Năm 1943, từ khi cách mạng Việt
Nam còn trong trứng nước, Đảng ta đã có Đề cương Văn hóa với những nguyên tắc
có sức sống trường tồn. Đề cương Văn hóa năm 1943 lúc đó tập trung vào nhiệm vụ
cách mạng trước mắt là đưa văn hóa Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng nô dịch của văn
hóa thực dân và phát xít, biến văn hóa Việt Nam từ chỗ bị động và tiêu cực trở
thành một nhân tố tinh thần lớn mạnh trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Đề
cương đã gắn liền nhiệm vụ giải phóng kinh tế, chính trị cho xã hội với nhiệm vụ
giải phóng cho con người.
Tháng 11-1946, tại Hội nghị Văn
hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, trong diễn văn
khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc
của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời
phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa
mới Việt Nam với 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị
trí, ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng
con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh
đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Luận điểm này trở thành
nguyên tắc chi phối, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá
trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc,
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ nhận thức sâu sắc về một trong
những đặc điểm ưu việt của chủ nghĩa xã hội là tính nhân văn, trong sự nghiệp của
mình, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vấn đề xây dựng văn hóa, xây dựng con người.
Và đó cũng là cơ sở lý luận-thực tiễn quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng
định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực
thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).
Trong giai đoạn mới của sự nghiệp
cách mạng, Đảng ta tiếp tục tiếp thu quan điểm về văn hóa, con người của Hồ Chí
Minh, đồng thời sáng tạo, bổ sung một số tiêu chí mới phù hợp yêu cầu phát triển.
Đó là “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người
Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, “Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người
với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước”. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày
22-10-2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã khẳng
định, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu
quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn
của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Trong thời kỳ đổi mới chúng ta
đã đi qua, văn hóa ngày càng có được sự gắn kết chặt chẽ hơn với các lĩnh vực của
đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và tạo
nên những thành tựu về KT-XH, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… của đất nước. Tuy
nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: So với yêu cầu ngày càng cao của
công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu và
tiến bộ mà chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực phát triển văn hóa chưa thực sự
vững chắc; văn hóa chưa khẳng định được sức mạnh tạo dựng một nền tảng tinh thần
xã hội có khả năng miễn nhiễm trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường,
trước sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai. Những sản phẩm văn hóa “made
in Vietnam” còn thiếu sức cạnh tranh, thậm chí bị lấn át ngay tại thị trường nội
địa. Những luồng văn hóa-tư tưởng ngoại lai vẫn tác động tiêu cực đến lối sống
của một số lượng không nhỏ người dân Việt, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu
niên. Từ đó, phát sinh ra nhiều hành vi phản văn hóa, ảnh hưởng đáng kể tới
công cuộc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét