Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng việc các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng để tung ra luận điệu sai trái, xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã hội. Đặc biệt gần đây, khi cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, làm rõ những vụ án lớn như vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương (còn gọi là vụ án “chuyến bay giải cứu”), vụ Việt Á, các đối tượng rêu rao rằng, tham nhũng ở Việt Nam hiện đã trở thành “hệ thống”, bản chất và muốn chống không còn cách nào khác phải thay đổi cơ chế, phải “xóa bỏ chế độ”!
Nhiều bài viết vu cáo rằng, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “thanh trừng phe phái” nên “ai đen thì chết”! Họ cố tình bôi đen việc thực hiện công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta, cho rằng việc bắt bớ nhiều, xử lý nhiều không làm ai run rợ, không hề có tính cảnh tỉnh, răn đe mà ngược lại, việc xử lý nhiều làm cho “tình hình thêm phức tạp, nghiêm trọng”! Một số bài viết lại quy kết rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang “làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế”. Họ cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu. Suy diễn việc chống tham nhũng làm tê liệt hoạt động kinh doanh, đặc biệt “nếu việc thực thi pháp luật bị cho là không rõ ràng và có động cơ chính trị”…
Một số bình luận vu cáo, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam làm tê liệt chuỗi cung ứng đầu tư, làm “nhà đầu tư nước ngoài lo sợ”!. Họ lập luận rằng, chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đã làm tê liệt nhiều giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Các cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam đã chia sẻ những bài viết này lên các trang mạng xã hội, từ đó đi đến quy kết, xuyên tạc bản chất cuộc chiến chống tham nhũng, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động vào tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, nhất là đối với các doanh nhân, cán bộ trong bộ máy Nhà nước.
Thực tế, với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự ủng hộ của nhân dân, cuộc chiến này đã có chuyển biến tích cực, rõ rệt và mang lại những thành quả quan trọng.
Đánh giá về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác”.
Với luận điệu “chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế” là hoàn toàn không có cơ sở. Cần phải nhìn nhận, tham nhũng tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Hành vi này gây ra những hậu quả, tác hại to lớn trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, nhất là đối với kinh tế, tình trạng tham nhũng gây thất thoát nghiêm trọng tài sản công, bào mòn ngân sách nhà nước để làm lợi cho một số cá nhân, nhóm người tham nhũng. Tham nhũng còn đe dọa sự ổn định, an ninh xã hội, xâm hại các thể chế và giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý. Nếu không kịp thời ngăn chặn, tham nhũng sẽ trở thành mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đe dọa đến tồn vong của chế độ. Thực tế, quan điểm trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam rất rõ ràng, những đối tượng tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo môi trường lành mạnh, trong sạch trong cả đầu tư công và môi trường đầu tư tư nhân.
Cùng với đó, qua chống tham nhũng, cơ quan chức năng đúc rút những kinh nghiệm, bài học để tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách pháp luật nhằm từng bước hoàn thiện, bịt lỗ hổng để ngăn ngừa tham nhũng. Do đó, không thể cho rằng vì lý do chống tham nhũng nên nhiều cá nhân sợ không dám làm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tác động đến các chuỗi cung ứng trong kinh tế. Cần phải nhận thức rằng, tình trạng tham nhũng làm suy giảm các lực lượng cạnh tranh vốn có của thị trường, gây ra sự cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tham nhũng làm cạn nguồn đầu tư nội địa, làm giảm đáng kể các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tham nhũng không chỉ gây trở ngại cho hoạt động kinh tế vĩ mô mà còn kìm hãm hoạt động của các hãng riêng lẻ. Chính cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam tạo động lực không ngừng cho đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Thời gian qua, các thế lực chống phá Việt Nam luôn viện dẫn nhiều lý do để chỉ trích Việt Nam, khi cuộc chiến chống tham nhũng đang cho thấy hiệu quả rất tích cực thì họ cũng không muốn điều đó xảy ra. Những thông tin sai trái từ các cá nhân, tổ chức, trung tâm chống phá Việt Nam về cuộc chiến chống tham nhũng đòi hỏi người dân cần cảnh giác, không phụ họa, chia sẻ trên mạng xã hội. Với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, trên diễn đàn mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí đã lợi dụng công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái, biến chất của Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc, bóp méo, cho đó là “cuộc đấu tranh thanh trừng nội bộ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích”, vu cáo Đảng, Nhà nước ta đang ở thế “lưỡng nan đối nghịch” với hàm ý chống tham nhũng nhưng không muốn thay đổi thể chế chính trị!
Lợi dụng một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là liên quan đến vụ kit test Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu”, các cá nhân, tổ chức thù địch đã lấy hiện tượng làm bản chất, quy chụp rằng toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước “đang rơi vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, thoái hóa, biến chất”. Họ vu cáo rằng, đó là bản chất, là “căn bệnh nan y, kinh niên” của chế độ độc đảng cầm quyền.
Nhiều bài viết còn phủ nhận những kết quả về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta khi cho rằng, Đảng, Nhà nước đã phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều thất bại, tệ nạn ngày càng gia tăng. Từ đó, số này đưa ra quan điểm, chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực, kêu gọi phải thay đổi thể chế thì mới có thể chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất. Như nhiều bài viết chúng tôi đã phân tích rõ, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ. Tổ chức Minh bạch quốc tế (AI) đã từng cho rằng tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó, đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng lãnh đạo, tam quyền phân lập, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Một số quốc gia có biểu hiện nguy hiểm khi tình trạng tham nhũng đã leo đến tận các nguyên thủ quốc gia như Hàn Quốc, Brazil Colombia, Malaysia; một số quốc gia thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng” đều theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo.
Do đó, việc cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là “căn bệnh nan y”, chỉ xảy ra ở các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo hay ở quốc gia do một đảng lãnh đạo, cầm quyền là hoàn toàn không đúng với thực tế, là sự quy chụp, suy diễn. Âm mưu của chúng là nhằm gây ra tình trạng nghi ngờ, hoang mang, gây lầm tưởng tham nhũng phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đồng thời, thông qua đó, các đối tượng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, Nhà nước; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin, kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Để phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng và Chính phủ; cần xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phải làm cho quần chúng nhân dân khinh ghét, xa lánh tham ô, lãng phí; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa của Đảng và chế độ ta”.
Do đó, việc kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Điều này cũng xuất phát từ vị thế, uy tín của Đảng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, từ đòi hỏi công tác xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm cho nội bộ mất đoàn kết, không phải giữa các “phe cánh”, “đấu đá” mà góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Chống tham nhũng cũng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững, củng cốniềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Việt Nam chống tham nhũng rất hiệu quả
Trả lờiXóa