Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Nhân đạo hóa con người


Không ngẫu nhiên mà từ nhiều năm nay, nhân loại lấy ngày 8-5 hằng năm là Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, với mong muốn tôn vinh và chia sẻ, lan tỏa những việc làm nhân đạo, tốt đẹp dành cho con người.

Văn học nghệ thuật chân chính luôn đặt việc nhân đạo hóa con người vào vị trí trung tâm. Là tiếng nói của tình cảm, văn chương lấy hình tượng đậm chất cảm xúc làm phương tiện để đánh thức và nhân lên cảm xúc nhân văn nên phải lấy con người làm gốc. Trước nay một tác phẩm giá trị luôn hướng con người đến cái cao cả, cái thiện, cái tốt, cái đẹp. Tình yêu con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu cũng là nguồn cảm hứng căn bản nhất thúc đẩy các nhà văn miêu tả, phản ánh, sáng tạo.

Ngày nay thế giới coi sự biết lắng nghe nhau là một yếu tố của khoan dung hòa giải văn hóa. Đó cũng là một biểu hiện của tính người, là sự thể hiện cụ thể tinh thần dân chủ, bình đẳng giữa người với người.

Nhưng biết lắng nghe là cả một năng lực văn hóa bởi về bản chất đấy là một quá trình tiếp nhận, do vậy, phải có vốn sống, vốn tri thức, chính trị… để phân tích, tiếp nhận, phản biện. Trong cuộc đối thoại văn hóa toàn cầu thì nghe và biết lắng nghe là những cơ sở mang tính nền tảng quan trọng. Vì có thấu hiểu về nhau mới thấu cảm lòng nhau. Hồ Xuân Hương là nhà thơ nhân đạo lớn ở chỗ bà đã chứng minh một quy luật nghệ thuật, nghệ sĩ trước hết phải biết lắng nghe bước đi, dù nhỏ nhất của sự vật mới có thể nắm bắt được bản chất cuộc sống. Điều này lý giải thơ bà rất nhạy cảm với hình tượng âm thanh. Hai chữ văng vẳng không chỉ văng vẳng trong thơ mà còn văng vẳng cái đau khổ, cái bất lực, cái khát khao bị kìm nén ở thời đại ấy: Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom; Canh khua văng vẳng trống canh dồn; Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng. Và còn biết bao nhiêu từ tượng thanh khác, có bài được âm thanh hóa từ sự vật vô thanh: Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om. Đấy là Hồ Xuân Hương lắng nghe tiếng lòng mình cay đắng để mà đối thoại với “thân” chưa chịu già. Vì vậy mà hình tượng không gian đêm khuya lại xuất hiện nhiều trong thơ “Bà Chúa thơ Nôm”...

Do phải sống trong 4 bức tường nhà lao nên người tù Hồ Chí Minh tiếp xúc với thế giới bên ngoài chủ yếu bằng thính giác, cũng đồng thời lắng nghe mình nhiều nhất nên âm thanh trong “Nhật ký trong tù” là một hình tượng đặc biệt. Trong đêm tối xà lim người tù vĩ đại bỗng nghe thấy một tiếng sáo nhớ quê. Âm thanh ấy trở thành khúc đồng vọng của những tâm hồn. Nước non xa cách ngàn trùng, nỗi nhớ khôn nguôi, cảm thương vô hạn, vợ người tù bước lên một tầng lầu nữa, cố nhìn trong vô vọng hình bóng người chồng. Truyền thuyết nước Việt kể nàng “Vọng phu” trèo lên tận đỉnh núi cao ngóng chồng trong khắc khoải chờ đợi mỏi mòn bao năm tháng. Cùng hoàn cảnh ấy, tâm trạng ấy, nàng “Vọng phu” phương Bắc cũng cố trèo lên lầu cao. Với sự đồng cảm sâu sắc nhà thơ Hồ Chí Minh đã tạc bằng ngôn ngữ thơ một hình tượng “nàng Tô Thị” xứ Trung Hoa. Thì ra văn chương không có biên giới bởi cùng một mẫu số chung là tình thương.

Nhà thơ nghe thấy tiếng khóc của đứa bé nửa tuổi, khóc trong tù ngục nên tiếng khóc trở nên đặc biệt. Vì “Cha trốn không đi lính nước nhà!”. Bao ý nghĩa toát lên từ hình tượng này: Là sự mỉa mai đả kích xã hội thật thiếu công bằng; là phê phán thói dã man đối với phụ nữ; là lên án đả kích xã hội phi nhân tính bắt cả đứa trẻ mới đẻ vào tù. Phải có một tâm hồn giàu yêu thương, giàu lòng trắc ẩn, khoan dung và luôn tôn trọng con người mới có thể biết lắng nghe lòng con trẻ… Không có sự mẫn cảm của một thiên tài nghệ thuật không thể nghe được như vậy. Nhà thơ Hồ Chí Minh sâu sắc, tinh tế và nhân ái biết bao!

Đó là những tiếng thơ làm con người lớn lên về lòng yêu thương, về tình người, lòng cảm thông, sự sẻ chia...

Làm gì để văn chương hôm nay “nhân đạo hóa” con người đậm đà hơn, tinh tế hơn? Phải đằm sâu vào cuộc đời lấy cái tốt đẹp nhân lên cái tốt đẹp, lấy sự yêu thương nhân lên sự yêu thương. Phải biết nâng đỡ những mảnh đời thiếu may mắn. Phải tìm thấy vẻ đẹp vàng ngọc trong những tấm lòng chân chất chân quê. Phải tránh xa, tẩy trừ những thứ văn chương rẻ rúng, hạ thấp con người...

Có thể khẳng định rằng, thời nào cũng vậy, nhân đạo hóa con người-đó là sứ mệnh cao cả và cái đích đến của văn chương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét