Tuần qua, sau khi TAND thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự đối với Đường Văn Thái (HĐXX tuyên phạt Thái 12 năm tù giam, quản chế 3 năm), các thế lực thù địch lại giở chiêu trò tung tin xuyên tạc, chống phá, đánh tráo bản chất vụ việc.
HĐXX đánh giá, việc
truy tố, xét xử bị cáo theo đúng quy định của pháp luật và bản án dành cho
Đường Văn Thái là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, một số
tổ chức gắn mác nhân quyền, các tổ chức phản động, cơ hội chính trị lại giở trò
kêu oan, khóc mướn cho Đường Văn Thái, cùng với đó là đả kích, bôi nhọ thể chế,
đả phá Đảng, Nhà nước ta. Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN American) trong ngày
30/10 vừa qua đòi “tẩy trắng” tội danh, kêu gọi trả tự do cho Đường Văn Thái. PEN
America vu cáo bản án dành cho Đường Văn Thái “rõ ràng vi phạm quyền tự do ngôn
luận”, cho rằng: “Việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến ôn hòa là đi
ngược lại các tiêu chuẩn quốc tế”. Đồng thời, tổ chức này còn lớn tiếng ra yêu
cầu “chính quyền Việt Nam lật ngược bản án khắc nghiệt này” và đòi trả tự do
cho Đường Văn Thái.
Cùng với đó, trên trang mạng xã hội của tổ chức Việt Tân, trang
mạng Chân Trời Mới Media cũng đăng bài, bình luận để cố xúy, suy tôn Đường Văn
Thái như “anh hùng” khi “dám đấu tranh vì công lý, lẽ phải”. Một số hãng truyền
thông ở hải ngoại vốn định kiến với Việt Nam như VOA, RFA đăng bài, clip phỏng
vấn, dẫn lại những tuyên bố của PEN American để tạo làn sóng phản đối phiên tòa
và bản án dành cho bị cáo Đường Văn Thái.
Có thể thấy, cứ thành thông lệ khi cơ quan chức năng bắt, xử lý
một số đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ, nhân quyền để hoạt động chống
phá chế độ, làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật
phẩm nhằm chống Đảng, Nhà nước ta thì các thế lực thù địch, phản động lại đánh
tráo bản chất, cho rằng đây là những “bằng chứng vi phạm dân chủ, nhân quyền”!
Sau khi cơ quan chức năng truy tố, xét xử và tuyên các bản án đối với bị cáo
thì các tổ chức mượn danh nghĩa nhân quyền, các tổ chức, đối tượng phản động và
số truyền thông hải ngoại lại mở chiến dịch kêu oan, khóc mướn, cổ xúy, tán
dương đối tượng phạm tội. Họ tôn vinh kẻ phá hoại đất nước như những “người can
đảm”, “người đấu tranh” cho tự do, dân chủ, nhân quyền mà bỏ qua một thực tế là
những người đó vi phạm pháp luật Việt Nam, phạm tội gây phương hại đến lợi ích
quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân.
Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch, những tổ chức mượn danh
dân chủ, nhân quyền như PEN American phớt lờ những quy định pháp luật, bỏ qua
nền thể chế của nước ta để áp đặt tùy tiện cái mà họ gọi là giá trị dân chủ,
nhân quyền lên Việt Nam, đòi Việt Nam cần phải thực hiện những yêu cầu phi lý
mà họ đưa ra. Điều này trực tiếp can
thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, trái với các quy định của luật pháp
Việt Nam và quốc tế. Đối với trường hợp của PEN American, đây không phải lần
đầu tổ chức này có những can thiệp sai trái mà trước đó đã có các trò lố khi đã
quyết định trao giải thưởng về tự do viết lách năm 2024 cho Phạm Đoan Trang với
lý do hết sức vô lý rằng, Phạm Đoan Trang “viết vì lương tâm”! Trong khi đó,
đối tượng này đang chấp hành án phạt tù vì có hành vi chống phá Nhà nước.
Như vậy, chiêu bài dân chủ, nhân quyền được giới khoác áo dân
chủ sử dụng bấy lâu vẫn theo cách thức chung là tô hồng kẻ phạm tội, khi đối
tượng bị truy tố, xét xử thì vu cáo Việt Nam “áp bức người bất đồng chính
kiến”. Khi những đối tượng phải chấp hành bản án theo quy định của pháp luật
thì họ tiến hành chiến dịch kêu oan, khóc mướn, “tẩy trắng” tội danh, đòi thả
tự do; đồng thời bôi đen thể chế, công kích Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thực chất
đó chỉ là màn kịch ngụy tạo, trá hình, vì lợi ích của chính những tổ chức này.
Ở Việt Nam không có cái gọi là “bịt miệng người bất đồng chính kiến”;
Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông
qua và công bố theo Nghị quyết 271A (III), ngày 10/12/1948 nêu rõ: “Mọi người
đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị
can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng
bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Song
Điều 29 của Tuyên ngôn này chỉ rõ: “Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng,
trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.
Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn
do luật pháp đặt ra…”.
Với mỗi quốc gia, dân tộc, trong quá trình phát triển, việc kế
thừa, vận dụng, tuân thủ các giá trị của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền có sự
khác nhau nhất định, do chi phối bởi đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội, văn
hóa. Song có một điểm chung bắt buộc là các quyền tự do ấy phải trong khuôn khổ
pháp luật, không thể có tự do, dân chủ quá trớn. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã nỗ
lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các
nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp
luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập
hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định”. Hay như
trong các luật được ban hành như Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013), Luật Báo
chí (năm 2016), Luật An ninh mạng (năm 2018)..., quyền tự do ngôn luận luôn
được tôn trọng và bảo đảm.
Có thể hiểu rằng, tự do ngôn luận là tự do phát biểu ý kiến của
mình, bàn bạc một công việc chung; là quyền của công dân được tham gia bàn bạc,
thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung của xã hội. Nhưng tự do ngôn
luận không phải thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết. Viết và nói phải
mang tính chất xây dựng, không thể vì lợi ích cá nhân mà xâm hại đến lợi ích
của quốc gia, dân tộc, xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá
nhân, không thể giống cái cách như Đường Văn Thái đã làm. Lợi dụng quyền tự do
dân chủ, nhân quyền đi ngược lại giá trị chung của cộng đồng xã hội đều phải
nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Mọi chiêu trò kêu oan, khóc mướn, “tẩy
trắng” tội danh cho tội phạm như cái cách mà các tổ chức mượn danh dân chủ,
nhân quyền và các thế lực thù địch, phản động đã làm là can thiệp sai trái vào
công việc nội bộ của Việt Nam, là trái với những nguyên tắc chung của thông lệ,
luật pháp quốc tế, cần phải đấu tranh, bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét