Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

 Giới hạn nào cho sáng tạo, dám nghĩ, dám làm?


Bộ Nội vụ tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là nghị định cụ thể hoá Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đây là vấn đề mới, khó thu hút sự quan tâm không chỉ đội ngũ cán bộ, đảng viên mà toàn xã hội. Bởi cuộc sống luôn biến động, nhất là khi tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh… đang đặt ra những khó khăn, thách thức không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Không có cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ sáng tạo, dám đột phá, đương đầu với thử thách, khó thúc đẩy được công cuộc đổi mới đi lên.

Nhưng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đến đâu? Lằn ranh giữa đổi mới, thực hiện các ý tưởng sáng tạo, dám làm những suy nghĩ chưa từng có với cố ý làm trái rất mỏng manh. Hơn nữa, dù đã có rất nhiều tiến bộ nhưng hệ thống pháp luật của ta chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai. Thời điểm này có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung chưa được thể chế hóa… Tuy nhiên, không vì thế mà cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có tinh thần trách nhiệm cao chùn bước.

Quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thực tiễn đòi hỏi cán bộ phải có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách. Trong đó có những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, dân tộc. Không có một Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc dám vượt lên đường lối làm ăn tập thể để  “giao khoán ruộng" cho nông dân, làm sao chúng ta có được "khoán 10", nhờ đó mà đất nước mới thoát khỏi nền nông nghiệp năng suất thấp? Việt Nam chẳng những không phải vất vả lo dân thiếu lương thực mà còn trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, khi tiềm năng đất đai, lao động, sự sáng tạo của nông dân được khai thác triệt để. Mặc dù khi đó, cái giá phải trả của người đi tiên phong là những sóng gió, thăng trầm. Không có một Tổng Bí thư Trường Chinh với tầm nhìn sáng suốt, bản lĩnh quyết đoán làm sao những sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cấp được bảo vệ, thực hiện thành công trên cả nước?

Giữa bao vây cấm vận, muôn vàn bao khó khăn bộn bề của đất nước, không có bước đi mang tính "vượt rào" của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt; không có tinh thần kiên định "nói và làm" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm sao chúng ta có sức mạnh phá bỏ những rào cản nằm ngay trong chính bộ máy lãnh đạo, xoá bỏ tình trạng trì trệ, bảo thủ, tháo gỡ những vấn đề bức xúc của đất nước và làm sao có được thành tựu rạng rỡ của sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua?

Có được tinh thần sáng tạo, dám nói, dám làm ấy phải chăng không chỉ có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp của Đảng mà trong suy nghĩ của những cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn ghi lòng tạc dạ lời dạy của Bác Hồ làm kim chỉ nam trong mọi hành động: Việc gì có lợi cho dân ta phải cố gắng làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh. Đấy cũng là giới hạn rộng lớn mà mỗi cán bộ, đảng viên thoả sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của Nhân dân, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

1 nhận xét: