Trợ cấp học nghề cho lao động thất nghiệp còn thấp

Chính sách hỗ trợ lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tham gia và hoàn thành các khóa học nghề miễn phí, có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động (NLĐ) sớm chuyển đổi nghề nghiệp, đủ năng lực tái hòa nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong 3 năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm có nhiều biến động. Cụ thể, trong tổng số khoảng 85.000 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp 3 năm qua, chỉ có 1.665 người (chiếm tỷ lệ chưa đến 2%) đăng ký và hoàn thành các khóa đào tạo nghề.

Vì sao người lao động chưa mặn mà?
Thí sinh thực hành tại Kỳ thi Kỹ năng nghề TP Hà Nội, tháng 12-2023. Ảnh: VIỆT HÙNG 

Lý giải nguyên nhân trên, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 khiến nhiều lớp học không thể tổ chức đào tạo trực tiếp, trong khi đó, đặc thù đào tạo nghề phải gắn chặt giữa lý thuyết và thực hành, không thể đào tạo trực tuyến đơn thuần. Thêm vào đó, từ tháng 6-2023, trung tâm tạm dừng đào tạo nghề, chuyển đổi chương trình giảng dạy từ đào tạo nghề sơ cấp sang chương trình đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng. Quá trình chuyển đổi khiến công tác đào tạo nghề bị gián đoạn, do đó, số lượng học viên năm 2023 giảm rõ rệt so với năm 2022.

Là một trong những đơn vị phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong công tác tư vấn, tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp đối với lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, 3 năm qua, Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội đã đào tạo 172 học viên thuộc diện này. Trong đó, có 130 học viên tốt nghiệp, được nhà trường giới thiệu việc làm, trở lại thị trường lao động với mức thu nhập ổn định từ 8 đến 15 triệu đồng/người/tháng. 

Tuy nhiên, Hiệu trưởng nhà trường Trần Việt Hùng chia sẻ, do số lao động đăng ký học nghề thường không tập trung về thời gian đào tạo, gây khó khăn cho nhà trường trong việc tiếp nhận học viên, mở các lớp đào tạo. Bên cạnh đó, so với mức học phí của đa số nghề, mức trợ cấp kinh phí cho NLĐ thất nghiệp học nghề còn thấp, học viên phải bù thêm học phí để tham gia học một số nghề. Cùng với đó là chi phí nhà ở, sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố khiến một số lao động gặp khó khăn với việc học nghề, dẫn đến bỏ dở khóa học... 

Mở rộng quy mô hợp tác, đa dạng hóa ngành nghề

Từ thực tiễn đào tạo, để giúp NLĐ thất nghiệp sớm tái hòa nhập thị trường lao động, ông Trần Việt Hùng cho rằng, bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu thị trường lao động, cũng như nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp theo chiến lược phù hợp. Đơn cử, với đối tượng lao động phổ thông, nên chú trọng tư vấn học nghề sơ cấp. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ biết đến lợi ích của chính sách hỗ trợ học nghề; đồng thời, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo nhằm thu hút NLĐ tham gia.

Còn Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Thăng Long Tạ Văn Xã đề xuất giải pháp tăng cường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để NLĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình được hỗ trợ học nghề có thể sớm thực tập tại các doanh nghiệp, được thực hành trong môi trường làm việc thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn, qua đó, các nhà tuyển dụng sẵn sàng hơn trong việc tiếp nhận học viên của trường sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo. 

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử-Điện lạnh Hà Nội Trần Xuân Ngọc cho rằng, lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp đa dạng về độ tuổi, trình độ, địa điểm cư trú phân tán, vì vậy, việc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội nên mở rộng thêm diện các cơ sở hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.

Trước các bất cập liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu phương án hỗ trợ NLĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp về tiền đi lại, ăn trưa, cũng như nâng mức hỗ trợ học phí cho phù hợp thực tế đối với một số ngành nghề hiện nay.

Giai đoạn 2015-2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề. Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp, mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có sự hỗ trợ khác trong thời gian học nghề như chi phí ăn ở, đi lại... dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những đối tượng ở xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

MINH THU

nguồn báo QĐND