt được trên các mặt công tác
Trong quá trình hình thành và phát triển, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 10-2021, Trường đã tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo, bồi dưỡng 140 lớp, với 10.741 học viên; trong đó, đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính 82 lớp, với 5.191 học viên; cao cấp lý luận chính trị 12 lớp, với 908 học viên; đại học 8 lớp, với 929 học viên; sau đại học 1 lớp, với 62 học viên; trung cấp chuyên nghiệp 1 lớp, với 47 học viên; bồi dưỡng ngạch chuyên viên 29 lớp, với 2.884 học viên; bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính 5 lớp, với 520 học viên và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, bồi dưỡng ngắn hạn theo chức danh 5 lớp, với 411 học viên.
Về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, từ sau khi tái lập tỉnh (tháng 4-1992) đến nay, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện 4 đề tài khoa học cấp tỉnh; biên soạn 7 giáo trình và tập bài giảng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2015 đến tháng 10-2021, công tác nghiên cứu khoa học của Trường dần đi vào nền nếp, các hoạt động khoa học ngày càng phong phú. Cụ thể: Trường đã triển khai thực hiện và bảo vệ thành công 18 đề tài khoa học (1 đề tài cấp tỉnh, 17 đề tài cấp trường - cấp cơ sở). Trường tổ chức 19 hội thảo, tọa đàm cấp trường; phối hợp tổ chức 1 tọa đàm khoa học cấp tỉnh và 1 hội thảo khoa học với các trường chính trị khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có 2 bài viết đăng tạp chí quốc tế, 2 tham luận hội thảo quốc tế; 7 tham luận hội thảo quốc gia; 32 bài đăng tạp chí trong nước; 56 tham luận hội thảo cấp học viện, khu vực, cấp tỉnh; có hơn 150 tham luận hội thảo cấp cơ sở và nhiều bài đăng báo tỉnh, website một số ban ngành, tỉnh, huyện và của Trường. Công tác phát hành bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn được thực hiện định kỳ mỗi năm 2 số, bảo đảm chất lượng, số lượng bài viết phong phú và đa dạng về chủ đề, nội dung.
Đội ngũ viên chức của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng không ngừng nâng cao về số lượng và chất lượng. Đội ngũ giảng viên, viên chức của nhà trường 43 người, trình độ chuyên môn cao, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (có 5 tiến sĩ, 32 thạc sĩ, 6 đại học; có 26 giảng viên; 21 giữ ngạch giảng viên và chuyên viên chính). Đội ngũ viên chức của Trường không ngừng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm, kỹ năng sư phạm cũng như phương pháp dạy học tích cực.
Công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên được thực hiện bằng nhiều hình thức. Giảng viên được tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, nghiên cứu thực tế ngắn hạn ở cơ sở nhằm nâng cao kiến thức thực tiễn, như nghiên cứu thực tế ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trong và ngoại Cụm thi đua số 9; dự các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết ở các địa phương, đơn vị, sở, ban, ngành trong tỉnh; tham gia khâu tổ chức các Hội nghị thông tin thời sự, chuyên đề, cập nhật tình hình thời sự trong nước và quốc tế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ đó, giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên tích lũy thêm kiến thức thực tiễn phong phú, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Cơ sở vật chất của Trường được quan tâm đầu tư hiện đại, đồng bộ. Trường có Khối Nhà hiệu bộ, thư viện với 500 đầu sách, báo, tạp chí phục vụ nghiên cứu, học tập, hội trường, phòng học; phòng nghỉ cho giảng viên từ các cơ sở đào tạo khác đến giảng dạy tại Trường được trang bị tiện nghi. Qua đó, tạo điều kiện để Trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khẳng định vai trò trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và vị thế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống các trường chính trị trên toàn quốc nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng còn một số hạn chế như: công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Trường chậm được đổi mới; trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên chưa đồng đều về chất lượng và kinh nghiệm thực tiễn, công tác bổ sung giảng viên của Trường chậm thực hiện, việc tạo nguồn đưa đi đào tạo đội ngũ giảng viên kế cận chưa đáp ứng yêu cầu; một số cơ sở vật chất, hạng mục công trình của nhà trường xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo phương thức, phương pháp mới; quy mô các loại hình đào tạo, bồi dưỡng chưa được phân bổ nhiều; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường Chính trị tỉnh với cấp ủy, chính quyền cử cán bộ đi học, cơ quan quản lý trong việc theo dõi, quản lý và bố trí cán bộ sau đào tạo,…
2. Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn trong giai đoạn mới
Trước yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới, nhất là thực hiện đột phá đầu tiên (trong 3 khâu đột phá) được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý), chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10-9-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, để triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-4-2022 về xây dựng Trường Chính trị trị tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-4-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu tổng quát là đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, giỏi về lý luận chính trị, thạo về chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức thực tiễn; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, số hóa đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất, vững mạnh, xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ uy tín, chất lượng cao của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đạt tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 và đến năm 2030 vươn lên đạt cơ bản một số tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 2.
Để đạt các mục tiêu đề ra, Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-4-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã xác định 5 nhóm nhiệm vụ căn cốt, đó là: (1) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức nhà trường; (2) Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phương pháp đào tạo phù hợp với từng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; (3) Đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; (4) Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định; (5) Đầu tư và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng đến các tiêu chí “trường chính trị chuẩn”. Đồng thời, Đề án cũng nêu rõ trách nhiệm phối hợp và tổ chức thực hiện của các địa phương, đơn vị, gồm Trường Chính trị tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành và tương đương.
Trong các mục tiêu cụ thể mà Đề án số 04-ĐA/TU đề ra, có các mục tiêu rất quan trọng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng phải thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là đối với trưởng khoa, phó trưởng khoa: “Giữ chức danh giảng viên chính (viên chức hạng II) hoặc tương đương trở lên”(2); “Trong 5 năm lãnh đạo khoa chỉ đạo, đề xuất thành công ít nhất 3 đề tài cấp trường trở lên”(3) và đối với “Đội ngũ giảng viên (giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm) chiếm tỷ lệ ít nhất 75% tổng số cán bộ, viên chức của Trường”(4). Đây cũng chính là các mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, nhằm từng bước đáp ứng các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11 của Ban Bí thư.
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trên, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh và sự phối hợp giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các ngành, các cấp có liên quan trong việc triển khai xây dựng trường chính trị tỉnh đạt chuẩn. Đặc biệt, Sở Tài chính cần tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn ngân sách phù hợp, có điều chỉnh kịp thời để thực hiện hiệu quả Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-4-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hai là, các cơ quan quản lý chuyên ngành quan tâm việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức của trường chính trị tỉnh. Trước đây, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1696-QĐ/BTCTW ngày 29-5-2017 của Ban Tổ chức Trung ương xét thăng hạng viên chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay Quyết định này không còn hiệu lực. Mới đây, Công văn số 4048/BNV-CCVC ngày 22-8-2022 của Bộ Nội vụ và Công văn số 2696-CV/HVCTQG ngày 13-9-2022 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với giảng viên trường chính trị cấp tỉnh; theo đó, xác định văn bản quy phạm pháp luật, quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên trường chính trị cấp tỉnh là Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08-01-2018 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan, đơn vị có liên quan cụ thể hóa thành Quy chế xét thăng hạng hoặc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trường chính trị tỉnh trên cơ sở vị trí việc làm được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Ba là, bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng cần xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm có kỹ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy. Giảng viên kiêm nhiệm phải có kinh nghiệm thực tế và khả năng truyền đạt, được lựa chọn từ các nguồn là lãnh đạo, trưởng phòng, phó trưởng phòng thuộc các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tối thiểu giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên tùy theo yêu cầu của các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Quy trình lựa chọn giảng viên kiêm nhiệm cũng phải thực hiện chặt chẽ, bài bản. Theo đó, Trường Chính trị tỉnh cần có văn bản thông báo đến các, đơn vị về việc mời giảng viên kiêm nhiệm. Sau đó, tổng hợp danh sách, sàng lọc lý lịch, hồ sơ, có tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Cuối cùng, cần tổ chức phỏng vấn, thỉnh giảng thử nghiệm trên lớp để cân nhắc, lựa chọn giảng viên kiêm nhiệm có chất lượng.
Cần cụ thể hóa Quy chế xét chọn giảng viên kiêm nhiệm, trong đó xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, thời gian thỉnh giảng của giảng viên kiêm nhiệm; định kỳ tổ chức đánh giá, chọn lọc, bổ sung những giảng viên kiêm nhiệm có năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, thu hút giảng viên trẻ, có chiều hướng phát triển tốt để đóng góp nhiều hơn vào công tác giảng dạy.
Bốn là, thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên về mục đích, vai trò, yêu cầu của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa, phòng phải tiên phong, làm gương trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xuất bản sách, viết bài đăng tạp chí khoa học uy tín. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị khoa, phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong đề án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hằng năm của Trường; chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo tháng, quý, năm.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa, phòng phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các khoa, phòng trong thực hiện kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Điều này sẽ tạo hiệu ứng, truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường.
Mỗi cán bộ, giảng viên, cần xem hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là việc làm tự giác, thường xuyên của bản thân, tránh tình trạng làm đối phó dẫn đến chất lượng kém, phải dành thời gian thỏa đáng cho công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Năm là, tạo động lực cho cán bộ, giảng viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Trường Chính trị tỉnh và các cơ quan, bộ phận có liên quan cần dành khoản kinh phí tương xứng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn vì đây là một trong hai chức năng cơ bản của trường chính trị cấp tỉnh theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư và Quy định số 13-QĐi/TU ngày 06-3-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng. Cần thiết cụ thể hóa thành Quy chế hoặc hướng dẫn về công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường, trong đó quy định rõ cấp đề tài nghiên cứu, định mức hỗ trợ theo từng tiêu chí đánh giá.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích cán bộ, giảng viên viết và xuất bản sách chuyên khảo, công bố bài báo trên các tạp chí khoa học; tạo điều kiện cho giảng viên đi công tác ở cơ sở, tổng hợp báo báo, thu thập số liệu, có cơ chế tạo động lực cho đội ngũ giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Nhà trường kịp thời khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng những cán bộ, giảng viên, tập thể có nhiều thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
_________________
Ngày nhận: 13-1-2023; Ngày bình duyệt: 20-01-2023; Ngày duyệt đăng: 11-02-2023.
(1) Ban Thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng: Điều 1, Quy định số 13-QĐi/TU ngày 06-3-2019 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng.
(2) Ban Thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng: Tiết 2.1.1, Điểm 2.1, Mục 2, Phần II, Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-4-2022 về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
(3) Ban Thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng: Tiết 2.1.1, Điểm 2.1, Mục 2, Phần II, Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-4-2022 về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
(4) Ban Thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng: Tiết 2.1.1, Điểm 2.1, Mục 2, Phần II, Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-4-2022 về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
nguồn : NGUYỄN VĂN CẢNH
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng
giải pháp này rất hay
Trả lờiXóa