Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hiện Quy chế dân
chủ ở cơ sở, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát,
dân thụ hưởng”, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân
dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự chuyển biến
tích cực trong đời sống chính trị - xã hội, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15). Luật gồm 6
chương, 91 điều; trong đó quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị
trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức sử dụng lao động.
Luật nêu rõ quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
như sau:
- Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ,
chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.
- Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với
các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định
khác của pháp luật có liên quan.
- Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo,
khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân
chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
- Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích
hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ
của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được
thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo
luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo
quy định của Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, cần tập trung một số nhiệm vụ sau:
Một là, nâng cao chất
lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở.
Chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền việc đẩy mạnh thực
hiện QCDC trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải cụ thể: Xây
dựng cơ chế thông tin đa chiều, thực hiện minh bạch, công khai thông tin, đáp
ứng quyền được thông tin của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Đa
dạng hóa phương pháp, hình thức tuyên truyền theo hướng tăng cường đối thoại,
trao đổi, tương tác phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng. Hiện đại hóa và
sử dụng các phương tiện tuyên truyền hiện đại, nhiều chức năng, dịch vụ, tiện
ích nhằm góp phần hữu ích, thiết thực trong việc tương tác, chia sẻ. Do vậy,
cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy các cấp phải thực sự gương mẫu trong việc
chấp hành các nguyên tắc tập trung dân chủ, trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên,
trong sinh hoạt, lối sống… Đồng thời, kịp thời phê phán những biểu hiện cực
đoan, lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, kích động, lôi kéo quần chúng phục vụ cho
“lợi ích nhóm”, lợi ích cá nhân, đồng thời cần khắc phục, chấm dứt những việc
làm mang tính dân chủ hình thức trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hai là, tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ
sở.
Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý
Nhà nước để bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; mọi chủ trương, chính sách
phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp chính
đáng của nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong phát
huy quyền làm chủ của nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng
đối với việc thực hành dân chủ; phát huy hiệu lực, hiệu quả vai trò các cơ
quan, tổ chức trong thực hành dân chủ; tổ chức bộ máy gọn nhẹ, trong sạch,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ mật thiết với
nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức làm
việc trong bộ máy nhà nước phải được lựa chọn theo những tiêu chí cụ thể và
công khai, có uy tín trong nhân dân, có năng lực, bảo đảm liêm, chính.
Ba là, phát huy hiệu quả
vai trò giám sát, phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính
trị - xã hội trong thực hiện QCDC ở cơ sở.
Sự nghiệp đổi mới đất nước đặt ra yêu cầu phải phát huy đầy đủ
quyền làm chủ, tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân và sức mạnh của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, không ngừng đổi mới phương thức hoạt
động và cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân và dựa vào nhân dân để
xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội. Đồng thời, làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội đối
với cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, góp phần xây dựng
Đảng và bộ máy chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên
kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, phù hợp với các chức năng, vai
trò và nhiệm vụ; nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực,
khắc phục triệt để tình trạng phô trương, hình thức; đổi mới phương thức hoạt
động, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở; bảo
đảm lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng
cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Tăng cường
giám sát việc lãnh đạo và thực hiện QCDC ở cơ sở, việc tổ chức tiếp công dân,
đối thoại với công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của
chính quyền các cấp nhằm giải đáp nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, hợp pháp
của nhân dân.
Bốn là, xây dựng đội ngũ
cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư
trong thực hiện QCDC ở cơ sở.
dân chủ rất quan trọng
Trả lờiXóa