Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU "ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG" CỦA HOÀI NGUYỄN

Mới đây, trên trang “Vietnamthoibao” Hoài Nguyễn lại đăng tải bài viết với luận điệu xuyên tạc về công tác nhân sự của Đảng; bôi nhọ, kích động mâu thuẫn trong nội bộ Đảng; từ đó kêu gọi thực hiện chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở Việt Nam. Song thực tiễn đã bác bỏ những luận điệu xảo trá, phản động đó.

Trước hết, Hoài Nguyễn xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng; bôi nhọ, kích động mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, Y cho rằng, việc ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng từ chức là do “đấu đá nội bộ”, là hậu quả của chuyện “Đảng cử - dân bầu” vì mất dân chủ, “độc đảng” gây ra. 

Thực tế Việt Nam cho thấy, việc ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng xin từ chức và được Quốc hội bỏ phiếu đồng ý miễn nhiệm là sự kiện chính trị đáng chú ý, được toàn dân quan tâm. Tuy nhiên, đây là điều bình thường; không do “đấu đá nội bộ”, hoặc vì “độc đảng” gây ra mà bởi công tác cán bộ không phải là cố định, bất biến, đợi đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu, mà đã có tính “động” và “mở”. Việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” dần trở thành bình thường. Từ nhiều nhiệm kỳ qua, vấn đề miễn nhiệm, từ chức đã được đặt ra trong các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước. Việc miễn nhiệm, hoặc cho từ chức đối với người đứng đầu không phải khi nào cũng là do cá nhân người đó có sai phạm, mà còn là trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý, phụ trách, hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. Vì vậy, việc từ chức của cán bộ là rất bình thường, thể hiện trách nhiệm chính trị của bản thân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; mục tiêu của việc miễn nhiệm cán bộ, vừa đáp ứng nguyện vọng của cá nhân, vừa góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và bảo đảm đúng quy định, là một phần văn hóa trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước. Như vậy, việc ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng thôi giữ chức vụ cũng là điều hoàn toàn bình thường và phù hợp, không như Hoài Nguyễn và bọn cơ hội chính trị đang ra sức rêu rao trên mạng xã hội hiện nay. 

Từ luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, kích động… Hoài Nguyễn kêu gọi thực hiện chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở Việt Nam nhằm chấm dứt thực trạng “Đảng đứng ngoài” Hiến pháp và pháp luật; “Đảng làm thay Quốc hội” và “Phải để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch nước”.

Thực tiễn Việt Nam cho thấy, Đảng không “đứng ngoài” Hiến pháp và pháp luật. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã chỉ rõ: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức và kiểm tra; mà phần cốt yếu là thông qua đội ngũ tiền phong của mình là những cán bộ, đảng viên tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và năng lực. Vì vậy, thực hiện nghiêm Điều 4 Hiến pháp 2013 là bảo đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng; là giải pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống, ngăn ngừa mọi nguy cơ thoái hóa, biến chất có thể xảy ra trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta. Xác định trách nhiệm của đảng viên, tự giác, gương mẫu thực hiện và chấp hành Hiến pháp, pháp luật, thường xuyên nêu cao ý thức, thái độ, trách nhiệm cả về suy nghĩ và việc làm, tư tưởng và hành động, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, gương mẫu cho nhân dân noi theo.

Đảng không “làm thay Quốc hội”, cụ thể như Điều 87, Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định: “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội”. Thực thi Hiến pháp, ngày 2/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng với kết quả 487/488 đại biểu Quốc hội (98,38%) tán thành. Việc đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước là hợp Hiến, được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm. Tuyệt đại đa số nhân dân đều hoan nghênh, đồng tình bởi đây là sự lựa chọn đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

Thực tế trên khẳng định rõ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và Nhà nước, đối với chế độ dân chủ là không thể phủ nhận. Từ bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thực hiện đa đảng chắc chắn sẽ không phải là dân chủ hơn. Mà trái lại sẽ làm đất nước mất ổn định, kinh tế đổ vỡ, xã hội hỗn loạn, rơi vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước, tất cả đều giáng cả lên đầu nhân dân, dân chủ chỉ là cái cớ cho sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái.

Hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Đó là thực tế, nhưng không phải là bản chất của chế độ dân chủ ở Việt Nam, không phải là do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra. Song, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, điều đó đã làm suy giảm những giá trị tốt đẹp của nền dân chủ ở nước ta, suy giảm vai trò, vị thế cầm quyền, lãnh đạo của Đảng, và là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, công kích, chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Vì thế, tình trạng suy thoái, tham nhũng, vi phạm dân chủ nhất thiết phải được khắc phục thật sự hiệu quả theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm: Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thực tiễn. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện của mình. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội. Đây là yêu cầu rất cơ bản để bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội; khẳng định trên thực tế Đảng là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã hiến định. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với chế độ dân chủ ở Việt Nam hiện nay là phải thực hiện tốt hơn nữa sự cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. 

Như vậy, những luận điệu xuyên tạc về công tác nhân sự của Đảng; bôi nhọ, kích động mâu thuẫn trong nội bộ Đảng; từ đó kêu gọi thực hiện chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở Việt Nam ... là một thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội của các lực thù địch. Chúng ta phải cảnh giác với những luận điệu sai trái này. Mọi mưu đồ và hành động chống phá, của kẻ thù đã và đang bị chính nhân dân và nền dân chủ ở Việt Nam bác bỏ, làm cho phá sản./.

.ankhe.18.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét