Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ngày 20-10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đạt những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 và tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và chủ trương thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết BCH Trung ương Đảng thống nhất phát triển đường sắt tốc độ cao là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thân thiện môi trường. Theo Thủ tướng, cần thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thành đồng bộ toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định. Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án; phát triển công nghiệp, nhân lực đường sắt để làm chủ công tác vận hành, bảo trì và từng bước làm chủ sản xuất các thiết bị, phương tiện...
Nhấn mạnh dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ là công trình biểu tượng của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thủ tướng cho rằng bên cạnh quyết tâm chính trị, cần đổi mới cách làm, cách quản lý để triển khai dự án đặc biệt quan trọng này.
Người đứng đầu cần đủ năng lực, uy tín
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh.
Để đạt mục tiêu trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu trước hết cần thống nhất trong toàn Đảng về quyết tâm chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chính phủ, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải thực sự quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tập trung triển khai ngay một số đột phá đã được Trung ương thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Về đột phá về thể chế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phải tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, quy trình với tinh thần tháo gỡ triệt để rào cản, cải cách triệt để thủ tục hành chính, mở rộng không gian cho phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm có tính lan tỏa; bảo đảm tiến độ trong mọi tình huống, tốt nhất là rút ngắn tiến độ trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện dự án đường dây 500 KV mạch 3. Thực hiện ngay các công việc để triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sớm nhất, hiệu quả nhất.
Để chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo mỗi địa phương cần xác định rõ giải pháp xây dựng mô hình XHCN gắn với con người XHCN, trong đó TP Hải Phòng và Đà Nẵng đi đầu để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra cả nước. Tập trung xây dựng, bảo đảm chất lượng văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp và văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu những vấn đề mới từ thực tiễn đang nổi lên cần các cấp ủy đóng góp ý kiến xây dựng văn kiện đại hội, gồm: quản trị quốc gia và quản trị địa phương; nâng cao năng lực tự lực, tự cường; quan hệ giữa tư duy quản lý và phát triển; cách thức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả, chống lãng phí; đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật...
Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, cần đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Bối cảnh mới đặt yêu cầu rất cao về công tác cán bộ
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết Báo cáo Chính trị Đại hội XIV của Đảng sẽ có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là thông điệp rõ, ngắn gọn. Riêng nội dung hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nhanh, bền vững đất nước, nếu như trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ đề cập một câu thì nay trở thành một vấn đề.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết BCH Trung ương Đảng nhận định Đại hội XIV của Đảng có ý nghĩa quan trọng, mang tính bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu rất cao trong công tác cán bộ; đòi hỏi chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng và sáng suốt lựa chọn, bầu được BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét