Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Then chốt phải chặt

 

Cách mạng Tháng Tám thành công đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đưa chính quyền lại cho nhân dân, xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thắng lợi và hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta ngày nay có cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao. Thành tựu vĩ đại đó đạt được là do tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường và lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, cán bộ giữ vai trò then chốt của then chốt.

Chỉ với khoảng 5.000 cán bộ, đảng viên, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân cả nước nhất tề đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi. Các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, dù chúng mạnh đến đâu do Đảng ta với những cán bộ tài năng, cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đều giành thắng lợi. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng giành được trong những năm qua đều có sự đóng góp quyết định bởi những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Không có đội ngũ cán bộ như vậy, liệu có giữ vững được vai trò tiên phong dẫn dắt của Đảng? liệu có giữ gìn, phát huy được thành quả cách mạng trong giai đoạn cách mạng mới?  

Tuy nhiên, những năm gần đây, then chốt đã không còn được chặt chẽ như trước đây. Vì sao vậy? Chính là bởi trong Đảng xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Những đại án được đưa ra xét xử gần đây cho thấy mức độ vi phạm của cán bộ lãnh đạo, quản lý rất nghiêm trọng.

Nhận thức nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng, chế độ, thành quả cách mạng, với quyết tâm chính trị cao, Đảng ta quyết liệt tạo đột phá trong xây dựng Đảng - trước hết về công tác cán bộ, tạo bước ngoặt chống “giặc nội xâm”, xiết chặt then chốt của then chốt. Xác định chính quyền lực làm tha hoá cán bộ khi họ không đủ bản lĩnh vượt qua mọi cám dỗ, ngày 11-7-2023, BCH Trung ương ban hành Quy định 114-QĐ/TW năm 2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế Quy định 205-QĐ-TW năm 2019. Quy định 114 có nhiều khả năng đưa lại hiệu quả tích cực, siết chặt hơn then chốt là bởi có nhiều điểm mới, cụ thể hơn, rõ ràng hơn:

Quy định 114 đã mở rộng phạm vi hơn so với Quy định 205 đó là: Quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.

Với Quy định 114, đối tượng áp dụng được bổ sung là “tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ", xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong công tác cán bộ khác với khi Quy định 205 đối tượng áp dụng chỉ là là “tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ” . Quy định số 114 dành hẳn 1 chương (Chương II) với 3 điều (Điều 3, Điều 4, Điều 5) để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Điều 3, Quy định số 114 nêu 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Các hành vi cơ bản kế thừa một số hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền được quy định tại Điều 11, Quy định 205. Quy định 114 bổ sung một số hành vi mới đó là: lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Kế thừa Quy định 205 về hành vi chạy chức, chạy quyền, Quy định 114 bổ sung thêm các hành vi: chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

Quy định 114 bổ sung thêm một số hành vi tiêu cực khác như: thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền xử lý; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ; báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực; trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ…

Quy định 114 được bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ... Đặc biệt, Khoản 5, Điều 6, hoàn toàn mới, quyết liệt hơn khi khi quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: “Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương”.

Để giữ vững và phát huy thành quả Cách mạnh Tháng Tám, giữ vững nền độc lập dân tộc, Đảng cần có lực lượng cán bộ đủ đức, tài, thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bộ Chính trị ban hành Quy định 114 với nhiều điểm mới, bổ sung so với Quy định 205 chẳng những tạo nên sự thống nhất với các quy định về công tác cán bộ hiện nay mà còn là bước tiến mới nhằm xiết chặt hơn công tác cán bộ - then chốt của then chốt. 

Gần đến đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, công tác nhân sự càng phải được làm chặt chẽ, bài bản hơn nữa để lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài lãnh đạo đất nước.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét