Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

THỜI KỲ HÙNG VƯƠNG ĐÃ TẠO DỰNG TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM!

     Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn có thật trong lịch sử dân tộc ta, được phản ánh trong truyền thuyết, trong thư tịch cổ và chứng thực qua hàng loạt di tích khảo cổ học. Đó là thời kỳ ra đời và phát triển của một nền văn minh cổ xưa của người Việt, thời kỳ hình thành nhà nước phôi thai đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - Nhà nước Văn Lang!

Dựa vào các tài liệu và những thành tựu nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương, có thể đoán định Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng ra đời vào khoảng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Nhà nước Văn Lang đóng đô ở Phong Châu (nay là xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), đứng đầu là Hùng Vương. Hùng Vương là người chỉ huy quân sự, chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, chủ trì các nghi lễ tôn giáo, đồng thời trực tiếp dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, chống thiên tai, địch họa...

Sự ra đời của Nhà nước Văn Lang dù còn sơ khai, nhưng đã đánh dấu một bước phát triển có ý nghĩa thời đại của lịch sử Việt Nam - mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc. Thời kỳ Hùng Vương đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước Việt Nam, lưu truyền đến muôn đời sau.

Để ghi nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng, từ xa xưa nhân dân ta đã lập đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh (Đền Hùng ngày nay) ở thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Năm 1874, vua Tự Đức sai Tổng đốc Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) Nguyễn Bá Nghi trùng tu lăng, đặt lệ quốc tế Hùng Vương vào mùa thu. Năm 1917, Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đề nghị triều đình cho tổ chức lễ tế Hùng Vương vào mùng 10 tháng 3 âm lịch. Từ đó, ấn định lệ quốc tế Hùng Vương vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, tuy nhiên nhân dân hành hương tưởng niệm các Vua Hùng diễn ra nhiều tuần trước, trong và sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, tri ân công lao to lớn của các Vua Hùng. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN, cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương hướng về cội nguồn dân tộc. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước dâng tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm để kính báo với tổ tiên họa x.âm l.ăng và ý chí quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng vào ngày 19/9/1954 và ngày 19/8/1962. Tại đây, Người căn dặn: “Vua Hùng là người có công dựng nước ta. Như vậy Vua Hùng chính là ông Tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn. Con cháu thì phải nhớ đến tổ tiên. Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước! Đó mới chính là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ tổ tiên vậy”. Người còn nhắc nhở: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những giá trị truyền thống dựng nước và giữ nước thời kỳ Hùng Vương càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phát huy cao độ. Ngày 6/11/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP về nghi lễ nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài. Theo đó, Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch) là 1 trong 5 ngày lễ quan trọng của đất nước, được tổ chức theo nghi lễ năm lẻ, năm tròn và năm chẵn. Ngày 11/4/2007, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Luật sửa đổi bổ sung điều 73 của Bộ luật Lao động, cho phép người lao động được nghỉ 1 ngày làm việc và hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) hàng năm.

Hiện nay, cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời kỳ Hùng Vương. 
Với những nét văn hóa đặc sắc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét