Gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng khi nghe chính quyền thôn vận động hiến đất xây trường cho lũ trẻ học cái chữ, vợ chồng ông Hồ Văn Mỹ và bà Hồ Thị Nuông, ở thôn Ba Viêng, xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không chút đắn đo, quyết định cắt mảnh đất vườn rộng 600m2 để xây điểm trường và nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Nghĩa cử ấy khiến nhiều người cảm phục!
Căn nhà lợp mái tôn, vách gỗ nứa của vợ chồng ông Mỹ và bà Nuông nằm
cạnh điểm trường Ploang (xã Thanh) qua tháng năm mưa rừng, nắng núi đã cũ nát.
Nhìn hình ảnh ấy, không ai nghĩ chủ nhân của căn nhà đó sẵn sàng hiến đi hàng
trăm mét đất vì cộng đồng. Chiều muộn, trở về từ rẫy, bà Nuông đón khách bằng
nụ cười chất phác: “Đất mình cũng quý lắm nhưng chỗ học cho các cháu học sinh
cần hơn. Có học, biết mặt chữ thì tương lai các cháu sẽ không vất vả giống đời
mình nên thấy thôn, xã cần đất xây trường thì vợ chồng tôi đồng ý ngay”.
Vợ chồng bà Nuông có 5 người con, hiện 4 trong số đó đã lập gia đình và
sinh sống nơi khác. Nhà còn cô con gái út đang theo học lớp 7. Gia đình bà
Nuông là hộ nghèo. Cả hai vợ chồng đều không biết mặt chữ, bà thường lặng lẽ
đứng phía sau ngắm con học bài mỗi tối, gương mặt giãn ra sau một ngày lao động
mệt nhọc.
Cuộc sống khó nghèo, tuổi đã cao nhưng bà Nuông và chồng luôn khát khao
được học chữ. Nỗi khát khao ấy hai ông bà gửi vào thế hệ trẻ. Vì thế mà năm
2010, khi nghe thôn họp bàn tìm địa điểm xây trường, ông bà đều tình nguyện cắt
mảnh đất vườn rộng 200m2 của mình để xây dựng điểm trường Ploang. Ba phòng học
kiên cố đã được xây dựng ngay sau đó, mỗi lần đi làm rẫy, ngang qua trường nghe
vọng tiếng đọc bài ê a, cả hai ông bà đều thấy lòng rất vui. Cũng trong năm đó,
khi thôn cần địa điểm xây nhà văn hóa cộng đồng để thay cho những buổi họp thôn
phải đi mượn nhà dân, vợ chồng bà Nuông thêm một lần không đắn đo, cắt thêm
200m2 nữa để phục vụ cộng đồng.
Năm học 2022-2023, điểm trường Ploang trở nên thiếu không gian vì sĩ số
học trò ngày một đông. Thêm một lần nữa gia đình bà Nuông tình nguyện hiến thêm
khoảnh đất gần 200m2 để mở rộng điểm trường. “Chừng ấy đất cũng giúp gia đình
có thể trồng thêm hoa màu cho thu hoạch tương đối ổn mỗi năm nhưng các cháu học
trò không có chỗ học thì còn vất vả hơn. Vợ chồng tôi bàn nhau chịu thiệt một
tí, hiến đất để xây trường cho các cháu. Chúng tôi không tính toán gì nhiều,
đời mình nghèo khó rồi, không được học chữ rồi nên bây giờ làm được gì để giúp
các cháu được đi học thì mình làm thôi. Thấy các cháu đến trường, trong lòng
mình cũng thấy vui”, bà Nuông nói. Ở tuối xế chiều, niềm vui và hi vọng của vợ
chồng bà Nuông không chỉ ở cô con gái út lên lớp 7. Hai ông bà còn nhiều niềm
hi vọng ở các “mầm non” của bản làng đang ngày ngày cắp sách đến trường, nắn
nót từng con chữ trong ngôi trường được xây trên chính mảnh đất của mình.
Trường Tiểu học Thanh (xã Thanh) hiện có gần 600 học sinh theo học tại 5
điểm trường tại các thôn bản: A Ho, Ploang, Thanh 1, Thanh 4 và thôn Mới. Đa
phần học sinh là con em đồng bào thiểu số Vân Kiều. Việc đảm bảo đầy đủ cơ sở
vật chất, trường lớp cho học trò vùng cao luôn là một bài toán khó.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: “Chúng tôi rất mừng
khi gia đình bà Nuông dù khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất để các em học
sinh có nơi học tập, rèn luyện. Với diện tích đất này, sẽ có 2 phòng học kèm
khu vệ sinh sẽ được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024.
Trong nhiều khó khăn, thiếu thốn của giáo dục miền núi, những tấm lòng như bà
Nuông, ông Mỹ thật đáng trân quý. Cảm động trước nghĩa cử ấy, chúng tôi sẽ nỗ
lực nhiều hơn để truyền dạy con chữ cho học trò, chắp cánh ước mơ cho các em
học lên các bậc học cao hơn với hi vọng sau này các em có được ngành nghề, việc
làm ổn định, góp phần thay đổi diện mạo bản làng”./.
điển hình tiên tiến đấy
Trả lờiXóa