Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

NHẬN DẠNG CHIÊU TRÒ "ĐỀ CAO ĐỂ HẠ BỆ"

 

Với âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chính trị ở nước ta, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.

Một trong những luận điệu tinh vi mà chúng thường sử dụng là ra sức đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng lại đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm phá hủy gốc rễ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì thế, chống lại luận điệu xuyên tạc này là một nội dung căn cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.

Sự tinh vi của những giọng điệu phản khoa học

Giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin tồn tại mối quan hệ biện chứng. Chủ nghĩa Mác-Lênin là cội nguồn lý luận cơ bản hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và đều là bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi luận điệu đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin đều là phản khoa học, phản lịch sử.

Trước hết, họ phủ nhận sự tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh với lý do Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải nhà tư tưởng. Mặc dù giá trị, tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm định bằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, được thừa nhận bởi các học giả trong và ngoài nước, những kẻ xuyên tạc vẫn rêu rao rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự tô vẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Việc phủ nhận sự tồn tại và giá trị to lớn, bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh không xuất phát từ lý do khoa học mà từ động cơ chính trị đen tối là làm mất đi sức mạnh nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các đối tượng chống phá còn có một giọng điệu hoàn toàn khác là ra sức ca tụng, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận giá trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Để hạ bệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, họ đã đưa ra nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên, họ vin vào “yếu tố thời đại”, rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ 19, cùng lắm là đầu thế kỷ 20, chỉ thích hợp với văn minh công nghiệp; còn bây giờ nhân loại đã ở thế kỷ 21, trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, sứ mệnh của giai cấp công nhân đã khác đi, vai trò của trí thức “lên ngôi” nên Chủ nghĩa Mác đã trở nên lỗi thời và bị lịch sử vượt qua. Đây cũng là cách lập luận rất hàm hồ bởi cho dù thời đại mà chúng ta đang sống khác rất nhiều so với thời đại mà Mác, Ăngghen, Lênin đã sống nhưng những biến đổi của nó vẫn không vượt ra ngoài những quy luật chung nhất mà Chủ nghĩa Mác-Lênin đã khám phá ra. Với đặc tính mở, Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là lý luận và phương pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội, nhận thức thời đại mà chưa có một chủ nghĩa, học thuyết chính trị nào có thể thay thế.

Sau khi đưa ra nhiều “cơn cớ” đầy tính ngụy biện như vậy, họ đi đến kết luận: Lúc này chỉ cần nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là “đáng giá” và vì thế, cần loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phải khẳng định rằng: Việc đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh và hạ thấp Chủ nghĩa Mác-Lênin thực chất là một âm mưu đen tối, thủ đoạn tinh vi. Sự nguy hiểm của nó nằm ở tính ngụy biện, dễ làm người ta ngộ nhận, tin theo bởi nó “đánh vào” tình yêu lãnh tụ và tinh thần tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, đây thực chất không phải là sự ca ngợi, không phải là đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị của nó mà chỉ là thủ pháp “nâng lên để hạ xuống”, là tìm cách cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi ngọn nguồn lý luận chủ yếu của nó để qua đó làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải kiên định và tăng cường hơn nữa sự vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bởi thực tiễn là nơi kiểm nghiệm mọi chân lý một cách xác thực nhất. Ngược lại, mỗi hành vi sai trái của cá nhân và tổ chức đảng đều là sự tiếp tay cho các thế lực thù địch trong việc tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì thế, việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải gắn chặt với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Bằng sự đúng đắn trong nhận thức cũng như trong hành động, mỗi cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị phải có trách nhiệm tham gia vào việc khẳng định chân lý: Thế giới còn đổi thay nhưng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét