Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

VIỆT TÂN LẠI XUYÊN TẠC THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM

 


Vấn đề đảm bảo việc làm cho người trong độ tuổi lao động là chủ đề nóng bỏng, luôn được cả xã hội quan tâm. Đối với Việt Nam, là quốc gia đang phát triển với lượng người trong độ tuổi lao động cao; Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực từ đào tạo nghề, tạo thuận lợi cho thị trường lao động và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, lại có những tổ chức, cá nhân cố tình xuyên tạc về vấn đề này.

 Vừa qua, trên trang Facebook Việt Tân ngày 16 tháng 4 năm 2024 có đăng 1 video dài 8 phút 57 giây với tựa đề “Thực trạng người lao động trẻ tại Việt Nam và giải pháp. Video “phóng sự” trình bày về thực trạng số người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam năm 2023; trong đó, nhấn mạnh trình độ chuyên môn và năng suất lao động của người Việt Nam thấp dẫn đến người lao động có thu nhập thấp, bị bóc lột thậm tệ bởi “giới chủ nhân” và khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội ngày càng lớn. Nội dung video cũng chỉ ra con đường thoát nghèo chỉ có ra nước ngoài lao động. Đồng thời, đưa ra nguyên nhân là do hệ thống giáo dục phổ thông và đào tạo nghề “làm láo, báo cáo hay” dẫn tới thế hệ Gen Y sẽ không có trình độ tương xứng sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong phóng sự cũng đưa các giải pháp: “thành lập những nhóm, hội tương trợ lao động trẻ”; “kêu gọi tư nhân tự bỏ tiền đào tạo nghề”; “đòi hỏi Đảng, Chính quyền phải cho được thành lập công đoàn độc lập”.

 Phải khẳng định, “phóng sự” được dựng rất bài bản, tuy nhiên nội dung đưa thông tin mang tính định hướng lệch lạc; đồng thời tiềm ẩn những mục đích mang tính phản động. Điều này được vạch trần bởi việc nhận thức đầy đủ thông tin chính xác và tìm hiểu bản chất nội dung trong video.

 Sự thật thông tin đưa ra trong video đúng không? Đúng rất ít ở một số nội dung không quan trọng nhưng sai phần lớn ở những nội dung trọng điểm nhằm “dắt mũi” người xem. Cụ thể như, lao động thiếu việc làm chiếm tỷ lệ 2,01%; trong đó, ở nông thôn là 2,26% còn thành thị là 1,61% (theo Tổng Cục Thống kê). Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu là 5,1% trong năm 2023 và đang có xu hướng tăng; riêng đối với các nước có thu nhập cao là 4,5%. Mức sống của các nước G20 cũng đang bị giảm sâu do tình trạng lạm phát. (Theo Báo cáo WESO: xu hướng 2024; trang thông tin điện tử của tổ chức lao động quốc tế). Vì vậy, những ý kiến bất mãn được nêu trên phóng sự và cảnh báo nguy cơ thất nghiệp cao đối với thanh niên Việt Nam là hoàn toàn mang tính bịa đặt, nhằm hù doạ người xem.

 Đồng thời, việc đổ lỗi do Đảng, Nhà nước là không quan tâm, quan liêu đối với quá trình giáo dục, đào tạo nghề cho đối tượng thanh, thiếu niên là sai. Trong đó, chủ trương “tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chính phủ cũng đã phê duyệt các chương trình lớn về “đào tạo, đào tạo lại nâng  cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” và “chuyển đổi số và dạy học trực tiếp trong giáo dục nghề nghiệp”. Thấy được, Đảng và Nhà nước đang tiến hành đồng bộ, toàn diện và quyết liệt đối với giáo dục nghề nghiệp, nhằm nâng cao trình độ, tay nghề đối với người lao động. Điều này là hoàn toàn trái ngược với nội dung phân tích được trình bày trong “phóng sự” của Việt Tân.

 Ngược lại, 3 giải pháp được nên lên trong “phóng sự” lại tiềm ẩn những hiểm hoạ, hệ luỵ trực tiếp tác động sai lệch đến nhận thức của giới trẻ Việt Nam và tạo cơ hội cho các hoạt động phản động của các phần tử cơ hội chính trị. Chúng đòi hỏi yêu sách dựng các “nhóm giúp đỡ phi chính phủ”, xây dựng “cơ sở đào tạo nghề” không có sự quản lý của cơ quan chức năng và thành lập các đoàn thể xã hội, không ràng buộc của công nhân. Dù được miêu tả bằng từ ngữ mỹ miều như “tự giúp đỡ lẫn nhau”, “tự đào tạo”, “tự bảo vệ quyền lợi”... nhưng thực chất là đang cố tìm cách hợp thức hoá cho việc tạo ra hội nhóm để xúi giục, lôi kéo thanh thiếu niên phản đối, chống lại sự quản lý của Nhà nước, tạo sự chia rẽ trong xã hội từ đó thuận lợi cho các mưu đồ chính trị lớn hơn của những phần tử phản động.

 Chính từ các yếu tố trên, “phóng sự” của Việt Tân hoàn toàn là một nội dung mang tính “lố, loè và láo”, dùng sự quan tâm của người xem đối với tình trạng việc làm ở Việt Nam nhằm gây mâu thuẫn và giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Mọi người khi xem các video tương tự như trên, dù được biên tập kỹ, nhưng vẫn phải kiểm chứng bằng nhiều nguồn thông tin; tránh chia sẻ những thông tin sai lệch, tiếp tay cho những kẻ mưu đồ phá hoại Đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét