Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thái độ “nước đôi, ba phải”

 


Làm sao để ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế những tư tưởng, thái độ, hành vi “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay? Đây là vấn đề không đơn giản, nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến vị thế, uy tín của tổ chức đảng nói chung, sự phát triển lành mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng.

Muốn bớt đi những biểu hiện “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, trước hết phải chú trọng giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức thấu đáo tác hại của tư tưởng ba phải, nước đôi, nửa vời và thái độ ngại va chạm, né tránh đấu tranh. Những tư tưởng ấy sẽ làm thui chột động lực phấn đấu tích cực của cả cá nhân và tập thể. Vì vậy, phải nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc chung sức đồng lòng để cùng nhận diện, phát hiện và đấu tranh với mọi biểu hiện, hành vi sai trái, tiêu cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị; đồng thời luôn biết trân trọng, nâng niu, cổ vũ và bảo vệ những nhân tố tích cực, những thái độ dũng cảm, những việc làm đúng đắn vì lợi ích chung của tập thể, cộng đồng. 

Những thái độ “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” hầu hết xuất phát từ việc các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình thiếu nghiêm túc, thực chất. Do đó, mấu chốt để khắc phục tình trạng này là phải “xốc” lại tinh thần tự phê bình và phê bình với quan điểm: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, cho dù sự thật ấy có phần đau đớn và ít nhiều làm tổn thương lòng tự trọng của người vi phạm khuyết điểm, nhưng đó là cách làm hiệu quả nhất để ngăn ngừa sai phạm, thành thật giúp đỡ họ tự giác khắc phục khuyết điểm để phấn đấu tiến bộ. Tuy vậy, muốn chế độ tự phê bình và phê bình được thực hiện hiệu quả, thực chất, thì tinh thần công minh, thái độ dũng cảm, bản lĩnh mạnh mẽ và ý thức nhân văn của bí thư cấp ủy và người đứng đầu mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị giữ vai trò quyết định. Công minh để nhận định, phân minh rõ phải trái, đúng sai; dũng cảm để sẵn sàng nhìn nhận và tự loại bỏ “gót chân a-sin” trong chính con người mình; mạnh mẽ để không lùi bước, nhân nhượng trước những sai trái của chính mình và đồng đội, cấp dưới; và nhân văn để không rơi vào tình trạng tả khuynh thái quá, vì tự phê bình, phê bình liên quan đến con người, cho dù có thẳng thắn, kiên quyết đến mấy nhưng cũng cần dựa trên tinh thần “thương yêu đồng chí” như Bác Hồ đã dạy, tránh tình trạng lợi dụng tự phê bình và phê bình để moi móc, bêu xấu, hạ bệ uy tín của nhau.

Thái độ ứng xử “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” thường tồn tại, nảy sinh trong một môi trường văn hóa ứng xử thiếu lành mạnh. Vì vậy, muốn ngăn ngừa, đẩy lùi thực trạng này, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo xây dựng bầu không khí thật sự dân chủ, nhân văn, làm cho cái tốt, cái hay, cái đẹp có điều kiện nảy nở, phát huy và người tốt, người tài, người tích cực có chỗ dựa vững vàng để yên tâm làm việc, cống hiến và phấn đấu trưởng thành. Khi tổ chức, cơ quan, đơn vị có bầu không khí và môi trường học tập, công tác, ứng xử lành mạnh gắn với duy trì kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ nghiêm minh, thì cái sai, cái dở, cái xấu không có cơ hội tồn tại, lộng hành, và do vậy, những người có thái độ ba phải, xu thời, trung bình chủ nghĩa cũng phải dần “co cụm” lại trước sức mạnh chân chính của tập thể, cơ quan, đơn vị.

phao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét