Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

Về năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

Có nhiều cách tiếp cận về khái niệm lãnh đạo nhưng nhìn chung lãnh đạo được quan niệm là quá trình chủ thể ra quyết định (tức là xác định được mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của tổ chức); tổ chức lực lượng, phương tiện, hình thành cơ chế, bộ máy... để thực hiện quyết định nhằm thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển, mục tiêu chiến lược đã đề ra; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định; tổng kết việc thực hiện quyết định và rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc ra quyết định tiếp theo.

Theo đó, năng lực lãnh đạo bao gồm năng lực ra quyết định; năng lực tổ chức thực hiện quyết định; năng lực tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định; năng lực tổng kết việc thực hiện quyết định và rút ra các bài học kinh nghiệm để điều chỉnh quyết định, tức là điều chỉnh mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển, mục tiêu chiến lược.

Đảng lãnh đạo trong điều kiện nắm giữ chính quyền được gọi tắt là đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền là đảng chính trị giành được quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước thông qua và bằng pháp luật cùng các công cụ, phương tiện khác để thực hiện tầm nhìn, định hướng phát triển, mục tiêu chiến lược của đảng. Năng lực cầm quyền của đảng là năng lực giữ chính quyền nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước hợp lý để đề ra được chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển đúng đắn, lãnh đạo nhà nước và nhân dân thực hiện được mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của đảng.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, sự cầm quyền của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mục tiêu chiến lược của Đảng là xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hiện nay, tình hình thế giới có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo, đặt ra yêu cầu đối với đảng cầm quyền là phải nắm bắt kịp thời những vấn đề của thời đại như: vấn đề an ninh phi truyền thống, vấn đề biến đổi khí hậu, tác động đa chiều của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới đang có xu hướng chuyển sang đa cực, sự tranh giành quyền lực giữa các nước lớn, v.v.. Từ đó, có những chủ trương, chính sách phù hợp.

Ở trong nước, nền kinh tế đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề xã hội đặt ra; vẫn còn những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v.. Những vấn đề này đang đặt ra yêu cầu mới đối với Đảng trong lãnh đạo, cầm quyền.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thì phải nâng cao năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định.

Hai năng lực này liên hệ, tác động lẫn nhau. Năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước sẽ tăng cường năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định. Ngược lại, năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định sẽ góp phần củng cố, tăng cường năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước.

Để thực hiện tốt các giải pháp trên, toàn Đảng cần phải nâng cao trình độ tư duy lý luận, trau dồi, rèn luyện phương pháp biện chứng duy vật cho cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, phương pháp biện chứng duy vật với các nguyên tắc khách quan, phát triển, lịch sử cụ thể, thống nhất giữa lý luận với thực tiễn sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng có cơ sở, căn cứ để nâng cao năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định. Hai nhóm giải pháp cho việc giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định có mối quan hệ biện chứng, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau.

Nâng cao được năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước là cơ sở tiền đề nâng cao năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định. Nâng cao năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định là củng cố, tăng cường năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước trong mọi thời kỳ cách mạng./.

1 nhận xét: