Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

 Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là nhà trí thức cách mạng có uy tín lớn, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, kể từ khi bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và giữ cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người đã chỉ đạo, tổ chức và trực tiếp tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Bài viết làm rõ những đóng góp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc

KTS Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Lài tại lễ tuyên dương năm 1969 - Ảnh tư liệu TTXVN

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Với tư chất thông minh, ham học hỏi, Huỳnh Tấn Phát đã tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường Trung học Mỹ Tho, Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn)(1) - ngôi trường danh giá bậc nhất miền Nam lúc bấy giờ, sau đó tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Huỳnh Tấn Phát đã từng làm việc cho văn phòng kiến trúc sư người Pháp và là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc sư tại Sài Gòn. Mặc dù bị chèn ép đủ đường, song tài năng của Huỳnh Tấn Phát vẫn được công nhận qua những công trình do ông thiết kế. Là một kiến trúc sư tài năng, có điều kiện để làm giàu một cách chính đáng nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, thấu hiểu nỗi thống khổ, cơ cực của người dân mất nước, Huỳnh Tấn Phát vượt qua sức hấp dẫn của tiền bạc và danh vọng để dấn thân vào con đường cách mạng đầy gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đi theo lý tưởng cộng sản, Huỳnh Tấn Phát đã sớm nhận thức rất rõ về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Khởi đầu cho hoạt động cách mạng của đồng chí là việc đoàn kết, tập hợp lực lượng. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trong những sáng lập viên chính của Hội truyền bá quốc ngữ và được phân công làm Trưởng ban Cổ động. Bằng nhiệt huyết của một thanh niên tận tụy với công tác xã hội, diễn giả Huỳnh Tấn Phát thống thiết kêu gọi đồng bào hãy cùng nhau đứng dậy, thổi bùng ngọn lửa thiêng, hiệp lực nhau đả đảo nạn mù chữ đã đẩy quốc dân vào cảnh mịt mù, u tối... Đồng chí đề nghị sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, báo chí, diễn thuyết, kịch trường... để từ thành thị đến nông thôn, tất cả mọi người, mọi giai cấp đều là thành viên của Hội. Thực chất Hội truyền bá quốc ngữ là một mặt trận yêu nước, mặt trận đoàn kết dân tộc, mang tính chất quần chúng ngày càng sâu sắc.

Tháng 9-1941, với số tiền tích cóp được trong thời gian làm kiến trúc sư, Huỳnh Tấn Phát đã mua lại tờ báo Thanh niên để ra báo hàng tuần. Tờ báo đã xác định rõ tôn chỉ, mục đích không vì mưu sinh mà để tập hợp lực lượng thanh niên, khơi dậy lòng yêu nước ở họ, tha thiết kêu gọi đồng bào các giới đoàn kết cùng đứng lên chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để làm cách mạng.

Năm 1945, các thành viên của Hội truyền bá quốc ngữ đã tích cực tham gia phong trào “Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ”. Dưới sự chỉ đạo của ông, nhiều buổi biểu diễn văn nghệ, ca nhạc đã được tổ chức, kêu gọi đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí thống nhất đất nước và lòng nhân ái truyền thống của dân tộc. Phong trào ngày càng thu hút nhiều tầng lớp, giai cấp tham gia đóng góp tiền, gạo, công sức, vận chuyển bằng nhiều phương tiện đường bộ, đường biển để giúp đồng bào miền Bắc, tạo khí thế cho các lực lượng chính trị yêu nước hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hội truyền bá quốc ngữ và phong trào Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ ngày càng được củng cố và phát triển nhanh ở các quận, huyện nội ngoại thành Sài Gòn, lôi cuốn đông đảo nhân dân ở Cần Thơ, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một tham gia.

Tháng 5-1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được phân công làm Trưởng ban Tổ chức. Đồng chí vừa trực tiếp tham gia cổ động, phát triển tổ chức, vừa tích cực viết bài cho báo Tiến (cơ quan ngôn luận của tổ chức thanh niên Tiền phong) nhằm tuyên truyền, cổ động cho phong trào, góp phần xây dựng, phát triển tổ chức. Bên cạnh lực lượng là thanh niên, Thanh niên Tiền phong còn thành lập ra tổ chức Thanh niên Tiền phong phụ nữ, Thanh niên Tiền phong phụ lão, Thanh niên Tiền phong thiếu nhi, Thanh niên Tiền phong Ban xí nghiệp... Bằng những hình thức hoạt động sôi nổi, đa dạng, khí thế tiền khởi nghĩa xuất hiện và nhanh chóng dâng cao ở nhiều địa phương.

Cách mạng Tháng Tám thành công, suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã cùng nhiều đồng chí khác vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”... Ngay cả khi bị giam giữ trong Khám lớn Sài Gòn, gia đình gặp nhiều biến cố, mất mát, ông vẫn kiên định đấu tranh, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; tổ chức Liên đoàn tù nhân vận động tù nhân đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc và hướng họ vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc.

Sau Hiệp định Giơnevơ tháng 7-1954, Huỳnh Tấn Phát tình nguyện ở lại miền Nam và xung phong trở về Sài Gòn. Đồng chí làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Cuối năm 1956, đồng chí được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong thời điểm khó khăn, địch đánh phá ác liệt phong trào cách mạng Sài Gòn, lại bị mật thám theo dõi gắt gao, vai trò ngọn cờ đoàn kết của đồng chí một lần nữa được tỏa sáng khi được giao phụ trách Ban Trí vận và Chính quyền vận(2).

Vượt qua mạng lưới cảnh sát, mật vụ dày đặc của địch ở nội đô, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn sâu sát với tình hình, dũng cảm tuyên truyền, thuyết phục, giác ngộ, tập hợp quần chúng. Với khả năng phân tích, thuyết phục của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã cảm hóa được nhiều người, nhất là giới trí thức(3). Điều này tác động quyết định đến sự hình thành của các phong trào nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định như: phong trào bảo vệ hòa bình, phong trào dân tộc tự quyết, phong trào xây dựng lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc, phong trào tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, các phong trào trong giáo giới nội đô, lực lượng quốc gia tiến bộ và hình thành lực lượng thứ ba...

Công tác vận động trí thức được đồng chí Huỳnh Tấn Phát kết hợp chặt chẽ với việc vận động số công chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam cộng hòa(4). Công tác phức tạp này được làm với tất cả tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh của người trí thức cách mạng, người đảng viên trung kiên, nhạy bén, người cán bộ quần chúng dày dạn được tôi luyện qua thử thách - Huỳnh Tấn Phát.

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng (năm 1959) chủ trương thành lập một mặt trận riêng ở miền Nam. Tháng 12 - 1960, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - tổ chức tập hợp các tầng lớp, đảng phái chính trị cùng chung ngọn cờ giải phóng dân tộc. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Trên cương vị mới, đồng chí đã xây dựng lực lượng, triển khai học tập đường lối cách mạng miền Nam, hình thành tổ chức chiến đấu của lực lượng trí vận mặt trận đô thành Sài Gòn.

Với lòng yêu nước nhiệt thành, Huỳnh Tấn Phát đã góp phần lan tỏa lòng yêu nước đến các tầng lớp nhân dân hướng về cách mạng. Trong bối cảnh đầy khó khăn, với tinh thần sáng tạo, khẩn trương, đầy trách nhiệm, bằng tài thuyết phục và những kinh nghiệm trong công tác tổ chức, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định (tháng 3-1961). Các đại biểu tham dự Đại hội nhận thức rõ hơn về trách nhiệm đoàn kết, tập hợp lực lượng dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, góp phần đẩy mạnh phong trào tiến lên một bước mới vững chắc hơn. Đại hội đã bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Mặt trận. Từ Đại hội ý nghĩa này, Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các tầng lớp nhân dân, khiến cho kẻ địch cũng phải run sợ.

Sau Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận toàn miền Nam lần thứ nhất, diễn ra từ ngày16-2 đến ngày 3-3-1962. Tại Đại hội, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu vào Đoàn Chủ tịch, giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã chỉ đạo Ban Trí vận Mặt trận Khu Sài Gòn - Gia Định vận động một số nhân sĩ trí thức yêu nước tiêu biểu qua các phong trào văn hóa, xã hội, chính trị ở Sài Gòn ra vùng giải phóng thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch (tháng 4-1968). Liên minh đã mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống đế quốc Mỹ và tay sai ở đô thị; kêu gọi nhân dân đấu tranh cho độc lập, chủ quyền, tự do, dân chủ, hòa bình, trung lập, quan hệ bình thường giữa hai miền Nam - Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Sự ra đời của Liên minh đã mang lại cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam những nhân tố mới.

Dưới sự tổ chức và ảnh hưởng của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, các phong trào đô thị phát triển mạnh mẽ, đồng thời củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc xung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trong những nòng cốt chủ yếu.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Đảng và nhân dân tiếp tục tin tưởng giao cho đồng chí đảm nhiệm công tác vận động quần chúng và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 1976, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc đã hợp nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (tháng 5 - 1983), đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đầu những năm 80 thế kỷ XX, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, thiếu thốn; sự rạn nứt và nguy cơ đổ vỡ của phe xã hội chủ nghĩa; chính sách bao vây cấm vận của các thế lực thù địch với những cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa; sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Nhà nước và nhân dân ta đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia bị xuyên tạc, bôi xấu... Việt Nam rơi vào thế bị bao vây cô lập nhiều mặt. Do sự lôi kéo, xúi giục, tiếp tay của các thế lực phản động ở nước ngoài, các lực lượng tay sai phản động ở trong nước âm mưu gây bạo loạn lật đổ chính quyền đi đôi với lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, người di tản vì lý do kinh tế để tuyên truyền xuyên tạc gây nhiều khó khăn, phức tạp trong quan hệ quốc tế cũng như trong nước làm giảm niềm tin của một bộ phận nhân dân vào chế độ.

Bối cảnh đó đã đặt ra cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc những trách nhiệm nặng nề trong công tác lãnh đạo, vận động nhân dân vượt qua những khó khăn, thử thách. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đi thăm và làm việc tại nhiều địa phương để phổ biến và kiểm tra các mặt hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Từ việc triển khai của Trung ương, nhiều tỉnh đã tiến hành Hội nghị Ủy ban Mặt trận (mở rộng), hoặc Hội nghị các giới trí thức, tôn giáo, phụ nữ để thông báo kết quả Đại hội. Các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký giao ước thi đua thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận và phổ biến đến các quận, huyện. Ủy ban Mặt trận các tỉnh đã phát động thi đua giữa các đơn vị hoặc địa phương.

Trước tình trạng trong một thời gian dài hoạt động của Mặt trận chưa theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ mới mà nguyên nhân chủ yếu là do các cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công tác Mặt trận; không ít các cấp ủy đảng, các đoàn thể và cơ quan chính quyền, cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ làm công tác Mặt trận cũng coi nhẹ công tác này. Để uốn nắn những lệch lạc trên và nhằm đẩy mạnh công tác Mặt trận, Trung ương đã giao cho đồng chí Huỳnh Tấn Phát cùng với Đảng đoàn và Ban Thư ký soạn thảo nội dung Chỉ thị số 17 - CT/TW ngày 18-4-1983 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới gắn với việc hoàn thành kế hoạch nhà nước, góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc về kinh tế - xã hội đang đặt ra. Chỉ thị 17 được coi là nền tảng cho việc đổi mới công tác mặt trận lúc bấy giờ.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã đi nhiều địa phương để phổ biến nội dung Chỉ thị, giúp Ủy ban Mặt trận các cấp nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận và đề ra những biện pháp củng cố tổ chức mặt trận cơ sở. Đồng chí không những chỉ đạo mà còn trực tiếp tham dự những buổi gặp mặt của các tầng lớp nhân dân ở những sự kiện lớn của đất nước; gửi thư, điện đến nhiều sự kiện quan trọng của các giới đồng bào trong cả nước nhằm phát huy vai trò của Mặt trận trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp, tổ chức, động viên nhân dân đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Trong thời kỳ đầy biến động với nhiều khó khăn và thử thách của thập niên 80 thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng và xác định được con đường đổi mới và tiến tới giành được thành công bước đầu. Thành công đó có vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có sự chỉ đạo quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được tầng lớp trí thức và các tầng lớp nhân dân thương yêu, kính phục và trở thành ngọn cờ của khối đại đoàn kết dân tộc là bởi phong thái cởi mở, giản dị, khiêm tốn; bởi tài năng lập luận chặt chẽ, lôgích, khoa học, thuyết phục; bởi sự khéo léo trong công tác tập hợp, tổ chức và quan trọng hơn cả là bởi nhân cách, đạo đức cách mạng của một nhà trí thức lớn có uy tín, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 539 (tháng 01-2023)

Ngày nhận bài: 27-10-2022; Ngày bình duyệt: 10-01-2023; Ngày duyệt đăng: 27-01-2023.

 

(1) Nay là Trường THPT Lê Hồng Phong - Thành phố Hồ Chí Minh.

(2) Chương trình Sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam: Huỳnh Tấn Phát - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.117.

(3) Những năm 1957-1959, trong khi nhiều cán bộ nội thành bị địch bắt nhưng trong giới trí thức hầu như không ai bị lộ, bị bắt, nên họ càng tin tưởng và nể phục đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

(4) Trong số đó có Dương Văn Mỹ, công chức cao cấp phụ trách thương cảng Sài Gòn và là dân biểu Quốc hội khóa I, chính quyền Sài Gòn; Nguyễn Đức Anh (thư ký riêng của Nguyễn Phú Hải - Đô trưởng Sài Gòn) sau trở thành cốt cán chỉ đạo phong trào Truyền bá Quốc ngữ rất hiệu quả ở quận 6.

Tài liệu tham khảo:

1. Nhiều tác giả: Huỳnh Tấn Phát - cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

2. Nhiều tác giả: Làm đẹp cuộc đời: Huỳnh Tấn Phát - Con người và sự nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.

3. Trần Bạch Đằng (chủ biên): Chung một bóng cờ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.

1 nhận xét: