Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

Sự nguy hại của biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, tạo dựng môi trường và không gian xã hội mới, xóa nhòa khoảng cách về không gian, thời gian và địa vị xã hội của mỗi con người; tạo ra sự giao lưu, tiếp biến văn hóa khác hẳn về chất trên tất cả các lĩnh vực, với tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chúng ta đang đứng trước cơ hội và thách thức tiếp cận khối lượng khổng lồ các sản phẩm văn hóa của nhân loại bao gồm cả sản phẩm có giá trị văn hóa và phản văn hóa. Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Song, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sự kết nối xuyên “biên giới” trên không gian mạng, việc giao lưu, tiếp biến văn hóa vẫn còn những lệch lạc, biểu hiện ở hiện tượng “sùng ngoại” và “lai căng” văn hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến thời kỳ hội nhập.

“Sùng ngoại” trong văn hóa có thể hiểu là sự đánh giá thái quá những yếu tố, sản phẩm, giá trị của nước ngoài; từ đó, dẫn đến cuồng tín, tôn sùng, theo đuổi trong nhận thức và hành động, hạ thấp, coi thường các sản phẩm, giá trị văn hóa trong nước. Còn “lai căng” văn hóa là sự tiếp thu sản phẩm, giá trị văn hóa nước ngoài trên không gian mạng để pha trộn, gán ghép một cách gượng ép, tùy tiện với các sản phẩm, giá trị văn hóa trong nước theo kiểu “dở tây dở ta”, hay nói cách khác, đó là sự bắt chước nước ngoài không có chọn lọc, gây phản cảm.

 “Sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trên không gian mạng như những virus “văn hóa độc hại” lây lan, tác động to lớn đến con người và xã hội Việt Nam. Nó cổ súy cho lối sống dân chủ, thể chế chính trị tư sản phương Tây. Những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa theo khuynh hướng xã hội công nghiệp hiện đại và mặt trái của kinh tế thị trường, như: chủ nghĩa thực dụng, đề cao cá nhân, lối sống hưởng thụ, tôn thờ tiền bạc thái quá, thị hiếu thấp kém,… đi ngược lại với giá trị văn hóa truyền thống, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Không chỉ vậy, nó còn làm cho những giá trị đạo đức cốt lõi bị lung lay, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhất là của giới trẻ hiện nay, mà còn tạo ra nhiều hệ lụy trong xã hội, làm cho nhiều người dễ dao động, buông xuôi trước sự tấn công của văn hóa ngoại lai xấu độc, gây khủng hoảng niềm tin, mất phương hướng trong lựa chọn các giá trị, lối sống, v.v. Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) chỉ rõ: “Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc”.

 

1 nhận xét: