Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII
của Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do
Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị...”, đồng
thời xác định tầm nhìn, định hướng chiến lược, trong đó “nghiên cứu, ban hành
Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm
2030, định hướng đến 2045”.
Đây là vấn đề lý luận và thực
tiễn hết sức quan trọng được Đảng ta chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, xây dựng,
tạo cơ sở hiện thực hóa mục tiêu lý tưởng, con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ
và Nhân dân ta lựa chọn.
Lợi dụng vấn đề này, các thế
lực thù địch, cơ hội chính trị đưa ra nhiều quan điểm, luận điệu nhằm phê phán,
bác bỏ, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước XHCN Việt Nam. Họ
cho rằng, nhà nước pháp quyền là giá trị tiến bộ đã được các nước tư bản vận
dụng, xây dựng, thực hiện từ lâu, bây giờ Việt Nam đặt lại vấn đề xây dựng,
hoàn thiện nhà nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN).
Họ ra sức xuyên tạc Nhà nước
pháp quyền XHCN ở Việt Nam chỉ có “đảng trị” chứ không có tính pháp quyền “pháp
trị”, xã hội không có tự do, dân chủ, nhân quyền. Cho rằng chỉ có nhà nước pháp
quyền tư bản, không có khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN, từ đó phủ nhận vai
trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đồng thời rêu rao rằng, thoát li vai
trò lãnh đạo của Đảng, nhà nước phải xây dựng theo mô hình nhà nước “tam quyền
phân lập”, như vậy thì những giá trị tiến bộ về quyền cơ bản của con người mới
được thừa nhận, tôn trọng và thực hiện…
Tung ra các luận điệu sai trái,
công kích vào bản chất, vai trò của nhà nước pháp quyền XHCN là một trong những
mũi nhọn mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tập trung chống phá
trong suốt quá trình cách mạng, xây dựng, hoàn thiện nhà nước XHCN Việt Nam.
Vậy bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN có đồng nhất nhà nước pháp quyền TBCN?
Mục đích, âm mưu mà các đối tượng hướng tới là gì?
Trước hết có thể thấy, tư tưởng
về nhà nước pháp quyền được các nhà chính trị, pháp lý như J.Locke (1632-1704),
C.Montesquieu (1698-1755), J. Rousseau (1712 – 1778) đặt nền móng đầu tiên,
sáng lập, phát triển như một thế giới quan pháp lý mới, phát triển các tư tưởng
về nhà nước pháp quyền, làm cơ sở lý luận xây dựng nhà nước tư sản cho đến ngày
nay. So với nhà nước phong kiến “ngàn năm trung cổ”, đây là những tư tưởng tiến
bộ của nhân loại trong hoàn cảnh lịch sử khi đó. Tuy nhiên, tư tưởng này bị hạn
chế bởi thế giới quan, bản chất giai cấp nên nhà nước tư sản vẫn là công cụ
thuộc về thiểu số là giai cấp tư sản, dân chủ tư sản chưa phải là nền dân chủ
của đa số, quảng đại quần chúng nhân dân lao động.
Bản chất nhà nước luôn là vấn
đề trung tâm của mỗi chế độ chính trị, quyết định bản chất xã hội, biểu hiện ý
chí, nguyện vọng của thiểu số hoặc đa số và tính chất, nội dung của một xã hội
tiến bộ, dân chủ. Mặt khác, đây cũng là đề tài luôn được học giả, nhà nghiên
cứu, chính trị gia không ngừng nghiên cứu, tranh luận trên cơ sở lập trường tư
tưởng, khuynh hướng chính trị khác nhau. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị
lấy lý do này để tăng cường các hoạt động công kích, xuyên tạc, chống phá.
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí
Minh, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN giữ một vị trí đặc biệt quan
trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước của dân, do dân,
vì dân. Người nhấn mạnh: “Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân,
vì dân là chủ”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là chủ”. Toàn bộ
quyền lực nhà nước là từ nhân dân, do nhân dân, phụng sự lợi ích của nhân dân.
Người quan niệm, pháp luật không phải là để trừng trị con người, mà là công cụ
bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền đó thấm đượm bản
chất nhân văn, chăm lo ấm no, hạnh phúc của nhân dân, lòng nhân ái, nghĩa đồng
bào, truyền thống đạo lý quý báu của dân tộc. Đó thật sự là giá trị dân chủ sâu
sắc và triệt để của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công,
Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, đó là nhà nước công nông đầu tiên ở
Đông Nam Á. Kể từ đó, tiếp thu, kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại,
quá trình nhận thức tư duy lý luận của Đảng qua các nhiệm kỳ đại hội, nhất là
thời kỳ đổi mới, không ngừng được phát triển và hoàn thiện. Những quan điểm,
đường lối đó được Nhà nước cụ thể hóa trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980,
1992 và 2013. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm
1991 (bổ sung năm 2011) hay Hiến pháp (2013), Đảng, Nhà nước ta khẳng định một
trong những đặc trưng của chế độ là “xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Cương lĩnh chỉ rõ: “Nhà nước ta
là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả
quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp
công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận,
tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống
ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt
Nam khác nhà nước pháp quyền tư sản ở chỗ, pháp quyền dưới chế độ tư bản về
thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Trong
khi bản chất nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
khẳng định, đó là Nhà nước “hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên
nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con
người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích
riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng và
đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội. Trong chế độ chính trị
XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ
thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích, mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật và hoạt động của nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của
Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Mô hình chính trị và cơ chế vận
hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ
là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây
dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân
dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của các mạng Việt Nam”.
Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân
chủ cộng hòa được thành lập, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
XHCN là vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức mới mẻ, chưa có tiền lệ, đòi hỏi
phải có sự nhận thức lý luận khoa học, cách mạng, giữ vững định hướng XHCN
trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân,
đáp ứng yêu cầu đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới. Do đó việc lãnh đạo,
tổ chức nghiên cứu, xây dựng, thực hiện đề án chiến lược này là khách quan,
khoa học, vừa kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được, vừa phát triển, hoàn
thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vào giai đoạn
phát triển mới.
Như vậy, không thể lập luận
rằng “xây dựng Nhà nước pháp quyền là đi theo con đường TBCN”, không thể xuyên
tạc ở Việt Nam “chỉ có đảng trị, không pháp quyền”, rêu rao “pháp trị thì xã
hội không thể có tự do, dân chủ, nhân quyền”... Mô hình nhà nước “tam quyền
phân lập” không phải là khuôn mẫu, tiến bộ về tự do, dân chủ nhân quyền. Đây là
luận điệu hết sức nguy hiểm. Đưa ra luận điệu này, các đối tượng nhằm cố tình
phê phán thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; ca
ngợi, cổ súy, hướng lái, thúc đẩy mô hình nhà nước tam quyền phân lập, những
cái gọi là giá trị “tự do, dân chủ, nhân quyền” phương Tây; dẫn dắt, gieo rắc
nhận thức lệch lạc, xuyên tạc bản chất, vị trí, vai trò của nhà nước pháp quyền
XHCN; chia rẽ khối đại đoàn kết, mối quan hệ, thể chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý, Nhân dân làm chủ. Mặt khác, việc tung ra luận điệu trên làm méo mó bản
chất, tính ưu việt của chế độ xã hội, làm giảm uy tín, vị thế Nhà nước pháp
quyền XHCN Việt Nam trên trường quốc tế.
phải cảnh giác trước các âm mưu của địch
Trả lờiXóa