Lịch sử là môn học đưa chúng ta về lại những phút giây hào hùng của dân tộc nhưng có lúc làm ta cảm thấy xót xa trước sự hy sinh anh dũng của ông cha ta để bảo vệ quê hương đất nước, lịch sử tái hiện lại quá trình dựng nước và sự đấu tranh gian khổ để giữ nước, những gì đã xảy ra trong quá khứ trên dải đất hình chữ S này.
Lịch sử 4000 năm của dân tộc là niềm tự hào của chúng ta mỗi khi nhắc đến từ khi phất cờ khởi nghĩa chống lại các triều đại phong kiến phương Bắc đến khi kháng chiến chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ: một dân tộc nhỏ bé đã 3 lần đánh thắng đội quân Mông Nguyên hùng mạnh, đội quân tung hoành từ Á sang Âu chưa từng biết đến mùi thất bại hay trận Điện Biên phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, đi cùng với những sự kiện đó có những câu nói như lời tuyên bố đanh thép, hùng hồn của người Việt đối với quân xâm lược:
"Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - Trần Bình Trọng
"Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây" - Nguyễn Trung Trực.
Nhưng thật đáng buồn học sinh Việt Nam hiện nay không hề thích thậm chí là không muốn học lịch sử:
- "Lịch sử là môn học thuộc, mà học thuộc rồi cũng sẽ quên thôi nên học làm gì"
- "Học lịch sử làm gì những chuyện đã qua rồi thì cứ cho nó qua đi"
- "Học mấy môn tự nhiên như toán, lý, hoá, anh thôi học lịch sử làm gì sau này ra trường khó xin việc lắm"
Các bạn không muốn học lịch sử của dân tộc mình vì cho rằng lịch sử chỉ là môn phụ môn học thuộc không bắt buộc nên không cần thiết, học lịch sử khó xin việc nên dù những bạn có đam mê thích học lịch sử còn cảm thấy ngại khi đi theo con đường này nói gì đến những bạn không thích lịch sử, Tôi luôn bị nghe những câu nói như: "mày học lịch sử rồi sau này ra trường mày làm cái gì".
Không học lịch sử liệu các bạn có biết ngày hôm nay của các bạn được đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu của cha ông ta ngày trước các bạn có biết cái giá phải trả để được hòa bình độc lập như ngày hôm nay khi 2/3 thời gian tồn tại chúng ta phải liên tục đấu tranh giành độc lập tự chủ, ngoài Việt Nam và Do Thái không một dân tộc nào phải đấu tranh để giành lấy quyền sống, quyền tự do, bình đẳng nhiều đến như vậy. "Để có được hòa bình không phải dễ, khó lắm. Có được nó rồi phải cố mà giữ lấy"
Có những người mẹ (tiêu biểu là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, mẹ có chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại đều là liệt sĩ) sinh con ra để làm nơi nương tựa khi về già, khi tiễn con đi mong con sẽ mau trở về nhưng từng lần từng lượt cầm tờ giấy báo tử trên tay lòng mẹ đau như cắt, tim mẹ như bị những nhát dao đâm từng lần từng lượt một.
"Mẹ sinh ra các con ở trên đời
Nuôi con lớn mong là nơi nương tựa
Khi tuổi về già tối đèn tắt lửa
Giờ mẹ đang ngồi tựa cửa chờ ai"
Chính những sự hi sinh cao cả ấy đã làm tôi thêm yêu đất nước này, trân trọng hơn những sự hy sinh to lớn của ông cha ta ngày xưa để chúng ta ngày hôm nay được sống trong hòa bình không có mưa bom lửa đạn.
Sau này tôi càng TÌM HIỂU LỊCH SỬ, tìm hiểu về những tội ác của các triều đại phong kiến phương Bắc và thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ: chúng đối với nhân dân ta như loài c.ầ.m t.h.ú, s.ú.c v.ậ.t, coi nhân dân ta là công cụ lao động, những cỗ máy kéo xe ngựa không biết mệt, chúng luôn áp đặt chà đạp lên cuộc sống của nhân dân ta. Có nhiều tội ác tày trời của chúng dù SGK lịch sử không nhắc lại không có nghĩa là chúng ta có thể quên. Phát xít Nhật đã gây ra "Nỗi đau lịch sử" nạn đói năm 1945 làm hơn 2 triệu đồng bào của ta bị chết đói. Mỹ đã thả 4 triệu tấn bom xuống Việt Nam (trong đó miền Bắc là 840 nghìn tấn còn miền Nam là 3,2 triệu tấn) phun rải 80 triệu lít chất độc màu da cam xuống Việt Nam từ thời chiến mà đến bây giờ tác hại của nó vẫn còn.
Tôi luôn tìm hiểu về lịch sử, lịch sử dạy chúng ta tư tưởng và tinh thần yêu nước để chúng ta càng thêm yêu Tổ Quốc của mình. Học tốt môn lịch sử là sự thể hiện niềm tự hào dân tộc, trân trọng cống hiến của các anh hùng liệt sĩ. Người tôn trọng lịch sử là người có lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc./.
quên sử là rất nguy hiểm
Trả lờiXóa