Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

Nhận diện đúng và thực hiện quyết liệt, thường xuyên các giải pháp phòng, chống “diễn biến hoà bình”

 

      Trước những âm mưu, thủ đoạn vô cùng nguy hiểm kể trên, đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động, kiên quyết trong nhận diện, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”. Để đấu tranh làm thất bại chiến lực “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc, chúng ta cần triển khai và làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục. Đó là:

      Thứ nhất, cần xác định công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính. Tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao cảnh giác, tạo sức đề kháng trước những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là giáo dục thế hệ trẻ nhận thức rõ về vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng, về mô hình chính trị mà nước ta đã kiên định. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

     Thứ hai, cấp uỷ, chính quyền các cấp nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố và giữ vững lập trường tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là yếu tố cơ bản, then chốt tạo nên sức mạnh chiến đấu của các đơn vị; đồng thời, giữ vai trò định hướng thúc đẩy hành động và hành vi tích cực của cán bộ, đảng viên. Đối với tổ chức đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, chủ động nắm bắt tình hình, định hướng dư luận không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra, coi đây là yếu tố then chốt quyết định đến thắng lợi của nhiệm vụ phòng chống “Diễn biến hòa bình”. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần quán triệt và thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm cho nghị quyết của tổ chức đảng được thực hiện thắng lợi. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp mạnh về số lượng và chất lượng, thể hiện ở các khâu từ lựa chọn, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc, phát huy vai trò tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong việc phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết, tính chủ động trong việc ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch.

     Có thể thấy rõ phương pháp của chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là thực hiện “chiến thắng không cần chiến tranh”. Chúng tập trung phá hoại về chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Do đó,  phải nâng cao bản lĩnh chính trị cũng cố và giữ vững tư tưởng cho mỗi cán bộ, đảng viên là tất yếu trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm tư tưởng sai trái và phản động, các biểu hiện mơ hồ, ảo tưởng, hoài nghi, dao động, lơ là mất cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ.

     Thứ ba, cần quán triệt sâu sắc phương châm, gắn “xây dựng với bảo vệ”, “bảo vệ với xây dựng”; xây dựng là một nội dung của bảo vệ và là biện pháp chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội hiệu quả nhất. Như đã phân tích, mục đích của các thế lực thù địch nhằm thúc đẩy “phi chính trị hóa” quân đội, công an hòng làm ta từ bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, phai nhạt bản chất giai cấp, lý tưởng cách mạng, xa rời phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu và cuối cùng dẫn tới xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Âm mưu của họ rất thâm hiểm. Do đó, cần phải tập trung xây dựng lực lượng quân đội và công an vững mạnh về chính trị trong tình hình mới. Bởi đây là lực lượng chủ công, nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh trật tự và an ninh quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và Nhân dân.

     Thứ tư, xây dựng tổ chức lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình”. Lực lượng tham gia đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” phải được tổ chức bài bản và có các phương án, xây dựng, bố trí lực lượng chủ công trên từng lĩnh vực tư tưởng, chính trị, văn hóa, văn học, nghệ thuật, kết hợp giữa tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội, báo cáo viên, thông tin chuyên đề thời sự trong sinh hoạt đảng, đoàn thể. Tổ chức các diễn đàn đối thoại, các hoạt động khoa học có tính chuyên sâu, tập hợp được chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ bàn về những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, có liên quan đến lợi ích của đất nước, qua đó thu hẹp khoảng cách bất đồng quan điểm, chính kiến, không để xuất hiện các tổ chức, quan điểm chính trị đối lập. Để thực hiện nhiệm vụ đó trước hết phải tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong mọi tình huống; nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác giáo dục, phải coi trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác những thông tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước những vấn đề mà dư luận, xã hội đang quan tâm, không để các vụ việc xảy ra nội cộm, bức xúc.

     Thứ năm, phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí, truyền thông đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hoà bình”. Đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính định hướng, cần phát huy vai trò của báo chí trong việc tạo dòng thông tin chủ lưu tích cực, góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, chính trị trong nhân dân. Kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, khắc phục các biểu hiện thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc. Để chống “diễn biến hoà bình”, báo chí cần tăng cường giáo dục ý thức xã hội chủ nghĩa cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên hiểu và nhận thức rõ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng… Báo chí cần tuyên truyền tinh thần yêu nước, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giữ vững phương hướng đúng đắn trong chỉ đạo dư luận, làm thất bại những âm mưu của “diễn biến hoà bình”.

     Thứ sáu, trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” cần có sự đổi mới cách tiếp cận mục tiêu, tập trung, kiên quyết vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, đồng thời tập trung sâu hơn vào việc hình thành khả năng “miễn nhiễm”, nâng cao “sức đề kháng” của xã hội trước những thông tin xấu độc. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ cần trang bị những có kiến thức, kỹ năng để làm tốt công tác tham mưu, công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, trong đó khi nói và viết bài hoặc phát ngôn trên diễn đàn, trên mạng xã hội, phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị không được phép phát ngôn mang tính hoài nghi, a dua với những luồng thông tin xấu độc. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự nghiên cứu, học tập, trau rèn nhận thức, bản lĩnh chính trị, trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, không để mình bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò "hạt nhân" tại cơ sở để đưa những thông tin chính thống, tích cực, trở thành tấm gương sáng góp phần tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, để từ đó khiến các thế lực thù địch không còn "đất" để xuyên tạc, chống phá…/.


1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân.

    Trả lờiXóa