Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

SUY NGẪM

 Làm người, để được người khác tôn trọng và có thể ngẩng cao đầu thì ta phải có lập trường, quan điểm nhất quán, trước sau như một. Đừng nên tiền hậu bất nhất, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo như các thế lực thù địch, phản động.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà”. Nói ăn chơi không phải ám chỉ chúng ta ham chơi lười làm, mà ý nghĩa câu này xuất phát từ đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Là chủ nhân của một trong những nền văn minh xuất hiện từ rất sớm của thế giới - văn minh sông Hồng, tức là nền văn minh nông nghiệp, tháng Giêng là tháng nông nhàn, lúa thì mới gieo cấy, tốn ít công chăm sóc nên nhân dân ta có thời gian để đi vãng cảnh chùa, du xuân thưởng ngoạn đó đây. Tháng Giêng cũng đồng thời là tháng diễn ra nhiều lễ hội lớn ở Việt Nam, trong đó miền Bắc chiếm đa số. Bởi vậy, thoạt nhìn vào thì thấy nhân dân ta - cũng không hẳn là toàn dân, mà chủ yếu là các cụ lớn tuổi, các bà nội trợ - dành nhiều thời gian đi lễ chùa, nhưng thực chất đó là nét đẹp truyền thống văn hóa, phong tục tập quán đã có từ ngàn đời nay của dân tộc - du xuân vãng cảnh, đi chùa cầu an, trẩy hội đầu xuân. 

Song, nét đẹp văn hóa đó lại bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá, xuyên tạc. Điều đáng nói ở đây chính là thái độ tiền hậu bất nhất, ăn nói lật lọng, tráo trở của chúng. Còn nhớ, cách đây vài tháng, bọn chúng leo lẻo kêu gào phải xếp Việt Nam vào những quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, bởi “ở Việt Nam không có tự do tôn giáo; nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp, cấm các tổ chức tôn giáo hoạt động; cấm nhân dân được tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”. Rồi thì, “Việt Nam độc Đảng, vô thần nên không thừa nhận sự tồn tại của các tôn giáo, không công nhận các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân”. Song, chưa nói dứt lời thì hôm nay chúng lại lấy tay tự vả vào miệng mình khi cho rằng, việc nhân dân ta đi cúng bái, lễ chùa đầu năm là rình rang, tốn kém, vô bổ; là việc làm mang nặng mê tín dị đoan. Trơ trẽn hơn, chúng còn cho rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam xem tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo là một hoạt động kinh doanh “hái ra tiền” nên khuyến khích doanh nghiệp, nhân dân tham gia: “CSVN cấm các đoàn thể hoạt động xã hội nhưng hoan nghênh chùa kinh doanh mê tín. Dân khôn khó cai trị chứ dân mê muội thì tha hồ”! Chúng còn trắng trợn gán ghép giữa tín ngưỡng tôn giáo với chính trị: “Nếu việc dâng sao giải hạn mà linh nghiệm thì các quan chức của đảng sẽ không rụng như sung đâu”. Rồi chúng khẳng định chắc nịch như đinh đóng cột rằng, Đảng, Nhà nước ta làm ngơ với các hoạt động “mê tín dị đoan” của nhân dân: “Ban Tuyên giáo làm ngơ hay đồng lõa với những hoạt động mê muội, phản khoa học, phản giáo lý chân chính, nhan nhản trong xã hội”. Thậm chí chúng còn xấc xược cho rằng đây là một hoạt động ngớ ngẩn của nhân dân ta: “Khi sống trong một xã hội công bằng, con người cơ bản tự quyết định được vận mệnh của mình, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, mọi thành tựu và giá trị tạo ra sẽ được bảo vệ, tất cả tội lỗi đều bị trừng phạt thích đáng. Sự bất an không còn. Vì thế, ở xã hội ấy, việc cầu cúng, van vái, trấn yểm, giải hạn đều không những không cần thiết mà còn trở nên ngớ ngẩn”.

Nói như thế, chứng tỏ bọn chúng mới đích thị là những kẻ ngớ ngẩn với vốn kiến thức quá hạn hẹp về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Ngoài các tôn giáo bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo, còn có các tôn giáo du nhập vào nước ta như Phật giáo, Thiên chúa giáo. Chính vì lẽ đó mà hoạt động tôn giáo, đời sống tâm linh, tín ngưỡng ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Như đã nói trong bài, người Việt Nam quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, vì vậy người dân thường có thói quen đi chùa để cúng bái hoặc đơn giản là du xuân vãng cảnh mà không có một ý tưởng tôn giáo, tín ngưỡng nào. Nhìn vào lượng du khách đổ về các cơ sở tôn giáo ở Việt Nam những ngày này, chúng ta có cảm giác ngộp thở vì đông đúc. Nhân dân mọi miền đất nước nô nức tham gia các lễ hội tôn giáo tại các chùa như lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Bà núi Sam (Châu Đốc), lễ hội núi Bà Đen…. Trong dòng người tấp nập đó, có các tín đồ phật giáo; có khách du lịch trong và ngoài nước; người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, dịch vụ ăn uống cũng có. Thế thì, đâu nhất thiết phải cứ mê tín con người ta mới đi lễ chùa như các thế lực thù địch, phản động rêu rao.

Dân gian thường nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, những năm trước, đời sống còn nghèo khó, người ta chỉ chú trọng làm sao để kiếm đồng tiền, bát gạo mà không có thời gian, tâm tưởng nghĩ tới việc đi lễ chùa. Song, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống mọi mặt của nhân dân ta được nâng lên rõ rệt. Khi mà việc cơm áo, gạo tiền không còn là nỗi lo thường trực với đại đa số nhân dân thì chúng ta lại chú trọng đến việc đi chùa cúng bái. Đó là một tín hiệu đáng mừng song cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm. Bởi vì, sẽ có không ít trường hợp lợi dụng tâm lý này của nhân dân để kinh doanh tâm linh, kinh doanh tín ngưỡng, tôn giáo. Phật giáo thời Lý, Trần là quốc giáo, do đó các nhà chùa ở Việt Nam rất nhiều, nhiều chùa có niên đại hàng trăm năm; nhiều chùa có những lễ hội tôn giáo rất lớn, gắn liền với đời sống tâm linh của nhân dân ta. Vì vậy, việc người dân tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là lẽ thường tình nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của mình, chứ không phải là “trước bất công của đời mình, khi đa số không có ý thức và dũng khí để lập lại công bằng thì cầu lụy nơi quỷ thần” như bọn phản động, thù địch lu loa. 

Văn hóa Việt Nam quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cũng bởi vậy mà việc đi lễ chùa đầu năm, cầu cho gia đình, bạn bè, người thân được bình an, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, học hành, công tác tiến tới… là tâm lý chung của người Việt Nam ta. Chính vì nét truyền thống tín ngưỡng rất Việt Nam đó mà những ngày này, nhân dân ta đi lễ chùa rất đông. Nó gây cho các thế lực thù địch, phản động cảm giác choáng ngợp, chúng bị sốc vì không khí tự do tôn giáo của Việt Nam. Điều này là trái ngược hoàn toàn với những gì chúng thường rêu rao, xuyên tạc rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo; rằng chính quyền Việt Nam cấm người dân tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đó đã làm lật tẩy bộ mặt trơ trẽn, vu khống, bịa đặt của chúng nên chúng phải ra sức công kích, xuyên tạc về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Âu đó cũng là do bọn chúng tiền hậu bất nhất, lấy đá đập chân mình, lấy tay vả miệng mình mà thôi. 

Tín ngưỡng tôn giáo là những điều thiêng liêng thuộc về đời sống tâm linh của mỗi người, không thể dùng các điều kiện ngoại cảnh để tác động áp đặt thay đổi một cách duy ý chí. Vì vậy cho rằng: “nơi một xã hội bất công với đầy tai bay vạ gió và lắm điều hên xui, may rủi, số phận mỗi người nhiều khi nằm trong tay kẻ khác… thì việc sinh ra mê tín cũng chẳng có gì lạ lùng” như các thế lực thù địch phản động rêu rao là cách suy diễn hồ đồ, vô căn cứ.

LẠC PHONG


1 nhận xét: