Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

BÁT NHÁO “THỢ SĂN” TEMU


Temu - Ứng dụng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới đổ bộ vào Việt Nam đang gây ra một cơn sốt cho các tín đồ mua sắm trực tuyến. Với kho hàng khổng lồ giá rẻ, hình thức linh hoạt, giao hàng nhanh chóng và đặc biệt là chính sách săn hoa hồng khủng đã khiến hàng triệu người “say men” vào lốc xoáy Temu…
Cơn sốt hoa hồng
Các nhóm mở, nhóm đóng, kiếm tiền qua mạng, làm việc từ xa... không khí sôi động không kém với các thông tin cơ hội kiếm tiền, những con số tiền triệu, trăm triệu được chỉ ra khi tham gia với Temu. Đăng ký và giới thiệu sản phẩm, làm fanpage đặt link như sàn thương mại điện tử Shopee, giới thiệu các đại lý khác và ăn 20% nếu đại lý cấp dưới phát sinh hoa hồng, giới thiệu người dùng app (ứng dụng) được 150.000 đồng và nhận được 10-30% tiền hoa hồng cho các đơn hàng được đặt bởi người dùng mới mà bạn giới thiệu…
Trước sức mê dụ từ tiền thưởng mà Temu quảng cáo như trên, các tín đồ mua sắm online đã hoạt động hết công suất để mời gọi, chiêu mộ người tải ứng dụng và chia sẻ liên kết. Trên trang cá nhân của mình, chị Ngọc Hân (ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) khoe về khoản tiền 9 triệu đồng chị kiếm được chỉ trong một ngày làm cầu nối Temu.
“Kiếm tiền rất đơn giản, mình chỉ việc ngồi ở nhà nhắn tin cho bạn bè, người thân hướng dẫn họ tải ứng dụng về. Bản thân người tải app cũng được nhận 50.000 đồng tiền thưởng. Càng nhiều người tải thì hoa hồng cứ thế nhân lên. Nếu người thứ hai giới thiệu được khách hàng mình cũng được hưởng hoa hồng theo cấp độ đại lý số 1”, chị Ngọc Hân hào hứng chia sẻ khi chúng tôi hỏi về Temu.
Vốn làm kinh doanh bán quần áo online, từ ngày có Temu, chị Ngọc Hân đã nghỉ hẳn các phiên live để dành thời gian tìm kiếm khách hàng, chiêu mộ họ tải ứng dụng Temu. “Tìm được 10 người tôi có tiền triệu, trăm người tôi kiếm được chục triệu ngon lành mà không phải mất một đồng nào”, chị Ngọc Hân khoe.
Mỗi khách hàng mà chị Hân giới thiệu cài ứng dụng thành công sẽ nhận 150.000 đồng, khi họ mua hàng từ Temu, mỗi đơn hàng chị Ngọc Hân lại được thưởng từ 10 -30% hoa hồng. Cụ thể, tiền hoa hồng được tính dựa theo khoản thanh toán thực tế của giao dịch. Với một đơn hàng dưới 1,24 triệu đồng, người giới thiệu được hưởng 10%; đơn hàng 1,25-2,49 triệu đồng, được hưởng 20% và đơn hàng từ 2,5 triệu đồng trở lên người giới thiệu sẽ được hưởng 30%. Con số này cao hơn tỷ lệ hoa hồng của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, do đó đã tạo ra làn sóng bàn luận, chia sẻ link giới thiệu khắp các diễn đàn, cộng đồng mạng xã hội mấy ngày qua.
Chưa hết, trò chơi có thưởng còn phát triển mạnh bằng chiêu thức tiếp thị liên kết Affiliate. Nếu bạn mời ai đó tham gia chương trình tiếp thị liên kết, bạn đủ điều kiện nhận 20% tiền hoa hồng thứ cấp trên thu nhập của họ. Hơn nữa, Temu cung cấp cuộc đua xếp hạng 30.000.000 đồng nơi top 20 tiếp thị liên kết hàng đầu có thể giành được tiền thưởng…
Chỉ sau một ngày tung ra màn thưởng cao ngây ngất, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ rầm rộ thông tin này và khoe thu nhập khủng lên tới hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn từ việc tham gia Affiliate cho Temu. “Sau một tiếng chia sẻ link Affiliate từ Temu em kiếm ngay 5 triệu đồng, chưa kể mọi người mua hàng trên ứng dụng em cũng được hoa hồng đơn hàng từ 10-30% nữa”, chị Thanh Thúy (ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh), trưởng nhóm kinh doanh Câu lạc bộ Team Hồng cho biết. Chỉ sau một ngày trải nghiệm cuộc chơi Afiliate của Temu, chị Thúy nhận số tiền thưởng là hơn 21 triệu đồng.
Kiếm tiền quá dễ, làm giàu quá nhanh, hội chị em của Thanh Thúy đã bỏ hết công việc tỏa ra đi tìm đối tác nhằm xây dựng chuỗi kết nối trải dài khắp nơi. “Mình chỉ cần nắm trong tay 100 đầu mối có ứng dụng và mua sắm thường xuyên trên Temu thì mình chẳng phải làm gì cả mà mỗi ngày có tiền triệu”, chị Thúy phấn khởi tưởng tượng.
Tuy nhiên, tất cả những gì mà người săn tiền thưởng Temu khoe khoang vẫn chỉ dừng lại ở những con số…
Đỏ mắt chờ tiền thưởng
Đối với tiền thưởng 150.000 đồng/người tải app, sẽ không thể rút được cho đến khi người dùng này đủ điều kiện mua hàng trên ứng dụng Temu. Kể cả sau khi đủ điều kiện, thì tiền thưởng này rất khó đổi lấy tiền mặt. Người giới thiệu chỉ dùng được tiền hoa hồng khi mua lại hàng trên Temu, hoặc có tài khoản để rút qua một ví điện tử trung gian (một dịch vụ trung gian dùng để thanh toán và chuyển tiền quốc tế).
"Nhưng không phải người Việt Nam nào cũng có ví điện tử này. Bởi tạo tài khoản cần nhiều điều kiện, như thẻ visa, trên 18 tuổi, từng mua sắm hoặc thanh toán quốc tế… Mặt khác, nếu bất kỳ người dùng ứng dụng mới nào không thực hiện giao dịch mua đủ hàng trên ứng dụng Temu, thì tiền thưởng sẽ bị Temu hủy bỏ. Đó là lý do không dễ mà ăn tiền của ông lớn và tiền cũng không phải ngồi ở nhà lướt mạng là có”, anh Minh Thành, đại lý cấp 1 của Temu từng giới thiệu được hơn 50 lượt tải ứng dụng chia sẻ.
Anh Thành cho biết thêm, người giới thiệu sẽ được nhận thêm từ 10-30% giá trị của 10 đơn hàng đầu tiên nếu người dùng mua hàng qua app trong thời gian 30 ngày. Sau 30 ngày, số tiền này sẽ tự mất nếu người dùng mới không mua hàng hoặc xóa bỏ ứng dụng. Bởi vậy, tải ứng dụng thì dễ, chỉ cần có điện thoại thông minh là được và ai cũng có thể tải về, nhưng không phải cứ tải app thành công là người đó sẽ mua hàng. Trong mười người dùng app, có khi chỉ được hai đến ba người, nhưng không phải ai cũng có tiền để mua thường xuyên. “Tiền gọi là nhiều nhưng thực tế thì không có, chỉ số ít những người buôn bán online có mạng lưới khách hàng lớn thì may ra lấy được tiền từ hình thức này, nhưng cũng đỏ mắt, trầy da tróc vảy”, anh Thành mật mí.
Quay trở lại trường hợp chị Thanh Thúy, chị Ngọc Hân, những đại lý cấp 1 của Temu đang náo nức quảng bá, giới thiệu để săn tiền thưởng, khi chúng tôi hỏi việc nhận tiền thưởng ra làm sao. Chị Thanh Thúy bộc bạch: “Chúng em vẫn đang chờ đủ số ngày theo chính sách để nhận thưởng. Các con số hoa hồng vẫn được cộng lại theo từng ngày”. Còn chị Ngọc Hân ban đầu khoe rất nhiệt tình về mức tiền nhận được nhưng cũng phải thú thật là chưa được cầm trong tay một đồng tiền mặt nào.
Thực tế không như quảng cáo
Đối với giá rẻ bất ngờ, giao hàng nhanh gọn từ Temu như quảng cáo, sau thời gian trải nghiệm, nhiều người đã vỡ mộng. Cách đây một tuần, chị Nguyệt Nga (quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã đặt 3 chiếc áo thun cổ tròn với giá 130.000 đồng/cái và được cửa hàng hẹn nhận hàng trong vòng 3 -5 ngày. “Đúng 6 ngày tôi nhận được hàng, kiểm tra thì không đúng với mẫu quảng cáo, áo rất mỏng, vải thô và xù lông. Chất lượng như vậy còn không bằng mua ở chợ nên tôi đã trả hàng gửi theo đường bưu cục, Temu cũng thông báo sẽ hoàn tiền vào tài khoản ngay sau khi đơn vị vận chuyển tiếp nhận đơn hoàn”, chị Nguyệt Nga chia sẻ về lần đầu đặt hàng Temu.
Cùng cảm giác như chị Nga, sau khi đặt đơn hàng là bộ quần áo thể thao với giá 220.000 đồng trên Temu, chị Lệ Viên (ngụ Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) cho biết đã thất vọng vì chất lượng thực tế không tương xứng với giá tiền: “Tôi cắn răng nhận hàng cho xong chứ trả lại thì đến bao giờ mới nhận được tiền hoàn. Xem như một lần trải nghiệm cho biết với thiên hạ”. Thực tế, không chỉ chị Lệ Viên, một số người dùng cũng đánh giá các sản phẩm kinh doanh trên Temu, không hề rẻ như quảng cáo, đa phần là mẫu không thương hiệu và chất lượng khá tệ, các sản phẩm được giao chỉ đạt về hình thức khoảng 60%.
Tuy nhiên, dù có những phản ứng trái chiều nhưng hiện tại Temu vẫn đang trở thành chủ đề mới lạ, thu hút hàng triệu người tò mò muốn trải nghiệm thực tế mua sắm trên ứng dụng. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, sàn thương mại điện tử Temu thời gian gần đây quảng cáo rầm rộ, hàng hóa giảm giá sâu, có mặt hàng giảm đến 70%, rẻ hơn so với mặt bằng.
Đại biểu Cường cho rằng nếu không có giải pháp kiểm soát, người tiêu dùng sẽ mua hàng qua các kênh thương mại điện tử giá rẻ, chưa được kiểm soát chất lượng. Việc này có nguy cơ hàng hóa giá rẻ triệt tiêu hàng sản xuất trong nước. Khi đó, các cửa hàng kinh doanh trong nước gặp khó khăn, sẽ phải đóng cửa khi người dân mua hàng giá rẻ qua mạng. Đồng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, việc Temu chưa đăng ký với cơ quan chức năng Việt Nam mà tự hoạt động giao dịch, bán hàng tại Việt Nam là vi phạm các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, sự việc này cũng chỉ bị xử lý hành chính.
"Các chiêu trò bán hàng giá rẻ, kêu gọi người tham gia bán hàng với mức chiết khấu lớn, lãi không tưởng đã đem lại ích lớn cho Temu và sàn thương mại có xuất xứ từ Trung Quốc. Thương mại điện tử là xu hướng của thế giới, nhưng phải được đặt trong quy định về quản lý thuế, cạnh tranh lành mạnh, hàng hoá phải đảm bảo chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng”, bà Phong Lan đánh giá đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước "cần hành động ngay" trước vấn đề này.
Liên quan đến Temu, ngày 26/10, Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Bộ Công thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động.
Bộ này giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử. Trong quá trình xử lý vi phạm, các vướng mắc về cơ chế xử lý, về quy định pháp luật điều chỉnh cần được rà soát, đánh giá để kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
St
Thích
Bình luận
Gửi
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét