Hội nghị Pari là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ XX; biểu hiện đỉnh cao trí tuệ ngoại giao Việt Nam và có tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn. Hiệp định Pari về Việt Nam năm 1973 là sự kiện trọng đại, là bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời là tâm điểm của dư luận thế giới, để lại những dấu ấn nổi bật, có giá trị vững bền theo năm tháng. Nghiên cứu vấn đề này có ý nghĩa to lớn, khẳng định tầm vóc và sự lan tỏa của Hiệp định Pari, có giá trị sâu sắc trong phát huy vai trò của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pari về Việt Nam - Ảnh tư liệu TTXVN
1. Hội nghị Pari - Cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ XX
Ngày 13-5-1968, Hội nghị Pari giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber.
Sau 4 năm, 8 tháng, 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới, ngày 27-01-1973, Bộ trưởng Ngoại giao 4 bên dự Hội nghị Pari gồm: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã chính thức ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 Nghị định thư liên quan(1).
Hiệp định Pari có 9 chương, 23 điều, gồm 4 loại điều khoản chính(2): các điều khoản chính trị ghi các cam kết của Hoa Kỳ; các điều khoản về quân sự; các điều khoản về nội bộ miền Nam; các điều khoản về thống nhất Việt Nam, về Lào và Campuchia, về cơ cấu thi hành Hiệp định.
Trong thế kỷ XX, trên thế giới có những hiệp định, hiệp ước về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tiêu biểu như: Hiệp định đình chiến được ký kết năm 1949 giữa Itxraen với các nước láng giềng Ai Cập, Libăng, Gioócđan, Xyri, chấm dứt các hành động thù địch chính thức của chiến tranh Ảrập - Itxraen năm 1948; Hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên được ký kết vào ngày 27-7-1953 sau gần 200 phiên họp và 400 giờ thảo luận hơn 2 năm (23-6-1951 - 27-7-1953); Hiệp ước hòa bình Êtiopia - Êritơrêa, ký kết ngày 16-9-2018 tại Giêđa (ẢrậpXêút), chấm dứt cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm giữa hai quốc gia châu Phi này.
So với các hiệp định, hiệp ước, hội nghị trên, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký cách đây 50 năm (ngày 27-01-1973) là kết quả của cuộc đàm phán với thời gian gần 5 năm - cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX (21 năm, 1954 - 1975).
Ngày 25-01-2013, phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Pari, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX”(3).
Cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra trên phạm vi một nước nhưng lại là tiêu điểm của những mâu thuẫn và xung đột mang tính thời đại: giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, giữa hòa bình với chiến tranh. Hội nghị Pari là cuộc đối thoại giữa hai thế lực đối đầu trên chiến trường: một bên là lực lượng xâm lược có thế mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế với một bên là lực lượng bảo vệ Tổ quốc, tuy có điểm yếu tương đối về quân sự và kinh tế nhưng lại có thế mạnh tuyệt đối về chính trị, chính nghĩa; là cuộc đối chọi giữa hai nền ngoại giao - nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường (Hoa Kỳ) với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ nhưng được kế thừa một truyền thống đấu tranh hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước (Việt Nam).
Cả ta và đối phương đều đến Hội nghị với những mục đích và đòi hỏi đối lập nhau. Ta đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Mỹ cũng nói muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn. Có nghĩa là Mỹ tiếp tục thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, điều Mỹ không làm được trên chiến trường.
Ở Pari đã diễn ra một cuộc đấu quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược khác nhau.Điều đó thể hiện cuộc đối đầu, đấu trí quyết liệt tưởng như “không cân sức” giữa hai nền ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ. Phát biểu với báo chí nhân kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Pari, ông Trịnh Ngọc Thái, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pari, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, khẳng định: “Đàm phán Pari được đánh giá là cuộc đấu trí căng thẳng giữa 2 nền ngoại giao. Đó là nền ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ và nền ngoại giao nhân văn của Việt Nam”(4). | Hiệp định Pari “đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tâm điểm của những mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ. Việc ký kết Hiệp định là sự tháo nút cho cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài nhất trên thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai”(10). Điều đó thể hiện tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn của Hiệp định Pari, không những với cách mạng nước ta mà ở cả Đông Dương, thu hút các nguyên thủ, chính khách, trí thức có uy tín và ảnh hưởng lớn cũng như các hãng truyền thông lớn trên thế giới. |
Về phía Mỹ, nền ngoại giao rất hùng mạnh, có nhiều kinh nghiệm trên các vấn đề quốc tế. Các nhà ngoại giao Mỹ đều khôn khéo, sắc sảo, có chiến lược đàm phán rõ ràng: Dùng đàm phán kết hợp với thế mạnh áp đảo trên chiến trường để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấm dứt chi viện cho nhân dân và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ chế độ Sài Gòn trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Trong khi đó, ngoại giao Việt Nam rất non trẻ. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954), từ chiến khu trở về Hà Nội, ngoại giao Việt Nam hầu như không có các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Trên tinh thần vừa làm, vừa học hỏi, các nhà ngoại giao của Việt Nam đến Pari với ý thức dân tộc và ngoại giao đạo lý để chống chọi với ngoại giao trên thế mạnh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, qua quá trình đấu tranh lâu dài, khó khăn, quyết liệt, những thắng lợi cuối cùng vẫn thuộc về Việt Nam, thuộc về chính nghĩa, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và hòa bình, tiến bộ trên thế giới.
2. Đỉnh cao trí tuệ ngoại giao “cây tre Việt Nam”
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền,ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam. Chúng ta dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, đến nayvẫn còn nguyên giá trị.
Chúng ta đã kế thừa và phát huy truyền thống đó, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, “xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển"… Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”(5).
Một là, hiệu quả của việc kiên trì nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Nguyên tắc này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ thời kỳ 1945 - 1946, được phái đoàn Việt Nam vận dụng một cách nhuần nhuyễn và linh hoạt trong suốt thời kỳ đàm phán tại Pari.
“Dĩ bất biến” là luôn kiên định lập trường của ta: khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam; đòi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam; yêu cầu Mỹ chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Chúng ta kiên quyết đấu tranh trong suốt quá trình đàm phán, bất chấp những đe dọa, gây sức ép từ phía Mỹ cả trên lĩnh vực quân sự và ngoại giao hoặc mua chuộc về kinh tế.
“Ứng vạn biến” là mềm dẻo về sách lược cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhằm tạo thế có lợi cho ta và bất lợi cho địch. Chúng ta đã linh hoạt chấp nhận tồn tại hai chính quyền, hai lực lượng quân đội ở miền Nam Việt Nam và đề cao nguyên tắc tự quyết. Đây là bước triển khai cụ thể của mục tiêu, lộ trình “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”.
Hiệp định Pari là kết quả của việc vừa giữ vững nguyên tắc, vừa linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược của ngoại giao Việt Nam.
Hai là, đỉnh cao nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm”
“Vừa đánh, vừa đàm” là một trong những nét đặc sắc trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Với mục đích là đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập nên cha ông ta luôn kết hợp chặt chẽ giữa đánh và đàm, lấy kết quả trên chiến trường (có lợi cho ta, bất lợi cho địch) để đàm phán nhằm làm cho đối phương “tâm phục, khẩu phục”, được “rút lui trong danh dự”, nhanh chóng rút quân, kết thúc chiến tranh.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, nghệ thuật “đánh” và “đàm” đã phát triển, mở rộng lên tầm quốc gia, dân tộc và quốc tế. Trong kháng chiến chống Pháp, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân Pháp bị thất bại, Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoại giao được Đảng ta xác định là một mặt trận song hành với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự, kết hợp chặt chẽ “vừa đánh, vừa đàm” một cách tích cực, chủ động.
Ngay từ năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(6).
Tháng 5-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã chỉ thị cho đồng chí Xuân Thủy - Trưởng đoàn đàm phán Pari khi về nước báo cáo tình hình: “Tiến công ngoại giao là một mặt tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược lúc này…; nắm vững thời cơ, phối hợp với tiến công quân sự và tiến công chính trị, tiến công liên tục và sắc bén, kiên trì nguyên tắc, khéo vận dụng sách lược, vừa kiên quyết, vừa linh hoạt, buộc Mỹ phải rút quân và nhận một giải pháp chính trị đáp ứng yêu cầu cơ bản của ta”(7).
Trong suốt thời gian đàm phán tại Pari, chúng ta luôn kịp thời phát huy thắng lợi, tranh thủ mọi cơ hội để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, bạn bè yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Đỉnh cao trong việc vận dụng thành công nghệ thuật “đánh - đàm” của ngoại giao Việt Nam được thể hiện ở thời điểm tháng 3-1972, khi Mỹ đơn phương “ngừng không thời hạn” Hội nghị Pari, ném bom trở lại miền Bắc với quy mô chưa từng có, nhằm buộc Việt Nam phải nhân nhượng. Tuy nhiên, Trung ương Đảng vẫn chủ trương duy trì Hội nghị Pari với mục tiêu làm diễn đàn tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế và kết hợp với chiến trường để đấu tranh với Mỹ về mặt ngoại giao.
Thực hiện chỉ đạo này, tại Pari, phái đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực đấu tranh, đòi phía Mỹ phải nối lại đàm phán theo hướng giải quyết toàn bộ về vấn đề chiến tranh Việt Nam. Với nghệ thuật “đánh - đàm”, trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã có 5 lần kéo địch xuống thang.
Bình luận về việc ký kết Hiệp định, tờ Washington Post viết: “Thất bại này buộc Tổng thống Níchxơn và cố vấn của ông ta phải chấp nhận trở lại những điều khoản mà cách đây ba tháng họ đã bác bỏ”(8). Còn phóng viên Tạp chí Time, Sớctơ (Jerrold Ll.Schecter) trong cuốn sách “Từ Tòa Bạch ốc đến Dinh Độc lập” nhận xét một cách chua xót: “Những điều khoản trong Hiệp định Pari về thực chất vẫn giống như những điều mà phía cộng sản đã đưa ra từ tháng 5-1969”(9).
3. Tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn của Hiệp định Pari
Hiệp định Pari “đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tâm điểm của những mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ. Việc ký kết Hiệp định là sự tháo nút cho cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài nhất trên thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai”(10). Điều đó thể hiện tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn của Hiệp định Pari, không những với cách mạng nước ta mà ở cả Đông Dương, thu hút các nguyên thủ, chính khách, trí thức có uy tín và ảnh hưởng lớn cũng như các hãng truyền thông lớn trên thế giới.
Ở Pháp, Đảng Cộng sản Pháp (một lực lượng chính trị rất mạnh ở Pháp lúc bấy giờ), ngoài sự giúp đỡ về vật chất rất to lớn dành cho đoàn Việt Nam tham gia đàm phán còn có vai trò tích cực trong việc tập hợp các lực lượng chính trị và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến của ta và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Đảng Cộng sản Pháp còn là cầu nối giữa Việt Nam và Pháp.
Đặc biệt, sau khi Hiệp định được ký kết, Tổng thống Cộng hòa Pháp G.Pômpiđu đã gửi điện chúc mừng và nhấn mạnh: “Hiệp định Pari có nghĩa là chấm dứt cảnh đau khổ, tàn phá, tang tóc ngày càng chồng chất”(11). Trên trang nhất, báo Nhân đạo Pháp, số ra ngày 05-02-1973 không chỉ ca ngợi cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam mà còn vạch trần sự cản trở của Mỹ đối với Hiệp định.
Dành sự khâm phục đối với nhân dân Việt Nam, Giáo sư Pie Axơlanh (Pierre Asselin), tác giả cuốn sách “Nền hòa bình mong manh”, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Hiệp định Pari do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 17-01-2013 đã bày tỏ sự khâm phục: “Tôi thật sự ngưỡng mộ về tài trí của Việt Nam trong quá trình đàm phán ở Pari, nó góp phần giúp tôi hiểu được vì sao người Việt Nam luôn tự hào về chiến thắng”(12).
Ở Mỹ, chúng ta đã “đưa chiến tranh vào trong lòng nước Mỹ”, biến cuộc đấu tranh của nhân dân ta thành cuộc đấu tranh của nhân dân Việt - Mỹ, chống lại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Chính phía Mỹ cũng thừa nhận “Đây là một phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ cũng như chưa từng có trong lịch sử nhân loại”(13).
Quan chức tình báo CIA Phơrăng Xnéptại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, trong cuốn sách “Khoảng cách thời gian vừa phải” (Decent Interval), đã chỉ rõ: “Hiệp định Pari thực sự chỉ là một hình thức bỏ chạy của Hoa Kỳ. Điều duy nhất được đảm bảo sẽ xảy ra là sự triệt thoái của Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam vì điều này chỉ cần một hành động đơn phương của Hoa Kỳ”(14).
Nhà sử học Mỹ Gioócgiơ Hơrinh trong cuốn: “Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ”, khẳng định: “Kết quả đạt được của Hiệp định quả thực là một sự trả giá quá đắt đối với Mỹ, ảnh hưởng to lớn đến niềm tin của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới vào uy tín, sức mạnh của siêu cường này… Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ”(15).
Nhà sử học Mỹ Giôdép Amtơkhẳng định, sự thất bại và ra đi của Mỹ báo hiệu sự suy sụp, đổ vỡ của chính quyền Sài Gòn là không tránh khỏi. Quả nhiên đúng như dự báo, sự kiện Mỹ rút khỏi Việt Nam theo tinh thần Hiệp định Pari đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hoàn toàn lôgic của hai năm sau đó, dẫn tới kết quả tất yếu “ngụy nhào” vào mùa Xuân 1975 với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Khắp nơi trên thế giới đều bày tỏ sự khâm phục, ủng hộ, giúp đỡ về mọi mặt với Việt Nam. Chỉ một ngày sau khi Hiệp định Pari ký kết, Hội nghị quốc tế về Việt Nam, gồm đại biểu các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, 4 bên tham gia ký Hiệp định Pari và 4 nước trong Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Canađa, Hunggari, Inđônêxia) được triệu tập tại Pari, với sự có mặt của Tổng thư ký Liên hợp quốc, đã thông qua Định ước quốc tế trong đó ghi nhận tính pháp lý của Hiệp định và khẳng định đây là cống hiến to lớn đối với hòa bình, quyền tự quyết và độc lập dân tộc. Với Hiệp định Pari, năm 1973 đã trở thành năm đặc biệt khi đây là năm đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam, từ khắp năm châu có 21 quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: châu Á (Nhật Bản, Bănglađét, Iran, Malaixia, Xinhgapo), châu Âu (Pháp, Bỉ, Italia, Phần Lan, Hà Lan, Aixơlen, Lúcxămbua, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen), châu Đại dương (Ôxtrâylia), châu Mỹ (Canada, Áchentina) đến châu Phi (Uganđa, Bênanh, Ghinê Bítxao, Dămbia, Buốckina Phaxô).
Chính phủ Angiêrikhẳng định: “Là thắng lợi về mặt chính trị và quân sự của một dân tộc vĩ đại. Đó là một trang chói lọi trong lịch sử của các dân tộc bị áp bức, thể hiện yêu cầu của họ được tham gia quyết định vận mệnh của loài người”(16). Báo Sự thật (Liên Xô) viết: “Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam sẽ đi vào lịch sử như một trong những trang anh hùng nhất của cuộc đấu tranh giải phóng trên toàn thế giới”(17).
Tờ Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) cho rằng: “Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng vĩ đại của thời đại hiện nay”(18).
Báo Người công nhân Anh ca ngợi: “Nhân dân Việt Nam là vô địch, vì sự nghiệp của họ là chính nghĩa, vì cuộc chiến đấu tuyệt vời của họ đã được tiến hành dưới sự lãnh đạo chính trị đúng đắn và vì họ có lòng dũng cảm, sự hiểu biết và quyết tâm giành thắng lợi”(19).
Báo Thế giới Công nhân Tây Ban Nha, nhấn mạnh: “Chúng tôi vui mừng nhận tin thắng lợi của các bạn và không chỉ nhân dân Tây Ban Nha mà tất cả những người lao động trên thế giới đều muốn ca ngợi các bạn, nó là niềm thôi thúc chúng ta tăng cường cuộc đấu tranh chống lại kẻ xâm lược”(20).
Tại châu Mỹ, nhiều nguyên thủ quốc gia cũng nhấn mạnh tầm vóc, ý nghĩa thời đại của Hiệp định Pari. Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba, Ôxvanđô Đôticô Tôrađô: “Là thắng lợi của cuộc đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao trong sự nghiệp anh hùng của nhân dân Việt Nam mà chúng tôi vẫn coi là sự nghiệp chung của các dân tộc trên thế giới”(21). Tổng thống Pêru, Gioan Vêlacô Anvarađo: “Thắng lợi của Việt Nam, hạnh phúc của các dân tộc mong muốn hòa bình”(22).
Tổng thống Chile, Xanvađo Anlenđê: “Sự kiện lịch sử này là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và không gì có thể ngăn cản được việc thống nhất đất nước Việt Nam”(23). Tổng thống Vênêduêla, Rêphaen Canđêra: “Bản Hiệp định sẽ đem lại một sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa các dân tộc, sẽ củng cố các nguyên tắc về quyền tự quyết, quyền tự do và tôn trọng những quyền cơ bản của con người”(24). Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Anbania, Envơ Hôxa: “Lịch sử đã và ngàn đời sau còn nhắc tới cuộc đấu tranh quang vinh của nhân dân Việt Nam”(25).
Bên cạnh đó, chúng ta còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình cả về vật chất lẫn tinh thần, từ những đợt viện trợ thuốc men, thiết bị y tế, quân trang, khí giới, đạn dược… đến các cuộc đấu tranh trên mặt trận không tiếng súng như: báo chí, truyền thông…hay các cuộc mít tinh, biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và đòi hòa bình cho Việt Nam…
Hiệp định Pari là sự kiện lịch sử có tầm vóc thời đại, để lại những dấu ấn nổi bật không những với dân tộc ta mà còn để lại nhiều bài học quý giá với phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc trên toàn thế giới. Tầm vóc và sự lan tỏa của Hiệp định Pari vẫn vẹn nguyên theo dòng chảy của lịch sử. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo nhằm nâng cao bản lĩnh, trí tuệ ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và nhiệm vụ đối ngoại nói riêng trong tình hình mới.
_________________
Ngày nhận bài: 02-01-2023; Ngày bình duyệt: 10-01-2023; Ngày duyệt đăng: 28-01-2023.
(1), (2) Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Ngoại giao: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), ngày 02-11-2022.
(3) Báo Khánh Hòa online, ngày 25-1-2013. https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/201301/toan-van-bai-phat-bieu-cua-chu-tich-nuoc-truong-tan-sang-tai-le-ky-niem-40-nam-ngay-ky-hiep-dinh-paris-2215476/
(4), (10) Dẫn theo Vân Tâm, Những bài học lớn từ Hiệp định Paris năm 1973, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27-01-2021,https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nhung-bai-hoc-lon-tu-hiep-dinh-paris-nam-1973-1491874040
(5) Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Báo điện tử Chính phủ, ngày 04-12-2021, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-102305526.htm
(6) Hồ Chí Minh: Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.204.
(7) Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.36-37.
(8), (9), (11), (12), (15), (19), (20) Dẫn theo Lê Văn Phong: Dư luận quốc tế và chính nghĩa Việt Nam, Báo Nhân dân điện tử, ngày 24/01/2013. https://nhandan.vn/du-luan-quoc-te-va-chinh-nghia-viet-nam-post383607.html
(13) Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Pari, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.347.
(14) Dẫn theo Nguyễn Mạnh Hà: Hiệp định Paris và dư luận quốc tế, Trang thông tin điện tử tổng hợp Kinh doanh và Tiếp thị, ngày 14-12-2021, https://kinhdoanhvatiepthi.vn/hiep-dinh-paris-va-du-luan-quoc-te/
(16), (17), (18), (21), (22), (23), (24), (25) Dẫn theo Tin đồ họa - Thông tấn xã Việt Nam: Dư luận thế giới về Hiệp định Paris, ngày 27-01-2018, https://infographics.vn/du-luan-the-gioi-ve-hiep-dinh-paris/9602.vn.
Hiệp định Pari “đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tâm điểm của những mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ. Việc ký kết Hiệp định là sự tháo nút cho cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài nhất trên thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai”(10). Điều đó thể hiện tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn của Hiệp định Pari, không những với cách mạng nước ta mà ở cả Đông Dương, thu hút các nguyên thủ, chính khách, trí thức có uy tín và ảnh hưởng lớn cũng như các hãng truyền thông lớn trên thế giới.
Trả lờiXóa