Để tăng độ "nóng" cho các luận
điệu xuyên tạc, một bộ phận truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại tiếp tục
lôi kéo, sử dụng các đối tượng bất mãn, có tư tưởng chống đối trong nước và
tâng bốc họ bằng các loại danh xưng tự phong, như: “Nhà nghiên cứu”, “nhà dân
chủ”, “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, “nhà hoạt
động môi trường”, “chuyên gia của dân oan”... Thông qua miệng lưỡi của các loại
“nhà” này, họ cố tạo ra uy tín giả để xuyên tạc luận điểm, ngụy tạo luận chứng,
bịa đặt luận cứ... vẽ ra bức tranh đen tối, tiêu cực về đời
sống KT-XH để lèo lái dư luận. Tuy nhiên, khi vào trang cá nhân trên
MXH của một số loại “nhà” này thì thấy, không ít đối tượng đã lợi dụng chiêu
trò để đánh bóng tên tuổi, bán hàng online, kinh doanh kiếm tiền. Mục tiêu của
nhiều đối tượng dạng này là trở thành những “Kols” (Kols là từ viết tắt
của Key Opinions Leaders, nghĩa là những người có tầm ảnh hưởng lớn trên
cộng đồng mạng, thường được mời tham gia các chiến dịch truyền thông để tạo sức
lan tỏa). Lợi dụng quyền dân chủ và tự do ngôn luận, họ không ngừng đánh bóng
tên tuổi để trở thành “Kols”, xâm hại lợi ích quốc gia, ám chỉ, bịa đặt, gây
tổn hại uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân... Đây là chiêu trò rất nguy hiểm.
Một số đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều
tra theo Điều 331 Bộ luật Hình sự thời gian gần đây, như: Trương Châu Hữu Danh,
Nguyễn Thị Bích Thủy (Bích Thủy TV), Phan Bùi Bảo Thi... chính là những “Kols”
dạng này. Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và tính nghiêm minh
của pháp luật đã có tác dụng răn đe, thức tỉnh nhiều người. Tuy nhiên, vẫn còn
không ít đối tượng, vì nhiều lý do, vẫn tiếp tục bị lôi kéo, dụ dỗ, thực hiện
các hoạt động trên không gian mạng theo kiểu lấp lửng, giả giả thật thật, u u
minh minh, nhằm ám chỉ, bịa đặt, xâm hại quyền lợi, danh dự tổ chức, cá nhân và
lợi ích quốc gia, dân tộc. Đáng tiếc, từ những thông tin kiểu dẫn dụ ấy, một số
cá nhân, trong đó có cả một số người trong giới trí thức, văn nghệ sĩ, hưu
trí... lại cả tin hùa theo, phát ngôn thiếu suy nghĩ kiểu ngẫu hứng cá nhân,
bỡn cợt, đả kích, gây hoang mang dư luận.
Không khó nhận ra chân tướng của những
chiêu trò này để phân biệt đâu là vàng, đâu là thau, đâu là hàng xi mạ bóng
bẩy. Trong đối tượng có đối tác và trong đối tác có đối tượng. Hãy nhìn cách họ
thể hiện thái độ, bày tỏ quan điểm cá nhân trên không gian mạng để chúng ta có
cách ứng xử phù hợp. Cách tốt nhất là cùng nhau tẩy chay, đấu tranh thẳng thắn
với những đối tượng có hành vi lệch lạc về tư tưởng, đi ngược lại lợi ích quốc
gia, dân tộc, đồng thời góp ý chân thành, thẳng thắn với những cá nhân có biểu
hiện dao động, bị lôi kéo, dụ dỗ. Bảo vệ môi trường văn hóa tư tưởng lành mạnh,
nhất là trên không gian mạng, phải bắt đầu từ những việc làm mang tinh thần xây
dựng, theo phương châm lấy xây để chống...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét