Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nhân quyền (kỳ 2)

 

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền hiện nay

Thứ nhất, vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nhân phẩm, nhân quyền theo hướng: nhân quyền vừa mang tính phổ quát của nhân phẩm, vừa mang tính đặc thù của điều kiện xã hội tạo nên nhân phẩm. Nhân quyền không giới hạn chỉ ở khía cạnh thực thể tự nhiên - xã hội, mà mang bản chất “tổng hòa các quan hệ xã hội” (C.Mác), trước tiên là quan hệ pháp lí, của nhân phẩm và được biểu hiện ở nhân cách văn hóa.

Thứ hai, vận dụng tư tưởng về mối quan hệ qua lại giữa bảo đảm quyền dân tộc - quốc gia với tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền lợi của các cá nhân và các các cộng đồng trong nước. Thực tế sự nghiệp đổi mới đã giải quyết khá tốt nhưng lại chưa thấy hết được giá trị của mối quan hệ biện chứng này. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay phải nhận thức và thường xuyên ý thức được việc thực hành, giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng đó; trong đó việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền của người dân và các cộng đồng lớn nhỏ chính là cơ sở bảo đảm quyền độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước.     

Thứ ba, vận dụng tư tưởng về “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” nhằm “sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền” (cải biến xã hội để thực thi nhân quyền). Kết quả vận dụng chính là việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế thực hiện thể chế của dân, do dân, vì dân. Chẳng hạn, mới chỉ quan tâm đến xây dựng thể chế pháp quyền của bộ máy nhà nước, mà chưa đồng thời quan tâm xây dựng, phát triển thể chế pháp quyền của công dân trong quan hệ với Nhà nước và xã hội với tính cách là nền móng và mục đích của thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN do Nhân dân là chủ - làm chủ.

Do đó, cần tiếp tục thể chế hóa trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở cả 3 phương diện: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; trách nhiệm của văn bản quản lí hành chính nhà nước. Đồng thời, coi trọng thực thi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, trước hết nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở cơ sở và nâng cao năng lực phản biện, giám sát xã hội của các tổ chức xã hội, nhất là của báo chí và mạng in-tơ-nét. Hiện còn không ít cơ quan và doanh nghiệp chưa quan tâm thích đáng đến việc thực hiện Luật này ngay tại địa phương, lĩnh vực hoạt động của mình. Từ đó thiếu sự phối hợp thực hiện dân chủ một cách thống nhất, đồng bộ giữa cán bộ, người dân ở cấp xã với cán bộ, viên chức ở cơ quan, doanh nghiệp.

Đặc biệt trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với thế và lực mới, cần khắc phục ngay hạn chế trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền. Đó là: (i) tránh nhầm lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh về phê phán nhân quyền dưới chế độ tư sản, thực dân phong kiến trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc với quyền làm chủ trong giai đoạn đi lên CNXH; (ii) chú ý đúng mức tính sáng tạo trong bảo đảm nhân quyền phù hợp với điều kiện của đất nước; (iii) coi trọng đúng mức việc bảo đảm “tài quyền” gắn với nhân quyền và dân quyền như Nghị quyết của quốc dân Đại hội Tân Trào (16-17-8-1945) đã xác định [6].

Trong bối cảnh nhận thức về quyền con người ngày càng nâng cao, việc bảo đảm, thúc đẩy các quyền công dân cần gắn với quyền con người theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và tinh thần của Hiến pháp 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.129.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.413.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.317.

[4] C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t.3, tr.11.

[5]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. XXVI

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.559.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét