Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo
lý luận của V.I.Lê-nin về công tác xây dựng Đảng nói chung và về công tác kiểm
tra, kiểm soát, kỷ luật đảng nói riêng. Lý luận về kiểm tra, kỷ luật đảng trong
tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang soi đường cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ
luật của Đảng, được Đảng ta vận dụng có hiệu quả trong suốt quá trình cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo vấn đề kiểm tra, kỷ
luật trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Người chỉ rõ: “Khi có
chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi
cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy
sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[1]. Trong quá trình cách mạng, Đảng
động viên toàn bộ lực lượng, thông qua tổ chức, thực hiện đường lối, chủ trương
mà Đảng đã đề ra.
Trong công tác kiểm tra thì chủ yếu là kiểm tra cán bộ thực
hiện Điều lệ Đảng và nghị quyết của Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Mục đích lựa
chọn cán bộ là dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ
rèn”, và cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Mà muốn biết sự
động viên và thực hành ấy đã đến mức nào, thì phải có kiểm tra”[2].
Hồ Chí Minh cho rằng, nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo
thì cũng như chúng ta đã có ngọn đèn pha, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm,
khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần
mười khuyết điểm trong công việc chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức
sự kiểm tra được chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười,
gấp trăm.
Kiểm tra bao giờ cũng đi liền với kỷ luật trong Đảng. Hồ Chí
Minh coi: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ
chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”[3]. Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Kỷ luật
của Đảng là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”[4]. Chủ tịch Hồ Chí
Minh đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên càng có công thì càng phải khiêm tốn, không
được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”[5]. Người
yêu cầu đảng viên chẳng những phải giữ gìn kỷ luật của Đảng mà còn “phải giữ
gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”; họ
“tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất thì làm”[6]. Các đảng viên, cán bộ
đó “không biết kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể, nhân dân và Đảng cũng là
một”[7].
Theo Hồ Chí Minh, đối với mọi đảng viên cộng sản, khi nào và
ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức đảng, phải hành động
theo phạm vi kỷ luật của tổ chức, phải báo cáo, phải chấp hành nghị quyết, chỉ
thị một cách nghiêm túc, đúng đắn, sáng tạo.
Hồ Chí Minh yêu cầu những đảng viên giữ vị trí càng cao,
trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ
luật nghiêm khắc, không được châm chước, bao che cho nhau. Trong bất kỳ trường
hợp nào, Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của
Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Củng cố và tăng cường kỷ luật
đảng là nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức đảng. Tăng cường
kỷ luật đảng không phải là để kỷ luật cho nhiều đảng viên, mà chủ yếu là để
nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, tinh thần nghiêm chỉnh chấp
hành chỉ thị, nghị quyết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc lịch sử
và dành những lời đầu tiên cho Đảng: “Trước hết nói về Đảng... Trong Đảng thực
hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là
cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải
có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Theo Người, tự phê bình và phê bình là
phản ánh trung thực tinh thần dân chủ và sức chiến đấu của Đảng. Bởi vì: “...một
đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa
nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó,
xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm
đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân chính”[8].
Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp lãnh đạo phải biết nghe, dám
nghe và khuyến khích được nghe các ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến khác với suy
nghĩ lâu nay của mình. Người nhắc lãnh đạo các cấp phải: “Khiến cho cán bộ cả
gan nói, cả gan đề ra ý kiến... Nếu cán bộ không nói năng, không đề ra ý kiến,
không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì
không phải họ không có gì để nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất
hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái
máy, trong lòng uất ức không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản”[9].
Hồ Chí Minh khẳng định mọi đảng viên có quyền trình bày ý kiến
riêng của mình, đề đạt kiến nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Song khi đã có
nghị quyết của tập thể thì phải làm theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số,
cá nhân phục tùng tổ chức, nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Đó là quyền tự
do phục tùng chân lý.
Hồ Chí Minh cho rằng, thực tiễn cách mạng luôn vận động và
phát triển. Đảng ở trong xã hội và cùng xã hội phát triển. Tuy nhiên, mỗi khi gặp
tình hình mới, công tác mới... tư tưởng của một số cán bộ, đảng viên không khỏi
bỡ ngỡ, lệch lạc, hoặc “tả”, hoặc “hữu’, đó là điều bình thường, cho nên thống
nhất ý chí, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và
cực kỳ quan trọng. Người thường chỉ dạy: “Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng một
dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, Đảng
ta không có lợi ích gì khác. Để làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho Đảng,
toàn thể cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung
ương, phải tuyệt đối chấp hành nghiêm túc mọi chính sách và nghị quyết của Đảng”[10].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét