Cả cuộc đời hoạt
động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một “di sản” đồ sộ, sâu sắc,
toàn diện về tư tưởng, đạo đức và phong cách trên nhiều lĩnh vực, phương diện
khác nhau, trong đó có phong cách luôn gắn lý luận với thực tiễn. Đến nay,
phong cách đó vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở quan trọng để mỗi giảng viên
giảng dạy lý luận chính trị học tập và vận dụng.
Phong cách lý luận gắn với thực tiễn
của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phong cách là những đặc điểm riêng biệt tạo
nên giá trị tốt đẹp về lề lối, cách thức, phong thái, phẩm cách… toát lên từ
mọi hoạt động của con người. Một người có phong cách mang những giá trị tốt đẹp
sẽ có sức “lan tỏa” sâu sắc trong xã hội, không chỉ phản ánh phong cách riêng
biệt của cá nhân mà còn là biểu hiện chung về thế giới quan, nhân sinh quan, hệ
tư tưởng… của cả lớp người trong xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Đảng ta đã
khẳng định: “Phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư
tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo,
có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày. Đó là phong
cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn…”.
Trước hết, phong cách lý luận gắn với thực
tiễn là nguyên tắc căn bản trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm không
ngừng phát triển lý luận và từng bước biến đổi thực tiễn. Kế thừa quan điểm của
chủ nghĩa Mác-Lênin và luôn đặt dưới góc nhìn phát triển không ngừng bằng tư
duy độc lập, sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển và làm rõ mối quan hệ
giữa lý luận và thực tiễn. Theo Người, “Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của
loài người, là tổng hợp những trí thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong
quá trình lịch sử” nhưng không phải cứ có kinh nghiệm là có lý luận mà phải
“đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem
xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận, rồi lại đem nó chứng
minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”. Còn thực tiễn là toàn bộ những
hoạt động có tính lịch sử - xã hội của con người “là các vấn đề cần mình phải
giải quyết, là mẫu thuẫn của sự vật. Chúng ta là những người cán bộ cách mạng,
thực tế của chúng ta là những vấn đề mà cách mạng đề ra cho ta phải giải quyết”.
Từ quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể hiểu lý luận được hình thành trên
cơ sở thực tiễn, tổng kết thực tiễn và luôn được bổ sung, hoàn thiện từ việc
lấy thực tiễn làm thước đo, không ngừng nhìn nhận, đánh giá và tổng kết thực
tiễn. Đồng thời, thực tiễn đúng đắn phải được chỉ đạo, dẫn dắt, soi đường bởi
một lý luận khoa học, nếu không đó là thực tiễn mù quáng, mất phương hướng. Vì
vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lý luận phải liên hệ với thực tế. Thống
nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa
Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng.
Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”.
Với nguyên tắc căn bản từ tư duy đó, trong
quá trình tìm đường cứu nước cũng như xây dựng lý luận cách mạng Việt Nam, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn dựa trên “thực tiễn Việt Nam” với khát vọng cao cả là
“độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho Nhân dân”. Từ đó Người đã kế thừa, phát
triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, kinh nghiệm lịch sử để nhìn nhận,
đánh giá xu thế vận động của thực tiễn và thời đại để xây dựng và hoàn thiện đường
lối cách mạng đúng đắn, phù hợp, từng bước giải quyết những vấn đề cụ thể trong
những giai đoạn lịch sử nhất định; vừa có tầm nhìn, định hướng lâu dài để dẫn
dắt thực tiễn cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Gắn lý luận với thực tiễn không chỉ để đúc
kết tạo nên các giá trị lý luận, làm biến đổi thực tiễn, mà với Người còn là
những điều giản dị, mộc mạc trong phong cách làm việc và lối sống, sinh hoạt.
Đó là phong cách sống và làm việc quần chúng luôn gần gũi, gắn bó với Nhân
dân, vì lợi ích của Nhân dân, lấy “ấm no, hạnh phúc” của Nhân dân là “thước đo
chân lý” cho lý luận, từ đó không ngừng bổ sung, điều chỉnh về chủ trương,
đường lối để cuộc sống nhân dân ngày càng tốt hơn.
Học tập phong cách Hồ Chí Minh về gắn
lý luận với thực tiễn trong hoạt động giảng dạy lý luận chính trị - hành
chính
Thực hiện đường lối của Đảng, thời gian qua
việc tăng cường gắn kết giữa lý luận với thực tiễn trong giảng dạy lý luận
chính trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về “lượng” và “chất”. Nhiều
giảng viên đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu để làm giàu thêm kiến thức, tích cực
ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng bài giảng gắn với đổi mới phương pháp
giảng dạy hiện đại, tích cực. Nhiều bài giảng có tính lý luận và thực tiễn cao,
có sức hấp dẫn, gây chú ý, hứng thú với người học góp phần nâng cao chất lượng
đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, thực tiễn gắn kết giữa lý luận với thực tiễn
trong giảng dạy lý luận chính trị - hành chính vẫn còn những hạn chế biểu hiện
ở những cấp độ khác nhau như: một số giảng viên chưa biết sử dụng, hoặc sử dụng
chưa hoàn thiện, hời hợt trong phương pháp, cách thức gắn kết, dẫn đến truyền
tải chưa sâu nên không mang lại hiệu quả cao, chưa nêu bật được tính quy
luật của lý luận với thực tiễn và tính sinh động, phức tạp của thực tiễn với lý
luận. Một số bài giảng còn mang nặng tính lý luận chung, hàn lâm, cổ điển, chủ
yếu chỉ bám vào giáo trình mà thiếu sự phân tích, đánh giá, định hướng về lý
luận , không có sự phân tích, dẫn dắt người học nhận thức được tính biện chứng
của lý luận và thực tiễn, dẫn đến xơ cứng, nhàm chán vì người học chưa nhìn
được cái hay, cái sâu sắc của lý luận và cái sinh động, phong phú của thực
tiễn… khiến cho học viên thiếu hứng thú.
Để khắc phục những hạn chế này, cần tập trung
vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về gắn kết giữa
lý luận với thực tiễn.
Trước hết, giảng viên phải nhận thức sâu sắc
về vị trí, vai trò, nguyên tắc, cách thức của việc gắn kết giữa lý luận với
thực tiễn ngay trong từng bài giảng. Cần xác định việc gắn kết hài hòa giữa lý
luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản trong giảng dạy theo quan điểm của
Chủ tịch Hồ Chí Minh “lý luận phải đi đôi với thực tiễn”; “lý luận liên hệ với
thực tế”; “lý luận kết hợp với thực hành”; “học đi đôi với hành”. Mặt khác, việc
gắn kết thành công giữa lý luận và thực tiễn trong từng bài giảng sẽ bồi đắp
thế giới quan cho người học, củng cố niềm tin, bảo vệ tính đảng, nâng cao bản
lĩnh chính tri, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ và giảng viên
hiện nay. Đồng thời, gắn kết thành công cũng chính là đổi mới và nâng cao chất
lượng giảng dạy góp phần giải quyết mục tiêu, nhiệm vụ của đổi mới, phát triển
đất nước đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới…
“Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực
tư duy lý luận, năng lực tổng kết và chỉ đạo thực tiễn để giải quyết hiệu quả
những vấn đề thực tiễn đặt ra; thường xuyên bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây
dựng đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội
ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Góp Phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ
cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” (Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí
thư).
Để nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên,
cần tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các quy định,
quy chế liên quan. Đặc biệt, là quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu
quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới,
nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Chỉ thị số 20-CT/TW
ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng
nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Bên cạnh đó, Bộ
Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến
khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Chính phủ ban hành
Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán
bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích
chung… Vì vậy, đội ngũ giảng viên cần nhận thức sâu sắc tinh thần và nội dung
từ đó năng động, sáng tạo trong các hoạt động để từng bước nâng cao hơn nữa
chất lượng giảng dạy.
Thứ hai, nâng cao kiến thức toàn diện và phát
huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo trong việc gắn kết giữa lý luận với thực
tiễn.
Để gắn kết thành công giữa lý luận với thực
tiễn, đội ngũ giảng viên phải có nền tảng kiến thức toàn diện, sâu sắc cả về lý
luận và thực tiễn. Kiến thức lý luận trong giảng dạy lý luận chính trị không
chỉ là truyền tải đúng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
kinh nghiệm lịch sử, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; mà
còn phải nêu bật được cái hay, cái sâu sắc, cái khoa học để lý luận mang tính
định hướng, dẫn dắt thực tiễn… Ngược lại thực tiễn trong giảng dạy lý luận phải
làm rõ được sự “biến động đa màu sắc, tính phức tạp ” với những biểu hiện khác
nhau, đồng thời thực tiễn cũng là “thước đo” để thấy được cái đúng đắn của lý
luận khoa học.
Muốn vậy, đội ngũ giảng viên phải quán triệt
sâu sắc sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, ngăn ngừa các biểu hiện về
“kém lý luận, coi khinh lý luận, lý luận suông” hoặc thiếu thực tiễn, xa rời
thực tiễn, tuyệt đối hóa thực tiễn… bởi những điều đó dẫn đến căn bệnh giáo
điều, sách vở cứng nhắc, chủ nghĩa kinh nghiệm chủ quan, duy ý chí dẫn đến trì
trệ, chệch hướng, thậm chí khủng hoảng, sai lầm trong cả hoạt động lý luận và
thực tiễn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Vì vậy, cần phải chủ động học tập
nâng cao trình độ lý luận, kết hợp với tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật những tổng
kết mới về lý luận và thực tiễn từ những công trình nghiên cứu mới, các nguồn
tư liệu mới có liên quan. Thường xuyên cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bài giảng... Lý luận là phong
phú, thực tiễn lại muôn màu, luôn vận động trong thời đại ngày nay, vì vậy
giảng viên phải tăng cường nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn, nâng cao
năng lực nghiên cứu khoa học, thường xuyên tìm hiểu các mô hình, gương thực
tiễn, nhận định xu hướng để nắm bắt thực tiễn, mở đường cải biến nhận thức bản
thân, từ đó lựa chọn những vấn đề có tính thời sự mà người học quan tâm, những
vấn đề thực tiễn đổi mới để lồng ghép trong bài giảng bằng những luận giải sâu
sắc, thuyết phục. Các cơ sở đào tạo cần tiếp tục quan tâm đến hoạt động nghiên
cứu thực tế, các chương trình tham quan, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng
viên. Tăng cường các hoạt động giao lưu, hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm
theo tầng cấp độ, phạm vi khác nhau để bản thân các giảng viên có “không gian”
tích lũy và nâng cao kiến thức lý luận và thực tiễn.
Thứ ba, tích cực bồi dưỡng kỹ năng và đổi mới
phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, phát huy vai trò chủ động,
phản biện từ học viên.
Trong giảng dạy lý luận chính trị - hành
chính, đội ngũ giảng viên có kiến thức chưa hẳn đã truyền tải thành công các
mục tiêu đề ra, nếu thiếu đi các kỹ năng, phương pháp giảng dạy khoa học. Hơn
nữa, đối tượng của đào tạo lý luận chính trị - hành chính rất đa dạng, ở các
cấp độ, nhận thức, tư duy khác nhau nên giảng viên phải trở thành “cầu nối” để
học viên tiếp tục lĩnh hội tri thức phát huy khả năng tư duy, bồi đắp kiến
thức, nâng cao nhận thức. Để thực hiện được mục tiêu đào tạo, giảng viên cần
nhạy bén, nắm bắt tâm lý người học, đề cao vai trò người học. Đồng thời, chủ
động rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp gắn kết, luận giải, phân tích
những vấn đề có tính thuyết phục cao. Có năng lực thu thập, xử lý thông tin,
kiến thức chuyển hóa đưa vào bài giảng phù hợp. Tích cực ứng dụng và sử dụng
nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học tích cực, phương tiện dạy học một cách hợp
lý, khoa học, hướng đến sự chủ động của học viên trong cách tiếp cận, luận giải
và kết luận vấn đề. Cần nghiên cứu kỹ các vấn đề, câu hỏi thảo luận khoa học,
phù hợp… hướng đến làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra để gây
mâu thuẫn, hứng thú góp phần làm sáng tỏ, cung cấp thông tin để tiếp tục nghiên
cứu tổng kết lý luận, đánh giá thực tiễn. Sử dụng hợp lý phương pháp chuyên gia
để khai thác tối đa kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm, tư duy lý luận từ học
viên. Tăng cường tiếp xúc, trao đổi, thảo luận với học viên để tìm hiểu và nắm
bắt nhận thức, tư duy của đối tượng...
Tăng cường gắn kết giữa lý luận với thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị là vấn đề có tính nguyên tắc, cơ bản, lâu dài nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị - hành chính trong bối cảnh mới. Muốn làm được điều đó, từng giảng viên cần khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… phải biết rằng thực tiễn khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không kịp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng, hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi”(6). Vì vậy, từng giảng viên phải ra sức học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả, trong đó có phong cách gắn lý luận với thực tiễn để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị - hành chính đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay./.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét