Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

VIỆT NAM KIÊN QUYẾT PHẢN ĐỐI, BÁC BỎ NHỮNG THÔNG TIN KHÔNG CHÍNH XÁC VỀ TỰ DO TÔN GIÁO

 VIỆT NAM KIÊN QUYẾT PHẢN ĐỐI, BÁC BỎ NHỮNG THÔNG TIN KHÔNG CHÍNH XÁC VỀ TỰ DO TÔN GIÁO

Mặc dù ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy tự do tôn giáo và trích dẫn một số thông tin chính thống của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, song trong báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 vừa công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, dựa trên nhiều thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Đánh giá khách quan cần phải thấy rằng, Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần chính đáng của con người. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong Chương trình hành động của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chính sách “tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết”, coi đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam. Từ đó đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các tín đồ được tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách này đã được thể chế hóa bằng pháp luật. Điều 70 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”, “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" (Điều 52 Hiến pháp). Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật…”. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm tín ngưỡng của các tôn giáo bằng pháp luật.
Nguyên tắc không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo không chỉ được thể hiện trong Hiến pháp mà còn được thể hiện trên mọi lĩnh vực như quyền bầu cử và ứng cử, trong các quan hệ dân sự, lao động, kết hôn cũng được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự và nhiều văn bản pháp quy khác như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục... Các tổ chức tôn giáo hợp pháp được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, sửa chữa và xây dựng cơ sở thờ tự theo quy định của pháp luật. Nhà nước chủ trương giao đất cho cộng đồng tín đồ sử dụng lâu dài và đất đai của tôn giáo không phải chịu thuế như các loại đất khác. Luật pháp Việt Nam cũng nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, cưỡng ép dân theo đạo, bỏ đạo hoặc phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo (theo quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo) và quy định các hình phạt thích đáng đối với các tội danh này (theo Bộ Luật Hình sự). Các quy định pháp lý trên hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nội dung về tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18-11-2016. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng đầy đủ hơn nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh của nhân dân và bảo đảm sự tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, Tôn giáo.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng. Khoảng hơn 80% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Nhà nước đang xem xét để công nhận một số tổ chức, hệ phái tôn giáo khác. Mọi sinh hoạt tôn giáo cá nhân của tín đồ, chức sắc thuộc các hệ phái được thực hiện bình thường. Ngoài ra, còn hàng chục triệu người tin theo các tín ngưỡng bản địa như tín ngưỡng dân gian của người Kinh, tín ngưỡng nguyên thủy của các dân tộc thiểu số. Khách du lịch và người nước ngoài đến Việt Nam rất dễ dàng chứng kiến số người đi lễ chùa, đến nhà thờ và tham dự các lễ hội tín ngưỡng rất đông. Số nhà thờ, đền, chùa, thánh thất và nơi thờ tự không ngừng tăng theo thời gian. Hàng năm, số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh của nhân dân
Các chức sắc tôn giáo cũng có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân như mọi công dân khác theo quy định của Hiến pháp. Hiện có 5 đại biểu Quốc hội Việt Nam là chức sắc tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam có quyền và được Nhà nước tạo điều kiện mở trường và cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo... Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm bảo đảm hoạt động bình thường về tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số…
Các tôn giáo ở Việt Nam có mối quan hệ quốc tế rộng rãi. Giáo hội Công giáo Việt Nam có mối quan hệ về tổ chức và là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Giáo triều Va-ti-căng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Phật giáo thế giới và Phật giáo các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện để giao lưu quốc tế và đi đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội nghị, hành hương, chữa bệnh, thăm thân, du lịch… Rất nhiều cá nhân, tổ chức tôn giáo nước ngoài cũng đã vào Việt Nam để hoạt động tôn giáo và giao lưu với các tổ chức tôn giáo Việt Nam: Đoàn Toà thánh Va-ti-căng (hằng năm đến Việt Nam để làm việc về những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo), Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Đoàn Hội đồng Giám mục Mỹ… Bên cạnh đó, đoàn của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế đã tới Việt Nam và có nhiều cuộc tiếp xúc với đại diện các tôn giáo của Việt Nam.
Báo cáo Tình hình tự do tôn giáo thế giới năm 2022 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Mỹ và Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ tuy đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy tự do tôn giáo, song vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, không chính xác dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng về tình hình thực tế tại Việt Nam. Quan điểm của Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng. Việt Nam kiên quyết phản đối với những thông tin thiếu khách quan, không chính xác và luôn sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ./.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt phân tích và nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, lừa bịp của các thế lực thù địch; đồng thời kiên quyết đấu tranh vạch trần những luận điệu xuyên tạc của chúng

    Trả lờiXóa