Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

ĐỂ CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO THẬT SỰ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN

 ĐỂ CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO THẬT SỰ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận và đấu tranh trên lĩnh vực thông tin diễn ra gay gắt hằng ngày, hằng giờ như hiện nay, cùng với biết bao những vấn đề vô cùng mới mẻ của thời đại chúng ta đang sống, những đòi hỏi đặt ra cho đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo càng nặng nề và cấp thiết.

Ngày 1-8 hằng năm, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo có dịp ôn lại truyền thống vẻ vang. Ngày này cách đây hơn 94 năm, nhân ngày Quốc tế đỏ 1-8, Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8”, kêu gọi quần chúng hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân chống chiến tranh đế quốc. Ngày này là dấu mốc Đảng ta đã thành lập một tổ chức đứng ra chăm lo công tác tuyên truyền, tư tưởng, lý luận của Đảng. Thực tế, các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cơ sở tư tưởng và lý luận tiến tới thành lập Đảng đã có từ sớm hơn. Trên phương diện báo chí, tờ “Thanh Niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra đời từ năm 1925, cách đây 99 năm.

Đến nay, các Ban tham mưu của Đảng và Văn phòng cấp ủy đều có ngày truyền thống của mình. Trong những ngày ấy, có lẽ ngày ra đời của Ban Tuyên giáo là sớm hơn cả. Từ khi Đảng chưa thành lập thì công tác tuyên truyền, tư tưởng của Đảng đã được triển khai. Người đầu tiên tổ chức công việc lớn lao và quan trọng ấy là đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - lãnh tụ kính yêu của Đảng ta và nhân dân ta.

Từ năm 1930 đến nay, tên gọi của cơ quan làm công tác tuyên giáo nhiều lần thay đổi: Ban Cổ động, Tuyên huấn, Tuyên giáo, Tư tưởng - Văn hóa, hiện nay là Tuyên giáo, nhưng vai trò, chức năng không đổi. Nhiệm vụ bao trùm và xuyên suốt của công tác tuyên giáo qua các thời kỳ là bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, nhân sinh quan, thế giới quan cho con người. Trong sự nghiệp cao cả, lâu dài và khó khăn đó luôn có xây và chống. Xây cái tốt đẹp, lành mạnh, tiến bộ. Chống cái xấu, cái tiêu cực, cái lạc hậu và những gì cản trở việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng của chúng ta. Đây là công tác gắn trực tiếp với việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng con người, nhằm cải tạo và thúc đẩy lịch sử xã hội tiến lên phía trước.

Những người làm công tác tuyên giáo tự hào về truyền thống vẻ vang, về lớp người đi tiên phong trong lĩnh vực tuyên truyền, tư tưởng. Điều làm cho chúng ta vui sướng, tự hào hơn tất cả là chúng ta đang phấn đấu cho một lý tưởng cao đẹp nhất - lý tưởng giải phóng loài người - dù chúng ta luôn ý thức một cách sâu sắc về sự lâu dài và những khó khăn trên con đường đi tới đích. Đó là con đường mà Bác Hồ đã chọn; các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng ta đã trải qua. Các đồng chí ấy vừa là lãnh tụ của Đảng, đồng thời là những nhà tư tưởng, lý luận, tuyên truyền vô cùng xuất sắc của Đảng ta.

Cùng với việc ra sức học tập, nắm vững vũ khí tư tưởng, lý luận Mác - Lê-nin và phương pháp tiến hành đấu tranh cách mạng, chúng ta còn học được từ cha ông phương pháp, cách thức tiến hành công tác tuyên truyền, tư tưởng rất sinh động và hiệu quả. Để khích lệ tinh thần tướng sĩ trước khi bước vào trận quyết tử với giặc Tống trên dòng sông Như Nguyệt, trong một đêm trăng, Lý Thường Kiệt phái người vào ngôi miếu thiêng đọc bài “Thơ thần”: “Nam quốc sơn hà nam đế cư…”. Thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn là Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong những ngày đầu nhen nhóm lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, giữa lúc: “Nhân tài như lá mùa thu. Tuấn kiệt như sao buổi sớm”, các ông đã cho người lấy mỡ viết lên lá cây: “Lê Lợi vi quân - Nguyễn Trãi vi thần”. Những lá cây ấy đã được kiến ăn, hiện lên thành chữ như những bức thông điệp thiêng liêng báo cho muôn dân tin tưởng, hướng về chốn Lam Kinh tụ nghĩa. Và những “Hịch tướng sĩ”, “Đại cáo bình Ngô”… trước khi trở thành những áng văn chương bất hủ thì đã là những tuyên ngôn, những lời kêu gọi vang vọng núi sông. Trong pho sử vàng mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, những thành tựu và chiến công của ông cha ta đều luôn gắn với những bài học, những kinh nghiệm thành công trong công tác tuyên truyền, tư tưởng, kêu gọi, đoàn kết toàn dân thành một khối thống nhất, muôn người như một, nhất tề đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân và cội nguồn sức mạnh, là động lực to lớn và vĩ đại nhất của dân tộc ta trong những cuộc đọ sức với kẻ thù.

Từ khi Đảng ta ra đời, được vũ trang bằng hệ tư tưởng khoa học Mác - Lê-nin, công tác tuyên truyền, tư tưởng, lý luận càng được phát huy cao độ. Nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng chúng ta đã đánh thắng các kẻ thù xâm lược dù chúng có tiềm lực vật chất lớn hơn ta gấp bội. Có thể nhắc lại một trong số hàng trăm nghìn thí dụ về cách thức tiến hành công tác tư tưởng, tuyên truyền, cổ động đã được tiến hành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua. Khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” ra đời trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng tinh thần quyết tâm chiến đấu và chiến thắng ấy đã có từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để phát huy ý chí và sức mạnh của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bài hát “Hò kéo pháo” có sức mạnh cổ vũ, động viên vô cùng to lớn: “Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”. Cất lên những lời ca sục sôi lòng yêu nước và chí căm thù giặc ấy, các chiến sĩ Điện Biên được tiếp thêm sức mạnh, quên đói, quên rét, quyết tâm kéo pháo băng qua đèo cao, suối sâu, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đời đời bất diệt.

Công tác tư tưởng, tuyên truyền ông cha ta đã tiến hành trước đây cũng như chúng ta đang thực hiện ngày nay đều có một điểm chung là giáo dục lòng yêu nước; cổ vũ tinh thần sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Đó là ngọn cờ đại nghĩa luôn được giương cao “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; là chân lý vĩ đại “Không có gì quí hơn độc lập, tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết.

Chúng ta tự hào về công tác tuyên truyền, tư tưởng, lý luận của Đảng ta đã sớm nắm bắt được chân lý của thời đại, luôn quán triệt tinh thần trung thành và sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; của tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn kết hợp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa yêu nước; được toàn Đảng, toàn dân ta ủng hộ.

Chúng ta tự hào về những đóng góp của nhiều thế hệ đối với sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện được một đội ngũ cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng, những con người sống có lý tưởng, có niềm tin, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cao cả của nhân dân và đất nước. Từ trong khói lửa đấu tranh cách mạng đã xuất hiện biết bao tấm gương anh hùng đẹp như huyền thoại: Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, anh hùng Núp, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm… Họ đã hy sinh nhưng tên tuổi của họ vẫn còn sống mãi.

Chúng ta tự hào về những đóng góp to lớn của công tác tư tưởng, tuyên truyền đã trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có được nhận thức đúng đắn, khoa học. Trong đó yêu cầu hàng đầu là nhận thức được quy luật vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; có được khả năng hành động theo quy luật, thúc đẩy con người, lịch sử xã hội tiến lên. Hiểu được điều đó đối với mỗi người đã vô cùng quan trọng, với một tổ chức, cơ quan có chức năng đại diện, tham mưu cho Đảng, cho xã hội để làm công việc ấy càng quan trọng biết bao.

Nhận thức của con người là vô hạn, xét về khả năng. Nó có khả năng vượt trước, dự báo, phát hiện thông qua năng lực tư duy khoa học. Đấy là mặt tiên phong, cách mạng của nhận thức, ý thức. Mỗi khi công tác tuyên truyền, tư tưởng, lý luận làm tốt chức năng này nó sẽ đóng vai trò tiên phong, dẫn đường, thúc đẩy lịch sử, xã hội tiến lên phía trước. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới 30 năm qua ở nước ta được bắt đầu từ đổi mới tư duy trong Đảng. Đó là quá trình đấu tranh vô cùng khó khăn, gian khổ, là sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng và tư duy lý luận của Đảng ta nói chung, của những người làm công tác tư tưởng, lý luận nói riêng. Đó là chiến thắng của cái mới, cái tiến bộ, trẻ trung, đầy sức sống; là sự tự phủ định biện chứng, sự vượt lên của chính mình. Song nhận thức, ý thức còn có đặc tính khác, cũng mang tính quy luật. Đó là sự lạc hậu tương đối so với thực tiễn, cuộc sống. Một khi nhận thức, ý thức không tự khắc phục được nhược điểm này thì công tác tuyên truyền, tư tưởng, lý luận trở nên tụt hậu, lỗi thời, cứng nhắc, không những không làm được chức năng soi đường mà còn trở thành nhân tố cản trở sự phát triển. Vì thế những người làm công tác tư tưởng, lý luận cần phải luôn luôn cảnh giác với chính mình để không mắc phải một trong hai khuyết điểm nói trên.

Thực tiễn công tác tuyên truyền, tư tưởng, lý luận nhiều năm qua của chúng ta không nằm ngoài quy luật chung ấy. Thực tiễn đã cung cấp cho chúng ta những bài học và những kinh nghiệm vô cùng quý báu. Đó là tư duy của chúng ta càng sáng tạo, độc lập, tự chủ khi xử lý những vấn đề thực tiễn của đất nước thì thành công càng lớn. Và ngược lại, chủ quan, xa rời thực tiễn, sao chép máy móc kinh nghiệm từ bên ngoài, hoặc giáo điều, bảo thủ thì chúng ta phải trả giá.

Làm công tác tuyên giáo cũng như bất kỳ công tác nào khác, không một ai có khả năng bẩm sinh không thể mắc sai lầm. Nhưng phòng, chống để không mắc phải thì có thể. Phòng, chống bằng ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ nhận thức và lý luận. Phòng, chống bằng luôn bám sát thực tiễn đời sống xã hội; phải luôn thấm nhuần quan điểm thực tiễn cao hơn lý luận; thực tiễn là tiêu chuẩn, là thước đo của chân lý; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân… Chúng ta có thể phòng, chống bằng việc thực hiện phương pháp tiến hành công tác tư tưởng, lý luận khoa học, đúng đắn: thuyết phục, đối thoại, cầu thị, lắng nghe chứ không áp đặt, ra lệnh, coi thường ý kiến và kinh nghiệm của nhân dân. Những nguyên lý, những bài học chung, cơ bản ấy luôn luôn đúng, nhất là trong thời đại thông tin, khi trình độ của các đối tượng tiếp nhận thông tin, tư tưởng, lý luận đã khác trước càng vô cùng quan trọng. Một loạt sự kiện nóng bỏng diễn ra trong thời gian qua như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta, vụ cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền trung liên quan đến xả thải của tập đoàn Formosa, những vụ án tham nhũng, tiêu cực gây tổn thất lớn về tiền của và lòng tin của nhân dân cùng với những thách thức to lớn về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực thông tin, tư tưởng và dư luận đang diễn ra hằng giờ, hằng phút. Trong những ngày này là sự kiện Tòa Trọng tài quốc tế vừa đưa ra phán quyết vụ Phi-li-pin khởi kiện Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, bác bỏ những đòi hỏi hết sức vô lý của Trung Quốc… Từ góc nhìn và kinh nghiệm của công tác tuyên truyền, tư tưởng, lý luận, đó là những thách thức đối với đất nước, với sự lãnh đạo của Đảng nói chung, với công tác tuyên truyền, tư tưởng và lý luận nói riêng. Việc giải quyết thành công đến đâu, thành công hay không thành công đều liên quan trực tiếp đến nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành công tác tuyên truyền, tư tưởng.

Khó có thể nói hết những đóng góp quan trọng và to lớn của ngành và của đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo từ khi có Đảng, có Bác Hồ. Ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành, mỗi người làm công tác tuyên giáo hôm nay càng ý thức được những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đang đặt ra. Đó là, phải nỗ lực vượt lên, phát huy bài học kinh nghiệm đổi mới tư duy, tự bồi dưỡng và trang bị cho mình những nhận thức, kiến thức, phẩm chất đạo đức cách mạng; tiếp tục giương cao ngọn cờ vẻ vang mà Bác Hồ và các thế hệ đi trước đã trao lại cho chúng ta.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận và đấu tranh trên lĩnh vực thông tin diễn ra gay gắt hằng ngày, hằng giờ như hiện nay, cùng với biết bao những vấn đề vô cùng mới mẻ của thời đại chúng ta đang sống, những đòi hỏi đặt ra cho đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo càng nặng nề và cấp thiết. Khi nói tới yêu cầu phát huy những kinh nghiệm và bài học thành công chúng ta cũng đồng thời nhấn mạnh yêu cầu sửa chữa, khắc phục bệnh quan liêu, phô trương, hình thức và chậm đổi mới trong công tác tuyên giáo cũng quan trọng không kém yêu cầu khắc phục những suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XI đã chỉ ra.

Đó là những nhận thức với tinh thần cầu thị và nghiêm túc cần phải có của đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo hôm nay./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét