Một trong những chiêu bài thường được các thế lực thù địch, phản động sử dụng là đăng tải, công bố các thông tin phiến diện, lệch lạc, thù địch, xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Đấu tranh trên lĩnh vực này là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp cộng đồng trong nước và quốc tế nắm rõ, nhận thức đúng đắn về tình hình tự do tôn giáo và pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam.
Lật tẩy những nội dung, cách thức xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam
Các quan điểm sai trái, thù địch, điển hình là những báo cáo phiến diện, lệch lạc, thiếu căn cứ khoa học lẫn pháp lý của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ - USCIRF(1), thường lặp đi lặp lại điệp khúc rằng: tình trạng vi phạm tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn ở Việt Nam; sự đàn áp của Chính phủ tiếp tục là một thực tế khắc nghiệt đối với các nhóm tôn giáo độc lập chưa đăng ký(?!). Có thể nhận diện và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc đó trên các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, các thế lực phản động, thù địch thường lập luận một cách vô căn cứ về quyền tự do tôn giáo được ghi nhận trong luật pháp về tôn giáo của Việt Nam, xuyên tạc rằng các quy định về quyền tự do tôn giáo trong pháp luật Việt Nam là “hạn chế về bản chất”, “đi ngược lại với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm một cách có hệ thống tự do tín ngưỡng”(?!).
Cần phải khẳng định rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong luật pháp ở Việt Nam được xây dựng dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin - một học thuyết khoa học, đúng đắn về tự do tôn giáo khi đặt nó trong quyền con người (nhân quyền) - như C. Mác đã khẳng định: “Tự do tín ngưỡng là quyền thực hành bất cứ tín ngưỡng nào,... quyền được mộ đạo, được mộ đạo theo bất luận kiểu nào, được hành đạo theo tôn giáo riêng của mình. Đặc quyền tín ngưỡng là một quyền phổ biến của con người”(2). Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tự do tín ngưỡng là một quyền lợi căn bản của nhân dân ta”(3).
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định, được pháp luật thừa nhận và thực thi trong thực tế. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã mở rộng nội hàm khái niệm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thay cụm từ “mọi công dân” (quyền công dân) (Hiến pháp năm 1992), bằng cụm từ “mọi người” (nhân quyền, quyền con người). Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”(4).
Cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khẳng định: 1- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; 2- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; 3- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo; người chưa thành niên... phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý; 4- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được mở rộng cho cả những “người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”, và “người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam” (Điều 8).
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ được Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định, được pháp luật thừa nhận và thực thi trong thực tế, mà còn có sự tương thích, phù hợp với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Việt Nam tham gia năm 1982) quy định: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm việc tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do thể hiện tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo; 2. Không một ai có thể bị ép buộc phải làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”(5). Tương tự như vậy, Điều 9 Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản (ECHR) ghi: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo, tín ngưỡng và quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của mình thông qua hành vi thờ phụng, thuyết giảng, thực hành và tuân thủ giáo luật một mình hoặc với một nhóm, ở nơi riêng tư hoặc nơi công cộng”(6).
Thứ hai, các thế lực phản động, thù địch, trong đó có USCIRF, xuyên tạc rằng, cả Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đều có những quy định nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo: Hiến pháp cũng quy định sự tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, nhưng nó cho phép các cơ quan chức năng hạn chế quyền con người, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có các quy định tương tự cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo(?!). Những lập luận xấu, độc, nguy hiểm này là bất chấp an ninh quốc gia, trật tự công cộng, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và hạnh phúc của cộng đồng. Chúng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, mang tính áp đặt của các thế lực phản động, thù địch và của USCIRF đối với tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Trong luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của các quốc gia, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ. Tự do tín ngưỡng phải tôn trọng và không ảnh hưởng đến các quyền công dân, đến quyền tự do của người khác và đặc biệt không được ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, môi trường, đạo đức xã hội. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và ổn định, phát triển xã hội, Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm: “1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi”.
Những quy định về hạn chế quyền tự do tôn giáo trong luật pháp về tôn giáo của Việt Nam nêu trên hoàn toàn phù hợp, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Khoản 3, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (năm 1966) ghi: “Quyền tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định pháp luật và khi những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”(7). Điều đó cũng được Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản thừa nhận tại Điều 9: “Quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của một người chỉ bị luật pháp giới hạn nếu điều đó là cần thiết trong một xã hội dân chủ, phục vụ an ninh công cộng, bảo vệ trật tự trị an, sức khỏe, chuẩn mực đạo đức chung hoặc các quyền và sự tự do của người khác”(8). Luật pháp của nhiều nước trong khi khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng chế định quyền ấy sẽ bị hạn chế vì trật tự công cộng, an ninh quốc gia. Nước Pháp là một ví dụ, Luật Phân ly 1905 quy định: “Cộng hòa Pháp bảo đảm tự do tín ngưỡng. Nó bảo đảm quyền tự do hành đạo với những hạn chế vì quyền lợi duy trì trật tự công cộng”(9).
Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là phải có giới hạn, quyền ấy sẽ bị hạn chế vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội, môi trường, chứ không như đòi hỏi vô lý của USCIRF và một số giới chức Mỹ.
Thứ ba, các luận điệu sai trái, thù địch nhìn nhận không đúng về mô hình quản lý tôn giáo theo chế độ “đăng ký” của Việt Nam. Họ lập luận hàm hồ rằng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo bắt các tôn giáo phải đăng ký, bao gồm: các điều khoản mơ hồ cho phép tự do tôn giáo vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội; đặt ra gánh nặng và yêu cầu phức tạp đối với các nhóm tôn giáo để đăng ký với chính phủ; có những quy định sự kiểm soát đáng kể của chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo bằng những điều khoản hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, như duy trì một quy trình đăng ký và công nhận nhiều giai đoạn cho các nhóm tôn giáo (?!).
Những nhận định trên rõ ràng là mang tính áp đặt, không đúng với điều kiện thực tế công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Việt Nam. Bởi lẽ, mỗi quốc gia đều có cách thức quản lý hoạt động tôn giáo phù hợp với truyền thống và thực tế của mình, trong đó quản lý hoạt động tôn giáo thông qua con đường đăng ký là một hình thức phổ biến, thích hợp và hiện thực ở nhiều quốc gia (như Pháp, Bun-ga-ri, Ba Lan, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc...), trong đó có Việt Nam. Theo đó, mỗi quốc gia có những yêu cầu riêng về điều kiện và thể thức việc đăng ký xem xét tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo. Có quốc gia xem việc đăng ký pháp nhân của tổ chức tôn giáo thuộc vấn đề ở cấp quốc gia, như Ba Lan, Nga, I-ta-li-a, Đức, Lat-vi-a; có quốc gia chỉ ở cấp hội đồng tỉnh, thành phố (Bun-ga-ri). Về điều kiện, có sự khác biệt giữa các nước, trong đó yếu tố thời gian tồn tại, số lượng, cơ sở tài sản tôn giáo, nhân sự, khả năng tài chính..., là những tiêu chí cơ bản(10). Việt Nam lựa chọn mô hình quản lý theo hình thức “đăng ký” và phân cấp chủ thể có thẩm quyền cấp đăng ký theo phạm vi hoạt động của tôn giáo là hợp lý và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Luật pháp Việt Nam đưa ra những tiêu chí cụ thể để công nhận tổ chức tôn giáo chứ không phải để cản trở tự do tôn giáo. Theo đó, mọi tôn giáo nếu bảo đảm những điều kiện đó đều được công nhận, khác với một số quốc gia chỉ thừa nhận một số tôn giáo chủ yếu(11). Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam ngoài những điều kiện về thời gian (giảm từ 23 năm theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo xuống còn 5 năm), nhân sự, địa điểm hợp pháp, còn có yêu cầu về hiến chương, điều lệ, tôn chỉ, mục đích... Luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn phân cấp quản lý (Trung ương và địa phương) theo phạm vi hoạt động của tổ chức tôn giáo. Bởi lẽ, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam rất đa dạng, có tôn giáo phạm vi sinh hoạt trên khắp cả nước, như Phật giáo, Công giáo, Tin lành; có tôn giáo phạm vi hoạt động chỉ trong một khu vực, như Phật giáo Hòa Hảo, Bà-la-môn giáo, có tôn giáo thuộc loại nhóm nhỏ, như Minh sư đạo, Minh lý đạo, Bửu sơn Kỳ hương, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Mặc Môn, đạo Baha’i (ở Việt Nam); có tôn giáo có nhiều tổ chức, hệ phái khác nhau, như Cao Đài, Tin lành,... Do đó, cơ chế công nhận và quản lý hoạt động của tổ chức tôn giáo theo hình thức đăng ký theo quy mô hoạt động của tôn giáo là phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, cũng giống như nhiều quốc gia khác và được luật pháp quốc tế thừa nhận (tính đặc thù). Đó không phải là điều kiện đặt ra để hạn chế hay cản trở quyền tự do tôn giáo như USCIRF hay các thế lực phản động, thù địch xuyên tạc.
Thứ tư, các quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam chủ yếu dựa vào một số hiện tượng, nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo, chưa được công nhận, có hiện tượng hoạt động vi phạm pháp luật để quy kết Việt Nam “đàn áp tôn giáo”. Ví như: Nhóm bất hợp pháp Dương Văn Mình (Tây Bắc), Hà Mòn (Tây Nguyên), Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Pháp luân công (không được thừa nhận là hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo). Các hiện tượng (nhóm) đó chưa đủ điều kiện để được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung hay công nhận tư cách pháp nhân tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tôn chỉ, mục đích, điều lệ, tổ chức, nhân sự). Thậm chí có một số nhóm lợi dụng hoạt động tôn giáo chống Nhà nước Việt Nam, như Văn phòng Công lý và hòa bình (do một số giáo sĩ, tu sĩ cực đoan của tỉnh dòng Chúa Cứu thế Việt Nam); nhóm Hội đồng Liên tôn (gồm một số giáo sĩ cực đoan thuộc 5 tôn giáo tham gia: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo); nhóm Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam; nhóm Phật giáo Việt Nam thống nhất; nhóm Phật giáo Hòa Hảo thuần túy và Phật giáo Hòa Hảo truyền thống; nhóm Khối Nhơn sanh (Cao Đài); nhóm Tin lành Đấng Christ, Tin lành Lutheran Việt Nam - Hoa Kỳ (trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; nhóm Giê-sùa, Bà Cô Dợ (Tin lành ở Tây Bắc)... đã được USCIRF nêu lên như những minh chứng cho việc Việt Nam “đàn áp tôn giáo”(?!).
Dựa vào các nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo cực đoan, chưa được chính quyền công nhận, lấy đó làm cơ sở để phê phán “đàn áp tôn giáo” là cách thức mà USCIRF và một số cá nhân, tổ chức thường sử dụng để áp đặt một cách vô lý quan điểm của họ, không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trên thực tế, nhiều quốc gia có những biện pháp cứng rắn, kiên quyết dẹp bỏ các hiện tượng tôn giáo mới cực đoan để bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, như Trung Quốc đối với Pháp luân công; Nga đối với giáo phái Hội anh em trong trắng (The White Brotherhood), nhân chứng Giê-hô-va; Nhật Bản đối với phái Chân lý tối thượng (Aum Shirikyo); kể cả Pháp đối với các giáo phái cực đoan, cũng bị Mỹ xếp vào diện các nước hạn chế quyền tự do tôn giáo.
Các báo cáo của USCIRF và quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu dựa vào một số phần tử cực đoan lợi dụng tôn giáo hoạt động chống Nhà nước Việt Nam, bị tòa án phạt tù, lấy đó là những “tù nhân lương tâm” (?!) để quy kết Việt Nam vi phạm nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo. Trong đó có các đối tượng như: Nguyễn Bắc Truyển (nhóm Phật giáo Hòa Hảo truyền thống, bị tuyên phạt 11 năm); Y Yich (bị kết án 12 năm) - người dân tộc thiểu số theo nhóm Tin lành cực đoan ở Tây Nguyên; Phan Văn Thu (án tù chung thân) - người sáng lập nhóm Ân đàn Đại đạo (Phú Yên),... Đó đều là những phần tử lợi dụng tôn giáo chống Nhà nước Việt Nam nên bị phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự, chứ không phải các “tù nhân lương tâm”, như USCIRF gán cho.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được pháp luật bảo hộ và luôn được bảo đảm, thực thi trong thực tế
Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế
Cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật liên quan đến tự do tôn giáo tương đối hoàn chỉnh, từ Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Với sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam cơ bản đã xây dựng hoàn thiện hệ thống luật pháp về tôn giáo làm công cụ pháp lý cho việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới ban hành luật riêng về tự do tôn giáo (hơn 20 quốc gia ban hành luật riêng về tôn giáo). Việc tổ chức, triển khai thực hiện chính sách và luật pháp về tôn giáo được quan tâm coi trọng, quyền tự do tôn giáo của mọi người được bảo đảm trong thực tế theo quy định của pháp luật.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được thực hiện trong thực tiễn, được pháp luật bảo hộ và được chính quyền tạo điều kiện.
Trước hết, số lượng tín đồ các tôn giáo không ngừng gia tăng, sinh hoạt đời sống tâm linh, tôn giáo diễn ra sôi động. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo không ngừng tăng lên. Năm 1997, cả nước có trên 15 triệu tín đồ, chiếm hơn 20% dân số; đến năm 2021, số tín đồ của 41 tổ chức tôn giáo đã được công nhận tăng lên 26,59 triệu người, chiếm trên 27% dân số. Bên cạnh đó có hơn 200 nghìn người thuộc 70 nhóm Tin lành tư gia và trên 30 nghìn người thuộc hơn 60 hiện tượng tôn giáo mới (“đạo lạ”), chưa đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung(12). Ngoài ra, đại đa số người Việt Nam có đời sống tâm linh, theo tín ngưỡng đa thần truyền thống.
Người Việt Nam ít theo tôn giáo (27% dân số theo tôn giáo, trong khi 84,5% dân số thế giới theo tôn giáo), nhưng đa số người Việt Nam (trên 75% người Việt Nam nói chung; trên 80% người dân tộc thiểu số nói riêng) theo tín ngưỡng đa thần truyền thống. Đó là điểm khác biệt so với các quốc gia phương Tây hay quốc gia theo tôn giáo độc thần (Kitô giáo, Islam giáo). Vì thế, dù không theo tôn giáo, song người Việt Nam lại có đời sống tâm linh sâu đậm, tham gia sinh hoạt tín ngưỡng sôi nổi, nhiệt tình. Điều này thể hiện khá rõ trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống.
Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động ở khắp các vùng, miền, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp xã hội, nhất là vào dịp đầu năm, lễ hội truyền thống. Tín đồ các tôn giáo đều thực hiện sinh hoạt tôn giáo thường xuyên trong gia đình và nơi thờ tự theo nghi lễ truyền thống của mỗi tôn giáo. Các tôn giáo đẩy mạnh hoạt động, nhiều sinh hoạt tôn giáo diễn ra với quy mô lớn, thời gian kéo dài, thu hút một số lượng rất lớn, không chỉ tín đồ, mà cả những người không theo tôn giáo tham dự. Nhiều hoạt động tôn giáo thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, như các kỳ đại lễ Vesark của Phật giáo (các năm 2008, 2014, 2019); lễ hành hương thánh địa La Vang, lễ khai mạc Năm thánh (năm 2010), đại hội giới trẻ của Công giáo; lễ công nhận pháp nhân, kỷ niệm khai đạo của Cao Đài; Phật giáo Hòa Hảo; lễ kỷ niệm 100 năm Tin lành đến Việt Nam (năm 2011); lễ kỷ niệm 500 năm cải cách Tin lành (năm 2017)(13).
Các tôn giáo, như Phật giáo, Công giáo, Tin lành tổ chức nhiều cuộc lễ kết nạp tín đồ tập thể với quy mô lớn, số lượng lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, như lễ Quy y cho 3.755 người dân tộc thiểu số (Ba Na và Sơ Đăng) ở tỉnh Kon Tum (tháng 4-2009); cho 5.311 người (dân tộc Xtiêng) ở tỉnh Bình Phước (tháng 7-2011)(14); lễ Báp-tem tập thể của Tin lành; lễ rửa tội, lễ thêm sức tập thể của Công giáo(15). Đây là những điểm mới, ít nơi nào trên thế giới có được, thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Nhà nước Việt Nam và các cấp chính quyền tạo điều kiện, bảo đảm.
Thứ hai, các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân ngày càng nhiều và tiếp tục gia tăng. Trước năm 1990, Nhà nước mới công nhận ba tổ chức, gồm Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc, năm 1958), Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 1980), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981). Từ năm 1990 đến năm 2004 (trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) 6 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Islam giáo (Hồi giáo), 12 tổ chức tôn giáo được công nhận; từ năm 2004 đến năm 2017 (thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) có 15 tôn giáo, 37 tổ chức tôn giáo được công nhận; từ năm 2018 đến năm 2021 (thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo): 1 tổ chức tôn giáo được công nhận, 3 tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động. Đến năm 2021, cả nước có 16 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân hay đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn tổ chức tôn giáo trực thuộc, 3.803 điểm, nhóm đã được cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Sau khi được công nhận tư cách pháp nhân hay cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo, các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh hoạt động, tích cực củng cố tổ chức giáo hội, đào tạo chức sắc, xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Công tác đào tạo chức sắc được các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh. Trước năm 1990, cả nước có 6 cơ sở đào tạo tôn giáo (Phật giáo: 2, Công giáo: 4). Đến năm 2021, cả nước có 63 cơ sở đào tạo người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp (Phật giáo: 46; Công giáo: 11; Tin lành: 3; Cao Đài: 2; Phật giáo Hòa Hảo: 1), mỗi năm có hàng nghìn người tốt nghiệp. Năm 2021, cả nước có 8.884 người tốt nghiệp ra trường, 13.350 người đang theo học. Ngoài ra, còn có hàng trăm người đang du học tại nước ngoài. Nhờ vậy, số chức sắc, nhà tu hành tăng rất nhanh (từ 31.548 người năm 1995, lên 54.125 người năm 2021). Ngoài ra còn có đội ngũ nhà tu hành đông đảo (riêng Phật giáo hiện có 54.000 tăng, ni; Công giáo có 6.000 giáo sĩ, 31.000 tu sĩ). Cả nước hiện có trên 108.770 chức sắc, nhà tu hành(16), cơ bản đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn việc đạo cho tín đồ.
Công tác xây dựng cơ sở thờ tự được các tôn giáo quan tâm, đẩy mạnh. Từ năm 1990 đến nay, cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khá mạnh mẽ ở khắp nơi trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân. Năm 2000, cả nước có 18.474 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, đến năm 2021 tăng lên 30.047 cơ sở(17), tăng 11.573 cơ sở trong 20 năm, bình quân mỗi năm có thêm 579 cơ sở thờ tự. Hầu hết các cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khang trang to lớn, có công trình lên hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Chính quyền địa phương quan tâm giải quyết, cấp đất cho các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở tôn giáo(18).
Các tôn giáo còn đẩy mạnh việc in ấn, xuất bản, dịch thuật một khối lượng lớn kinh sách, đồ dùng việc đạo. Trong 5 năm (2000 - 2004), Nhà xuất bản Tôn giáo đã in ấn, xuất bản được 719 ấn phẩm tôn giáo với số lượng 4,2 triệu bản, trong đó có nhiều kinh sách được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai. Đó là chưa kể một số lượng rất lớn kinh sách in ấn thông qua xuất bản khác hoặc được in ấn ở các cơ sở khác(19). Bên cạnh kinh, sách, báo chí in ấn, mảng kinh, sách, tài liệu, báo chí điện tử rất đa dạng, phong phú với số lượng không hạn chế cấp không cho tín đồ và những người quan tâm qua các phương tiện truyền thông xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tìm hiểu về tôn giáo, năm 2022, Bộ Công an cung cấp 17 đầu sách (9 đầu kinh sách, 8 đầu sách tìm hiểu về tôn giáo) với 4.418 cuốn cho 54 trại giam, tạm giam trong cả nước.
Những số liệu nêu trên là minh chứng sinh động, rõ nét nhất cho tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều ấy càng khẳng định sự đúng đắn trong chính sách, pháp luật về tự do tôn giáo của Việt Nam và sự phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, chứ không phải dựa vào một số hiện tượng nhỏ lẻ để rêu rao rằng, luật pháp Việt Nam “đi ngược với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm một cách có hệ thống tự do tín ngưỡng”. Những nhận định ấy là không đúng, thiếu khách quan với thực tế luật pháp, tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Do đó, việc Bộ Ngoại giao Mỹ không đưa Việt Nam vào nhóm các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC) theo đề nghị của Ủy ban này trong suốt 15 năm (từ năm 2007) đến nay là đúng đắn.
Đồng thời, để công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc có hiệu quả, góp phần làm cho xã hội và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn luật pháp về tự do tôn giáo và tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, chúng ta cần chú trọng đến các giải pháp sau: 1- Tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến về luật pháp về tự do tôn giáo và tình hình tự do tôn giáo ở nước ta cho toàn dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn; 2- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp với tình hình thực tế nước ta và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; 3- Quán triệt nâng cao nhận thức cho hệ thống chính trị về quan điểm, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; nghiêm túc chấp hành chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 4- Đa dạng hóa công tác truyền thông, kịp thời và nâng cao chất lượng của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên phương diện tín ngưỡng, tôn giáo. Đi đôi với đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch cần phải tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận của Đảng về tôn giáo ngày càng sâu sắc hơn, đáp ứng với yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới./.
--------------
(1) Từ khi được thành lập năm 1998, hằng năm USCIRF đều có báo cáo với một cái nhìn sai trái, thù địch, phiến diện, thiếu khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trong Báo cáo về tự do tôn giáo năm 2021, Ủy ban này hàm hồ đánh giá: “Mặc dù đã có những cải tiến đáng chú ý so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trước đây, nhưng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) vẫn còn hạn chế về bản chất”; “đi ngược lại với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm một cách có hệ thống tự do tín ngưỡng”#(?!). Từ đó, họ kiến nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “những quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC), vì sự “vi phạm quyền tự do tôn giáo có hệ thống, trầm trọng và đang tiếp tục”. Đây là lần thứ 15 liên tục (từ năm 2007) tổ chức này kiến nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách CPC.
(2) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 548 - 549
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 285
(4) Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và các bản hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 203 – 204
(5) Văn kiện quốc tế về quyền con người, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2000, tr. 212
(6) W. Cole Durham, JR. - Brett G. Scharffs: Luật pháp và tôn giáo tiếp cận so sánh quốc gia, quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, tr. 141
(7) Văn kiện quốc tế về quyền con người, Tlđd, tr. 212
(8), (9) W. Cole Durham, JR. - Brett G. Scharffs: Luật pháp và tôn giáo tiếp cận so sánh quốc gia, quốc tế, Sđd, tr. 141 - 142, 223
(10) Có quốc gia yêu cầu thời gian hoạt động, như Bỉ (31 năm), Nga (15 năm); có quốc gia yêu cầu số lượng tín đồ, như Ba Lan (ít nhất 100 người); Lát-vi-a (15 người); Nga (10 người từ 18 tuổi trở lên)...
(11) Trung Quốc chỉ công nhận 5 tôn giáo (Đạo giáo, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Islam giáo (Hồi giáo); In-đô-nê-xi-a chỉ thừa nhận 6 tôn giáo (Islam giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Tin lành, Công giáo, Khổng giáo); Nga chỉ thừa nhận 4 tôn giáo “truyền thống” (Chính Thống giáo, Islam giáo, Do Thái giáo, Phật giáo),...
(12) Xem: Ban Tôn giáo Chính phủ: Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo (ban hành kèm theo Quyết định số 1158/QĐ-TGCP, ngày 29-9-2021, của Ban Tôn giáo Chính phủ)
(13) Nguyễn Phú Lợi: Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2022, tr. 423 - 426
(14) Hoàng Thị Lan (chủ biên): Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2021, tr. 120
(15) Nguyễn Phú Lợi: Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, Sđd, tr. 423
(16), (17) Xem: Ban Tôn giáo Chính phủ: Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo, Sđd
(18) Chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp hơn 10.000m2 mở rộng Tòa Giám mục Đà Nẵng; 5.000m2 xây dựng trụ sở Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam; chính quyền thành phố Cần Thơ cấp 11ha xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp thêm 15ha mở rộng khuôn viên trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang; chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cấp 10ha xây dựng thiền viện Bạch Mã; chính quyền thành phố Hải Phòng cấp 10.000m2 xây dựng nhà hưu dưỡng cho các linh mục, tu sĩ Giáo phận Hải Phòng; chính quyền tỉnh Ninh Bình cấp 15.000m2 xây dựng Trung tâm mục vụ Giáo phận Phát Diệm; chính quyền tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giao đất cho Tòa Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng trung tâm mục vụ. Chỉ tính riêng Phật giáo trong thời gian gần đây đã được cấp rất nhiều đất: Thiền viện Trúc Lâm Phú Lâm (tỉnh Quảng Nam): 19,5ha, chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh): 21ha (trong quy hoạch 123ha), chùa Giám (tỉnh Nghệ An): 30ha, Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp (tỉnh Tuyên Quang): 40ha; quần thể chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình): 539ha; quần thể chùa Tam Trúc (tỉnh Hà Nam): 5.100ha;... (Xem: Nguyễn Thanh Xuân: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2020, tr. 436 - 438).
(19) Từ năm 2018 - 2020, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp quyết định xuất bản 1.457 xuất bản phẩm với 5,47 triệu bản in, riêng Công giáo và đạo Tin lành đã in 1 triệu bản Kinh thánh. Đến năm 2020, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã có 01 kênh truyền hình (An viên), 15 tờ báo và tạp chí đang hoạt động, trong đó có các báo, tạp chí có uy tín, như Khuôn Việt, Nghiên cứu Phật học, Văn hóa Phật giáo, Phật giáo Nguyên thủy, Giác ngộ (Phật giáo); Hiệp thông, Công giáo và Dân tộc, Người công giáo Việt Nam (Công giáo); Mục vụ, Tông công (đạo Tin lành), Hương Sen (Phật giáo Hòa Hảo), Cao Đài (đạo Cao Đài)... (Xem: Nguyễn Thanh Xuân: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Sđd, tr. 439 - 440).
bài viết rất thực tế
Trả lờiXóa