Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Hiệp định Pari - đỉnh cao của trí tuệ, bản lĩnh ngoại giao Việt Nam

 Bài viết tập trung làm rõ giá trị, ý nghĩa, của Hiệp định Pari minh chứng cho ngoại giao Việt Nam. Hiệp định Pari là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao, minh chứng đường lối đối ngoại, ngoại giao đặc sắc, độc đáo của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở khái quát thực trạng đất nước và công tác đối ngoại sau hơn 35 năm đổi mới, tác giả đề xuất một số giải pháp chính nhằm phát huy sức mạnh ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Hiệp định Pari - đỉnh cao của trí tuệ, bản lĩnh ngoại giao Việt Nam

Lễ ký Hiệp định Pari ngày 27-01-1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở Thủ đô Pari, Pháp - Ảnh tư liệu TTXVN

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, kết thúc thắng lợi Hội nghị Pari - cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX. Đây là sự kiện đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hiệp định Pari là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao nước ta, nền ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

1. Hiệp định Pari năm 1973 - kết quả của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam

Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới. Đó là tiền đề thực hiện “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lợi “đánh cho ngụy nhào”, tiến tới hoàn thành mục tiêu cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng với mặt trận quân sự, chính trị, Hội nghị Pari phản ánh trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Ngày 14-12-2021, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình ảnh cây tre để định hướng cho trường phái ngoại giao của Việt Nam: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”“gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”(1).

Hình tượng cây tre gắn với bản sắc nền ngoại giao Việt Nam. “Gốc vững” là truyền thống tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, là tinh thần đoàn kết, nhân ái, thủy chung. “Thân chắc” là bản lĩnh kiên định, can trường trước mọi thử thách và khó khăn, vất vả và gian lao. “Cành uyển chuyển” là sự mềm mại, khôn khéo, sáng tạo. Đây chính là sự vận dụng vô cùng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại.

Hội nghị Pari chính là minh chứng sinh động cho trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, cho trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, cụ thể trên 4 nội hàm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, linh hoạt, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt.

Năm 1968, sau những thất bại nặng nề của chiến lược Chiến tranh cục bộ và chiến tranh phá hoại miền Bắc, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức diễn ra ở Pari. Lập trường của các bên ở giai đoạn đầu rất mâu thuẫn và khác xa nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt, nhiều lúc phải gián đoạn. Trong lúc đó, trên chiến trường, cả Việt Nam và Mỹ đều tìm mọi cách để giành thắng lợi quyết định về quân sự, nhằm thay đổi cục diện chiến trường, làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh dựa trên thế mạnh mà hai phía đang giành giật nhau trên bàn đàm phán.

Việt Nam khẳng định lập trường không thay đổi là trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom, bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan.

Việt Nam đã chủ động tạo thời cơ, kéo địch vào bàn đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi; xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, đồng thời, tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. “Sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(2).

Thắng lợi của Hội nghị Pari bắt nguồn từ những thắng lợi trên chiến trường, từ sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,cứu nước. Hiệp định Pari là một kỳ tích về mặt ngoại giao, đồng thời, cũng là thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam cả về chính trị, quân sự… Nếu không có từng chiến thắng ở các chiến dịch, trận đánh cụ thể thì Mỹ không bao giờ chịu ngồi vào bàn đàm phán, hoặc không bao giờ từ bỏ các yêu sách phi lý của mình.

Thứ hai, linh hoạt, sáng tạo nhưng bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Những thắng lợi quân sự của Việt Nam trong các năm 1971, 1972 trên khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam và chiến trường Lào, Campuchia đã khiến Mỹ - ngụy thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán. Đặc biệt, cuộc đụng đầu lịch sử 12 ngày đêm tháng 12-1972 đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng “pháo đài bay” B-52 với quy mô lớn của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973. “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(3).

Trên tư thế bên chiến thắng, phái đoàn Việt Nam tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định. Đó là tinh thần độc lập, tự cường, hòa mục bên trong, hòa hiếu bên ngoài, kiên định trong mục tiêu, nhân văn trong cốt cách, rộng mở trong tinh thần và linh hoạt trong hành động. Đó là sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế; sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; giữa đánh và đàm, giữa chiến trường và bàn đàm phán.

Thứ ba, đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Trong cuộc đàm phán tại Hội nghị Pari, đối với Việt Nam, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà còn giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động tuyên truyền cho cuộc đấu tranh chính nghĩa để giành độc lập dân tộc, đặc biệt là trong việc “vừa đánh, vừa đàm”.

Nét đặc sắc, độc đáo ấy bắt nguồn từ truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao, văn hóa dân tộc và thành tựu của đất nước - cái gốc của ngoại giao. Đây là nền ngoại giao “đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa(4). Cuộc đàm phán Pari về Việt Nam đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tâm điểm của những mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ.

Trong suốt quá trình đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pari, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao, giữa “đánh” và “đàm”, giữa các binh chủng hợp thành thế trận chiến tranh nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ngay tại Pari, sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện phương châm “tuy hai mà một, tuy một mà hai” của hai đoàn đàm phán dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ta cũng là nhân tố hết sức quan trọng để đi đến thắng lợi. 

 Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới. 

Thứ tư, biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.

Trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Pari đã chứng tỏ một Việt Nam anh dũng nhưng cũng rất mềm mỏng, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, buộc đối phương phải ngồi vào đàm phán và ký kết Hiệp định.

Trong khi khẳng định và kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hoạt động ngoại giao vẫn uyển chuyển, linh hoạt “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “lấy nhu khắc cương” để đạt được mục đích. Lập trường của Việt Nam trong các cuộc đàm phán là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; đòi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam. “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”(5).

Việt Nam đã linh hoạt ứng xử trong các tình huống cụ thể, nhưng không từ bỏ các nguyên tắc chiến lược và đã chiến thắng. Trong suốt quá trình đàm phán tại Pari, Việt Nam đã có được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, sự đồng tình của dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ Mỹ, góp phần tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam.

Việt Nam quyết tâm giành những thắng lợi to lớn ở chiến trường, đồng thời giương cao ngọn cờ hòa bình, thiện chí, phân hóa và cô lập đối phương. Việt Nam đã chọn lựa, tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ đối ngoại bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất tham gia đàm phán, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi tại Hội nghị Pari.

2. Phát huy sức mạnh ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay

Trải qua hơn 20 năm đầu thế kỷ XXI, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những bài học kinh nghiệm ngoại giao Việt Nam trong Hội nghị Parivẫn còn nguyên giá trị thời đại. Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(6). Tuy nhiên, “Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”(7).

Về công tác đối ngoại, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tích đối ngoại rất tốt đẹp: “Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác”(8). Từ phá thế bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Nước ta đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. 

Tuy nhiên, công tác đối ngoại thời gian qua còn một số hạn chế. “Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có lúc, có việc chưa thật chủ động và hiệu quả chưa cao. Chúng ta còn thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế; nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình; sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình chưa thật bài bản, kết quả chưa được như mong muốn”(9).

Hiện nay, trên thế giới, tình hình diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”(10).Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bước đầu vượt lên,  ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng kinh tế. 

Để phát huy bài học kinh nghiệm từ Hội nghị Pari, sức mạnh ngoại giao Việt Nam trong  sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, quán triệt và tích cực, chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước

Tiếp tục nâng cao nhận thức và quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân để “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(11).

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Vận dụng đúng đắn quan điểm về “đối tượng”, “đối tác”, vừa hợp tác vừa đấu tranh; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc. Kiên định giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của nước ta phù hợp với luật pháp quốc tế. Chú ý kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo trên cơ sở kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược. Đề cao việc xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết và đồng thuận trong nước. Chú trọng “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”; giữ “trái tim nóng, cái đầu lạnh” và “kiên quyết, kiên trì” để xử lý các thách thức đối ngoại, tranh thủ điểm đồng về lợi ích để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế”(12). Phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương.

Hai là, thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình, đề cao chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, không để bị động, bất ngờ

Coi trọng tính nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công. Chú trọng xây dựng vị thế, tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, các mối quan hệ song phương, đa phương. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm chiến lược của Việt Nam, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới.

“Công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược là vô cùng quan trọng để giữ được sự chủ động trong một thế giới đầy biến động phức tạp”(13). Coi trọng, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên thế giới và khu vực. Chủ động dự báo trước các kịch bản về những biến đổi trong trật tự thế giới, khu vực và chuẩn bị sẵn các phương án để ứng phó. Nhận thức rõ, đúng, đủ, khách quan những điểm mạnh, điểm yếu; tỉnh táo xác định giá trị và vị trí chiến lược của đất nước trong tình hình mới để hoạch định chiến lược, chính sách phù hợp.

Ba là, tăng cường mở rộng và nâng cao hiệu quả thực chất các hoạt động đối ngoại

Chú trọng nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước. Tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả. Ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời, xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, trọng tâm là các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA)...

Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng các doanh nghiệp. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước. Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các FTA đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng; tiến hành đàm phán các FTA song phương thế hệ mới với các nước. Phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao với kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Triển khai toàn diện và mạnh mẽ công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào tham gia ngày càng tích cực, sâu rộng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, các bộ khác và các ngành, địa phương.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và địa phương trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại về bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực. “Chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động đối ngoại giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia - dân tộc, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động; đồng thời phải có phong cách ứng xử văn hóa”(14). Không ngừng rèn luyện cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại vững vàng về chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch.

Hiệp định Pari là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Cội nguồn thắng lợi của Hội nghị Pari là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường,đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc.Những bài học kinh nghiệm trong Hội nghị Parivẫn còn nguyên giá trị thời đại, rất cần được tiếp tục vận dụng sáng tạo để triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng trong thời kỳ mới.

_________________

Ngày nhận bài: 20-12-2022; Ngày bình duyệt: 26-12-2022; Ngày duyệt đăng: 30-01-2023.

 

(1), (4), (6), (12), (13), (14) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.184, 180-181, 34, 194, 199-200.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.445.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.147.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.555.

(7), (8), (10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.107-108, 69, 105, 161-162.


1 nhận xét:

  1. Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.

    Trả lờiXóa