Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Tập trung xây dựng ba nền tảng thể chế, kinh tế, văn hóa, nâng cao hiệu quả, kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Phần 1

Bên cạnh những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, tệ tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hướng tới sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tập trung xây dựng ba nền tảng mang tính chiến lược: thể chế, kinh tế và văn hóa.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua

Tham nhũng luôn luôn là căn bệnh quái ác, không chỉ làm hao hụt ngân sách quốc gia, tiền của của nhân dân, mà còn gây mất cán bộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Đây là vấn đề mà Đảng ta đã nhận thức rõ từ sớm, chưa bao giờ chủ quan, mà luôn cảnh giác ở mức độ cao nhất, bởi nó liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Từ Đại hội VII, Đảng ta đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”, là “thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”; đến nay, đây “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược.

Trước tình hình tham nhũng, tiêu cực diễn biến rất nghiêm trọng, phức tạp, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo trực tiếp, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước. Hơn 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị rất cao, được thực hiện ngày càng bài bản, đi vào chiều sâu; nhờ đó, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp; góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa mạnh mẽ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên; phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề này. Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xác nhận, Việt Nam là một trong số 6 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội, với 42 điểm, tăng 9 điểm kể từ năm 2018. Kết quả này cho thấy nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đồng thời, quá trình tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn 2012 - 2022 đã đúc rút nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá, là cơ sở quan trọng để toàn hệ thống chính trị tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh với vấn nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Bốn mục tiêu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cho dù có những nỗ lực, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và của toàn hệ thống chính trị, thì bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, thậm chí liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã được phát hiện, xử lý thời gian gần đây; không chỉ gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần chú trọng công tác phòng ngừa, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; “phòng” là chính, là cơ bản, lâu dài, “chống” là quan trọng, cấp bách.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”. Có thể thấy, mọi hành động vụ lợi về vật chất, quyền lực, chức quyền của cán bộ, đảng viên thường bắt đầu từ quá trình phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, từ sự hư hỏng, lệch lạc trong đạo đức, lối sống, bị cám dỗ bởi lợi ích, vật chất, trở nên vô cảm trước khó khăn, nỗi đau khổ của nhân dân. Vì vậy, không có giải pháp căn cơ, tối ưu nào để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa hơn là tiến hành phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, thành viên cơ quan công quyền. Do đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần tập trung vào việc giáo dục, uốn nắn nhận thức, ý chí, tư tưởng, đạo đức trong mỗi cá nhân; đồng thời, triệt tiêu, hạn chế tối đa môi trường, điều kiện, động cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Trong những năm tới, công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực phải hướng tới mục tiêu cao nhất là mỗi cán bộ, đảng viên ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị “không thể”, “không dám”, “không cần” và “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Đây chính là bốn mục tiêu cơ bản của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Hơn bao giờ hết, phải làm sao xây dựng được một thể chế chặt chẽ, hướng đến phủ kín các khoảng trống, khe hở để “không thể” tham nhũng; đặc biệt, các quy định phải bảo đảm sự ràng buộc chặt chẽ đối với các quyền hạn, nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, một cơ chế xử lý phải thực sự có tính răn đe, nghiêm khắc, “pháp bất vị thân” để mỗi cá nhân thực sự e ngại, bị răn đe trước những hậu quả nghiêm trọng về mặt chính trị, pháp lý, những tổn hại về danh dự, nhân phẩm, lòng tự trọng nếu có hành vi vi phạm để “không dám” tham nhũng. Cuối cùng là, hình thành một môi trường sống, học tập và làm việc chuẩn mực, nền nếp, khoa học; đặc biệt, chú trọng xây dựng nền văn hóa, đạo đức chuẩn mực, trong đó “người dân có đạo làm người, cán bộ có đạo làm quan, đạo làm tướng” để “không cần, không muốn tham nhũng”... (còn tiếp)

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét