Trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch,
phản động đã và đang tăng cường chống phá, xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của
Đảng, những thành quả của cách mạng Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu và
vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
trước các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là nhiệm
vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, xuyên suốt,
liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Kế thừa và phát triển
quan điểm của Người, Đảng ta khẳng định cách mạng Việt Nam phải luôn: “Kiên
định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu phát
triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp
với thực tiễn Việt Nam”.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản
Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của công
tác tư tưởng, coi “công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất”. Người khẳng
định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính
nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Đây là học thuyết, là
chủ nghĩa duy nhất từ trước đến nay quan tâm đến vận mệnh của các dân tộc bị áp
bức, gắn cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, giải phóng
xã hội, giải phóng con người, phù hợp với khát vọng của dân tộc ta. Do đó, “Muốn
cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác ngoài con đường
cách mạng vô sản”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ hệ tư tưởng lý luận của Đảng là
chủ nghĩa Mác - Lênin: “Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, mỗi đảng
viên đều phải nghiên cứu”. Đồng thời, Người nhấn mạnh, chủ nghĩa Mác - Lênin
không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi
đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin cũng
là bảo vệ đường lối chính trị của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, là yêu cầu
tất yếu của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, trong bất cứ giai đoạn cách
mạng nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ
nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy.
Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn
chỉ nam”. Người khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách
mạng và nhân dân Việt Nam không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là
cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng
lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của
sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào
yêu nước. Sự ra đời của Đảng ta đánh dấu bước trưởng thành về chất của phong
trào công nhân, từ trình độ tự phát lên trình độ tự giác. Ngay từ khi ra đời,
Đảng ta đã hoạt động trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh. Chính nền tảng đó đã giúp cho Đảng hoạch định cương lĩnh, đường
lối đúng đắn và hiện thực hóa thành công những mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ
chính trị, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nghị
quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có
được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ khi ra đời cho
đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin luôn bị các thế lực thù địch và phản động không
ngừng xuyên tạc và chống phá quyết liệt. Đặc biệt, vào cuối thập niên 80, đầu
thập niên 90 của thế kỷ XX, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước
Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng
Việt Nam, trọng tâm là chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản
Việt Nam; muốn phủ định, loại bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra
khỏi đời sống tinh thần của xã hội và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt
Nam.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ
hội chính trị đang ra sức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những âm
mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Qua nghiên cứu, có thể khái quát,
nhận diện các luận điểm sai trái, thù địch trên một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, tập trung xuyên tạc để hạ thấp
vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin và cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin được xây
dựng xuất phát từ bối cảnh lịch sử và điều kiện cụ thể của xã hội phương Tây.
Vì vậy, không thể hiểu và không thể áp dụng để giải quyết vấn đề của xã hội phương
Đông, đặc biệt là của Việt Nam. Theo đó, họ thường xuyên rêu rao các luận đề:
học thuyết Mác là sản phẩm của giữa thế kỷ XIX, do vậy đem đặt nó trong bối
cảnh thế kỷ XXI nếu không lạc hậu, thì cũng chẳng thể là khoa học; họ cho rằng
chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là sản phẩm của Việt Nam… những lập luận này
đều sai về cả logic lẫn lịch sử. Bởi tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân
văn mang đặc trưng tích lũy chứ không mang đặc trưng thay thế như kỹ thuật,
công nghệ. Trong thời đại cách mạng khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa hiện
nay, chủ nghĩa Mác - Lênin không những không lỗi thời, lạc hậu, mà sẽ tiếp tục
đóng vai trò là kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong
trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân
dân các dân tộc trên thế giới.
Thứ hai, tìm cách phủ nhận, hạ thấp tư
tưởng Hồ Chí Minh, có quan điểm so sánh đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư
tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận cả chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Họ cho rằng, hiện nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với
sự phát triển của lịch sử, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với dân tộc
Việt Nam; chủ nghĩa Mác -Lênin là chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan, thiên về đấu
tranh giai cấp, đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đề cao đoàn kết và
thống nhất, vì vậy, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế chủ nghĩa
Mác - Lênin. Thực chất của luận điệu này là nhằm chia rẽ chủ nghĩa Mác - Lênin
với tư tưởng Hồ Chí Minh, cô lập và phá vỡ từng bộ phận cấu thành trong nền
tảng tư tưởng của Đảng, gây ra sự xáo trộn về ý thức hệ trong các tầng lớp nhân
dân.
Thứ ba, các thế lực thù địch
tiếp tục tuyên truyền thuyết “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, phủ nhận
tính hợp pháp và tính chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, họ yêu cầu
đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013 về hiến định quyền lãnh đạo của Đảng, đòi
thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” vì cho rằng “đa nguyên, đa
đảng sẽ khơi dậy sự sáng tạo của toàn dân, tốt hơn cho sự phát triển của xã
hội”. Bằng luận thuyết, luận điểm này, các thế lực phản động, thù địch muốn phủ
nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận những thành quả mà
Đảng và dân tộc Việt Nam đã giành được trong 94 năm qua; đồng thời qua đó muốn
hợp pháp hóa sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập với Đảng ta. Để khẳng
định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm
90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Ở Việt Nam, không có một
lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí
tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn,
thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác”.
Thứ tư, phủ nhận bản chất
cách mạng, mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Họ cho rằng
sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là do sai lầm của chủ
nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
là sai lầm, chỉ đưa dân tộc vào cảnh “nồi da xáo thịt”, làm cho đất nước ngày
càng tụt hậu xa hơn nữa với thế giới và sẽ thất bại giống như Liên Xô và một số
nước Đông Âu; đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam là chắp vá, không tưởng.
Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế
lực phản động, thù địch, việc tăng cường đấu tranh để bảo vệ chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ
cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách, góp phần giữ vững và tăng cường sự
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng, bảo đảm cho việc xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính
trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã khẳng định: bảo vệ vững
chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm
sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự
giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn
vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Nghị quyết Đại hội
lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch”...(còn tiếp)
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét