Thời gian qua, nhận thức về vai trò, tầm quan
trọng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, tổ chức đảng và một số vấn đề
khác trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa sâu sắc. Công tác
tuyên truyền chưa thường xuyên nên một bộ phận cán bộ, đảng viên lơ là, thiếu
trách nhiệm, chưa thật sự coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm, lợi dụng
kẽ hở để tư lợi, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước; “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” theo kiểu “tha hóa trong bí mật”, tác động xấu bằng hành vi tham
nhũng, trục lợi chính sách(11).
Một số phương thức, giải pháp chưa thực sự hiệu
quả, còn nặng tính hàn lâm, kinh điển, khi triển khai còn mang tính rập khuôn,
máy móc, hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn của từng ngành, lĩnh
vực, địa phương. Phương thức tuyên truyền, đấu tranh trực diện trên các phương
tiện thông tin đại chúng chưa kịp thời, thậm chí phản ứng chậm với hành vi tiêu
cực, xuyên tạc; một số giải pháp thiếu tính cụ thể, chưa phản ánh những vấn đề
thực tiễn bằng trực quan sinh động, chưa kịp thời phản biện, đấu tranh bằng tấm
gương người thật, việc thật; các minh chứng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng đôi
khi chưa được cập nhật và phản ánh kịp thời nên tạo ra nhiều luồng dư luận,
nhiều cách hiểu trái chiều khiến các thế lực thù địch có cơ hội xuyên tạc, bóp
méo sự thật. Việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật
của Nhà nước ở một số khâu, trong một số trường hợp còn chậm và cách thức triển
khai chưa phù hợp(12).
Việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong công tác
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Vấn đề niềm tin của nhân dân đối với
Đảng được xem là giá trị cốt lõi, quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, trên thực
tiễn, một số nội dung, phương thức, giải pháp để “gieo niềm tin” từ nhân dân
chưa đạt hiệu quả như mong muốn, như nêu gương trong đấu tranh, phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch chưa thật sự nổi bật, chưa đủ sức lan tỏa để
quần chúng “nghe, nói, tin và làm theo”; sự phối hợp của một số cơ quan, đơn
vị, cá nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch còn lỏng lẻo và thiếu hiệu quả. Trên cơ sở chỉ đạo
của Ban Chấp hành Trung ương, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thành lập Ban
Chỉ đạo 35 và có sự phối hợp tương đối tốt; tuy nhiên, sự phối hợp này mới chỉ
trong phạm vi hẹp, chưa có cơ chế ràng buộc rõ ràng nên hiệu quả phối hợp chưa
cao.
Chưa phát huy được giá trị lịch sử của cha ông
về bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức cán bộ. Việc nghiên cứu, học tập
kinh nghiệm nước ngoài trong triển khai nhiệm vụ rất đáng khích lệ, song bên
cạnh đó cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị được đúc kết từ truyền thống
lịch sử dân tộc; từ đó, vận dụng linh hoạt, chọn lọc các phương thức, phù hợp
với điều kiện và bối cảnh trong nước để việc triển khai đạt hiệu quả cao hơn.
Chẳng hạn, Luật Hồi tỵ (1460 - 1497) Hồng Đức quy định 4 vấn đề của người đứng
đầu địa phương là: “không được là người địa phương; không được lấy vợ là người
địa phương; không được mua bán, nhận chuyển nhượng, tặng cho điền thổ ở địa
phương; không được bổ nhiệm vợ, con, thân hữu làm quan ở địa phương”. Đây là
những nội dung cần thiết, có nội dung phù hợp với tình hình phát triển ở nước
ta hiện nay, song lại chưa được chọn lọc để đưa vào pháp luật hiện hành. Do
vậy, thực tiễn đã xảy ra tình trạng “quyền anh quyền tôi”, “cua cậy càng, cá
cậy vây”, tạo điều kiện cho các thế lực phản động, thù địch lợi dụng để xuyên
tạc, bôi nhọ...
Mặc dù Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số
52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó có chỉ đạo cụ thể về vấn đề
hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và
quá trình chuyển đổi số quốc gia, song quá trình này vẫn chưa đạt kết quả như
mong muốn. Đặc biệt, việc số hóa dữ liệu về Đảng, Nhà nước và nhân dân còn
chậm, thiếu rất nhiều cơ sở dữ liệu (do lạm dụng chế độ bảo mật, không đưa lên
cơ sở dữ liệu quốc gia, ngành, địa phương hoặc thiếu trách nhiệm chia sẻ cơ sở
dữ liệu,...) chính là kẽ hở để các thế lực thù địch số hóa các dữ liệu giả,
dùng công nghệ số để tích hợp, phân tích, tạo ra các dữ liệu xuyên tạc lịch sử,
bóp méo sự thật... hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét