NGƯỜI CHÍNH TRỊ VIÊN TRONG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
6 tháng trước khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên
truyền Giải phóng quân, giữa núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ đã soạn thảo “Cuốn sách
của người Chính trị viên” với những huấn thị của Người về vai trò, vị trí, tầm
quan trọng của công tác chính trị, vai trò của người Chính trị viên trong các
đơn vị bộ đội. Tác phẩm gồm 44 trang, trong đó lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tập trung
làm nổi bật các vấn đề cốt lõi của công tác chính trị.
Ngay trong phần nội dung đầu tiên của tác phẩm,
Người đã nói rõ và cụ thể về vai trò công tác của người Chính trị viên trong
đội vũ trang hay đội du kích: Trong sinh hoạt chính trị, sinh hoạt quân sự và
sinh hoạt vật chất. Người viết:
“1. Trong đội vũ trang hay đội du kích sinh hoạt
kém thì ai chịu trách nhiệm?
- Trả lời: Hoàn toàn là người chính trị viên chịu
trách nhiệm.
2. Trong đội vũ trang hay đội du kích sinh hoạt
quân sự kém hay sai lầm thì ai chịu trách nhiệm?
- Trả lời: Cả Đội trưởng cùng Chính trị viên chịu
trách nhiệm. Nếu vũ trang hành động có hại về mặt chính trị thì trách nhiệm của
Chính trị viên nặng nề hơn.
3. Trong đội vũ trang hay đội du kích sinh hoạt
vật chất hoặc thiếu thốn hoặc quá xa xỉ? thì ai chịu trách nhiệm?
- Trả lời: Phần lớn Chính trị viên chịu trách
nhiệm.
Thế mới biết nhiệm vụ của Chính trị viên là khó
khăn.”
Trong phần “Công tác chính trị trong đội du
kích”, Người nêu bật sự cần thiết của công tác chính trị trong đội du kích:
“Không có công tác chính trị đúng thì đội du kích dễ bị mất tính chất cách mạng
của nó, dễ đi con đường sai lầm, không lợi cho cách mạng và có thể rất hại cho
cách mạng, ví dụ nó có thể hóa ra quân phiệt, hóa ra thổ phỉ.”. Công tác chính
trị trong đội du kích, gồm: Công tác chính trị đối với bộ đội; công tác chính
trị với dân chúng; công tác chính trị đối với quân đội đế quốc.
Công tác chính trị đối với bộ đội trên các mặt:
Nhận thức chính trị; sinh hoạt; công tác chính trị trước khi chiến đấu; công
tác chính trị trong lúc chiến đấu; công tác chính trị sau khi chiến đấu.
Công tác chính trị trong dân chúng: Cần nhất quán
nguyên tắc “quân dân nhất trí”, Người nhấn mạnh: “Du kích là đội quân của dân,
ở trong dân chúng do dân chúng tổ chức ra để binh vực quyền lợi cho dân chúng
vì dân chúng mà hi sinh, chiến đấu giành chính quyền”. Để đảm bảo công tác
chính trị trong dân chúng đạt hiệu quả cần: Chú trọng công tác tuyên truyền cổ
động; tổ chức huấn luyện; phát huy lực lượng của dân chúng; cách đối đãi với
dân chúng.
Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành riêng 1
chương viết về “Địa vị của người Chính trị viên”. Người Chính trị viên cần có
những tư cách sau:
1. Đi đúng con đường chính trị giác ngộ cách mạng
sâu sắc, nhận thức cách mạng vững vàng, có lý luận cách mạng và kinh nghiệm
chính trị dồi dào.
2. Phải là người có năng lực lãnh đạo, người
Chính trị viên “không phải một ông quan suốt ngày ngồi trên bàn giấy viết thông
cáo và chỉ thị. Người Chính trị viên là người nhúng tay vào tất cả mọi việc để
do đó còn dìu dắt người khác. Người Chính trị viên phải có nhiều năng lực lãnh
đạo, năng lực này phải đủ mọi mặt quân sự lẫn chính trị, năng lực về tuyên
truyền, tổ chức, xếp đặt kế hoạch…”.
3. Làm mô phạm, nói về tác dụng mô phạm của người
Chính trị viên ở chỗ: “Người Chính trị viên là người nhúng tay vào tất cả mọi
việc để do đó còn dìu dắt người khác. Nhúng tay vào làm thực sự chứ không phải
làm cho qua chuyện. Nhúng tay vào làm hơn người ta cho người ta noi theo mà
làm, cho người ta bắt chước”. Tính mô phạm của người Chính trị viên về mặt kỉ
luật; mặt giữ bí mật; mặt xử trí tiền tài của đoàn thể… Trong bất cứ lúc nào,
bất cứ việc gì người Chính trị viên cũng phải làm gương.
Phần cuối của tác phẩm, Người viết:
“Xem xong “Cuốn sách của người Chính trị viên”
này, các đồng chí chính trị viên hiện thời và tương lai nhận thấy thế nào?
Chắc chắn các đồng chí nhận thấy khó khăn lắm!
Khó vẫn khó!
Nhưng chúng ta là người cách mạng, hơn nữa chúng
ta là Chính trị viên, chúng ta phải học tập, làm cho được.”
Theo Người, xây dựng Quân đội về chính trị là
phải chú trọng đến bản chất giai cấp công nhân, đến tính nhân dân và tính dân
tộc, làm cho Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành và tin cậy của
Đảng, Nhà nước và nhân dân; lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để xây dựng các
mặt khác; coi việc xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần là một trong những
nhân tố quyết định đến thắng lợi…
Chiến đấu với những đội quân nhà nghề, thiện
chiến, được trang bị vũ khí tối tân hơn hẳn nhiều lần, trong lúc Quân đội ta
phát triển lên “từ không đến có”, vừa chiến đấu vừa xây dựng thì chỉ có thể
giành thắng lợi trước kẻ thù xâm lược bằng sự vững mạnh về chính trị. Lịch sử
đã chứng minh, Quân đội ta chiến đấu và chiến thắng đội quân xâm lược nhà nghề
của “hai đế quốc to” cũng là nhờ vững mạnh về chính trị. Trong quá trình xây
dựng Quân đội, Người không bao giờ xem nhẹ vũ khí và trang bị kỹ thuật, nhưng
Người luôn luôn nhấn mạnh: “Vũ khí rất cần, nhưng quan trọng hơn là người sử
dụng vũ khí”, “là người vác súng”. Người nói: “Chúng ta không sợ thiếu vũ khí,
chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí”. Vì vậy, trong sự nghiệp
cách mạng, Bác Hồ đã dành tâm huyết để đào tạo, rèn luyện, chăm sóc những thế
hệ chiến sĩ cầm súng trung thành, có bản lĩnh chính trị, tinh thông về quân sự,
có trình độ văn hóa và sức khỏe dồi dào, là những con người “dám quyết tử cho
Tổ quốc quyết sinh”. Người nói làm được thế thì “không quân đội nào, không khí
giới nào có thể đánh ngã được Quân đội nhân dân Việt Nam”.
“Cuốn sách của người Chính trị viên” là một trong
những tiền đề, cơ sở lý luận khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng
quân với 34 đồng chí, trong đó đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) là Chính
trị viên. Ngay khi thành lập, Đội đã quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng,
phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”.
Người thường xuyên huấn thị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có
gốc, vô dụng lại có hại.Quân đội ta là quân đội nhân dân, nhân dân có Đảng lãnh
đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học
chính sách của Đảng”.
Suốt 76 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đi
trước tiếp tục dìu dắt thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay đã phát huy mạnh mẽ phẩm
chất “Bộ đội Cụ Hồ”, giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”, xây dựng
quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm tròn hai nhiệm
vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng
đáng với niềm tin yêu của Đảng và của nhân dân và thực hiện trọn vẹn lời dạy
của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến
đấu hi sinh vì độc lập - tự do của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào
cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét