Văn hóa chính trị là gì
“Chính trị học (hay khoa học chính trị - Political Science) là một ngành khoa học nghiên cứu về chính trị. Chính trị ra đời và gắn liền với giai cấp và nhà nước - tức gắn với hoạt động của các đảng phái, hoạt động cầm quyền, cai trị, phân bổ lợi ích,... - nên Chính trị học cũng được coi là môn khoa học về quyền lực, cầm quyền, cai trị,... Nói một cách ngắn gọn, đó là khoa học về việc “giành, giữ, và thực thi quyền lực nhà nước””(2). Khoa học chính trị bao giờ cũng được giai cấp nắm quyền thống trị xã hội đề cao, bởi nó trực tiếp phục vụ cho việc nắm và phát huy vai trò thống trị xã hội theo lý tưởng, mục đích của giai cấp thống trị. Đảng chính trị của giai cấp cầm quyền thông qua cương lĩnh, đường lối của mình, bằng các biện pháp khác nhau để thực hiện mục tiêu chính trị của mình. Để giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị một cách hiệu quả thì đảng cầm quyền cần có văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị lại chịu sự quy định của tri thức chính trị. Tri thức chính trị xét về mặt chỉnh thể được tạo bởi nhiều yếu tố; vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải làm rõ các yếu tố cấu thành của tri thức chính trị - nhân tố quan trọng của văn hóa chính trị, góp phần nâng cao văn hóa chính trị của mỗi người đảng viên ở Việt Nam hiện nay.
Văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng, là trình độ phát triển về mặt vật chất và tinh thần của nhân loại trong mỗi giai đoạn nhất định. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(3).
Văn hóa chính trị là văn hóa của nhà cầm quyền trong xã hội có giai cấp, văn hóa của những người thuộc về tổ chức có quyền lực chính trị trong một thể chế chính trị nhất định. Theo đó, văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên là những giá trị chân, thiện, mỹ, phản ánh bản chất giai cấp công nhân, bản sắc văn hóa dân tộc, được biểu hiện thông qua nhận thức, tri thức, tình cảm, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, năng lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên được xác lập trên cơ sở lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cách thức ứng xử chính trị của người cán bộ, đảng viên đối với quyền lực được giao, khả năng thu phục, tập hợp, tổ chức trong hoạt động thực tiễn.
Văn hóa chính trị gắn liền với hoạt động chính trị của đảng chính trị, người cầm quyền trong hệ thống chính quyền nhà nước; là biểu hiện về một khía cạnh của bản lĩnh chính trị của cá nhân, tổ chức có và đang thi hành quyền lực chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”(4). Tư tưởng đó của Người thể hiện rõ vai trò của văn hóa chính trị trong xây dựng một chế độ chính trị cụ thể - xã hội xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(5).
bài rất thực tế
Trả lờiXóa