Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

 NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG VIÊN TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG

 TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc, cố tình bôi xấu cán bộ, đảng viên, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ đoàn kết, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân…

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đây là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, một nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng.

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”.

Thực tế thời gian qua cho thấy liên tục xuất hiện một số cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng hoặc thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức… dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang sử dụng không gian mạng để chống phá trực diện khuếch trương thanh thế, cổ súy “giá trị” văn hóa phương Tây. Chúng lập những tài khoản, website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng… để tung tin gieo rắc hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm, kích động, lôi kéo người dân tụ tập trái phép, biểu tình, phá rối an ninh trật tự và có các hành vi phạm pháp.

Theo Bộ Thông tin-Truyền thông, từ đầu năm 2020 đến nay, qua rà quét, giám sát, Bộ đã gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo tên các đồng chí Trung ương, 4.500 tin bài xấu độc trên Facebook và 30.000 video xấu độc trên Youtube.
Trung tâm giám sát xử lý an toàn thông tin mạng quốc gia có thể rà soát, phân tích, xử lý khoảng 300 triệu tin giả, tin xấu độc mỗi ngày; tỷ lệ tháo gỡ các video xấu, độc trên kênh Youtube hiện nay đã lên đến 90%; mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc.

Năm 2020 Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tham mưu phát hiện, ngăn chặn và xử lý một số vụ việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi và vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; xử lý nhiều cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội; rà soát và phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện gỡ bỏ nhiều video xấu độc trên mạng xã hội.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần:

1. Nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết TW 4 khoá (XI, XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; tự giác tu dưỡng rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng.

2. Tích cực đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; đồng thời luôn tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, những phần tử bất mãn. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ nhận định, đánh giá về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó.

3. Chú trọng nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật trong khi tiếp xúc thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng. Khi tham gia mạng xã hội cần nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là công dân gương mẫu.

4. Nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn xuất phát từ những hành động cụ thể gắn với công việc, cuộc sống hằng ngày; không xa hoa, lãng phí, không gây mất đoàn kết nội bộ. Tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày, đồng thời phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch trên không gian mạng./.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét